Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH TRUNG DÕNG

24/09/2019 00:00        
Đọc tin

Đình Trung Dõng tọa lạc tại thôn Trung Dõng, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Thuở mới khai hoang lập làng, làng Trung Dõng có tên là Trung An xã phụ lũy (xứ Cây Chua, Cổ Chi) thuộc tổng Hạ, huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa, tỉnh Khánh Hòa[1]. Dựa vào sắc phong, ta có thể đoán định niên đại đình Trung Dõng là vào đầu thế kỷ XIX, lúc đó có danh xưng là đình Trung An. Đến triều vua Tự Đức năm thứ 33 (1880), di tích có tên đình Trung Dõng và được giữ nguyên từ đó đến nay.

Đình Trung Dõng dựng lên để thờ Thành Hoàng, Hậu Thổ, Sơn Lâm chúa tướng, Hà bá, Tiền hiền - Hậu hiền, âm hồn.

Đình Trung Dõng tọa lạc trong khuôn viên có diện tích 2.978,9m², đình có nhiều cây sao lớn (đường kính 1m) có niên đại khoảng 400-600 năm.

Tổng quan đình Trung Dõng

Lúc mới lập, đình được dựng bằng các loại vật liệu đơn giản có sẵn trong tự nhiên như tranh tre, vách đất, mái lợp tranh. Đến năm 1838, dân làng đóng góp công sức và tiền của xây dựng lại ngôi đình có quy mô kiến trúc như hiện nay. Trải qua thời gian dài tồn tại, cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết và chiến tranh, đình Trung Dõng đã được tu bổ nhiều lần vào các năm: 1838, 1955, 1984, 1993. Tuy vậy, đình Trung Dõng vẫn còn giữ những nét kiến trúc truyền thống của ngôi đình truyền thống ở Khánh Hòa: Tứ trụ có cổ lầu, kết cấu vì nóc theo kiểu vì kèo, đầu dư chạm trổ hình đầu rồng, cột gỗ vẽ trang trí hình rồng uốn lượn quanh thân cột, trên vì nóc đắp nổi hình “Lưỡng long chầu nhật”, trên tường trang trí điển tích “Bát tiên”...

Điểm khác biệt của kiến trúc đình Trung Dõng so với các đình làng khác trong tỉnh đó là làng nghề truyền thống gốm Trung Dõng được biểu hiện sinh động qua các linh vật, điển tích đều được làm bằng gốm men ngọc và đã ghi vào tài liệu địa phương, được nhiều người biết đến.

Từ ngoài nhìn vào, di tích có các hạng mục công trình chính như: Nghi môn, án phong, tiền tế - chính điện, miếu Bà Hậu Thổ (nhà phía đông), miếu Tiền hiền-Hậu hiền (nhà phía tây), miếu Sơn Lâm, miếu Hà bá.

                                                                                                                                           Nghi môn đình Trung Dõng

Đình Trung Dõng còn lưu giữ các hoành phi, câu đối, khám thờ và 04 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng cho Thành Hoàng:
- Ngày 29 tháng 11 triều vua Tự Đức năm thứ 5 (1852);
- Ngày 24 tháng 11 triều vua Tự Đức năm thứ 33 (1880);
- Ngày 01 tháng 07 triều vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1887);
- Ngày 11 tháng 8 triều vua Duy Tân năm thứ 3 (1909).

Hằng năm, đình Trung Dõng mở hội đình làng vào dịp “Xuân Thu nhị kỳ”. Lễ Xuân kỳ tổ chức vào 12/3 âm lịch, lễ Thu tế diễn ra vào 12/8 âm lịch. Thường lệ, cứ “Tam niên đáo lệ” đình tổ chức hát bội trong 2 ngày 2 đêm.

Đình Trung Dõng là cơ sở cách mạng của địa phương trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, là nơi hội họp, tổ chức lực lượng của Mặt trận Việt Minh xã Vạn Bình để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra vào đêm 13 rạng sáng 14/8/1945; trạm xá, bệnh viện dã chiến điều trị thương bệnh binh của huyện trong những năm 1946-1947[2]; nơi đặt hòm phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại địa phương; nơi mở lớp “bình dân học vụ” cho bà con trong xã.

Ghi nhận những giá trị của di tích, ngày 05/12/2013 UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng đình Trung Dõng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 3097/QĐ-CT.UBND.

 Trần Thị Thanh Loan

[1] Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn (Khánh Hòa, Đắc Lắc), NXB. Tp.Hồ Chí Minh, tr.98-99.
[2] Võ Khoa Châu (2008), Vạn Ninh-Đất và người, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, tr. 35, 125, 126.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
DI TÍCH LỊCH SỬ LƯU NIỆM DANH NHÂN TRẦN ĐƯỜNG
Di tích là địa điểm lưu niệm tưởng nhớ Tổng trấn Trần Đường, nhân vật lịch sử tiêu biểu ở Khánh Hòa trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Di tích lịch sử lưu niệm danh nhân Trần Đường gồm khu mộ và đền thờ danh nhân Trần Đường tọa lạc trong khuôn viên chùa Lương Hải.
ĐÌNH TÂN MỸ
Đình Tân Mỹ là một công trình tôn giáo, tín ngưỡng mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa to lớn, ngoài các hoa văn, kiến trúc tiêu biểu của đình làng, còn có các tư liệu, các di vật, cổ vật như: giá trống, trống, giá chiêng, chiêng cổ, long đình, hai bộ bát bửu, tấm bảng vàng khắc ghi những người đứng ra trông nom xây dựng đình, câu đố...
ĐÌNH PHÚ HỘI
Đình Phú Hội được khởi dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, do nhu cầu của cộng đồng người dân khi đến vùng đất mới khai hoang, lập ấp. Đây là một đặc trưng truyền thống về lễ nghi tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của người dân Khánh Hòa nói chung và người dân Vạn Ninh nói riêng. Ngay từ khi mới được xây dựng, đình Phú Hội đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của người dân.
LĂNG QUẢNG HỘI
Lăng Quảng Hội tọa lạc tại thôn Quảng Hội II, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Vào năm 1653, có một cuộc di dân rất lớn từ các tỉnh miền Trung vào vùng đất Vạn Ninh, một bộ phận dân cư người Việt từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đến vùng đất mới khai hoang, lập ấp, sinh sống và dựng lăng Ông bằng tre, nứa, mái lợp lá.
LĂNG LƯƠNG HẢI
Lăng Lương Hải được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, do hai cụ Nguyễn Văn Lộc (còn gọi là ông Xù) và cụ Ngô Văn Lương người thôn Cát Ném đứng lên vận động nhân dân xây dựng. Ban đầu Lăng làm bằng mái tranh, vách đất, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ để làng có nơi thờ Ông Nam Hải, cầu phước cho nhân dân trong làng bình an.
ĐÌNH TÂN PHƯỚC
Đình Tân Phước được khởi dựng khoảng đầu thế kỷ XIX, do nhu cầu của cộng đồng cư dân khi đến vùng đất mới khai hoang, lập ấp. Di tích tồn tại cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Khánh Hòa nói chung và người dân Vạn Ninh nói riêng.