Đình Đông Hà tọa lạc tại tổ dân phố Đông Hà, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Dựa vào 03 sắc phong dưới triều vua Tự Đức ban tặng cho các làng có tên chữ mà có một chữ kèm trước đó là chữ ĐÔNG: Đông Hải, Đông Hà, Đông Cát, Đông Hòa. Tuy nhiên, do quá trình thành lập làng Đông Hà (1852) muộn hơn so với làng Đông Hải (1831) nên hiện nay các sắc phong trên đang được lưu giữ tại đình Đông Hải. Dựa vào nội dung sắc phong sớm nhất hiện đang lưu giữ tại đình Đông Hải được vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) ban tặng cho thôn Đông, có thể đoán định được niên đại tương đối của di tích vào cuối thế kỷ XVIII.
Đình Đông Hà
Lúc mới thành lập, đình Đông Hà được làm bằng tranh tre, nứa lá, mái lợp tranh và có tên là đình Xóm Rớ[1] (thôn Đông Hải). Từ năm 1946-1949, thực dân Pháp chiếm đình làm đồn bốt. Đến năm 1952, quân Pháp rút quân khỏi làng Đông Hà, nhân dân dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ (khuôn viên đình Đông Hà hiện nay). Một đơn nguyên kiến trúc hợp nhất thường thấy ở các đình làng biển là Lăng Ông Nam Hải. Người dân vùng biển rất tôn sùng cá voi, vì vậy toàn bộ tầm ảnh hưởng quan trọng của đời sống tín ngưỡng hướng ra biển được thể hiện ở sự sùng bái cá Ông, tín ngưỡng biển đặc biệt và khá phổ biến trên khắp vùng biển miền Trung.
Đình Đông Hà được dựng lên để thờ Thành Hoàng làng, Ông Nam Hải, Tiền hiền, Bà Thiên Y A Na, âm hồn.
Trải qua thời gian dài tồn tại, đình Đông Hà được tiến hành tu bổ vào các năm: 1946, 1952, 2004, 2009, 2010-2011.
Đình Đông Hà tọa lạc trong khuôn viên có tổng diện tích 989m2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục bao gồm các thành phần kiến trúc như sau: Nghi môn, án phong, võ ca, đại đình, nhà tây, nhà tiền hiền, Lăng Ông - Bà, miếu Âm hồn, nhà bếp. Trang trí, đắp nổi trên tường và hệ mái của đình Đông Hà giống như các đình khác ở Khánh Hòa đó là các tích lấy từ đề tài cầu cho mưa thuận hòa gió hòa, mùa mang bội thu, con người có sức khỏe, trường thịnh và phát triển. Phần kết cấu kiến trúc gỗ ở đình Đông Hà hiện nay còn giữ lại được 04 trụ cột chịu lực chính ở võ ca, bộ vì nóc kết cấu kiểu vì kèo ở nhà tiền hiền và nhà tây.
Hàng năm, cứ vào mùng 10/3 (Âm lịch), nhân dân làng Đông Hà tổ chức lễ hội đình làng Đông Hà. Lễ hội tổ chức trong 3 ngày 3 đêm, thời gian bắt đầu từ sáng mùng 9/3 (Âm lịch) đến đêm mùng 11/3 (Âm lịch).
Ngày 18/9/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2595/QĐ-CT.UBND xếp hạng đình Đông Hà là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Trần Thị Thanh Loan
[1] Trước năm 1852, Xóm Rớ thuộc thôn Đông Hải. Sau 1852, địa phương phân chia lại địa giới hành chính, Xóm Rớ thuộc thôn Đông Hà, dân làng lấy tên thôn để đặt tên cho ngôi đình là đình Đông Hà, tên gọi “Đông Hà” được giữ nguyên từ đó đến ngày nay.
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: