Đình Tân Phước thuộc thôn Tân Phước, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách thị trấn Vạn Giã khoảng 13km về hướng Bắc (xưa thuộc Tân An, xã tổng Hạ, huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa)[1].
Cách đây khoảng trên 300 năm dân cư ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đến đây khai hoang, lập làng, lập ấp. Sau một thời gian, cuộc sống dần yên ổn, dân cư ngày càng đông đúc, ông Trần Diễn và giúp việc cho ông là Võ Trấn[2] tập hợp dân chúng cùng nhau chung sức dựng lên ngôi đình để có nơi thờ thần linh, tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ban đầu đình làm đơn giản nhà tranh, vách đất, về sau cuộc sống khá giả, nhu cầu tín ngưỡng phát triển nhân dân góp công, góp của tu bổ đình có quy mô như ngày nay.
Đình Tân Phước từ khi xây đã trải qua nhiều lần tu bổ và lần gần đây nhất vào năm 1993, với sự đóng góp của nhân dân đình Tân Phước tu bổ các hạng mục, công trình gồm: Án phong, tiền tế, chính điện, nhà tây.
Di tích nằm trên một khu đất bằng phẳng địa thế đẹp, không gian thoáng mát ở trung tâm thị tứ Tu Bông, với diện tích 400m2, đình hướng Đông Nam.
Khuôn viên đình Tân Phước
Bố cục tổng của các hạng mục công trình được dàn trải theo chiều rộng gồm: Nghi môn, án phong, tiền tế, chính điện, nhà Tây.
Ngoài nét đẹp độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, đình Tân Phước còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa: tư liệu Hán Nôm, long đình, lọng, chiêng, trống, mõ, nghi thức, nghi lễ cúng, văn tế, nhạc lễ, trang phục…Đặc biệt, sáu sắc phong do các vị Vua triều Nguyễn phong tặng gồm:
- Sắc Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) phong cho Chúa Sắt thần nữ;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Chúa Sắt thần nữ;
- Sắc Khải Định năm thứ 2 (1917) phong cho thần Bạch Mã Thái Giám;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) ban sắc phong chuẩn cho thờ tự.
Những sắc phong được bảo lưu tại đình Tân Phước
Hai sắc không còn nguyên vẹn về nội dung, nhiều chữ Hán trong sắc bị hỏng không đọc được chữ viết.
Hàng năm, lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 16 và 17 tháng Hai âm lịch với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng thành kính các vị tôn thần và cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Đình Tân Phước được khởi dựng khoảng đầu thế kỷ XIX, do nhu cầu của cộng đồng cư dân khi đến vùng đất mới khai hoang, lập ấp. Di tích tồn tại cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Khánh Hòa nói chung và người dân Vạn Ninh nói riêng. Ngôi đình là một minh chứng lịch sử ghi dấu một thời khai phá đất đai của các bậc tiền nhân, trong đó hội tụ hầu như đầy đủ những giá trị mà cha, ông ta đã sáng tạo ra và lưu truyền lại. Điểm nổi bật nhất của ngôi đình là hệ thống kết cấu chịu lực bằng khung gỗ với những hoa văn trang trí tinh xảo, mang đậm phong cách truyền thống của địa phương vẫn còn được bảo lưu tại đây.
Chính vì những giá trị tiêu biểu trên, đình Tân Phước đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2985/QĐ- CT.UBND ngày 07/11/2014 xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Chí Khải
[1] Nguyễn Đình Đầu dịch, (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa, NXB TP Hồ Chí Minh.
[2] Trần Diễn và Võ Trấn là những vị Tiền hiền của làng.
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: