Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH PHÚ VINH

08/07/2019 00:00        
Đọc tin

Đình Phú Vinh tọa lạc tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Theo Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa của Nguyễn Đình Đầu thì công cuộc đo đạc đất đai và lập sổ địa bạ trên toàn quốc diễn ra vào năm 1810. Vào thời điểm đó, thôn Phú Vinh có tên gọi “xã Phú Vinh, thuộc Hà Bạc, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa[1]. Thuở ban sơ đi mở đất, để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nhân dân xã Phú Vinh lập miếu thờ Thành Hoàng ở gốc cây cổ thụ (tục gọi là miếu Chang Chang).

* Về niên đại, có hai dữ kiện khả tín nhất để xác định năm khởi dựng đình Phú Vinh: Một là, theo tài liệu thành văn của địa phương thì di tích được xây dựng vào năm 1888 do cụ Bùi Chiến và cụ Nguyễn Qúy là người có công lao lớn trong việc đóng góp công sức, tiền của và vận động nhân dân xây dựng đình làng[2]. Hai là, căn cứ vào sắc phong sớm còn được lưu giữ tại đình vào đời vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) ban tặng sắc phong cho xã Phú Vinh cho phép nhân dân thờ phụng Thành Hoàng làng tại đình Phú Vinh. Từ hai dữ kiện trên cho phép ta có thể đoán định niên đại tương đối của di tích là đầu thế kỷ XIX vì theo lẽ thường, muốn được triều đình phong kiến ban tặng sắc phong thì đình làng phải ra đời và tồn tại một thời gian nhất định rồi mới được vua phong sắc.

Sau khi đình làng được xây dựng xong, nhân dân thôn Phú Vinh đã tổ chức rước sắc phong ở miếu Thành Hoàng về thờ phụng.

Chính điện đình Phú Vinh

Đình Phú Vinh được dựng lên để thờ: Bản Cảnh Thành Hoàng, Tiền hiền, Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong…

Hiện nay, đình Phú Vinh còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị: 14 cặp liễn đối bằng gỗ, 13 bức Hoành phi và nhất là 05 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng, cụ thể:
- Sắc phong ngày 29 tháng 11 triều vua Tự Đức năm thứ 05 (1852);
- Sắc phong ngày 24 tháng 11 triều vua Tự Đức năm thứ 33 (1880);
- Sắc phong ngày 1 tháng 7 triều vua Đồng Khánh năm thứ 02 (1887);
- Sắc phong ngày 11 tháng 8 triều vua Duy Tân năm thứ 03 (1909);
- Sắc phong ngày 25 tháng 7 triều vua Khải Định năm thứ 09 (1924).

* Những lần tu bổ di tích: Từ khi xây dựng cho đến nay, đình Phú Vinh đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, đó là vào các năm: 1938, 1958, 1969, 1974, 1997 và cuối 2014 đến đầu 2015.

* Về đơn nguyên kiến trúc : Mặt tiền đình Phú Vinh quay về hướng Đông. Từ ngoài vào trong, đình bao gồm các đơn nguyên kiến trúc như sau: Nghi môn, Án phong, Võ ca, Tiền tế, Chính điện, miếu Tiền hiền, nhà khách.

Hàng năm, đình Phú Vinh tổ chức lễ hội Xuân kỳ vào dịp tháng 02 Âm lịch. Lễ hội diễn ra 2 ngày 1 đêm. Cứ 3 năm, đình lại được tổ chức đại lễ (có hát Bội).

* Sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích[3]:
Trong phong trào Cần Vương (1885-1886) ở Khánh Hòa, ông Trịnh Phong[4] (làng Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh) đã cùng với ông Nguyễn Khanh (làng Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung) và ông Trần Đường (làng Hiền Lương, xã Vạn Lương) đứng lên chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp. Trịnh Phong lập căn cứ ở vùng núi Xuân Sơn (núi Chín Khúc) để tập hợp lực lượng, luyện tập võ thuật và xây dựng chiến lũy dọc theo bờ biển Nha Trang. Bằng sự mưu trí, dũng cảm cùng với sự lãnh đạo tài tình, biết nắm bắt thời cơ của mình, Trịnh Phong được nghĩa quân phong làm Bình Tây Đại Tướng[5].

