Hotline: (0258) 3813 758

DI TÍCH ĐỊA ĐIỂM CĂN CỨ CÁCH MẠNG ĐÁ BÀN

28/12/2021 00:00        
Đọc tin

Di tích lịch sử Địa điểm căn cứ cách mạng Đá Bàn thuộc thôn 5, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa.

Đá Bàn là một vùng rừng núi nằm ở phía Tây Bắc thị xã Ninh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 50 km; phía Tây có núi Hòn Gục nối liền với dải núi Mẹ bồng con; phía Bắc là núi Hòn Chảo và đồng ruộng Xuân Sơn của huyện Vạn Ninh; phía Nam là dải núi Dốc Dài; phía Đông nơi sông Đá Bàn đổ nước về hồ Đá Bàn (khu vực này gọi là Bến Ghe) từ ba con suối chính là suối Dứa, suối Cái và suối Đá Đen. 

Năm 1950, đế quốc Mỹ lăm le can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương, cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới. Để đáp ứng nhu cầu cuộc kháng chiến, ta phải tổ chức tốt về lực lượng chính trị, quân sự, phương tiện hậu cần, nhất là mạch máu giao thông. Do vậy, hoạt động cách mạng ở căn cứ Hòn Hèo trở nên nhỏ hẹp, dễ bị cô lập không còn phù hợp. Thực tế từ cuối năm 1949, giao thông đường bộ về Hòn Hèo thường bị ách tắc. Tiếp tế bằng đường biển từ Phú Yên vào không còn an toàn. Lực lượng của tỉnh bị động về vấn đề lương thực, chi phối nhiều đến việc chỉ đạo phong trào chung, nhất là đối với các huyện phía Nam. Đầu năm 1951, Tỉnh ủy cử một bộ phận đi thăm dò, khảo sát khu vực Đá Bàn để xây dựng căn cứ cách mạng.

(Quang cảnh khu căn cứ địa cách mạng Đá Bàn - Ảnh: Nguyễn Chí Khải)

Đá Bàn có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, nằm cách xa đồng bằng là cầu nối với các căn cứ Hòn Lớn ở phía Nam, Hòn Hèo ở phía Đông và vùng tự do rộng lớn của Liên khu 5, 7. Diện tích khu vực Đá Bàn rộng hàng trăm km2 với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn trải dài hai bên bờ sông Đá Bàn cùng những nhánh suối, rừng cây rậm rạp, hang, gộp tự nhiên liên hoàn. Trong trung tâm là thung lũng Đá Bàn, vùng đất bằng phẳng màu mỡ có thể trồng lúa và hoa màu để giải quyết lương thực tại chỗ. Chính vì vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chọn nơi đây để xây dựng căn cứ chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Đến tháng 3 năm 1951 tất cả các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính (UBKCHC), Tỉnh đội đều đóng ở Đá Bàn, xây dựng nơi này thành căn cứ của tỉnh Khánh Hòa và cho cả hai huyện Bắc Khánh.

Căn cứ chia làm 3 khu: Khu Bắc, khu Trung và khu Nam. Mỗi khu có cán bộ chính quyền, đoàn thể như một thôn, dưới sự quản lý, điều hành của Uỷ ban căn cứ địa. Tất cả số thanh niên và trại viên trại sản xuất được tổ chức thành du kích, trang bị súng, lựu đạn, bom, mìn… để làm nhiệm vụ bố phòng đánh địch. Toàn căn cứ có hai tiểu đội vũ trang tập trung cơ động do ông Trần Đình Xuân làm Đội trưởng, làm nhiệm vụ canh gác các trục đường chính dẫn vào căn cứ, tổ chức hệ thống thông tin, báo động bằng tín hiệu kẻng mỗi khi có máy bay, bộ binh địch xâm nhập căn cứ. Bảo vệ từ xa có du kích các xã vùng ngoại vi, các chốt, các đài quan sát của trinh sát, của quân báo huyện, tỉnh.

(Bia giới thiệu Căn cứ cách mạng Đá Bàn - Ảnh: Nguyễn Chí Khải)

Trên một căn cứ rộng, có bố phòng chặt chẽ bằng các tuyến chông, mìn, nguồn lương thực, thực phẩm đã có cách giải quyết tương đối ổn định để các mặt công tác ở căn cứ phát triển. Các đơn vị bộ đội của tỉnh và Bắc Khánh có nơi đứng chân ổn định, tổ chức huấn luyện quân đội, cán bộ, thực hiện sự kết hợp giữa tác chiến và xây dựng, giữa chiến đấu và sản xuất, có điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc thương, bệnh binh. Ở đây có trường Đảng của tỉnh, có máy in chữ typô, có lò rèn nông cụ, có xưởng quân giới sửa vũ khí, có bệnh xá, có trại giam tù binh... Đêm đêm có những buổi đốt lửa trại, liên hoan văn nghệ. Căn cứ Đá Bàn được hình thành là chỗ đứng chân, chỗ dựa chung cho cả tỉnh, có ảnh hưởng trực tiếp đối với phong trào Bắc Khánh.

