Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH THANH CHÂU

18/03/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Thanh Châu tọa lạc tại tổ dân phố Thanh Châu, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

* Đặc điểm của di tích

Trải qua bao biến thiên lịch sử, nhiều lần thay đổi địa giới hành chính để thuận tiện cho việc quản lý dân số cũng như phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ở bất kỳ thời điểm nào thì tên gọi địa danh “Thanh Châu” vẫn được duy trì bền vững theo thời gian từ xưa cho đến nay[1].

Căn cứ vào sắc phong dưới triều vua Thành Thái năm thứ 2 (1890) ban tặng, hiện đang lưu giữ tại đình Thanh Châu, ta có thể đoán định niên đại của di tích là khoảng giữa thế kỷ thứ XIX. Từ khi khởi dựng đến nay, đình Thanh Châu đã trải qua những năm tu bổ sau: 1963, 1966, 1969.

Hiện tại, đình Thanh Châu còn bảo lưu được 02 đạo sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng cho Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương:
- Triều vua Thành Thái năm thứ 02 (1890);
- Triều vua Duy Tân năm thứ 03 (1909).

Đình Thanh Châu được dựng lên để thờ Bản cảnh Thành Hoàng, Đại Càn quốc gia Nam Hải, Tiền hiền, Hậu hiền, Thổ công, Âm linh.

 * Kiến trúc di tích

Từ ngoài vào trong, đình Thanh Châu có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, chính điện, miếu Tiền hiền, miếu Nghĩa tự/miếu Âm hồn, nhà hậu, nhà bếp.

Chính điện đình Thanh Châu 

 

Điểm nổi bật của di tích là hệ thống kết cấu khung gỗ cổ truyền còn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn và đầy đủ theo nguyên tắc truyền thống. Bộ khung gỗ đình Thanh Châu được làm từ gỗ muồng và gỗ ké. Chính điện có 36 cây cột, chia làm 06 hàng chân cột tạo thành 01 gian 02 chái với 4 cột cái (chu vi 81cm ), 12 cột quân (chu vi 68cm ) và 20 cột hiên (chu vi 66 cm). Vì nóc kết cấu theo kiểu vì kèo, có đấu vuông thót đáy đỡ cột trốn được trang trí chạm nổi hình “Cá hóa rồng” và dơi. Trên các đầu dư chạm trổ hình đầu rồng. Chi tiết này đã làm giảm đi sự thô cứng của các thân gỗ, làm cho kiến trúc trở nên mềm mại và hài hòa với di tích.

Hệ mái có cổ lầu, gồm 02 tầng 08 mái, lợp ngói âm dương. Bờ nóc đắp nổi “Lưỡng long chầu nhật”. Trang trí trên tường chính điện là các bức tranh phong phú về đề tài và đa dạng về màu sắc, gồm: phong cảnh thiên nhiên (chim, hoa lá…), vua Nghiêu cày ruộng bằng voi, rồng, hổ, Khương Tử Nha câu cá, gà trống, long mã, rùa đội đồ thư hình bát quái, chim phượng, long vân, phượng ngậm hoa và một số bức tranh thể hiện các điển tích xưa…

Hàng năm, nhân dân trong tổ dân phố Thanh Châu tổ chức lễ hội đình làng Thanh Châu vào tháng 4 âm lịch. Thời gian mở hội thường kéo dài 2 ngày 1 đêm.

* Sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích

- Trước năm 1945: Đình Thanh Châu là nơi cách mạng tập hợp thanh niên chống quân Nhật, nơi đóng quân của bộ đội và nơi tiếp tế lương thực cho bộ đội đánh Nhật.
- Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954): Đình Thanh Châu là nơi hoạt động của các cán bộ cách mạng như Trần Nhì, Nguyễn Tạo, Nguyễn Đức Nhuận; là nơi đặt thùng phiếu để cử tri của hai thôn Thanh Châu và Mỹ Chánh đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội vào ngày 06/01/1946. Ngoài ra, đình còn là địa điểm dạy học hưởng ứng phong trào “diệt giặc dốt” theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
- Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975): đình Thanh Châu là nơi hoạt động bí mật của các cán bộ cách mạng.