Mặc dù phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa thất bại, nhưng Trịnh Phong và các tướng lĩnh đã góp phần chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp và tay sai. Ghi nhận những công lao đóng góp của Trịnh Phong-vị tướng đầu tiên của làng Phú Vinh và là một trong ba vị tướng tài trong phong trào Cần Vương Khánh Hòa, nhân dân xã Vĩnh Thạnh đã xây dựng mộ và thờ ông tại đình Phú Vinh để nhân dân trong làng bày tỏ lòng tôn kính và xem như một sự tri ân thiết thực nhất để hương hồn ông cảm thấy ấm lòng nơi miền cực lạc.

Trước năm 1945, đình Phú Vinh là nơi liên lạc, hội họp của một số cán bộ Việt Minh ở Khánh Hoà. Sau cách mạng tháng Tám 1945, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến ở Mặt trận Nha Trang-Khánh Hoà, các đơn vị bộ đội Nam tiến đã sử dụng đình Phú Vinh làm nơi đóng quân của bộ đội ta và nhân dân địa phương đã nhiệt tình đóng góp lương thực nuôi quân. Đình Phú Vinh vừa là nơi làm lễ xuất phát đánh địch ở Nha Trang, đồng thời cũng là nơi bộ đội ta rút về nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, đình Phú Vinh còn là nơi quân dân ta huấn luyện võ thuật để phục vụ cho cuộc chiến đấu 101 ngày đêm ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hoà (từ 23-10-1945 đến đầu tháng 2-1946).

Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954): đình Phú Vinh là địa điểm liên lạc của các chiến sĩ cách mạng tỉnh Khánh Hoà và là địa điểm họp Ủy ban kháng chiến Việt Minh, là nơi tập trung nhân dân để mitting, biểu tình chống thực dân xâm lược.

Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975), đình Phú Vinh là cơ sở bảo vệ, nuôi giấu cán bộ cách mạng như: đồng chí Bùi Hồng Thái, Nguyễn Dân…Năm 1974, chiến tranh đã hủy hoại toàn bộ ngôi đình, nhân dân đã tiến hành đại tu bổ, gần 1 năm sau mới hoàn thành. Tuy tiến hành tu bổ trong thời gian chiến tranh, thiếu thốn mọi mặt nhưng nhân dân địa phương đã có ý thức cao trong việc giữ lại các yếu tố, cấu kiện gốc của di tích.

Đình Phú Vinh là một trong những ngôi đình cổ ở vùng đất Khánh Hòa, nơi lưu giữ nhiều yếu tố văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày 18/11/2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2856/QĐ-UBND xếp hạng Đình Phú Vinh là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

 Trần Thị Thanh Loan   

[1] Nguyễn Đình Đầu (1997),  Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, tr.92.
[2] Đảng bộ xã Vĩnh Thạnh (2008), Lịch sử đấu tranh cách mạng của đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Thạnh (1930 – 2005), Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa, Khánh Hòa, tr.14.
[3] Đảng bộ xã Vĩnh Thạnh (2008), sđd, tr.14.
[4] Là một trong ba nhân vật trong “Khánh Hòa tam kiệt”.
[5] Huỳnh Chương Nhiệm (2001), “Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa” , Tạp chí Xưa và Nay, số 86, tr.12.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                   

