Hotline: (0258) 3813 758

DI TÍCH ĐỊA ĐIỂM CĂN CỨ CÁCH MẠNG HÒN HÈO

31/12/2021 00:00        
Đọc tin

Di tích lịch sử địa điểm căn cứ cách mạng Hòn Hèo là thuộc thôn Tiên Du, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa.

Căn cứ cách mạng Hòn Hèo là một dãy núi nằm ở phía Đông của huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa), cách thành phố Nha Trang khoảng 45 km, ba mặt nhô ra biển. Diện tích toàn khu vực Hòn Hèo khoảng gần 200 km2. Phía Bắc có cửa biển Hòn Khói giáp với vịnh Vân Phong. Phía Tây là đồng bằng phì nhiêu, phía Nam có Đầm Nha Phu với nhiều đảo nhỏ như: Hòn Cóc, Hòn Rớ, Hòn Cù Lao... lớn nhất là đảo Hòn Thị. Phía Đông là biển có các đảo: Hòn Bạc, Hòn Chà Là, Hòn Đụn... Bán đảo Hòn Hèo được tạo bởi dãy Phước Hà Sơn gồm nhiều đỉnh núi cao như: Ngọn Mái Nhà 725m, ngọn Tiên Du 777m, ngọn Hòn Hèo 778m, Hòn Nọc Rơm 813m... có nhiều suối chảy về các thôn ven Hòn Hèo như suối Mỏ Cày (Ninh Tịnh), suối Cây Sung (Đầm Vân), suối Tiên Du, suối Hoa Lan (Ninh Phú)... Hòn Hèo có nhiều suối, hang, gộp tự nhiên liên hoàn xen kẽ là cây rừng rậm rạp. Xung quanh Hòn Hèo là một vùng dân cư trù phú gồm nhiều xã, phường: Ninh Đa, Ninh Phú, Ninh Phước, Ninh Vân... 

(Quang cảnh khu Di tích lịch sử địa điểm căn cứ cách mạng Hòn Hèo - Ảnh: Nguyễn Chí Khải)

Với những điều kiện tự nhiên - xã hội thuận lợi, khu vực Hòn Hèo đã trở thành căn cứ cách mạng của huyện (nay là thị xã Ninh Hòa) và tỉnh Khánh Hòa trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước giành được độc lập. Đến cuối tháng 8/1945, bộ máy chính quyền cách mạng ở Khánh Hòa từ tỉnh đến huyện, xã được thiết lập. Tuy nhiên, bộ máy chính quyền non trẻ vẫn chưa ổn định, đến tháng 9/1945, quân Pháp trở lại xâm lược nước ta; chúng đổ bộ lên bãi biển Nha Trang đánh chiếm một số vị trí quan trọng sau đó mở rộng ra toàn tỉnh.

Trong bối cảnh ấy, một vấn đề lớn đặt ra cho Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lúc này là cần xây dựng căn cứ vững chắc, lâu dài cho các cơ quan lãnh đạo tỉnh, huyện để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Lúc bắt đầu cuộc kháng chiến, Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh đã có ý thức chuẩn bị hậu cứ. Nhận thức sớm vấn đề, nên sau khi Mặt trận Nha Trang bị vỡ và thực dân Pháp phản bội Hiệp định Sơ bộ 6/3, các cơ quan tỉnh dời lên đóng ở Hòn Dữ (Diên Khánh). Phủ uỷ Ninh Hòa lâm thời, Mặt trận Việt Minh, Uỷ ban Kháng chiến hành chánh (UBKCHC) và các đoàn thể chuyển lên đóng ở Hòn Hèo, lấy đây làm căn cứ để chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Đến cuối năm 1948, để phù hợp với tình hình thực tế, Tỉnh ủy dời cơ quan về Hòn Hèo vì nơi có vị trí chiến lược là điểm trung chuyển giữa các con đường liên lạc trên bộ, trên biển giữa các huyện trong tỉnh và vùng tự do Phú Yên, Bình Định. Như vậy, từ cuối năm 1948, Hòn Hèo đồng thời là căn cứ của Tỉnh Khánh Hòa và của huyện Ninh Hòa. 

Nằm giữa các dãy núi của căn cứ cách mạng Hòn Hèo là địa điểm Hòn Ngang có độ cao khoảng 400m, rộng khoảng 500 ha, trước mặt là thung Lũng Hòn Ngang. Phía Đông Hòn Ngang là dốc Ớt, địa điểm nối vùng Đông và vùng Tây căn cứ Hòn Hèo, từ Hòn Ngang qua dốc Ớt xuống Ninh Phước, Ninh Vân từ đây có thể vào Nha Trang hoặc đi liên Khu V.

