Hotline: (0258) 3813 758

THÁC TÀ GỤ

01/07/2019 00:00        
Đọc tin

Thác Tà Gụ thuộc thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, là huyện miền núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa. Danh lam thắng cảnh Thác Tà Gụ còn có tên gọi khác: Thác Ta Gu, thác Ru Gou, thác Ru Gu. Theo tiếng Raglai, chữ Ta có nghĩa là đá, chữ Gu có nghĩa là đứng, hai chữ đó có nghĩa là đá đứng, nhưng phiên âm ra mọi người quen đọc là Tà Gụ và tên gọi này đã trở nên phổ biến hiện nay.

Khánh Sơn nằm ở vùng núi phía tây – tây nam và phía nam của Khánh Hòa, nằm trong vĩ độ 11o48’30” đến 12o10’40” vĩ độ Bắc và 108o41’ đến 109o17’ kinh đông. Là vùng núi rộng, có độ cao trung bình 400m so với mặt biển, có nhiều đỉnh núi cao nên sương mù và thời tiết mát lạnh gần như quanh năm.

Theo người dân địa phương đầu nguồn thác Tà Gụ là Hòn Bà, thác Tà Gụ chảy về nhập sông Tô Hạp. Sông Tô Hạp là một trong những con sông chính của Khánh Hòa, có phần thượng lưu dài 23km, chảy trong địa phận của tỉnh Khánh Hòa còn phần hạ lưu lại chảy trong địa phận của tỉnh Ninh Thuận. Đây là con sông duy nhất của tỉnh Khánh Hòa chảy từ Đông sang Tây. Hòn Bà là một trong những đỉnh núi cao của tỉnh Khánh Hòa, có nhiều mưa nên có lẽ nhờ thế mà nước ở thác Tà Gụ chưa khi nào cạn, chảy quanh năm với lưu lượng lớn, thác nước chảy mạnh. Hòn Bà có nhiều cây Sồi, Tô Hạp, Phong Lan, Dâu Tây, Chim, Khỉ…

Thác Tà Gụ nằm trong khu vực rừng phòng hộ đỉnh đèo Khánh Sơn của sông Tô Hạp. Từ UBND xã Sơn Hiệp đi qua bảy tràn nước, gọi là tràn Tà Gụ sẽ đến danh thắng. Các tràn này xe thường chỉ đi qua được vào mùa khô khoảng từ tháng 1 đến tháng 8, còn vào mùa mưa, nước lũ từ các thác nước trên các triền núi đổ xuống chảy qua tràn, có khi cuốn trôi các tràn nên xe và người không thể qua lại, gây nên lũ, lụt cục bộ. Hiện nay, xã Sơn Hiệp đã có các cầu bắc qua các tràn để người dân đi qua và mùa mưa.

Khu vực thác Tà Gụ nhìn chung có hai mặt bằng, mặt bằng thứ nhất ở phía dưới thác và khu vực thứ hai ở phía trên thác và có đường đi lên nhưng đi lại khó khăn, phải leo men theo bờ đá và sườn dốc.
Tuy xem là hai mặt bằng nhưng đây là nơi thác đá nên không thật sự bằng phẳng mà đường dốc lên dần, mấp mô. Đây lại là vùng rừng đầu nguồn còn hoang sơ, chưa khai thác du lịch nên đường đi đến thác phải men theo bờ đá gập ghềnh, dễ trơn trượt.

Phía dưới thác: gồm ba hồ, một thác nhỏ và thác chính, thứ tự từ ngoài vào: hồ một, hồ “không đáy”, thác nhỏ, hồ “nước ngầm”, thác chính (thác Tà Gụ).

Hồ thứ nhất: đi bộ từ ngoài vào tầm 50m chúng ta gặp hồ đầu tiên, nhưng đi vào thác chúng ta men theo các phiến đá bên phải để đi vào.

Hồ “không đáy” là hồ nước sâu nên người dân địa phương quen gọi như vậy. Hồ cách thác khoảng 50m. Lòng hồ khá rộng, nên để đi vào thác chúng ta phải men theo đường mòn trên sườn núi khoảng 20m, rồi cắt qua hồ bằng cách đi trên các phiên đá. Nước hồ trong, mát lạnh và có thể nhìn thấy những con cá nhỏ bơi lội tung tăng trong làn nước mát. Dưới hồ có các loại cá nước ngọt như: cá Trắng, cá Trầu đá, cá Kìm.. Cua, Ếch rừng… Cá Trầu đá được xem là đặc sản của Tà Gụ. Loại cá này nấu với lá Chân vịt hoặc lá Giang thành món canh chua hấp dẫn thực khách phương xa. Còn loại cá Trắng có kích thước lớn hơn, nhưng rất khó đánh bắt.


Tiếp đến là thác nhỏ: thác chỉ cao vài mét nhưng nước chảy khá mạnh và rêu dễ trượt. Hai bên thác có các phiến đá lớn, khá bằng phẳng, cứ như thể tạo hóa ban tặng chúng ta làm chỗ dừng chân sau một lúc trèo đá, lội suối. Với những ai chưa một lần đến thác Tà Gụ và không có người chỉ lối thì thường dừng chân tại đây tắm suối, ngắm thác.

Thác Tà Gụ: có thể xem là thác nước cao nhất của Khánh Hòa. Đến nay chưa có ai đo đạc chính xác, nhưng người ta ước chừng nó cao tầm 40 mét. Thác nước chảy mạnh bốn mùa, nhất là vào mùa mưa thác nước ầm ầm và không ai dám đến gần khu vực thác. Nhìn thác nước chảy trắng xóa trông như vòi rồng phun khói trắng.

Phía trên thác: men theo lối mòn nhỏ phía bên phải thác, cách chừng 30 mét, chúng ta đi lên phía trên mặt bằng thứ hai. Nếu ai chưa một lần đến đây và không có người hướng dẫn thì sẽ không biết đường đi lên phía trên để khám phá thêm những nét đẹp của khu vực thác Tà Gụ còn hoang sơ này.

Men theo bờ đá dốc, giữa hai bên bờ đá là khe nước khá hẹp và sâu, có thác nước nhỏ. Chúng ta lại đi theo lối mòn của sườn núi bên phải sẽ lên đến mặt bằng thứ hai. Lên mặt bằng phía trên rất phù hợp với những ai ưa thích khám phá mà không quá mạo hiểm. Với lối mòn nhỏ, thoai thoải phải bám vào cây dây leo to như dây thừng, thỉnh thoảng lại gặp cây phong lan tầm gửi, hay vài ba chú bướm rừng vờn nhau khoe sắc trong nắng vàng.

Khu vực phía trên rộng chừng vài trăm mét. Nếu phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ thấy bốn bề rừng núi nhấp nhô, xanh biếc, nối liền với màu trời trong xanh, điểm những đám mây trắng bạc đầu. Xung quanh, thỉnh thoảng lại gặp những hố nước nhỏ như những bồn tắm xinh xinh của các tiên nữ cõi thần tiên. Bên phải là những gốc cây cổ thụ khiến như ta đang lạc vào cánh rừng nguyên sinh còn hoang sơ chưa in dấu chân người.

Ngoài một thác nhỏ chúng ta gặp lúc đi lên ở bờ đá, ở đây còn có hai hồ và hai thác nước nhỏ cùng dòng suối róc rách nước chảy trong veo. Dưới các hồ nước nhỏ vẫn có những đàn cá suối bơi lội tung tăng chứng tỏ môi trường ở đây rất trong lành để các loài động thực vật sinh sôi, phát triển.

Tuy là khu vực rừng núi, thác ghềnh nhưng ở đây chúng ta có thể cắm trại, vui chơi bởi đá khá bằng phẳng, dễ đi lại và có các tán cây rừng che bóng mát. Ở hồ thứ hai khá rộng và là chỗ lý tưởng để vui đùa dưới nước.
Đến thác thứ hai, phía bên trái có vỉa đá chồm ra khá lạ mắt, nếu bất chợt gặp cơn mưa rừng thì đây là chỗ trú mưa lý tưởng và lãng mạn. Sau đó, càng đi lên phía trên khe suối càng hẹp lại và đường khó đi lại.

Danh lam thắng cảnh thác Tà Gụ có giá trị cả về các mặt lịch sử, văn hóa và khoa học. Với đặc điểm nằm ở khu vực rừng núi của huyện miền núi Khánh Sơn, danh thắng gắn với quá trình tạo sơn của tự nhiên; gắn với lịch sử phát triển, tồn tại của cư dân bản địa là đồng bào dân tộc Raglai đã sinh sống và phát triển bao đời trên mảnh đất này. Trong quá trình đó, họ đã có những truyền thuyết gắn với thác Tà Gụ nói riêng, mảnh đất Khánh Sơn nói chung.

Là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn nên thác Tà Gụ có ý nghĩa cung cấp nguồn nước sinh hoạt, thực phẩm cho đồng bào Khánh Sơn, Ninh Thuận sinh sống và phát triển chăn nuôi, trồng trọt… Bên cạnh đó, Tà Gụ còn góp phần cân bằng hệ sinh thái, nuôi dưỡng, bảo vệ các loại động, thực vật của núi rừng Khánh Sơn. Mặt khác, cùng với việc nuôi dưỡng, bảo vệ các loài sinh vật, nó góp phần lưu giữ các đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học về địa chất, khoáng sản, động vật học, thực vật học…

Trong tương lai không xa, đây sẽ là địa điểm thu hút du khách thích khám phá những bí ẩn của rừng nhiệt đới, leo trèo mạo hiểm,  du lịch nghỉ dưỡng bởi cảnh vật nơi đây còn rất hoang sơ mà nên thơ,  đầy quyến rũ.… của huyện Khánh Sơn nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung. Hiện nay, đã có một số dự án khai thác, phát triển du lịch nhằm thu hút du khách đến với Tà Gụ - Khánh Sơn nhưng chưa hoàn thành.

