Lăng Lương Hải thuộc Tổ dân phố 15 Lương Hải, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Xưa kia, địa danh đó còn có tên là làng Cát Ném, vào đầu triều Nguyễn là một phần đất của An Lương xã, thuộc tổng Hạ, huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa. Làng Cát Ném là vốn một vùng đất hoang, chỉ có cây cỏ dại mọc. Hai cụ tiền bối Nguyễn Văn Lộc và Ngô Văn Lương đến đây, nhận thấy địa thế phù hợp cho việc đánh bắt hải sản (làm ngư nghiệp) nên cất trại, dựng nhà, dần dần dân cư quy tụ về định cư đông đúc, họ lập thành làng, thành ấp.
Lăng Lương Hải được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, do hai cụ Nguyễn Văn Lộc (còn gọi là ông Xù) và cụ Ngô Văn Lương người thôn Cát Ném đứng lên vận động nhân dân xây dựng. Ban đầu Lăng làm bằng mái tranh, vách đất, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ để làng có nơi thờ Ông Nam Hải, cầu phước cho nhân dân trong làng bình an. Lăng được xây bằng đá san hô, vôi vữa nước nhớt trộn với mật đường và lợp ngói âm dương, mang dáng dấp cổ kính đặc trưng của kiến trúc lăng Ông các làng ven biển.
Mặt bằng tổng thể lăng Lương Hải
Lăng Lương Hải tọa lạc trên một khuôn viên rộng, bằng phẳng, có diện tích 1500,1 m2, mặt quay lăng hướng Đông. Lăng gồm các hạng mục, công trình: Nghi môn, miếu Hà Bá và Sơn lâm, án phong, võ ca, tiền tế, chính điện, nhà đông, miếu Cô Hồn, lăng Ông Nam Hải.
Trên Nghi môn có đôi câu đối bằng chữ Hán Nôm ca ngợi công đức Ông Nam Hải:
Phiên âm: Nam Hải nghiêm lăng, cảm ứng giáng lâm phong ba cứu hộ,
Trấn đường linh miếu, trung thần phò trì quốc thái dân an.
Dịch nghĩa: Lăng Nam Hải nghiêm trang, cảm ứng giáng lâm, gió sương cứu hộ,
Miếu thiêng trấn giữ đó, trung thần phò giúp, nước mạnh dân giàu.
Ban thờ hội đồng tại lăng Lương Hải
Chính điện gồm hai phần hiên phía ngoài và khu thờ tự phía trong. Hai góc hồi của hiên có hai ban thờ môn thần. Phía trong Chính điện gồm năm ban thờ, chính giữa là ban thờ Hội đồng, hai bên của ban thờ Hội đồng là ban thờ Nam Hải và Thủy Long thần nữ; hai bên của ban thờ Nam Hải và Thủy Long là hai ban thờ Tiền bối, Hậu bối và Tiền hiền, Hậu hiền.
Kiến trúc chính điện theo lối cổ truyền của người Việt
Kiến trúc chính điện: được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền của người Việt. Hệ thống chịu lực gồm bốn chiếc cột cái, mỗi cột (đường kính 25cm, cao 8,5m); hai cột trước để trơn, hai cột sau trang trí “Rồng cuốn thân cột”. Bốn cột liên kết với hệ thống vì, hoành, rui, mè… cùng với các bức tường nâng đỡ hệ mái.
Ngoài nét đẹp độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, lăng Lương Hải còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa: ba sắc phong do vua triều Nguyễn ban tặng, tư liệu Hán Nôm, long đình, lọng, chiêng, trống, mõ, nghi thức, nghi lễ cúng, văn tế, nhạc lễ, trang phục…Đặc biệt lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức vào ngày 16/2 (Âm lịch).
Ba sắc phong của lăng Lương Hải gồm:
+ Sắc Duy Tân 5 (1911) phong cho Thành hoàng và Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần.
+ Sắc Duy Tân 5 (1911) phong cho Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi.
+ Sắc Khải Định 2 (1917) phong cho Thủy Long thần nữ.
Lăng Lương Hải là một trong những lăng Ông ra đời sớm trên vùng đất Khánh Hòa nói chung và vùng đất Vạn Ninh nói riêng. Lăng dựng để thờ Nam Hải, Thủy Long thần nữ, Hà Bá, Sơn Lâm… và các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công dựng làng, lập ấp. Ngoài giá trị về mặt lịch sử, văn hóa đánh dấu quá trình hình thành vùng dân cư mới ở Cát Ném (Lương Hải hiện nay), điểm nổi bật nhất của di tích là giá trị kiến trúc nghệ thuật mang nét đặc trưng với những hoa văn trang trí tinh xảo, mang đậm phong cách truyền thống của địa phương vẫn còn được bảo lưu tại đây. Đặc biệt, Lăng còn lưu giữ được một loại hình văn hóa dân gian vô cùng đặc sắc đó là Hò Bá Trạo. Hò Bá Trạo tại lăng Lương Hải được đánh giá còn đầy đủ và nguyên gốc ở Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.
Lăng Lương Hải đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1007/QĐ-UBND, ngày 22/11/2007 xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.
Nguyễn Chí khải
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: