Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH THUẬN LỢI

18/03/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Hậu Phước tọa lạc tại tổ dân phố Thuận Lợi, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đình được đặt theo danh xưng của làng, lúc mới lập đình có tên là Thuận Hòa, năm 1909 đổi thành Thuận Lợi.

Về tên làng, thuở ban đầu, làng có tên là “Thuận An xã” (tên Nôm là xứ Cây Sung, Quán Thí, Tư Lương), tổng Hạ, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa, trấn Bình Hòa. Đến thời vua Đồng Khánh (1886-1888)[1], Thuận An xã đã được đổi thành “Thuận Hòa xã”, tổng Ích Hạ, huyện Tân Định, phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đến năm 1909, tên gọi Thuận Hòa được đổi sang thành “Thuận Lợi”. Sau này, các cấp đơn vị hành chính chủ quản còn tiếp tục có sự thay đổi nhưng tên gọi Thuận Lợi thì vẫn còn được duy trì từ ngày đó đến nay.

Về niên đại, theo hồi ức của hào lão trong làng thì đình Thuận Lợi được khởi dựng vào năm 1850 ở giữa cánh đồng, phía Nam là con sông [tục danh là sông đình Thuận Lợi] chảy qua địa bàn phường. Vì khu vực này xưa kia là vùng đất hoang vu, nhiều thú dữ nên không thuận tiện cho việc bảo quản và nhang khói hàng ngày. Vì vậy, năm 1856 dân làng dời đình về đầu làng (vị trí Đài tưởng niệm Liệt sĩ của phường hiện nay). Đến năm 1907, dân cư tăng lên, địa giới hành chính của làng Thuận Lợi được mở rộng, nhằm thuận tiện cho việc quản lý dân cư và quy hoạch các thiết chế văn hóa nên chính quyền và nhân dân địa phương đã thống nhất di dời đình về lại vị trí ban đầu.

Đình Thuận Lợi được dựng lên để thờ Bản Cảnh Thành Hoàng, Tiền Hiền, Thánh Nương, Mục Đồng.

Trải qua thời gian dài tồn tại cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết và chiến tranh, đình Thuận Lợi đã trải qua những lần tu bổ như sau: 1856, 1907, 1971, 1984, 1989, 1994, 2000, 2001, 2004.

Về bố cục kiến trúc, đình Thuận Lợi nằm ở giữa tổ dân phố Thuận Lợi, mặt tiền quay về hướng Đông Nam trong khuôn viên có diện tích là 1.845 m2. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể gồm các đơn nguyên kiến trúc sau: Nghi môn, án phong, trụ cờ, miếu Mục đồng, miếu Thánh Nương, miếu Nghĩa từ, nhà Tiền hiền, chính điện, nhà bếp, nhà hậu.

Kiến trúc, điêu khắc, trang trí ở đình Thuận Lợi về cơ bản giống các đình làng khác ở Khánh Hòa, đặc biệt là hệ thống tứ linh long, lân, quy, phụng được nghệ nhân khai thác triệt để với các đề tài như: “Lưỡng long chầu nhật”, “Long mã phụ đồ”, “Ngư hóa long”...thể hiện ước mong về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; bộ khung gỗ ở chính điện được kết cấu gồm 02 bộ vì tạo thành 01 gian gồm 04 cột cái, các cột quân và cột hiên không còn mà được thay thế bằng hệ thống tường bao chịu lực. Vì nóc kết cấu theo kiểu vì kèo.

Về sự kiện lịch sử, giống như nhiều đình làng khác trong tỉnh, trong các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà đình Thuận Lợi là địa điểm để thanh niên luyện tập võ thuật sẵn sàng ra trận; là nơi cán bộ địa phương họp bàn phương án đánh giặc; là mái trường “bình dân học vụ” của người dân trong làng và một số làng bên cạnh; là địa điểm tiếp tế lương thực, thuốc men cho tiền tuyến ngày đêm đánh giặc.

Hàng năm, nhân dân làng Thuận Lợi tổ chức lễ hội đình làng vào ngày tốt trong tháng 4 âm lịch, diễn ra trong 02 ngày từ 13h ngày hôm trước đến 13h ngày hôm sau. Lễ hội đình làng Thuận Lợi là dịp để dân làng thắt chặt tinh thần đoàn kết “tối lửa tắt đền” có nhau, đồng thời là dịp để dân làng vui chơi sau những ngày lao động vất vả.

