Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH PHÚ ĐA

18/03/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Phú Đa tọa lạc tại thôn Phú Đa, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Theo hồi ức của hào lão địa phương, đình Phú Đa được xây dựng trong khoảng thời gian 1880-1883. Tư liệu khả tín nhất để xác quyết niên đại của đình Phú Đa là sắc phong, căn cứ vào sắc phong Thành Thái năm thứ 2 (1890) phong cho Thái Giám Bạch Mã hiện còn lưu giữ tại di tích ta có thể đoán định di tích được xây dựng khoảng nửa cuối thế kỷ XIX. Trải qua quá trình tồn tại, đình Phú Đa đã qua nhiều lần tu bổ vào các năm: 1905, 1947, 1961, 1993, 2012.

Đình Phú Đa được dựng lên để thờ Bản cảnh Thành Hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền, Hậu Thổ, Tiên sư, Thổ Công, liệt sỹ, Âm hồn…

Hiện nay, đình Phú Đa còn lưu giữ 03 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng cho Thái Giám Bạch Mã, gồm:
- Ngày 20 tháng 02 triều vua Thành Thái năm thứ 02 (1890);
- Ngày 11 tháng 8 triều vua Duy Tân năm thứ 03 (1909);
- Ngày 25 tháng 7 triều vua Khải Định năm thứ 09 (1924)

Đình Phú Đa tọa lạc trong khuôn viên có diện tích là 1.225 m2, mặt tiền quay về hướng Nam. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Án phong, chính điện, miếu Tiền hiền, nhà tây, nhà đông, miếu Hậu Thổ, nhà bếp và giếng nước.

Đình có kết cấu theo kiểu tam sơn với chính điện ở giữa được làm cao hơn, hai bên là miếu Tiền hiền và nhà tây (thờ cô hồn, âm linh, chiến sĩ) thấp hơn. Hệ mái gồm 2 mái, lợp ngói tây. Trang trí, điêu khắc là các bức tranh tường hoặc đắp nổi các điển tích mang ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, con người có sức khỏe, cuộc sống thanh bình, thịnh vượng với các đề tài quen thuộc như: Phong cảnh thiên nhiên, chim phụng, tùng lộc, hổ, “Lưỡng long chầu nhật”, lân, phụng, hạc... Đặc biệt, bộ khung gỗ ở chính điện và miếu Tiền hiền có kết cấu 2 bộ vì tạo thành 01 gian, gồm 02 cột cái (không có cột quân và cột hiên). Vì nóc kết cấu kiểu vì kèo. Tất cả các cấu kiện gỗ được bảo quản tốt và theo nguyên tắc truyền thống.

Hàng năm, cứ vào tiết Thanh minh mùng 10/3 (Âm lịch) dân làng tổ chức lễ hội đình làng Phú Đa. Thời gian mở hội kéo dài 2 ngày 1 đêm (từ ngày 09/3 đến 10/3).

Trong thời kỳ Pháp thuộc, đình Phú Đa là một trong những địa điểm để cán bộ Việt Minh họp bàn đánh giặc. Sang thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình Phú Đa là địa điểm tiếp tế lương thực, thuốc men và là nơi cán bộ địa phương họp bàn đánh giặc. Tháng 3/1947, giặc Pháp bắn phá làm hư hỏng ngôi đình hoàn toàn. Năm 1955, dân làng dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đình làng Phú Đa tiếp tục là địa điểm quan sát, mai phục và làm bàn đạp tấn công từ hướng Tây trụ sở xã Ninh Hưng - tức phía Đông của đình; là địa điểm lực lượng vũ trang dùng làm nơi án ngữ và ngăn chặn ngụy quân tấn công từ hướng Đông để bảo vệ vùng giải phóng.

Ngày 13/4/2010, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 968/QĐ-UBND xếp hạng di tích đình Phú Đa là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.                     