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
TRƯỜNG PHỦ DIÊN KHÁNH
Trường Phủ Diên Khánh tọa lạc tại thôn Phú Ân Nam 1, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Trường Phủ là cơ sở giáo dục của phủ Diên Khánh, đã trải qua nhiều thế hệ thầy cô giáo và học sinh. Lúc bấy giờ có thầy giáo Hoàng Văn Hai là đảng viên đã tuyên truyền, vận động một số trợ giáo tham gia vào Mặt trận Việt Minh.
MIẾU CÂY GẠO
Ngoài tên gọi trên, miếu Cây Gạo còn được biết đến qua danh xưng miếu Ấp Phật Tỉnh. Tên gọi hiện nay xuất phát từ việc phía sau miếu có cây gạo rất to và linh thiêng nên dân gian gọi là miếu Cây Gạo, gọi mãi thành thói quen, trở thành tên gọi chính thức và được ghi vào sắc phong, tồn tại đến ngày nay.
ĐÌNH THỦY TRIỀU
Đình Thủy Triều nằm trong không gian cảnh quan phù hợp với công trình văn hóa tín ngưỡng, dưới tán cây Me cổ thụ vài trăm năm tuổi, phía trước là đầm Thủy Triều. Bố cục mặt bằng các hạng mục công trình kiến trúc của Đình được dàn trải theo chiều rộng gồm: Nghi môn, Án phong, Võ ca, sân Đình, miếu Tiền Hiền, miếu Sơn Lâm, miếu Thanh Minh, Tiền tế, Chính điện.
ĐÌNH TÂN MỸ
Đình Tân Mỹ là một công trình tôn giáo, tín ngưỡng mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa to lớn, ngoài các hoa văn, kiến trúc tiêu biểu của đình làng, còn có các tư liệu, các di vật, cổ vật như: giá trống, trống, giá chiêng, chiêng cổ, long đình, hai bộ bát bửu, tấm bảng vàng khắc ghi những người đứng ra trông nom xây dựng đình, câu đố...
ĐÌNH MỸ HIỆP
Điểm nhấn trong trang trí, điêu khắc trên kiến trúc đình Mỹ Hiệp, đó là hệ thống cột gỗ và bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng” hay hệ thống linh vật: Long, lân, quy, phụng, hổ, dơi…được các nghệ nhân khai thác triệt để. Hình ảnh tứ linh thể hiện dưới dạng “Lưỡng long tranh châu”, hay hình ảnh “Bát tiên”, “Tứ quý”: Tùng, trúc, cúc, mai.
ĐÌNH XUÂN HÒA
Đình Xuân Hòa quay về hướng Nam. Toàn bộ kiến trúc đình nằm trên mặt bằng rộng 2.352m2, bao gồm các công trình kiến trúc như sau: Nghi môn, Án phong, cột cờ, miếu Sơn Lâm chúa tướng, miếu Thủy Đức Thanh Quang, Võ ca, Chính điện, miếu Âm linh, miếu Thánh Nương (còn gọi là miếu Bà), miếu Tiền hiền, nhà bếp, nhà ăn.
THÁC TÀ GỤ
Thác Tà Gụ thuộc thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, là huyện miền núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa. Danh lam thắng cảnh Thác Tà Gụ còn có tên gọi khác: Thác Ta Gu, thác Ru Gou, thác Ru Gu. Theo tiếng Raglai, chữ Ta có nghĩa là đá, chữ Gu có nghĩa là đứng, hai chữ đó có nghĩa là đá đứng, nhưng phiên âm ra mọi người quen đọc là Tà Gụ và tên gọi này đã trở nên phổ biến hiện nay.
ĐÌNH ĐẠI ĐIỀN ĐÔNG
Đình Đại Điền Đông mở hội khoảng 02 ngày trong tháng 3 âm lịch hàng năm; ngày, giờ tổ chức được chọn theo năm chứ không có lệ. Sau phần lễ có phần hội tổ chức các trò chơi dân gian: nhảy bao bố, đổ nước vào chai, kéo co… Ngoài ra, tháng 11 âm lịch đình tổ chức cúng Thượng điền (gác cày).
MIẾU THANH TỰ ĐÔNG
Miếu Thanh Tự Đông thuộc xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Miếu Thanh Tự Đông do Tri phủ huyên Tân Định tên là Lê Kim Cảnh cùng các nhân hào thân sĩ đồng tâm xây dựng, ông cúng 6 sào đất và tiền quan để dựng đình.
CHÙA VẠN THIỆN
Cùng với sự phát triển không ngừng của Phật giáo Việt Nam, phần đất Khánh Hòa thế kỷ XVIII có thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán – sư tổ phái Thiền Tông Lâm Tế miền Trung đời thứ 35, pháp đệ của ngài là Hòa thượng Thiệt Vinh - Bửu Hạnh đã theo dòng người Nam tiến Thuận Hóa đến vùng đất mới Phủ Diên Khánh lập am tranh tu hành khai sơn chùa Phụng Thùy Sơn (nay là chùa Vạn Thiện).