Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH MỸ TRẠCH

26/02/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Mỹ Trạch tọa lạc tại tổ dân phố Mỹ Trạch, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Đình Mỹ Trạch được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII. Năm 1810, làng Mỹ Trạch có tên gọi là An Phú xã (xứ Gò Duối, Gò Găng, Bồ Đề, Gò Phước), sau đổi thành An Thạnh Đông xã (xứ Đồng Núi), thuộc tổng Hạ, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa, tỉnh Khánh Hòa[1].

Lúc mới xây dựng, đình được lợp ngói âm dương, tường làm bằng vách đất. Xưa kia, chùa Thiên Tứ ở Gò Chùa (cách vị trí ngày nay khoảng 1km về hướng Nam), để  thuận lợi cho việc quản lý cũng như hợp với phong thủy, chùa di dời về gần đình Mỹ Trạch.

Đình Mỹ Trạch được dựng lên để thờ Thành Hoàng làng, Tiền hiền, Hậu hiền, Hậu Thổ, Hỏa Tinh thần nữ, Ngũ Phương thần kỳ, Sơn Lâm.

Đình Mỹ Trạch đã trải qua những lần tu bổ, tôn tạo vào các năm: 1776, 1896, 1938, 1953, 1983, 1993, 1995.

Đình Mỹ Trạch tọa lạc trong khuôn viên có tổng diện tích 1.080m2, mặt tiền quay về hướng Đông Nam. Từ ngoài vào trong, đình Mỹ Trạch có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, án phong, miếu Hỏa Tinh thần nữ, miếu Hậu Thổ thánh nương, miếu Tiền hiền - Hậu hiền, miếu Ngũ Phương thần kỳ, chính điện, nhà bếp.

Điểm nhấn trong kiến trúc đình Mỹ Trạch nằm ở hệ thống các cấu kiện gỗ ở chính điện, miếu Tiền hiền và miếu Ngũ Phương thần kỳ với những nét chạm trổ, điển tích trên tường và hệ mái.

Chính điện đình Mỹ Trạch

 

Hàng năm, đình Mỹ Trạch tổ chức lễ hội vào ngày 18/3 đến ngày 19/3 âm lịch. Trước đây, đình có 03 sắc phong gửi ở chùa Thiên Tứ (thôn Mỹ Trạch), mỗi khi lễ hội thì tổ chức rước sắc và hồi sắc. Năm 1998, các sắc phong đã bị mất nên làng không còn tổ chức rước sắc.

Ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hóa của đình Mỹ Trạch, ngày 13/4/2010 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 965/QĐ-UBND xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.

                                                                                      Trần Thị Thanh Loan   

[1] Nguyễn Đình Đầu (1997),  Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, tr.158-159.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                   

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH THANH CHÂU
Đình Thanh Châu là nơi hoạt động của các cán bộ cách mạng như Trần Nhì, Nguyễn Tạo, Nguyễn Đức Nhuận; là nơi đặt thùng phiếu để cử tri của hai thôn Thanh Châu và Mỹ Chánh đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội vào ngày 06/01/1946. Ngoài ra, đình còn là địa điểm dạy học hưởng ứng phong trào “diệt giặc dốt” theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
ĐÌNH VẠN THIỆN
Đình Vạn Thiện đã có từ lâu đời nhưng năm khởi dựng chính xác thì không ai còn nhớ rõ. Theo lời kể của các vị cao niên trong làng, đình có 01 sắc phong dưới triều Nguyễn ban tặng nhưng đã bị mất vào năm 1955. Cứ liệu khả tín nhất để đoán định niên đại di tích là căn cứ vào hoa văn chạm trổ trên cấu kiện gỗ và bức hoành phi treo ở chính điện có ghi “Duy Tân tam niên… khởi tạo”, là cơ sở để xác định đình được khởi dựng vào năm 1909.
CHÙA PHÁP HẢI
Chùa Pháp Hải tọa lạc tại thôn Lạc Bình, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa Pháp Hải do ngài Thích Quảng Đức đứng ra khai sáng vào năm 1940, ban đầu chùa tọa lạc tại thôn Ngọc Sơn (xã Ninh An). Đến năm 1946, chùa bị thực dân Pháp đốt phá. Cũng trong năm 1946, chùa phải dời về thôn Lạc Bình (xã Ninh Thọ) và được dựng lại trong khuôn viên đất của một Phật tử là ông Nguyễn Văn Chất - pháp danh Đồng Trực - phát tâm cúng hiến.
CHÙA THIÊN ÂN
Chùa Thiên Ân nằm về phía Tây Bắc của làng Phước Thuận, dọc tả ngạn sông Chò; chùa quay hướng nam, xây dựng trong khuôn viên đất với tổng diện tích 4.362,6 m2. Từ ngoài vào trong, chùa có mặt bằng tổng thể như sau: Tam quan, sân chùa, Đài Quan Âm, Bia tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức, chính điện, nhà tổ, nhà đông, nhà trù.
MIẾU HỘI ĐỒNG
Miếu Hội Đồng tọa lạc tại tổ dân phố Phước Đa 2, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tên gọi của di tích xuất phát từ việc trước kia làng có 7 ngôi miếu nhỏ sau đó tập hợp lại thành một ngôi miếu thờ chung cho cả làng, gọi là “hội đồng”.
ĐÌNH VĂN ĐỊNH
Đình Văn Định tọa lạc tại thôn Văn Định, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa. Đình được hình thành khoảng đầu thế kỷ XIX, lúc mới thành lập, đình có tên “Đình làng Văn Hòa”; đến đời vua Tự Đức thứ 33 (năm 1880), làng có tên là Văn Định nên tên đình được gọi là “Đình làng Văn Định”; đến đời vua Thành Thái thứ 2 (1890), gọi là làng/đình “Văn Định Hạ” và từ sau năm 1975 đến nay gọi là làng/đình Văn Định.
ĐÌNH CHẤP LỄ
Đình Chấp Lễ được xây dựng trong khu đất cao ráo, thoáng đảng, có tổng diện tích 1.140 m2. Mặt tiền của đình Chấp Lễ quay về hướng Đông. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Án phong, miếu Sơn Lâm, miếu Ngũ hành, chính điện, nhà đông, miếu Thiên Y, miếu Nghĩa từ.