Đình Điềm Tịnh tọa lạc giữa cánh đồng, đầu làng tại thôn Điềm Tịnh thuộc xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
* Nguồn gốc di tích
Đình Điềm Tịnh ra đời, tồn tại gắn liền với những lần thay đổi mảnh đất và con người làng Điềm Tịnh ngày nay. Thuở mới lập, làng có tên là Xuân An xã; đến triều vua Thiệu Trị, làng đổi tên là làng Điềm An; sau đó, làng lại tiếp tục đổi thành làng An Thạch Đông; sau một thời gian đổi thành làng Điềm Tĩnh; đến triều vua Tự Đức, làng có tên gọi là làng Điềm Tịnh[1].
Tên gọi đình làng được đặt theo danh xưng của làng, vì vậy, đồng thời với việc thay đổi tên làng thì tên đình làng cũng thay đổi theo, vì đình ra đời sau khi làng xóm đi vào ổn định nên đình Điềm Tịnh ngày nay còn được biết đến với tên gọi khác là đình làng An Thạch Đông hay đình Điềm Tĩnh. Tên gọi Điềm Tịnh có ý nghĩa: dân làng mong muốn xóm làng bình an, cuộc sống của nhân dân ổn định và tên gọi này được giữ nguyên từ đó đến nay. Sau một thời gian định cư khai hoang lập nghiệp trên vùng đất mới, nhân dân trong làng đã dựng lên ngôi đình nhỏ để thờ thần linh và làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân cư trong làng.
Đình Điềm Tịnh ra đời từ lúc nào không ai còn nhớ, trong ký ức của nhiều người về một ngôi đình được tạo lập từ thuở ban đầu như sau: Đình tọa lạc trên cồn đất giữa cánh đồng của làng, diện tích khoảng 60m2 với hệ thống cột, vì kèo, rui mè bằng gỗ, mái lợp tranh, vách mầm trĩ (đất), nền lát gạch bát tràng. Do làm bằng các vật liệu đơn giản, khả năng chống chịu sự khắc nghiệt của thời tiết không cao nên đình Điềm Tịnh đã qua 3 lần (1704, 1750, 1810) tu bổ trước khi di dời. Năm 1875, các cột gỗ bị hư hỏng nặng, đình xuống cấp nghiêm trọng và vì vị trí này không thuận lợi cho việc nhang khói cũng như cúng tế hàng năm nên dân làng đã họp bàn và thống nhất dời đình về địa điểm ngày nay (cách vị trí cũ 300m về phía Đông Nam, diện tích 200m2).
Về niên đại ngôi đình hiện tại, căn cứ vào bức đại tự bằng chữ Hán trên cổ lầu ở chính điện có ghi “…tạo dựng tháng Hai năm Ất Mùi” và sắc phong sớm nhất mà triều vua Thành Thái năm thứ 02 (1890) ban tặng cho làng Điềm Tịnh thờ phụng Thành Hoàng và Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị Thánh nương tại đình Điềm Tịnh, ta có thể đoán định được niên đại tương đối của di tích là khoảng vào cuối thế kỷ XIX. Trải qua thời gian dài tồn tại, cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết và chiến tranh, đình Điềm Tịnh đã xuống cấp và qua những năm tu bổ: 1954, 1971, 2004, 2009.
* Đặc điểm di tích
Mặt tiền đình Điềm Tịnh nhìn về hướng Tây Nam, trong khuôn viên có tổng diện tích 1.675 m2. Từ ngoài vào trong, đình Điềm Tịnh có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Cổng đình (Nghi môn), trụ cờ, án phong, miếu Sơn Lâm, miếu Mục đồng - Mục tượng, miếu Tiền hiền, chính điện, nhà khách, miếu Thiên Y A Na, nhà bếp.
Đình Điềm Tịnh được dựng lên để thờ Thành Hoàng làng và phối thờ Tiền hiền, Mục đồng-Mục tượng, Sơn Lâm chúa tướng và Thiên Y A Na.Mặt trước miếu Thiên Y Na tại đình Điềm Tịnh
Hiện tại, đình Điềm Tịnh còn bảo lưu được các hiện vật cổ như hoành phi, câu đối…đặc biệt là 05 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng:
-Triều vua Thành Thái năm thứ 02 (1890) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
-Triều vua Thành Thái năm thứ 02 (1890) phong cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị Thánh nương.
-Triều vua Duy Tân năm thứ 03 (1909) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
-Triều vua Duy Tân năm thứ 03 (1909) phong cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị thánh nương.
-Triều vua Khải Định năm thứ 09 (1924) phong cho Thiên Y A Na.
Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, đình Điềm Tịnh là một trong những địa điểm diễn ra các sự kiện lịch sử:
Từ năm 1926, đình Điềm Tịnh là nơi nhân dân trong làng đoàn kết chống lại thực dân Pháp dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Thế và ông Nguyễn Bưởi. Năm 1930, ông Nguyễn Thế vận động nhân dân trong thôn cùng nhau kéo xuống đường mitting, biểu tình, đòi giảm thuế.Trong thời kỳ 1945-1946, thôn Điềm Tịnh có hơn 51 người thoát ly kháng chiến và hơn 40 gia đình tham gia cách mạng. Năm 1946, thôn Điềm Tịnh thành lập một tổ rèn vũ khí (gươm, dao, mát, chông…) gồm 12 người và một tổ làm giầy ca rép gồm 10 người. Cả hai tổ (rèn luyện vũ khí và làm giầy) đã chọn đình Điềm Tịnh làm địa điểm cung cấp cho cách mạng.
Hằng năm, đình Điềm Tịnh tổ chức lễ hội trong hai ngày là 16/02 và 17/02 (Âm lịch). Mỗi dịp lễ hội, Ban tế tự đều tổ chức rước sắc [gửi ở chùa Thiên Bửu Thượng (xã Ninh Phụng)] về đình, sau khi hoàn lễ thì hồi sắc về chùa.
Từ những giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của di tích, ngày 30/12/2010 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 3420/QĐ-UBND xếp hạng di tích đình Điềm Tịnh là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Trần Thị Thanh Loan
[1] - Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu địa triều Nguyễn Khánh Hòa, Nxb TP.HCM, TP.HCM;
- Quy ước làng văn hóa thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa.
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: