Lăng Quảng Hội tọa lạc tại thôn Quảng Hội II, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Vào năm 1653, có một cuộc di dân rất lớn từ các tỉnh miền Trung vào vùng đất Vạn Ninh, một bộ phận dân cư người Việt từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đến vùng đất mới khai hoang, lập ấp, sinh sống và dựng lăng Ông bằng tre, nứa, mái lợp lá. Vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, nhân dân xây dựng lăng bằng đá ong và tô vôi trộn với cát; kèo, cột rui mè làm bằng gỗ; mái lợp ngói âm dương; ở cạnh cửa biển, cách khoảng 5m về hướng Tây.
Đến năm 1956 cộng đồng ngư dân ngày càng đông lên nên nhu cầu về tín ngưỡng càng cao và điều kiện đóng góp của mọi người mong muốn có lăng Ông khang trang hơn. Đồng thời, các bô lão trong làng xét thấy địa điểm trước không phù hợp nên đã di dời lăng về địa điểm cách vị trí trước kia 30m về hướng Đông Bắc. Vì thế, các cụ Huỳnh Cừ, Lê Mêu và Đỗ Không đã vận động các ngư dân xây dựng lại lăng. Lúc này, lăng được làm bằng khung gỗ, xây gạch, lợp ngói, nền và vách bằng xi măng trộn cát.
Trải qua thời gian, lăng Quảng Hội được tu bổ vào những năm:
- Năm 1991, tu bổ chính điện và tiền tế;
- Năm 1992, xây dựng nhà đông;
- Năm 2001, tu bổ chính điện, nhà đông, miếu tiền hiền;
- Năm 2007, tu bổ án phong và nghi môn.
Hiện nay, Lăng Quảng Hội còn lưu giữ 03 sắc phong do vua Khải Định ban tặng:
- Sắc Khải Định năm thứ 2 (1917) ban cho Đông Nam Sát Hải Lang Lại Tướng quân;
- Sắc Khải Định năm thứ 2 (1917) ban cho Thủy Long Thần Nữ;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) ban cho Thủy Long Thần Nữ.
Lăng Quảng Hội thờ Đông Nam Sát Hải Lang Lại Tướng quân, Thủy Long Thần Nữ, Tiền hiền, Hậu hiền ...
Từ ngoài vào trong, Lăng Quảng Hội bao gồm các công trình kiến trúc như sau: Nghi môn, án phong, tiền tế, chính điện, nhà tiền hiền, nhà đông. Lăng Quảng Hội quay theo hướng Đông Nam, với tổng diện tích 852.5m2.
Lễ hội thường tổ chức vào ngày tháng 3 âm lịch hàng năm và kéo dài trong 03 ngày. Ngoài các lễ rước và lễ tế giữ được nét bản sắc văn hóa cổ truyền, lăng còn tổ chức các trò chơi dân gian như: đua thuyền, lắc thúng và tổ chức hát bội...
Hiện nay, Lăng còn lưu giữ được một loại hình văn hóa dân gian rất đặc sắc đó là Hò Bá trạo.
Trong giai đoạn 1965 – 1968, Đội công tác Vạn Thắng – Vạn Bình là một trong những Đội công tác chủ lực của địa phương. Lăng Quảng Hội nằm ở cửa biển nằm trên con đường rút lui của địch, nên chúng ta đã chọn lăng làm nơi phục kích địch, tiêu biểu như: Ngày 21.8.1966, quân ta đã án ngữ tại lăng để đón đầu đường rút lui của địch ra biển, bắt được 02 tên và giết được 05 tên địch. Trước giờ G đêm giao thừa, 29 tháng Chạp (tức ngày 28.01.1968) Vạn Ninh chia làm 3 cánh quân: Cánh bắc lấy Đội vũ trang công tác Vạn Thắng – Vạn Bình làm nòng cốt, cánh nam lấy Đội vũ trang công tác Vạn Hưng – Vạn Lương làm nòng cốt, cánh chính diện lấy Đội vũ trang công tác Vạn Phú – Thị Trấn làm nòng cốt. Theo kế hoạch, sau khi tiêu diệt địch thì kéo về thị trấn. Vào thời điểm này, lăng là nơi trú ngụ của quân ta để chờ lệnh kéo về thị trấn.
Ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hóa của lăng Quảng Hội, năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại Quyết định số: 3099/QĐ-CT.UBND.
Bá Trung Toản
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: