Chùa Vạn Thiện thuộc xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Cùng với sự phát triển không ngừng của Phật giáo Việt Nam, phần đất Khánh Hòa thế kỷ XVIII có thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán – sư tổ phái Thiền Tông Lâm Tế miền Trung đời thứ 35, pháp đệ của ngài là Hòa thượng Thiệt Vinh - Bửu Hạnh đã theo dòng người Nam tiến Thuận Hóa đến vùng đất mới Phủ Diên Khánh lập am tranh tu hành khai sơn chùa Phụng Thùy Sơn (nay là chùa Vạn Thiện).
Căn cứ vào bản chánh pháp nhãn tạng (pháp quyển) của Tổ Thiệt Vinh – Bửu Hạnh phú pháp cho đệ tử là ngài Tế Cảm đạo hiệu Linh Phù vào tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 9 (1749). Theo truyền khẩu dân gian, sau khi phú pháp cho đệ tử xong Tổ Thiệt Vinh – Bửu Hạnh nhận được hung tin, bổn sư là Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung viên tịch. Ngài liền trở về chùa Ấn Tông (Huế) lo tang lễ và kế thế trụ trì, chẳng bao lâu sau do tuổi già sức yếu ngài viên tịch.
Ngài Tế Cảm – Linh Phù là vị đệ tử tiếp theo trên tiến trình phương Nam kiến tạo chùa Phụng Thùy Sơn để truyền bá Phật pháp, ngài đã được truyền nối phái Lâm Tế đời thứ 36 kế thế trụ trì chùa Phụng Thùy Sơn.
Chùa được lập lên để thờ Phật, phối thờ Quan Thánh Đế Quân, và Chư vị Thánh Tổ.
Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa có kiến trúc như hiện nay. Chùa được xây dựng trên một khuôn viên với tổng diện tích là 1.576,2m2.
Từ ngoài vào trong, di tích bao gồm các công trình kiến trúc sau: Tam quan, hồ sen, hai bên là gian thờ hộ pháp, chùa, Bảo tháp nằm cách chùa khoảng 10m.
Hồ bán nguyệt đặt tượng Quan Âm lộ thiên chính giữa. Kiến trúc Chùa được thiết kế ba gian hai chái, Cổ lầu 8 mái, phía trước là gác trống và gác chuông, bên hữu thờ Hộ pháp, bên tả thờ Tiêu diện.
Chánh điện thiết kế theo kiểu tứ trụ cổ lầu, cách bày trí theo kiểu “Tiền Thánh hậu Phật”. Chính giữa là tượng Phật A Di Đà; bên tả đặt tượng thờ Quan Thánh , bên hữu đặt tượng Phật Bà Quan Âm. Sau ban thờ A Di Đà là ban thờ Tổ.
Đài Phật Bà Quan Âm tại chùa Vạn Thiện
Hàng năm, chùa Vạn Thiện tổ chức cúng vào ngày mùng 1, rằm hàng tháng. Bên cạnh đó chùa còn cúng lớn vào các 15/01, 15/4; 15/7 và 15/10 hàng năm.
Sự kiện lịch sử liên quan đến di tích: Tháng 2/1946, quân Pháp mở rộng chiến tranh đánh chiếm Thành Diên Khánh và toàn tỉnh. Ủy ban kháng chiến tỉnh Khánh Hòa họp bàn phân khu kháng chiến cho phù hợp với tình hình thực tế, Nam Phú Khánh được phân chia làm 4 khu. Đồng chí Nguyễn Kim Toàn, Trương Tấn Cả phụ trách chung; đồng chí Nguyễn Chánh chuyên phụ trách về tình báo và Trung đội biệt động, các đồng chí này đã họp bàn nhất trí chọn chùa Vạn Thiện làm trụ sở kháng chiến, được sử dụng để làm trụ sở tiếp đón cán bộ trong thị xã Nha Trang về báo cáo tình hình và là nơi hội họp cán bộ cách mạng.
Sau này do điều kiện kháng chiến thay đổi đồng chí Nguyễn Chánh phải dời địa điểm lên Tứ thôn Đại Điền, tuy nhiên đồng chí Nguyễn Chánh vẫn thường xuyên bố trí người về Chùa Vạn Thiện để liên lạc với các cơ sở nắm tình hình địa phương.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: Chùa vẫn duy trì sự liên hệ với các đoàn cán bộ công tác ở địa phương như: đồng chí Ngũ Hữu Tám, Ngũ Hữu Lợi, Nguyễn Thị Lượm… hoạt động ở địa phương và hỗ trợ tiếp tế.
Năm 2008, chùa Vạn Thiện được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 709/QĐ – UBND xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Thị Thúy Hằng
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: