Đình Trường Lộc tọa lạc tại thôn Trường Lộc, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Trong lời kể hào lão địa phương, đình Trường Lộc có niên đại vào năm 1810 tại khu Gò Sỏi. Năm 1930 (tức 120 năm sau khi xây dựng), di dân đến làng đông hơn, vị trí ban đầu đình tọa lạc không còn phù hợp với quỹ đất chung của làng. Vì lẽ đó mà hào lão trong làng đã họp bàn, xem xét phong thủy và di dời đình đến một gò đất có tục danh là “lỗ giếng” (vị trí hiện nay). Vị trí mới này có thế đất phù hợp với phong thủy xây dựng đình làng và nằm ở hướng Tây, đầu làng Trường Lộc. Do ban đầu đình được làm bằng các loại vật liệu tạm nên khi di dời đình về vị trí mới, các kết cấu cũ [cột kèo, phù điêu …] của đình không còn tận dụng lại được mà phải thay thế bằng các loại vật liệu mới, kết cấu chịu lực tốt hơn.
Đình Trường Lộc được dựng lên để thờ Thần Thành hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền, Hậu Thổ, Thái Giám, Sơn Lâm chúa tướng, âm hồn, cô hồn…
Từ khi khởi dựng tới nay, đình Trường Lộc đã trải qua những lần tu bổ: 1930, 1960, 1970, 1995, 2000, 2010.
Đình Trường Lộc có mặt tiền nhìn về hướng Nam. Đình được xây dựng trong khuôn viên khép kín có tổng diện tích là 2.864m2.Từ ngoài vào trong, đình Trường Lộc có bố cục mặt bằng tổng thể bao gồm các thành phần kiến trúc như sau: Nghi môn, cột cờ, án phong, ban thờ lộ thiên, chính điện, nhà đông, nhà bếp, miếu Hậu Thổ.
Kết cấu khung gỗ ở chính điện hiện nay chỉ còn lại 02 cột cái (chu vi: 90cm), các cột cái khác cũng như cột quân, cột hiên không còn mà được thay thế bằng hệ thống tường bao để tăng cường khả năng chịu lực và tạo cho chính điện thông thoáng. Trang trí trên tường và hệ mái ở đình Trường Lộc thể hiện ước nguyện của dân làng lên đấng quyền năng về một cuộc sống an lành, thịnh vượng. Trường Lộc là làng thuần nông nên các cảnh tích trang trí ở đình làng cũng mang dấu ấn nông nghiệp như: Vua Nghiêu cày ruộng bằng voi, Khương Tử Nha câu cá, lưỡng long chầu nhật, song phụng triều dương...
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình làng Trường Lộc là một trong những địa điểm được cách mạng chọn làm nơi họp bàn, luyện tập võ thuật, tiếp tế lương thực, thuốc men, nơi ẩn nấp của chiến sĩ cách mạng, trao đổi tin tức…[1]. Chính vì lẽ đó, thực dân Pháp bắn phá hoàn toàn ngôi đình.
Tháng 5/1947, tại mặt trận Cầu Môn, Đại đội Vũ Trung Ân phối hợp với Tiểu đoàn Ba Dương đưa lực lượng về đóng quân tại đình Trường Lộc[2]. Chiều ngày 29/5/1947, theo hướng dẫn của cơ sở, bộ đội ta đã đưa quân về phục kích, đào hầm bí mật tại đình Trường Lộc chuẩn bị chiến đấu. Sáng 30/5/1947, một Tiểu đội lính Pháp theo sự chỉ điểm của tên Việt gian từ đồn Phú Hòa theo đường Cầu Từ tiến đến Cầu Môn vào làng Trường Lộc, truy lùng các cơ sở cách mạng. Tại trận đánh này, ta tiêu diệt 02 tên Pháp (trong đó có 1 sĩ quan), 01 tên Việt gian, thu 01 khẩu súng trung liên và 02 khẩu súng ngắn[3].
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược, đình Trường Lộc là nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, đình Trường Lộc còn là địa điểm diễn ra nhiều trận đánh khác ở cấp Tiểu đội, đơn lẻ giữa ta và địch. Và trong suốt thời kỳ này, đình Trường Lộc còn làm trụ sở hành chính của địa phương.
Theo định kỳ hàng năm, cư dân làng Trường Lộc tổ chức lễ hội đình làng vào ngày 18 tháng Ba (vía bà Hậu Thổ) và ngày 20 tháng Chạp (cúng Tất niên). Trong lễ hội có tổ chức các trò chơi dân gian như: Đánh cờ, kéo co, múa lân, đập ấm và biểu diễn văn nghệ. Từ năm 1972, cứ ba năm đình tổ chức hát Bội một lần vào dịp lễ hội đình làng. Thời gian hát cúng lễ và phục vụ bà con là 3 ngày đêm (từ ngày 18-21/3 âm lịch).
Ngày 31/8/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2352/QĐ-UBND xếp hạng di tích đình Trường Lộc là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Trần Thị Thanh Loan
[1] Ban chấp hành Đảng bộ xã Ninh Hưng (2014), Lịch sử cách mạng xã Ninh Hưng 1930-2010, Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa, Nha Trang, tr.16.
[2] Lịch sử truyền thống Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Ninh Hòa (1945-1954), Huyện ủy Ninh Hòa, 12/1999, tr. 76.
[3] Ban chấp hành Đảng bộ xã Ninh Hưng (2014), sđd, tr.39.