Đình Quang Đông tọa lạc tại thôn Quang Đông, xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Về tên gọi, tên gọi của đình làng xuất phát từ việc lấy tên làng Quang Đông để đặt cho đình. Trước kia, làng vốn có tên chữ là “Quan Đông”[1], tuy nhiên, hiện nay trong văn nói và các văn bản hành chính đều dùng chữ “Quang Đông” nên di tích cũng được gọi theo tên làng là đình Quang Đông.
Về bối cảnh lịch sử của làng, theo ký ức của hào lão địa phương, thuở mới khai hoang mở đất, từ khu vực thôn Quang Đông đến Gò Dinh (thôn Phú Văn, xã Ninh Trung) là vùng nước biển mênh mông, đào sâu xuống lòng đất 5-7m, người ta thấy những dây neo, móc xích như ở vùng Gò Tàu (phường Ninh Hiệp). Người đầu tiên đến làng Quang Đông khai hoang, lập làng là những cư dân đến từ các tỉnh miền Bắc, họ thường chọn những địa điểm đồi gò, nơi cao ráo ven biển hay dọc hai bên kênh rạch để thuận lợi cho việc đi lại cũng như sinh kế. Sau khi chọn vị trí thuận lợi để an cư, cư dân tiến hành lựa chọn vị trí đất tốt để canh tác nông nghiệp, vốn là một nước thuần nông nên ngay từ thuở ban sơ, người dân đã biết “đào mương lên liếp” trong trồng trọt. Từ đây, đã chi phối đến việc lựa chọn vị thần chung của làng và Bản Cảnh Thành Hoàng được xem là vị thần chủ đạo của làng thuần nông Quang Đông[2].
Về niên đại, căn cứ trên đạo sắc phong sớm nhất mà vua Tự Đức năm thứ 05 (1852) ban tặng cho làng Quang Đông được thờ tại đình làng, có thể xác định niên đại tương đối của di tích là vào cuối thế kỷ XVIII.
Hiện tại, đình Quang Đông còn lưu giữ được 05 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng cho Bản Cảnh Thành Hoàng dưới các triều vua sau:
- Triều vua Tự Đức năm thứ 05 (1852);
- Triều vua Tự Đức năm thứ 33 (1880);
- Triều vua Đồng Khánh năm thứ 02 (1886);
- Triều vua Duy Tân năm thứ 03 (1909);
- Triều vua Khải Định năm thứ 09 (1924).
Đình Quang Đông được dựng lên để thờ Bản Cảnh Thành hoàng, Tiền hiền, Sơn Lâm chúa tướng, Lý Nhĩ tôn thần, mục đồng, mục tượng.
Từ khi khởi dựng tới nay, đình Quang Đông đã trải qua các năm tu bổ như: 1912, 1973, 2003, 2008.
Về kiến trúc, Đình Quang Đông tọa lạc ở giữa cánh đồng, trong khuôn viên với tổng diện tích 2.685m2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Từ ngoài vào trong, đình Quang Đông có bố cục mặt bằng tổng thể gồm: Nghi môn, án phong, đại đình (Tiền tế và chính điện), miếu Mục đồng, miếu Mục tượng, nhà đông, nhà bếp, miếu Âm hồn, nhà tiền hiền.
Điểm nổi bật của di tích là hệ thống kết cấu khung gỗ cổ truyền còn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn và đầy đủ theo nguyên tắc truyền thống. Toàn bộ kết cấu khung gỗ của chính điện gồm 30 cây cột với 5 hàng chân cột. Chính điện có kết cấu 02 bộ vì tạo thành 01 gian 02 chái với 04 cột cái (chu vi 97cm ), 12 cột quân (chu vi 92cm ), 14 cột hiên (xây chìm trong tường). Trên 4 cột cái vẽ hình rồng cuốn tròn quanh thân cột, đầu quay xuống dưới rất sinh động. Các đầu dư cũng được chạm hình đầu rồng.
Trang trí trên kiến trúc phong phú về chủ đề và đa dạng về thể loại với các điển tích, điển cố như: ở tiền tế là linh vật ngựa đỏ, tùng lộc, chim phượng…; ở chính điện là các bức tranh “Hoa điểu” (Chim và hoa), “Liên áp” (Sen vịt), “Phượng hoàng”. Các bệ thờ vẽ trang trí các bức tranh: Phượng múa, long mã, rùa, cá chép. Các ban thờ: Thần, Hội đồng, Tả ban, Hữu ban đều làm bằng đá và trang trí hình con dơi, hoa lá. Ban thờ “Sơn Lâm chúa tướng” vẽ hình hổ vàng. Ban thờ “Lý Nhĩ tôn thần” vẽ hình voi.
Hàng năm, nhân dân thôn Quang Đông tổ chức lễ hội đình làng Quang Đông vào ngày 16, 17 tháng Giêng. Đây là lễ Kỳ yên (cầu an), diễn ra trong 2 ngày 1 đêm. Ngoài ra, đình Quang Đông còn có các lễ cúng khác như: Tiết Thanh minh, vía Thành Hoàng (11/5 âm lịch), giỗ Tiền hiền (12/8 âm lịch) và Tết Nguyên đán.
Từ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đình Quang Đông, ngày 18/11/2008 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2847/QĐ-UBND xếp hạng di tích đình Quang Đông là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Trần Thị Thanh Loan
[1] Tên gọi này được tìm thấy trong tư liệu Hán Nôm và các bản sắc phong được các vua triều Nguyễn ban tặng cho làng được thờ phụng tại đình Quang Đông.
[2] Xem thêm nội dung các sắc phong của hồ sơ này.