Hotline: (0258) 3813 758

CHÙA THIÊN BỬU

25/09/2019 00:00        
Đọc tin

Chùa tọa lạc tại thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Chùa còn có một số tên gọi khác như: chùa Kỳ Lân, chùa Điềm Tịnh, chùa Thiên Bửu Thượng, Tổ đình Thiên Bửu. Sở dĩ có tên Thiên Bửu Thượng, Thiên Bửu Hạ vì chùa Thiên Bửu ở làng Điềm Tịnh được khai sơn trước nên người dân gọi là Thiên Bửu Thượng, ngôi chùa Thiên Bửu Hạ ở xã Ninh Bình. Trước kia, làng Điềm Tịnh có tên là Xuân An, sau đổi là Điềm An, lần sau đổi thành Điềm Tịnh và tên gọi đó tồn tại đến ngày nay.

Chùa do Hòa thượng Tế Hiển, hiệu Bửu Dương, khai sơn vào khoảng giữa thế kỷ XVIII và truyền bá chi phái Thiền Liễu Quán đầu tiên ở Ninh Hòa. Hòa thượng Bửu Dương khai sơn hai ngôi chùa và đặt tên là Thiên Bửu. Hiện nay, long vị của Hòa thượng được thờ ở 3 chùa: Thiên Bửu Thượng, Thiên Bửu Hạ, chùa Phổ Hóa. Long vị ở chùa Thiên Bửu Thượng và chùa Thiên Bửu Hạ cho chúng ta biết Đại lão Hòa Thượng tên Húy là Tế Hiển, tên Hiệu là Bửu Dương đời 36 Lâm Tế Chánh Tông, sáng tạo chùa Thiên Bửu. Kỵ ngày 20 tháng 2”. Căn cứ vào tư liệu Hán văn khắc trên chuông chùa Thanh Lương, có thông tin về vị Hòa thượng Bửu Dương, năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763) Ngài chứng minh đúc chuông chùa Thanh Lương (làng Nhĩ Sự).

Phổ hệ truyền thừa tại Tổ đình Thiên Bửu thuộc dòng kệ Liễu Quán, từ đời thứ 36 Hòa thượng Bửu Dương đến đời 43, truyền thừa từ chữ Tế đến chữ Nguyên là 9 đời. Các vị trụ trì kế thế nhau đến nay trên 10 vị, nhiều vị thuộc hàng danh đức. Tổ Phước Tường về trụ trì chùa Thiên Bửu trong thời gian 1922 – 1932, chùa trở nên hưng thịnh với nhiều tăng, tín đồ.

Trải qua thời gian, chùa được tu bổ nhiều đợt, gần đây nhất là năm 2018 xây dựng nhà tăng.

Di tích gồm các công trình kiến trúc: Tam quan, tiền đường, chánh điện, nhà đông, nhà tây, nhà tăng.

Cách chùa khoảng 500m là khu cổ tháp, nơi đây còn lại 5 ngôi tháp cổ của các vị sư trụ trì chùa Thiên Bửu. Ngôi tháp để lại ấn tượng nhất mang giá trị nghệ thuật cao nhất là tháp tổ Bửu Dương – vị tổ khai sơn chùa Thiên Bửu. Bảo tháp gồm 7 tầng, toàn thân tháp xây trên 1 bệ hình mai rùa, có 4 rồng chầu, 2 lân phục. Trước trụ cổng đắp hình hoa sen với mai, lan, trúc, tước và cặp thơ đối chữ Hán. Thân tháp là 56 bức phù điêu sinh động với đủ hình long, lân, quy, phụng, mai, lan, cúc, trúc, hạc tùng trúc tước, hoa sen tịnh bình, lư châu, thơ minh đối triện… được bài trí đăng đối. Đây là một công trình kiến trúc mang giá trị nghệ thuật cao, thể hiện sự tài hoa, khéo léo về trình độ và thẩm mỹ của người xưa.

Chùa Thiên Bửu là nơi sinh hoạt văn hóa và tâm linh của cộng đồng cư dân trong và ngoài thôn. Hàng năm, chùa tổ chức các lễ hội theo lịch âm thường niên: Ngày 20/2 giỗ tổ khai sơn chùa (Hòa thượng Tế Hiển - Bửu Dương); lễ Phật đản; lễ Vu Lan; ngày 28/7giỗ tổ Phước Tường. Ngoài ra, vào ngày 17 âm lịch hàng tháng, chùa tổ chức thuyết giảng tu thọ Bát quan trai (giảng dạy giữ gìn 8 giới nhà Phật) và các ngày sóc vọng hàng tháng.

Sự kiện lịch sử liên quan đến di tích: Năm 1930, chùa là nơi tập trung thanh niên trong thôn luyện tập võ nghệ, sinh hoạt văn hóa, giáo dục tinh thần yêu nước góp phần quan trọng trong cuộc biểu tình giành chính quyền cách mạng ngày 16.7.1930.