     Trần Thị Thanh Loan    

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 2
 

Tin khác

breaker
CHÙA PHÁP HẢI
Chùa Pháp Hải tọa lạc tại thôn Lạc Bình, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa Pháp Hải do ngài Thích Quảng Đức đứng ra khai sáng vào năm 1940, ban đầu chùa tọa lạc tại thôn Ngọc Sơn (xã Ninh An). Đến năm 1946, chùa bị thực dân Pháp đốt phá. Cũng trong năm 1946, chùa phải dời về thôn Lạc Bình (xã Ninh Thọ) và được dựng lại trong khuôn viên đất của một Phật tử là ông Nguyễn Văn Chất - pháp danh Đồng Trực - phát tâm cúng hiến.
CHÙA KIM LONG
Chùa Kim Long được xây dựng trong khuôn viên có tổng diện tích là 4.190m2, mặt tiền quay về hướng Tây. Từ ngoài vào trong, chùa có bố cục mặt bằng tổng thể bao gồm các thành phần kiến trúc như: Tam quan, Đài Quan Âm Bồ Tát, chính điện, nhà tổ, nhà đông, nhà tây và cổng phụ.
VĂN CHỈ NINH HÒA
Văn miếu/Văn chỉ/Văn từ là danh xưng có cùng một chức năng là nơi tôn thờ Nho giáo, tuy nhiên, chỉ khác nhau về cấp bậc ở chữ kèm theo sau là “miếu”, “chỉ”, “từ”. Theo đó, Văn miếu thuộc cấp trung ương, tỉnh, trấn; Văn từ, chỉ thuộc cấp tổng, huyện, làng, xã.
ĐÌNH HIỆP THẠNH
Đình Hiệp Thạnh tọa lạc tại thôn Hiệp Thạnh, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trước năm 1810, làng Hiệp Thạnh có tên gọi là Hương Thạnh xã (thuộc tổng Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa), gồm có hai xứ là xứ Gò Đình và xứ Cây Me. Năm 1890, Hương Thạnh xã đổi thành Hiệp Thạnh xã, Tân Định huyện, Khánh Hòa tỉnh.
ĐÌNH HỘI BÌNH
Đình Hội Bình tọa lạc tại Tổ dân phố Hội Thành, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tên gọi “Hội Bình” mang ý nghĩa là nơi hội tụ sự bình an.
CHÙA THIÊN ÂN
Chùa Thiên Ân nằm về phía Tây Bắc của làng Phước Thuận, dọc tả ngạn sông Chò; chùa quay hướng nam, xây dựng trong khuôn viên đất với tổng diện tích 4.362,6 m2. Từ ngoài vào trong, chùa có mặt bằng tổng thể như sau: Tam quan, sân chùa, Đài Quan Âm, Bia tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức, chính điện, nhà tổ, nhà đông, nhà trù.
MIẾU HỘI ĐỒNG
Miếu Hội Đồng tọa lạc tại tổ dân phố Phước Đa 2, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tên gọi của di tích xuất phát từ việc trước kia làng có 7 ngôi miếu nhỏ sau đó tập hợp lại thành một ngôi miếu thờ chung cho cả làng, gọi là “hội đồng”.
ĐÌNH MỸ TRẠCH
Đình Mỹ Trạch được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII. Năm 1810, làng Mỹ Trạch có tên gọi là An Phú xã (xứ Gò Duối, Gò Găng, Bồ Đề, Gò Phước), sau đổi thành An Thạnh Đông xã (xứ Đồng Núi), thuộc tổng Hạ, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH VĂN ĐỊNH
Đình Văn Định tọa lạc tại thôn Văn Định, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa. Đình được hình thành khoảng đầu thế kỷ XIX, lúc mới thành lập, đình có tên “Đình làng Văn Hòa”; đến đời vua Tự Đức thứ 33 (năm 1880), làng có tên là Văn Định nên tên đình được gọi là “Đình làng Văn Định”; đến đời vua Thành Thái thứ 2 (1890), gọi là làng/đình “Văn Định Hạ” và từ sau năm 1975 đến nay gọi là làng/đình Văn Định.
ĐÌNH CHẤP LỄ
Đình Chấp Lễ được xây dựng trong khu đất cao ráo, thoáng đảng, có tổng diện tích 1.140 m2. Mặt tiền của đình Chấp Lễ quay về hướng Đông. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Án phong, miếu Sơn Lâm, miếu Ngũ hành, chính điện, nhà đông, miếu Thiên Y, miếu Nghĩa từ.