Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH MỸ HIỆP

08/07/2019 00:00        
Đọc tin

Đình Mỹ Hiệp tọa lạc tại tổ dân phố 3, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đình cách UBND thị xã Ninh Hòa khoảng 300m về phía Nam.

Đình Mỹ Hiệp thờ các vị thần: Bản cảnh Thành hoàng, Đại càn quốc gia Nam Hải Tứ vị thánh nương, Tiền hiền - Hậu hiền, Tiên sư Thổ Công, Tiền bối - Hậu bối, Thiên Y A Na, Chúa Tiên Thần hậu Thánh mẫu nương nương, Nương nương Hồng nữ Tiên phi Châu báu nhị vị Thái tử chúa Thần nữ Man Nương, Phu nhân Cố Hỷ, Hoàng Thiên Hậu Thổ, Âm hồn, Ngũ hành, Sơn Lâm chúa tướng, Liệt sĩ.

Từ khi khởi dựng đến nay, đình Mỹ Hiệp đã trải qua những năm tu bổ: 1873, 1931, 1953, 1966, 1991, 2009.

Khuôn viên đình Mỹ Hiệp

Đình Mỹ Hiệp tọa lạc trong khuôn viên khép kín có tổng diện tích 1.162m2, mặt tiền của di tích quay về hướng Đông Bắc. Từ ngoài vào trong, đình Mỹ Hiệp có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, án phong, cột cờ, 05 gian thờ [chính giữa là tiền tế - chính điện; bên trái là miếu Hội đồng và liền kề với miếu Hội đồng là miếu Chúa tướng; bên phải là nhà Tiền hiền và liền kề với nhà thờ Tiền hiền là miếu Âm hồn]; nhà bếp và khuôn viên đình Mỹ Hiệp cũ.

Điểm nhấn trong trang trí, điêu khắc trên kiến trúc đình Mỹ Hiệp, đó là hệ thống cột gỗ và bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng” hay hệ thống linh vật: Long, lân, quy, phụng, hổ, dơi…được các nghệ nhân khai thác triệt để. Hình ảnh tứ linh thể hiện dưới dạng “Lưỡng long tranh châu”, hay hình ảnh “Bát tiên”, “Tứ quý”: Tùng, trúc, cúc, mai. Ngoài ra, theo lời truyền khẩu thì chữ “THẦN” tại chính điện là do cụ Nguyễn Khanh viết tặng cho đình vào năm 1873.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình Mỹ Hiệp là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương:
- Ngày 15/7/1930, đình Mỹ Hiệp là nơi tập hợp quần chúng nhân dân phân phát truyền đơn, tài liệu cho cuộc biểu tình ngày 16/7/1930 và ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
- Trong thời kỳ 1930-1945, đình Mỹ Hiệp là nơi liên lạc, hoạt động của cán bộ, chiến sĩ cách mạng của huyện Ninh Hòa và một số nơi khác của tỉnh Khánh Hòa.
- Ngày 16,17/8/1945, đình Mỹ Hiệp là nơi thanh niên tập luyện quân sự và tập trung lực lượng quần chúng chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi giành chính quyền thắng lợi, UBNDCMLT (Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời) phủ Ninh Hòa được thành lập và đóng tại đình Mỹ Hiệp một thời gian, sau đó chuyển về Phủ đường Ninh Hòa thì đình Mỹ Hiệp là trụ sở của UBNDCMLT thị trấn Ninh Hòa.
- Trong những ngày đầu tháng 9/1945, đình Mỹ Hiệp là nơi tổ chức quyên góp “Tuần lễ vàng”, mở các lớp bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ cho nhân dân trong làng và một số làng lân cận.
- Sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta cuối năm 1945, đình Mỹ Hiệp trở thành nơi đóng quân của Bộ tư lệnh Tiền phương Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày đầu, sau đó là trụ sở của Ban chi viện, tiếp tế cho Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Bên cạnh đó, đình Mỹ Hiệp còn là nơi tổ chức tuyên truyền, đón tiếp, cứu chữa thương bệnh binh.
- Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), đình Mỹ Hiệp tiếp tục là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng ở Ninh Hòa. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, một số cán bộ của tỉnh và các đơn vị bộ đội được phân công về Ninh Hòa và chọn đình Mỹ Hiệp làm nơi lưu trú và họp bàn kế hoạch. Khi ta tấn công địch ở quận lỵ Ninh Hòa Tết Mậu Thân, đình Mỹ Hiệp là nơi tập trung lực lượng và là nơi cứu chữa tạm thời thương binh trước khi đưa về hậu cứ điều trị.

Hàng năm, nhân dân phường Ninh Hiệp tổ chức lễ hội đình Mỹ Hiệp vào tháng 02 âm lịch. Lễ hội đình Mỹ Hiệp thực sự là một ngày hội lớn của nhân dân phường Ninh Hiệp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tới tham dự.

Ghi nhận những giá trị tiêu biểu của di tích, ngày 23/3/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 644/QĐ-UBND xếp hạng đình Mỹ Hiệp là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                                                                                       Trần Thị Thanh Loan

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
CHÙA THIÊN BỬU
Chùa Thiên Bửu là một trong những ngôi chùa lưu dấu nhiều nhân vật, sự kiện liên quan đến sự hình thành và phát triển đạo Phật vùng đất Khánh Hòa nói riêng, vùng đất phía Nam nói chung, như: Thiền Sư Tế Hiển – Bửu Dương có công hoằng dương Phật Pháp ở Khánh Hòa và khu vực phía nam; thiền sư Liễu Bửu – Huệ Thân được vua Minh Mạng ban Giới Đao – Độ Điệp; Hòa thượng Tâm Phước – Hạnh Hải có công thành lập Giáo hội Tăng Già Khánh Hòa; Hòa thượng Thích Ngộ Tánh có công mở Sơ cấp Phật học huyện Ninh Hòa đào tạo Tăng Ni ...
CHÙA THIÊN BỬU
Chùa tọa lạc tại thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa còn có một số tên gọi khác như: chùa Kỳ Lân, chùa Điềm Tịnh, chùa Thiên Bửu Thượng, Tổ đình Thiên Bửu. Sở dĩ có tên Thiên Bửu Thượng, Thiên Bửu Hạ vì chùa Thiên Bửu ở làng Điềm Tịnh được khai sơn trước nên người dân gọi là Thiên Bửu Thượng, ngôi chùa Thiên Bửu Hạ ở xã Ninh Bình. Trước kia, làng Điềm Tịnh có tên là Xuân An, sau đổi là Điềm An, lần sau đổi thành Điềm Tịnh và tên gọi đó tồn tại đến ngày nay.
ĐÌNH TIÊN DU
Đình Tiên Du tọa lạc ở cuối làng trên một khu đất rộng, cao ráo, thoáng đãng, mặt tiền quay về hướng Tây. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể bao gồm các thành phần kiến trúc: Nghi môn, án phong, chính điện, nhà tiền hiền, miếu Sơn lâm, miếu Hậu Thổ.
ĐÌNH XUÂN HÒA
Đình Xuân Hòa quay về hướng Nam. Toàn bộ kiến trúc đình nằm trên mặt bằng rộng 2.352m2, bao gồm các công trình kiến trúc như sau: Nghi môn, án phong, cột cờ, miếu Sơn Lâm chúa tướng, miếu Thủy Đức Thanh Quang, võ ca, chính điện, miếu Âm linh, miếu Thánh Nương (còn gọi là miếu Bà), miếu Tiền hiền, nhà bếp, nhà ăn.
ĐÌNH TÂN HƯNG
Đình Tân Hưng thuộc thôn Tân Hưng, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Khi mới tạo lập đình được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá tại gò Xương Trâu, gần sông Cây Chò. Đến năm 1924, nhân dân trong làng đóng góp công của dời ngôi đình về vị trí hiện nay trên một gò đất cao đầu làng. Đình thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền - những người có công khai khẩn đất đai, quy dân lập ấp dựng lên xóm làng.
MIẾU VÕ ĐẾ
Võ Đế Miếu (thường gọi là Chùa Ông) toạ lạc tại thôn Văn Định, xã Ninh Phú và Thiên Hậu miếu (thường gọi là Chùa Bà) tọa lạc tại 338 Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp. Vào năm 1814, được sự hưởng ứng của cộng đồng người Hoa gốc Quảng Đông, ông Đàm Thành An được giao quyền thành lập Bang hội.
TUỆ THÀNH HỘI QUÁN
Miếu Bà Thiên Hậu là di tích được hình thành sớm trên vùng đất Ninh Hòa, được thiết kế theo lối kiến trúc đặc trưng của người Hoa với hai chức năng vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng thờ tự, vừa là hội quán hội họp của cộng đồng người Việt gốc Hoa ở Ninh Hòa.
QUỲNH PHỦ HỘI QUÁN
Quỳnh Phủ Hội Quán (tức Hội Quán Hải Nam) ở Ninh Hoà toạ lạc trên khu đất hình chữ nhật rộng trên hai mẫu ở đường Trần Quý Cáp. Đây là Hội quán có quy mô xây dựng và diện tích lớn nhất; đồng thời cũng là Hội quán mang tính tổng hợp nhất trong hệ thống Hội quán, chùa chiền của người Hoa ở Khánh Hòa.