Ngày 18/12/2009, danh lam thắng cảnh thác Tà Gụ được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, tại quyết định số 3286/QĐ-UBND.

Nguyễn Thị Hồng Tâm

 

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                      

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH TÂN MỸ
Đình Tân Mỹ là một công trình tôn giáo, tín ngưỡng mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa to lớn, ngoài các hoa văn, kiến trúc tiêu biểu của đình làng, còn có các tư liệu, các di vật, cổ vật như: giá trống, trống, giá chiêng, chiêng cổ, long đình, hai bộ bát bửu, tấm bảng vàng khắc ghi những người đứng ra trông nom xây dựng đình, câu đố...
ĐÌNH PHÚ VINH
Đình Phú Vinh vừa là nơi làm lễ xuất phát đánh địch ở Nha Trang, đồng thời cũng là nơi bộ đội ta rút về nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, đình Phú Vinh còn là nơi quân dân ta huấn luyện võ thuật để phục vụ cho cuộc chiến đấu 101 ngày đêm ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hoà (từ 23-10-1945 đến đầu tháng 2-1946).
ĐÌNH MỸ HIỆP
Điểm nhấn trong trang trí, điêu khắc trên kiến trúc đình Mỹ Hiệp, đó là hệ thống cột gỗ và bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng” hay hệ thống linh vật: Long, lân, quy, phụng, hổ, dơi…được các nghệ nhân khai thác triệt để. Hình ảnh tứ linh thể hiện dưới dạng “Lưỡng long tranh châu”, hay hình ảnh “Bát tiên”, “Tứ quý”: Tùng, trúc, cúc, mai.
ĐÌNH XUÂN HÒA
Đình Xuân Hòa quay về hướng Nam. Toàn bộ kiến trúc đình nằm trên mặt bằng rộng 2.352m2, bao gồm các công trình kiến trúc như sau: Nghi môn, Án phong, cột cờ, miếu Sơn Lâm chúa tướng, miếu Thủy Đức Thanh Quang, Võ ca, Chính điện, miếu Âm linh, miếu Thánh Nương (còn gọi là miếu Bà), miếu Tiền hiền, nhà bếp, nhà ăn.
ĐÌNH ĐẠI ĐIỀN ĐÔNG
Đình Đại Điền Đông mở hội khoảng 02 ngày trong tháng 3 âm lịch hàng năm; ngày, giờ tổ chức được chọn theo năm chứ không có lệ. Sau phần lễ có phần hội tổ chức các trò chơi dân gian: nhảy bao bố, đổ nước vào chai, kéo co… Ngoài ra, tháng 11 âm lịch đình tổ chức cúng Thượng điền (gác cày).
MIẾU THANH TỰ ĐÔNG
Miếu Thanh Tự Đông thuộc xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Miếu Thanh Tự Đông do Tri phủ huyên Tân Định tên là Lê Kim Cảnh cùng các nhân hào thân sĩ đồng tâm xây dựng, ông cúng 6 sào đất và tiền quan để dựng đình.
CHÙA VẠN THIỆN
Cùng với sự phát triển không ngừng của Phật giáo Việt Nam, phần đất Khánh Hòa thế kỷ XVIII có thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán – sư tổ phái Thiền Tông Lâm Tế miền Trung đời thứ 35, pháp đệ của ngài là Hòa thượng Thiệt Vinh - Bửu Hạnh đã theo dòng người Nam tiến Thuận Hóa đến vùng đất mới Phủ Diên Khánh lập am tranh tu hành khai sơn chùa Phụng Thùy Sơn (nay là chùa Vạn Thiện).
LĂNG LƯƠNG HẢI
Lăng Lương Hải được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, do hai cụ Nguyễn Văn Lộc (còn gọi là ông Xù) và cụ Ngô Văn Lương người thôn Cát Ném đứng lên vận động nhân dân xây dựng. Ban đầu Lăng làm bằng mái tranh, vách đất, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ để làng có nơi thờ Ông Nam Hải, cầu phước cho nhân dân trong làng bình an.
MIẾU TAM TÒA
Theo dòng lịch sử, Miếu Tam Tòa gắn với nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của làng cổ Phú Lộc. Từ cuối thế kỷ XVII, người Việt từ các tỉnh miền Trung đến định cư ở vùng đất dọc hai bờ sông Cái (thuộc thị trấn Diên Khánh), sớm hình thành nên những làng xóm trù phú của người Việt.
MIẾU THIÊN Y A NA
Miếu Bà Thiên Y A Na còn có tên gọi khác là miếu Bà Đá Chồng, miếu Bà Lỗ Đá, thuộc thôn Tân Xương 2, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 20 km về phía Tây Nam (xưa là An Lộc xã, thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh).