Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH PHONG PHÚ

19/03/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Phong Phú tọa lạc tại tổ dân phố Phong Phú 2, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Về tên làng, theo tài liệu ghi chép, làng Phong Phú ngày nay vào năm 1810 có tên là “An Phú xã” (tên Nôm là xứ Gò Duối, Gò Găng, Bồ Đề, Gò Phước) thuộc tổng Hạ, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa, trấn Bình Hòa[1]. Đến thời vua Tự Đức năm thứ 5 (1852), địa danh “An Phú xã” đổi thành “xã Phong Phú”[2].

Về niên đại, có hai dữ kiện để đoán định năm xây dựng di tích: Thứ nhất, theo lời kể của hào lão trong làng, đình Phong Phú được xây dựng vào năm 1843 (Qúy Mão); thứ hai, căn cứ vào sắc phong sớm nhất mà vua Tự Đức ban tặng cho đình Phong Phú vào năm 1852. Từ hai dữ kiện này, ta có thể xác định rằng đình Phong Phú được khởi dựng vào cuối thế kỷ XVIII.

Đình Phong Phú dựng lên để thờ Thành Hoàng, Ông Nam Hải, Tiền hiền, Hậu hiền, Thiên Y A Na, âm hồn, Sơn lâm, Thổ địa và anh hùng liệt sỹ.

Từ khi xây dựng đến nay, đình Phong Phú đã trải qua những năm tu bổ như sau: 1957, 1968, 2015.

Hiện nay, đình Phong Phú còn bảo lưu được các hoành phi, câu đối, lư hương và 05 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng cho Bản Cảnh Thành Hoàng. Các sắc phong cho phép nhân dân tiếp tục thờ cúng các vị thần tại đình, gồm:
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Thành Hoàng;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Thành Hoàng;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong cho Thành Hoàng;
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Thành Hoàng;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Thành Hoàng.

Đình Phong Phú tọa lạc vị trí đầu làng, mặt tiền quay về hướng Nam, trong khuôn viên có diện tích 2.420m2. Đình Phong Phú bố cục trên mặt bằng tổng thể bao gồm các công trình kiến trúc như sau: Án phong, sân đình, chính điện, nhà đông, nhà tây, miếu Âm hồn, miếu Thiên Y A Na, nhà bếp.

Các vì kèo, cột, đầu dư ở chính điện được phủ vecni vừa chống mối mọt và vừa tăng thêm nét cổ kính cho ngôi đình. Các đầu dư được chạm trổ hình đầu rồng, sơn màu xanh và điểm xuyến vài đường nét màu vàng, màu trắng. Vì nóc kết cấu theo kiểu vì kèo. Trang trí trên tường là các điển tích, điển cố phong phú đề tài và đa dạng về màu sắc như: Phong cảnh thiên nhiên, bát tiên, lưỡng long chầu nhật... Đây là những bức tranh/đắp nổi có giá trị nghệ thuật, bố cục rất hài hòa và giàu tính thẩm mỹ. Đến nay, kiến trúc cổ của di tích được bảo quản tốt và tương đối nguyên vẹn.

Ngày nay, đình Phong Phú tổ chức lễ hội vào tháng 2 âm lịch. Một trong những nghi thức tiêu biểu, thu hút sự quan tâm của nhiều người, đó là nghi thức rước sắc phong từ chùa Bửu Quang (làng Phong Phú) về đình. Phần hội: hát bội, múa lân, kéo co, ca hát...tạo sự đoàn kết, vui tươi sôi nổi cho bà con tham gia sau những ngày lao động vất vả. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày với sự tham gia của bà con dân làng, các ban ngành đoàn thể địa phương và một số đình bạn.

Về sự kiện lịch sử, trong quá trình đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, đình Phong Phú là một trong những địa điểm diễn ra các sự kiện lịch sử:

Năm 1946, cả nước diễn ra bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đình Phong Phú là một trong những địa điểm vinh dự được chọn đặt hòm phiếu để cử tri địa phương đi bỏ phiếu.

Năm 1967, Mỹ và Nam Triều Tiên mở 2 cuộc tấn công càn quét lớn bằng binh chủng hợp thành đánh vào Hòn Bà, Hòn Lớn, Hòn Hèo nhằm bao vây tiêu diệt các cơ quan lãnh đạo kháng chiến và quân chủ lực của ta[3]. Lúc này, tại đình Phong Phú dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Trọng Lại (Mũi trưởng vùng Đông Ninh Hòa) đã tổ chức hai trận đánh lớn với hai Trung đội địch và kết quả ta thu được thắng lợi lớn.

Ghi nhận những giá trị tiêu biểu, nổi bật về lịch sử - văn hóa của đình Phong Phú, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng đình Phong Phú là cấp tỉnh tại Quyết định số 2504/QĐ-UBND ngày 10/10/2008.

Một số hình ảnh trang trí bát tiên ở chính điện đình Phong Phú:

 

 

Trần Thị Thanh Loan

1] Nguyễn Đình Đầu 1997: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa. - T.p Hồ Chí Minh: NXB thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Xem thêm: Nội dung sắc phong của đình Phong Phú (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa).
[3] Đảng cộng sản Việt Nam (2005), Lịch sử  Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam huyện Ninh Hòa 1930 – 1975, huyện Ủy Ninh Hòa, tr.349.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH VĨNH PHÚ
Đình Vĩnh Phú có niên đại khoảng giữa thế kỷ XIX, là một trong những ngôi đình hình thành sớm trên vùng Ninh Hòa. Di tích tồn tại cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất. Ngôi đình là một minh chứng cho sự tồn tại của làng Vĩnh Phú xưa (nay là Tổ dân phố 11, 12 và 13), trong đó hội tụ hầu như đầy đủ những giá trị mà cha, ông ta đã sáng tạo ra và lưu truyền lại.
ĐÌNH ĐÔNG HẢI
Đình Đông Hải còn lưu giữ được khá nhiều di vật cổ. Các di vật ở đây khá phong phú về thể loại và chất liệu như: 7 sắc phong các vua triều Nguyễn ban tặng, khám rước sắc, đôi lọng, chiêng, trống, thanh la…Ngoài ra, đình cũng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là các nghi thức, nghi lễ cúng, bài văn cúng, bản nhạc cúng…
ĐÌNH BẰNG PHƯỚC
Đình Bằng Phước tọa lạc tại thôn Bằng Phước, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH VĂN ĐỊNH
Đình Văn Định tọa lạc bên cạnh trục đường liên xã, gần phía Tây chân núi Ổ Gà, thuộc xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH PHÚ NGHĨA
Đình Phú Nghĩa tọa lạc tại thôn Phú Nghĩa, xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đình Phú Nghĩa được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Lúc mới tạo dựng, đình được làm bằng tranh tre, nứa lá thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Tân Định.
CHÙA PHÁP HẢI
Chùa Pháp Hải tọa lạc tại thôn Lạc Bình, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa Pháp Hải do ngài Thích Quảng Đức đứng ra khai sáng vào năm 1940, ban đầu chùa tọa lạc tại thôn Ngọc Sơn (xã Ninh An). Đến năm 1946, chùa bị thực dân Pháp đốt phá. Cũng trong năm 1946, chùa phải dời về thôn Lạc Bình (xã Ninh Thọ) và được dựng lại trong khuôn viên đất của một Phật tử là ông Nguyễn Văn Chất - pháp danh Đồng Trực - phát tâm cúng hiến.
CHÙA KIM LONG
Chùa Kim Long được xây dựng trong khuôn viên có tổng diện tích là 4.190m2, mặt tiền quay về hướng Tây. Từ ngoài vào trong, chùa có bố cục mặt bằng tổng thể bao gồm các thành phần kiến trúc như: Tam quan, Đài Quan Âm Bồ Tát, chính điện, nhà tổ, nhà đông, nhà tây và cổng phụ.
VĂN CHỈ NINH HÒA
Văn miếu/Văn chỉ/Văn từ là danh xưng có cùng một chức năng là nơi tôn thờ Nho giáo, tuy nhiên, chỉ khác nhau về cấp bậc ở chữ kèm theo sau là “miếu”, “chỉ”, “từ”. Theo đó, Văn miếu thuộc cấp trung ương, tỉnh, trấn; Văn từ, chỉ thuộc cấp tổng, huyện, làng, xã.
ĐÌNH HIỆP THẠNH
Đình Hiệp Thạnh tọa lạc tại thôn Hiệp Thạnh, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trước năm 1810, làng Hiệp Thạnh có tên gọi là Hương Thạnh xã (thuộc tổng Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa), gồm có hai xứ là xứ Gò Đình và xứ Cây Me. Năm 1890, Hương Thạnh xã đổi thành Hiệp Thạnh xã, Tân Định huyện, Khánh Hòa tỉnh.
ĐÌNH HỘI BÌNH
Đình Hội Bình tọa lạc tại Tổ dân phố Hội Thành, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tên gọi “Hội Bình” mang ý nghĩa là nơi hội tụ sự bình an.