Ngày 13/4/2010, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 967/QĐ-UBND xếp hạng di tích đình Thuận Lợi là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                              Trần Thị Thanh Loan

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (2003), Đồng Khánh Địa dư chí, phần tỉnh Khánh Hòa, Hà Nội, Tài liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Trường Cao học Thực hành Pháp và Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
CHÙA PHÁP HẢI
Chùa Pháp Hải tọa lạc tại thôn Lạc Bình, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa Pháp Hải do ngài Thích Quảng Đức đứng ra khai sáng vào năm 1940, ban đầu chùa tọa lạc tại thôn Ngọc Sơn (xã Ninh An). Đến năm 1946, chùa bị thực dân Pháp đốt phá. Cũng trong năm 1946, chùa phải dời về thôn Lạc Bình (xã Ninh Thọ) và được dựng lại trong khuôn viên đất của một Phật tử là ông Nguyễn Văn Chất - pháp danh Đồng Trực - phát tâm cúng hiến.
CHÙA KIM LONG
Chùa Kim Long được xây dựng trong khuôn viên có tổng diện tích là 4.190m2, mặt tiền quay về hướng Tây. Từ ngoài vào trong, chùa có bố cục mặt bằng tổng thể bao gồm các thành phần kiến trúc như: Tam quan, Đài Quan Âm Bồ Tát, chính điện, nhà tổ, nhà đông, nhà tây và cổng phụ.
VĂN CHỈ NINH HÒA
Văn miếu/Văn chỉ/Văn từ là danh xưng có cùng một chức năng là nơi tôn thờ Nho giáo, tuy nhiên, chỉ khác nhau về cấp bậc ở chữ kèm theo sau là “miếu”, “chỉ”, “từ”. Theo đó, Văn miếu thuộc cấp trung ương, tỉnh, trấn; Văn từ, chỉ thuộc cấp tổng, huyện, làng, xã.
ĐÌNH HIỆP THẠNH
Đình Hiệp Thạnh tọa lạc tại thôn Hiệp Thạnh, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trước năm 1810, làng Hiệp Thạnh có tên gọi là Hương Thạnh xã (thuộc tổng Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa), gồm có hai xứ là xứ Gò Đình và xứ Cây Me. Năm 1890, Hương Thạnh xã đổi thành Hiệp Thạnh xã, Tân Định huyện, Khánh Hòa tỉnh.
ĐÌNH HỘI BÌNH
Đình Hội Bình tọa lạc tại Tổ dân phố Hội Thành, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tên gọi “Hội Bình” mang ý nghĩa là nơi hội tụ sự bình an.
CHÙA THIÊN ÂN
Chùa Thiên Ân nằm về phía Tây Bắc của làng Phước Thuận, dọc tả ngạn sông Chò; chùa quay hướng nam, xây dựng trong khuôn viên đất với tổng diện tích 4.362,6 m2. Từ ngoài vào trong, chùa có mặt bằng tổng thể như sau: Tam quan, sân chùa, Đài Quan Âm, Bia tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức, chính điện, nhà tổ, nhà đông, nhà trù.
MIẾU HỘI ĐỒNG
Miếu Hội Đồng tọa lạc tại tổ dân phố Phước Đa 2, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tên gọi của di tích xuất phát từ việc trước kia làng có 7 ngôi miếu nhỏ sau đó tập hợp lại thành một ngôi miếu thờ chung cho cả làng, gọi là “hội đồng”.
ĐÌNH MỸ TRẠCH
Đình Mỹ Trạch được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII. Năm 1810, làng Mỹ Trạch có tên gọi là An Phú xã (xứ Gò Duối, Gò Găng, Bồ Đề, Gò Phước), sau đổi thành An Thạnh Đông xã (xứ Đồng Núi), thuộc tổng Hạ, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH VĂN ĐỊNH
Đình Văn Định tọa lạc tại thôn Văn Định, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa. Đình được hình thành khoảng đầu thế kỷ XIX, lúc mới thành lập, đình có tên “Đình làng Văn Hòa”; đến đời vua Tự Đức thứ 33 (năm 1880), làng có tên là Văn Định nên tên đình được gọi là “Đình làng Văn Định”; đến đời vua Thành Thái thứ 2 (1890), gọi là làng/đình “Văn Định Hạ” và từ sau năm 1975 đến nay gọi là làng/đình Văn Định.
ĐÌNH CHẤP LỄ
Đình Chấp Lễ được xây dựng trong khu đất cao ráo, thoáng đảng, có tổng diện tích 1.140 m2. Mặt tiền của đình Chấp Lễ quay về hướng Đông. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Án phong, miếu Sơn Lâm, miếu Ngũ hành, chính điện, nhà đông, miếu Thiên Y, miếu Nghĩa từ.