Hòn Ngang được chọn làm trung tâm căn cứ cách mạng Hòn Hèo, là địa điểm lưu niệm nhiều sự kiện lịch sử có giá trị tiêu biểu. Đặc biệt, nơi đây với vị trí, địa hình tự nhiên thuận lợi Tỉnh ủy đã chọn tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ nhất vào tháng 3/1950. Đại hội diễn ra trong bối cảnh lịch sử, phong trào kháng chiến Khánh Hòa sau chiến dịch Thu- Đông đang sa sút và khó khăn. Lực lượng quân sự của ta còn yếu “không đủ sức gây tác động mạnh đến cơ sở chính trị và cầm cự tích cực với địch”, nhất là sau chiến dịch Trường Chinh diễn ra ở Nam Khánh tình hình phong trào đã xấu đi. Chính vì vậy, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ nhất được tổ chức có ý nghĩa quan trọng, trên cơ sở đánh giá kỹ tình hình chiến trường cả nước và trong tỉnh với khẩu hiệu “Chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”. Tỉnh ủy đã chỉ rõ ưu, khuyết điểm, các hạn chế cần khắc phục, từ đó định hướng cho toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sức chiến đấu của toàn dân, phát huy tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc. Đại hội bầu ra 13 đồng chí ưu tú vào Ban chấp hành lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Khánh Hòa đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.

(Bia di tích Căn cứ kháng chiến Hòn Hèo - Ảnh: Hoàng Quý)

Ngày nay, Hòn Ngang là vùng rừng núi hoang sơ cây cối rậm rạp, quang cảnh địa điểm di tích vẫn như xưa, chưa có bất cứ tác động lớn nào của con người làm ảnh hưởng. Tuy nhiên các dấu vết lán trại, hội trường, ruộng sản xuất cũng như các hiện vật liên quan đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ nhất tại đây hiện không còn do ảnh hưởng của thời gian và sự phát triển của cây rừng. Trước kia, đây là ruộng, vườn của cơ sở sản xuất tự túc cung cấp lương thực, thực phẩm cho căn cứ, nay một phần là rừng cây cối rậm rạp, một phần là đường bê tông và lòng hồ Tiên Du.

Với giá trị lịch sử tiêu biểu, di tích đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 283/QĐ- CT.UBND, ngày 03/02/2021 xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

NGUYỄN CHÍ KHẢI

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 3
 

Tin khác

breaker
CHÙA THIÊN BỬU
Chùa Thiên Bửu là một trong những ngôi chùa lưu dấu nhiều nhân vật, sự kiện liên quan đến sự hình thành và phát triển đạo Phật vùng đất Khánh Hòa nói riêng, vùng đất phía Nam nói chung, như: Thiền Sư Tế Hiển – Bửu Dương có công hoằng dương Phật Pháp ở Khánh Hòa và khu vực phía nam; thiền sư Liễu Bửu – Huệ Thân được vua Minh Mạng ban Giới Đao – Độ Điệp; Hòa thượng Tâm Phước – Hạnh Hải có công thành lập Giáo hội Tăng Già Khánh Hòa; Hòa thượng Thích Ngộ Tánh có công mở Sơ cấp Phật học huyện Ninh Hòa đào tạo Tăng Ni ...
CHÙA THIÊN BỬU
Chùa tọa lạc tại thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa còn có một số tên gọi khác như: chùa Kỳ Lân, chùa Điềm Tịnh, chùa Thiên Bửu Thượng, Tổ đình Thiên Bửu. Sở dĩ có tên Thiên Bửu Thượng, Thiên Bửu Hạ vì chùa Thiên Bửu ở làng Điềm Tịnh được khai sơn trước nên người dân gọi là Thiên Bửu Thượng, ngôi chùa Thiên Bửu Hạ ở xã Ninh Bình. Trước kia, làng Điềm Tịnh có tên là Xuân An, sau đổi là Điềm An, lần sau đổi thành Điềm Tịnh và tên gọi đó tồn tại đến ngày nay.
ĐÌNH TIÊN DU
Đình Tiên Du tọa lạc ở cuối làng trên một khu đất rộng, cao ráo, thoáng đãng, mặt tiền quay về hướng Tây. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể bao gồm các thành phần kiến trúc: Nghi môn, án phong, chính điện, nhà tiền hiền, miếu Sơn lâm, miếu Hậu Thổ.