Ngày 19/3/2008, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 706/QĐ-UBND xếp hạng Đình Thanh Châu là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

 Trần Thị Thanh Loan

[1] Nguyễn Đình Đầu 1997: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
CHÙA PHÁP HẢI
Chùa Pháp Hải tọa lạc tại thôn Lạc Bình, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa Pháp Hải do ngài Thích Quảng Đức đứng ra khai sáng vào năm 1940, ban đầu chùa tọa lạc tại thôn Ngọc Sơn (xã Ninh An). Đến năm 1946, chùa bị thực dân Pháp đốt phá. Cũng trong năm 1946, chùa phải dời về thôn Lạc Bình (xã Ninh Thọ) và được dựng lại trong khuôn viên đất của một Phật tử là ông Nguyễn Văn Chất - pháp danh Đồng Trực - phát tâm cúng hiến.
CHÙA KIM LONG
Chùa Kim Long được xây dựng trong khuôn viên có tổng diện tích là 4.190m2, mặt tiền quay về hướng Tây. Từ ngoài vào trong, chùa có bố cục mặt bằng tổng thể bao gồm các thành phần kiến trúc như: Tam quan, Đài Quan Âm Bồ Tát, chính điện, nhà tổ, nhà đông, nhà tây và cổng phụ.
VĂN CHỈ NINH HÒA
Văn miếu/Văn chỉ/Văn từ là danh xưng có cùng một chức năng là nơi tôn thờ Nho giáo, tuy nhiên, chỉ khác nhau về cấp bậc ở chữ kèm theo sau là “miếu”, “chỉ”, “từ”. Theo đó, Văn miếu thuộc cấp trung ương, tỉnh, trấn; Văn từ, chỉ thuộc cấp tổng, huyện, làng, xã.
ĐÌNH HIỆP THẠNH
Đình Hiệp Thạnh tọa lạc tại thôn Hiệp Thạnh, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trước năm 1810, làng Hiệp Thạnh có tên gọi là Hương Thạnh xã (thuộc tổng Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa), gồm có hai xứ là xứ Gò Đình và xứ Cây Me. Năm 1890, Hương Thạnh xã đổi thành Hiệp Thạnh xã, Tân Định huyện, Khánh Hòa tỉnh.
ĐÌNH HỘI BÌNH
Đình Hội Bình tọa lạc tại Tổ dân phố Hội Thành, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tên gọi “Hội Bình” mang ý nghĩa là nơi hội tụ sự bình an.
CHÙA THIÊN ÂN
Chùa Thiên Ân nằm về phía Tây Bắc của làng Phước Thuận, dọc tả ngạn sông Chò; chùa quay hướng nam, xây dựng trong khuôn viên đất với tổng diện tích 4.362,6 m2. Từ ngoài vào trong, chùa có mặt bằng tổng thể như sau: Tam quan, sân chùa, Đài Quan Âm, Bia tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức, chính điện, nhà tổ, nhà đông, nhà trù.
MIẾU HỘI ĐỒNG
Miếu Hội Đồng tọa lạc tại tổ dân phố Phước Đa 2, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tên gọi của di tích xuất phát từ việc trước kia làng có 7 ngôi miếu nhỏ sau đó tập hợp lại thành một ngôi miếu thờ chung cho cả làng, gọi là “hội đồng”.
ĐÌNH MỸ TRẠCH
Đình Mỹ Trạch được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII. Năm 1810, làng Mỹ Trạch có tên gọi là An Phú xã (xứ Gò Duối, Gò Găng, Bồ Đề, Gò Phước), sau đổi thành An Thạnh Đông xã (xứ Đồng Núi), thuộc tổng Hạ, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH VĂN ĐỊNH
Đình Văn Định tọa lạc tại thôn Văn Định, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa. Đình được hình thành khoảng đầu thế kỷ XIX, lúc mới thành lập, đình có tên “Đình làng Văn Hòa”; đến đời vua Tự Đức thứ 33 (năm 1880), làng có tên là Văn Định nên tên đình được gọi là “Đình làng Văn Định”; đến đời vua Thành Thái thứ 2 (1890), gọi là làng/đình “Văn Định Hạ” và từ sau năm 1975 đến nay gọi là làng/đình Văn Định.
ĐÌNH CHẤP LỄ
Đình Chấp Lễ được xây dựng trong khu đất cao ráo, thoáng đảng, có tổng diện tích 1.140 m2. Mặt tiền của đình Chấp Lễ quay về hướng Đông. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Án phong, miếu Sơn Lâm, miếu Ngũ hành, chính điện, nhà đông, miếu Thiên Y, miếu Nghĩa từ.