Ngày 29.1.1946, mặt trận Buôn Mê Thuột vỡ, quân Pháp ào ạt tiến thẳng xuống Quốc lộ 21 chiếm phủ lỵ Ninh Hòa. Lực lượng dân quân du kích tại địa phương phải cho sơ tán các cơ sở quan trọng trong đó có 01 lò rèn chế tạo vũ khí chuyển gấp qua chùa Thiên Bửu. Trụ trì chùa Thiên Bửu lúc bấy giờ là thầy Tâm Kính Bảo Thành đã bí mật để lò rèn vũ khí hoạt động, sau một thời gian lò rèn được chuyển về Tân Ninh - Tân Tứ.

Ban chỉ huy đặt mặt trận địa phương đặt tại chùa Thiên Bửu, bãi cát chùa là nơi cất giấu vũ khí và các tài liệu quan trọng, đài quan sát đặt tại cây me. Tháng 6/1947, một đại đội thuộc trung đoàn 80 do ông Hà Vi Tùng chỉ huy phối hợp với Trung đội Trần Hưng Đạo do ông Nguyễn Tấn Sang và Phạm Quyển chỉ huy để tổ chức đánh địch tại đình Điềm Tịnh và gò Phú Bình.

Năm 1966, thầy Không Đăng (tên thật là Phù Duy Cường, sinh năm 1930) trụ trì chùa đã tham gia cách mạng, giúp phong trào thanh niên học sinh yêu nước ở địa phương, may cờ giải phóng và tổ chức cho anh chị em viết truyền đơn, biểu ngữ, nội dung ủng hộ cách mạng.

Ghi nhận những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của di tích, năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 3090/QĐ-CT.UBND xếp hạng Chùa Thiên Bửu là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.

Hoàng Quý

 

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 2
 

Tin khác

breaker
CHÙA THIÊN BỬU
Chùa Thiên Bửu là một trong những ngôi chùa lưu dấu nhiều nhân vật, sự kiện liên quan đến sự hình thành và phát triển đạo Phật vùng đất Khánh Hòa nói riêng, vùng đất phía Nam nói chung, như: Thiền Sư Tế Hiển – Bửu Dương có công hoằng dương Phật Pháp ở Khánh Hòa và khu vực phía nam; thiền sư Liễu Bửu – Huệ Thân được vua Minh Mạng ban Giới Đao – Độ Điệp; Hòa thượng Tâm Phước – Hạnh Hải có công thành lập Giáo hội Tăng Già Khánh Hòa; Hòa thượng Thích Ngộ Tánh có công mở Sơ cấp Phật học huyện Ninh Hòa đào tạo Tăng Ni ...
ĐÌNH TIÊN DU
Đình Tiên Du tọa lạc ở cuối làng trên một khu đất rộng, cao ráo, thoáng đãng, mặt tiền quay về hướng Tây. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể bao gồm các thành phần kiến trúc: Nghi môn, án phong, chính điện, nhà tiền hiền, miếu Sơn lâm, miếu Hậu Thổ.
ĐÌNH MỸ HIỆP
Điểm nhấn trong trang trí, điêu khắc trên kiến trúc đình Mỹ Hiệp, đó là hệ thống cột gỗ và bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng” hay hệ thống linh vật: Long, lân, quy, phụng, hổ, dơi…được các nghệ nhân khai thác triệt để. Hình ảnh tứ linh thể hiện dưới dạng “Lưỡng long tranh châu”, hay hình ảnh “Bát tiên”, “Tứ quý”: Tùng, trúc, cúc, mai.
ĐÌNH TÂN HƯNG
Đình Tân Hưng thuộc thôn Tân Hưng, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Khi mới tạo lập đình được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá tại gò Xương Trâu, gần sông Cây Chò. Đến năm 1924, nhân dân trong làng đóng góp công của dời ngôi đình về vị trí hiện nay trên một gò đất cao đầu làng. Đình thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền - những người có công khai khẩn đất đai, quy dân lập ấp dựng lên xóm làng.
ĐÌNH XUÂN HÒA
Đình Xuân Hòa quay về hướng Nam. Toàn bộ kiến trúc đình nằm trên mặt bằng rộng 2.352m2, bao gồm các công trình kiến trúc như sau: Nghi môn, án phong, cột cờ, miếu Sơn Lâm chúa tướng, miếu Thủy Đức Thanh Quang, võ ca, chính điện, miếu Âm linh, miếu Thánh Nương (còn gọi là miếu Bà), miếu Tiền hiền, nhà bếp, nhà ăn.
MIẾU VÕ ĐẾ
Võ Đế Miếu (thường gọi là Chùa Ông) toạ lạc tại thôn Văn Định, xã Ninh Phú và Thiên Hậu miếu (thường gọi là Chùa Bà) tọa lạc tại 338 Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp. Vào năm 1814, được sự hưởng ứng của cộng đồng người Hoa gốc Quảng Đông, ông Đàm Thành An được giao quyền thành lập Bang hội.