Nằm cách lòng hồ nước chứa Đá Bàn (khu vực trước kia gọi là bến Ghe) khoảng 3km hướng vào trung tâm căn cứ cách mạng Đá Bàn là khu vực Đá Trải gồm nhiều bãi đá bằng phẳng trải dài phía hữu ngạn sông Đá Bàn, xung quanh có nhiều nhánh suối nhỏ, đất bằng phẳng mầu mỡ, cây rừng rậm rạp.

(Bia di tích Căn cứ kháng chiến Đá Bàn - Ảnh: Hoàng Quý)

Địa điểm Đá Trải là nơi lưu niệm nhiều sự kiện có giá trị tiêu biểu về lịch sử. Đặc biệt, tại nơi đây, tháng 12/1951 Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ hai. Đại hội diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng có chuyển hướng rõ trong tư tưởng chỉ đạo để đưa cuộc kháng chiến đến toàn thắng.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ hai được tổ chức có ý nghĩa quan trọng, Báo cáo chính trị của Tỉnh ủy với nhan đề: “Kiểm thảo sự lãnh đạo chiến tranh của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa”. Đại hội khẳng định tác dụng thiết thực của căn cứ Đá Bàn đối với phong trào kháng chiến của tỉnh. Công tác xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng đã có những tiến bộ nhất định. Sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và các huyện, thị ủy bắt đầu có chuyển biến trong tư tưởng, tác phong và lề lối làm việc, tỏ ra sát việc, sát phong trào hơn trước. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang có tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh. Đại hội đi sâu nghiên cứu thực tế, rút kinh nghiệm trên các vấn đề xây dựng cơ sở quần chúng, xây dựng lực lượng bán vũ trang và vũ trang, xây dựng Đảng, lãnh đạo đấu tranh, từ đó định hướng cho toàn Đảng toàn dân tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sức chiến đấu của toàn dân, phát huy tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc. Đại hội bầu ra 15 đồng chí ưu tú vào Ban chấp hành lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Khánh Hòa đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược góp phần vào thắng lợi chung của cả nước. 

Với giá trị lịch sử tiêu biểu, di tích đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 282/QĐ- CT.UBND, ngày 03/02/2021 xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. 

NGUYỄN CHÍ KHẢI

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 2
 

Tin khác

breaker
CHÙA THIÊN BỬU
Chùa Thiên Bửu là một trong những ngôi chùa lưu dấu nhiều nhân vật, sự kiện liên quan đến sự hình thành và phát triển đạo Phật vùng đất Khánh Hòa nói riêng, vùng đất phía Nam nói chung, như: Thiền Sư Tế Hiển – Bửu Dương có công hoằng dương Phật Pháp ở Khánh Hòa và khu vực phía nam; thiền sư Liễu Bửu – Huệ Thân được vua Minh Mạng ban Giới Đao – Độ Điệp; Hòa thượng Tâm Phước – Hạnh Hải có công thành lập Giáo hội Tăng Già Khánh Hòa; Hòa thượng Thích Ngộ Tánh có công mở Sơ cấp Phật học huyện Ninh Hòa đào tạo Tăng Ni ...
CHÙA THIÊN BỬU
Chùa tọa lạc tại thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa còn có một số tên gọi khác như: chùa Kỳ Lân, chùa Điềm Tịnh, chùa Thiên Bửu Thượng, Tổ đình Thiên Bửu. Sở dĩ có tên Thiên Bửu Thượng, Thiên Bửu Hạ vì chùa Thiên Bửu ở làng Điềm Tịnh được khai sơn trước nên người dân gọi là Thiên Bửu Thượng, ngôi chùa Thiên Bửu Hạ ở xã Ninh Bình. Trước kia, làng Điềm Tịnh có tên là Xuân An, sau đổi là Điềm An, lần sau đổi thành Điềm Tịnh và tên gọi đó tồn tại đến ngày nay.
ĐÌNH TIÊN DU
Đình Tiên Du tọa lạc ở cuối làng trên một khu đất rộng, cao ráo, thoáng đãng, mặt tiền quay về hướng Tây. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể bao gồm các thành phần kiến trúc: Nghi môn, án phong, chính điện, nhà tiền hiền, miếu Sơn lâm, miếu Hậu Thổ.
ĐÌNH MỸ HIỆP
Điểm nhấn trong trang trí, điêu khắc trên kiến trúc đình Mỹ Hiệp, đó là hệ thống cột gỗ và bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng” hay hệ thống linh vật: Long, lân, quy, phụng, hổ, dơi…được các nghệ nhân khai thác triệt để. Hình ảnh tứ linh thể hiện dưới dạng “Lưỡng long tranh châu”, hay hình ảnh “Bát tiên”, “Tứ quý”: Tùng, trúc, cúc, mai.