Hotline: (0258) 3813 758

CHÙA THIÊN BỬU

30/09/2019 00:00        
Đọc tin

Chùa Thiên Bửu tọa lạc ở thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Chùa còn có tên gọi khác là chùa Kỳ, vì nơi đây đã tổ chức nhiều Trường Kỳ (Giới đàn truyền giới). Trường Kỳ đầu tiên tại Tổ đình Thiên Bửu vào năm 1934, là Giới đàn sớm nhất tại Khánh Hòa truyền trao giới pháp cho giới tử 4 tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Ninh Thuận. Bên cạnh đó, chùa còn có tên gọi là Thiên Bửu Hạ, để phân biệt với chùa Thiên Bửu Thượng do hai chùa Thiên Bửu cùng một Tổ khai sơn.

Qua nghiên cứu các tư liệu lịch sử đang lưu giữ tại Chùa cho biết cách đây khoảng 300 năm, bên hữu ngạn sông Dinh là một vùng đất (tục danh gọi là đất rừng) bằng phẳng, màu mỡ dân cư thưa thớt có nhiều cây cổ thụ rậm rạp, xanh tốt, phong cảnh quang đãng, thanh tịnh phù hợp với chốn thiền lâm. Vì vậy, Thiền sư Tế Hiển - Bửu Dương sau khi kiến lập, khai sơn chùa Thiên Bửu Thượng (thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng) vào khoảng năm 1725, Ngài vân du hoằng hóa, xuôi dòng sông Lốt đến vùng đất này, thấy mảnh đất địa thế đẹp, có rừng, có sông, Thiền sư đã chấn tích, khởi dựng một ngôi thảo am đặt tên là chùa Thiên Bửu để tu hành, hoằng dương Phật Pháp.

Từ khi được khởi dựng đến nay, chùa Thiên Bửu đã trải qua nhiều đời trụ trì và các lần tu bổ:

Thiền sư Đại Trì - Phước Khánh, đời thứ 37, Thiền phái Liễu Quán đã  trùng tu chùa Thiên Bửu lần thứ nhất. Thiền sư Ngộ Hương – Phổ Nhãn là đệ tử đời thứ 39, phái thiền Lâm Tế, dòng kệ Tổ Định Tuyết Phong, đã trùng tu chùa lần thứ hai vào năm (1948-1952), chính điện được xây dựng kiên cố bằng gạch, mái ngói. Hòa thượng Tâm Phước – Hạnh Hải, đời 43, Thiền phái Lâm Tế, dòng kệ Liễu Quán trụ trì chùa từ 1956 đến năm 1998; năm 1962, Hòa thượng cho tu bổ chùa. Hòa thượng Thích Ngộ Tánh, pháp danh Quảng Thường, hiệu Hồng Đức là đệ tử đời 45 Thiền phái Liễu Quán trụ trì chùa từ năm 1998 đến nay; năm 2001, hòa thượng cho đại tu bổ chùa.

Chùa Thiên Bửu là một trong những ngôi chùa lưu dấu nhiều nhân vật, sự kiện liên quan đến sự hình thành và phát triển đạo Phật vùng đất Khánh Hòa nói riêng, vùng đất phía Nam nói chung, như: Thiền Sư Tế Hiển – Bửu Dương có công hoằng dương Phật Pháp ở Khánh Hòa và khu vực phía Nam; thiền sư Liễu Bửu – Huệ Thân được vua Minh Mạng ban Giới Đao – Độ Điệp; Hòa thượng Tâm Phước – Hạnh Hải có công thành lập Giáo hội Tăng Già Khánh Hòa; Hòa thượng Thích Ngộ Tánh có công mở Sơ cấp Phật học huyện Ninh Hòa đào tạo Tăng Ni ...

Chùa Thiên Bửu tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, diện tích 9.890,1m2, mặt tiền hướng Đông Nam.


Chùa Thiên Bửu

Từ ngoài vào trong, chùa Thiên Bửu có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Tam quan, tiền đường, Phật điện, nhà tổ, đài Quan Âm, gác chuông, nhà trai đường, gác trống, giảng đường, nhà chúng, tháp Tổ Tế Hiển – Bửu Dương[1]. Với không gian cảnh quan thoáng đãng, thanh tịnh cùng các công trình kiến trúc được thiết kế uy nghiêm, tạo nên nét hài hòa độc đáo với lối kiến trúc chùa đặc trưng tiêu biểu ở tỉnh Khánh Hòa.

Hàng năm, chùa Thiên Bửu tổ chức những ngày lễ lớn: Lễ minh niên Kỳ An (Rằm tháng Giêng âm lịch), Lễ Phật đản (Rằm tháng Tư âm lịch), Lễ Vu lan (Rằm tháng Bảy âm lịch).

Ghi nhận những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa của chùa Thiên Bửu, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 3562/QĐ-TC.UBND, ngày 24/11/2017 xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.

                                                                   Nguyễn Chí Khải

[1] Tháp tổ không nằm trong khuôn viên của Chùa mà nằm ở khu mả tháp thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
CHÙA THIÊN BỬU
Chùa tọa lạc tại thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa còn có một số tên gọi khác như: chùa Kỳ Lân, chùa Điềm Tịnh, chùa Thiên Bửu Thượng, Tổ đình Thiên Bửu. Sở dĩ có tên Thiên Bửu Thượng, Thiên Bửu Hạ vì chùa Thiên Bửu ở làng Điềm Tịnh được khai sơn trước nên người dân gọi là Thiên Bửu Thượng, ngôi chùa Thiên Bửu Hạ ở xã Ninh Bình. Trước kia, làng Điềm Tịnh có tên là Xuân An, sau đổi là Điềm An, lần sau đổi thành Điềm Tịnh và tên gọi đó tồn tại đến ngày nay.
ĐÌNH TIÊN DU
Đình Tiên Du tọa lạc ở cuối làng trên một khu đất rộng, cao ráo, thoáng đãng, mặt tiền quay về hướng Tây. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể bao gồm các thành phần kiến trúc: Nghi môn, án phong, chính điện, nhà tiền hiền, miếu Sơn lâm, miếu Hậu Thổ.
ĐÌNH MỸ HIỆP
Điểm nhấn trong trang trí, điêu khắc trên kiến trúc đình Mỹ Hiệp, đó là hệ thống cột gỗ và bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng” hay hệ thống linh vật: Long, lân, quy, phụng, hổ, dơi…được các nghệ nhân khai thác triệt để. Hình ảnh tứ linh thể hiện dưới dạng “Lưỡng long tranh châu”, hay hình ảnh “Bát tiên”, “Tứ quý”: Tùng, trúc, cúc, mai.
ĐÌNH TÂN HƯNG
Đình Tân Hưng thuộc thôn Tân Hưng, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Khi mới tạo lập đình được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá tại gò Xương Trâu, gần sông Cây Chò. Đến năm 1924, nhân dân trong làng đóng góp công của dời ngôi đình về vị trí hiện nay trên một gò đất cao đầu làng. Đình thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền - những người có công khai khẩn đất đai, quy dân lập ấp dựng lên xóm làng.
ĐÌNH XUÂN HÒA
Đình Xuân Hòa quay về hướng Nam. Toàn bộ kiến trúc đình nằm trên mặt bằng rộng 2.352m2, bao gồm các công trình kiến trúc như sau: Nghi môn, án phong, cột cờ, miếu Sơn Lâm chúa tướng, miếu Thủy Đức Thanh Quang, võ ca, chính điện, miếu Âm linh, miếu Thánh Nương (còn gọi là miếu Bà), miếu Tiền hiền, nhà bếp, nhà ăn.