Miếu Cây Gạo tọa lạc tại phía Nam sông Cái thuộc thôn Phú Ân Nam 1, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài tên gọi trên, miếu Cây Gạo còn được biết đến qua danh xưng miếu Ấp Phật Tỉnh. Tên gọi hiện nay xuất phát từ việc phía sau miếu có cây gạo rất to và linh thiêng nên dân gian gọi là miếu Cây Gạo, gọi mãi thành thói quen, trở thành tên gọi chính thức và được ghi vào sắc phong, tồn tại đến ngày nay.
Gian Tiền tế miếu Cây Gạo
Miếu Cây Gạo có niên đại vào cuối thế kỷ XIX, lúc mới lập miếu có dạng một thủ kỳ để thờ Bà Ngũ Hành. Việc thờ Bà Kim, Mộc Thủy, Hỏa, Thổ bắt nguồn từ câu chuyện bà Nguyễn Thị Xuyên nằm mộng thấy 05 cô tiên hiện thân trên phần đất của bà để cứu độ những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống nên bà quyết định lập một ngôi miếu nhỏ dạng thủ kỳ để thờ. Năm 1917, miếu được tu bổ khang trang hơn. Theo truyền thuyết sau lễ cúng tạ khánh thành tu bổ miếu, vào lúc nửa đêm bỗng có 3 tiếng nổ lớn kèm theo là 1 hào quang ngũ sắc từ núi Đại An (Am Chúa) bay về trên mái ngôi miếu, rồi rực lên hòa cùng tiếng gió thổi nghe như tiếng đàn bay về hướng Suối Đổ. Do vệt hào quang từ Am Chúa bay về miếu nên dân làng thỉnh Thiên Y A Na Thánh Mẫu về thờ phụng trong miếu.
Trải qua thời gian, miếu được vua Khải Định ban tặng 3 đạo sắc phong gồm:
+ Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917) phong cho Bà Thiên Y A Na.
+ Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917) phong cho Bà Ngũ Hành.
+ Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) phong cho Bà Thiên Y A Na và Ngũ Hành.
Miếu Cây Gạo được dựng lên để thờ Ngũ Hành, Thiên Y A Na, cậu Trí và cô Quý, Tiền bối – Hậu bối; các âm hồn, cô hồn, chiến sĩ trận vong.
Miếu Cây Gạo nằm trong khuôn viên có tổng diện tích 744m2. Trải qua thời gian dài tồn tại, miếu Cây Gạo đã qua nhiều lần tu bổ vào các năm: 1983, 1997, 2000, 2008, 2010. Điểm đặc trưng trong kiến trúc của di tích là có pha trộn giữa phong cách phương Đông và phương Tây: Di tích có kết cấu 3 gian 2 chái, hệ thống cửa vòm cuốn theo kiểu Vauban ở gian Tiền tế, hai bên tường hồi, gian Tiền hiền và âm cô; trần lợp gỗ, mái ngói âm dương, bờ nóc đắp nổi “Lưỡng long chầu nguyệt”, “tứ linh”, “tứ quý”...Từ ngoài vào trong, miếu Cây Gạo có bố cục mặt bằng tổng thể gồm: Cổng, cột cờ, Nghi môn, Án phong, sân, Tiền tế - Chính điện.
Nghi môn miếu Cây Gạo
Hằng năm, miếu Cây Gạo tổ chức lễ hội vào ngày hai ngày 11 và 12/03 Âm lịch; cứ 3 năm tổ chức đại lễ 1 lần diễn ra trong thời gian 2 - 3 ngày.
Ghi nhận những gia trị của di tích, ngày 21/02/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng miếu Cây Gạo là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 403/QĐ-CT.UBND.
Trần Thị Thanh Loan
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: