Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH THỦY TRIỀU

30/07/2019 00:00        
Đọc tin

Đình Thủy Triều nay thuộc thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa (xưa là Hà Bạc Thuộc, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh)[1], cách thành phố Nha Trang khoảng 40 km về hướng Nam.  

Qua các tài liệu được nghiên cứu tại đình cho biết, khoảng năm Bính Tý (1756) một số ngư dân ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định trong đó có các ông Trần Chấn, Nguyễn Tảo từ biển đi thuyền ngược đầm Thủy Triều, đóng trại cất nhà. Về sau dân cư đông đúc họ quy tụ thành làng, thành ấp sau đó dựng đình để thờ Thành Hoàng. Thời điểm khởi dựng đình hiện chưa có tư liệu thành văn đề cập đến, nhưng theo các vị cao niên cho biết di tích có niên đại cùng với cây Me cổ thụ phía sau Đình, đường kính thân cây chỗ rộng nhất gần 2m, khoảng gần 300 năm tuổi.

Đình ban đầu được xây dựng bằng vật liệu thô sơ nhà tranh vách đất, trải qua thời gian dài chịu đựng nắng mưa cùng với chiến tranh tàn phá ngôi đình bị xuống cấp. Nhân dân trong làng đã nhiều lần góp công, góp sức tu bổ Đình. Năm 1920, Hội đồng làng tổ chức quyên góp toàn dân tu bổ Đình bằng vật liệu tường gạch, mái lợp ngói Âm Dương, bộ khung chịu lực bằng gỗ. Người được dân làng cử đứng ra trùng tu là ông Nguyễn Chí (thường gọi là Bảy Thẩm), sinh năm 1888.

Năm 1947, giặc Pháp tấn công đốt phá làng, chiếm Đình làm đồn bốt, nhiều vận dụng quý giá trong đình bị phá hủy, nhân dân phải đi sơ tán. Năm 1956, sau khi trở về làng cũ sinh sống, đình xưa rêu phong, đổ nát. Hội đồng làng vận động nhân dân đóng góp tu bổ Đình. Năm 2004, ngôi đình bị xuống cấp, nhân dân lại cùng nhau đại tu bổ ngôi đình có quy mô như hiện nay.

Đình Thủy Triều nằm trong không gian cảnh quan phù hợp với công trình văn hóa tín ngưỡng, dưới tán cây Me cổ thụ vài trăm năm tuổi, phía trước là đầm Thủy Triều. Bố cục mặt bằng các hạng mục công trình kiến trúc của Đình được dàn trải theo chiều rộng gồm: Nghi môn, Án phong, Võ ca, sân Đình, miếu Tiền Hiền, miếu Sơn Lâm, miếu Thanh Minh, Tiền tế, Chính điện.

Chính điện đình Thủy Triều 

 

Trong đình có cặp câu đối bằng chữ Hán Nôm có hai chữ đầu được ghép từ tên đình:

                                   Phiên âm
                                                      Thủy cư thủy hưởng nguy nguy hồ thạnh đức,
                                                     Triều lạc triều ca trạc trạc nhĩ hoằng ân

                                    Dịch nghĩa:
                                                  Ở với nước, hưởng bởi nước, đức thạnh cao lớn thay,
                                           Vui cùng (thủy) triều, ca cùng (thủy) triều, ơn sâu rực rỡ vậy.

Di tích còn là bảo lưu, gìn giữ nhiều di vật, cổ vật mang  giá trị vật thể và phi vật thể: hai bộ lỗ bộ, mõ, lọng, chiêng, trống, hoành phi, câu đối, nghi thức, nghi lễ cúng,văn tế, nhạc lễ, trang phục cổ truyền… Đặc biệt, lễ hội truyền thống tổ chức thường niên vào hai ngày 18 và 19 tháng 3 Âm lịch.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu của địa phương. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đình là nơi Mặt trận Việt Minh tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau khởi nghĩa giành chính quyền, Đình là nơi tập luyện của Đội dân quân tự vệ thôn Thủy Triều. Đình Thủy Triều còn là nơi tiếp tế lương thực, thuốc men cho mặt trận Nha Trang. Năm 1947, giặc Pháp tấn công đốt phá làng, chiếm Đình làm đồn bốt, nhiều vận dụng quý giá trong đình bị phá hủy, nhân dân phải đi sơ tán nhưng một số cán bộ vẫn bám trụ hoạt động bí mật ở đây.

Đình còn là nơi tổ chức hội họp của các cơ sở cách mạng của địa phương. “Đầu năm 1950, Huyện ủy đã tổ chức cuộc họp tại Thủy Triều để đánh giá tình hình và bàn công tác xây dựng phong trào theo phương hướng, nhiệm vụ mà Tỉnh ủy đã đề ra cho chiến trường Cam Ranh” [2].

Đình Thủy Triều là một trong những ngôi đình cổ trên vùng đất Khánh Hòa nói chung và vùng đất Cam Lâm nói riêng. Di tích tồn tại cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất. Đó là một minh chứng cho sự ra đời và phát triển của làng Thủy Triều suốt triều dài lịch sử, trong đó hội tụ hầu như đầy đủ những giá trị mà các bậc tiền nhân sáng tạo ra và lưu truyền lại cho thế hệ mai sau. Điểm nổi bật nhất của đình Thủy Triều là hệ thống kiến trúc mang nét đặc trưng, với những hoa văn trang trí tinh xảo, mang đậm phong cách truyền thống của người Việt.

Năm 2013, đình Thủy Triều được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                                                                             Nguyễn Chí Khải

[1] Nguyễn Đình Đầu dịch, (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa, NXB TP Hồ Chí Minh.

[2] Lịch sử Đảng bộ huyện Cam Ranh (1930-1975), (1994), Nxb Xí nghiệp in Khánh Hòa, Tr 104.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                   

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH CƯ THẠNH
Đình Cư Thạnh tọa lạc tại thôn Cư Thạnh, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đình Cư Thạnh được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, để thờ Bản Cảnh Thành Hoàng, Phấn Nhĩ Qủy Vương, Thiên Y A Na, Tiền hiền, Sơn Lâm chúa tướng, âm hồn.
MIẾU QUAN THÁNH HẢI NAM
Miếu Quan Thánh Hải Nam tọa lạc tại số 78 đường Trần Qúy Cáp thuộc tổ dân phố 2, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Người Hoa có nguồn gốc ở các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam di cư đến các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ của Việt Nam để sinh sống và trở thành một tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã hơn 300 năm.
TRƯỜNG PHỦ DIÊN KHÁNH
Trường Phủ Diên Khánh tọa lạc tại thôn Phú Ân Nam 1, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Trường Phủ là cơ sở giáo dục của phủ Diên Khánh, đã trải qua nhiều thế hệ thầy cô giáo và học sinh. Lúc bấy giờ có thầy giáo Hoàng Văn Hai là đảng viên đã tuyên truyền, vận động một số trợ giáo tham gia vào Mặt trận Việt Minh.
MIẾU CÂY GẠO
Ngoài tên gọi trên, miếu Cây Gạo còn được biết đến qua danh xưng miếu Ấp Phật Tỉnh. Tên gọi hiện nay xuất phát từ việc phía sau miếu có cây gạo rất to và linh thiêng nên dân gian gọi là miếu Cây Gạo, gọi mãi thành thói quen, trở thành tên gọi chính thức và được ghi vào sắc phong, tồn tại đến ngày nay.
ĐÌNH TRUNG DÕNG
Đình Trung Dõng tọa lạc tại thôn Trung Dõng, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thuở mới khai hoang lập làng, làng Trung Dõng có tên là Trung An xã phụ lũy (xứ Cây Chua, Cổ Chi) thuộc tổng Hạ, huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa, tỉnh Khánh Hòa[1]. Dựa vào sắc phong, ta có thể đoán định niên đại đình Trung Dõng là vào đầu thế kỷ XIX, lúc đó có danh xưng là đình Trung An. Đến triều vua Tự Đức năm thứ 33 (1880), di tích có tên đình Trung Dõng và được giữ nguyên từ đó đến nay.
ĐÌNH TÂN MỸ
Đình Tân Mỹ là một công trình tôn giáo, tín ngưỡng mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa to lớn, ngoài các hoa văn, kiến trúc tiêu biểu của đình làng, còn có các tư liệu, các di vật, cổ vật như: giá trống, trống, giá chiêng, chiêng cổ, long đình, hai bộ bát bửu, tấm bảng vàng khắc ghi những người đứng ra trông nom xây dựng đình, câu đố...
ĐÌNH PHÚ VINH
Đình Phú Vinh vừa là nơi làm lễ xuất phát đánh địch ở Nha Trang, đồng thời cũng là nơi bộ đội ta rút về nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, đình Phú Vinh còn là nơi quân dân ta huấn luyện võ thuật để phục vụ cho cuộc chiến đấu 101 ngày đêm ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hoà (từ 23-10-1945 đến đầu tháng 2-1946).
ĐÌNH MỸ HIỆP
Điểm nhấn trong trang trí, điêu khắc trên kiến trúc đình Mỹ Hiệp, đó là hệ thống cột gỗ và bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng” hay hệ thống linh vật: Long, lân, quy, phụng, hổ, dơi…được các nghệ nhân khai thác triệt để. Hình ảnh tứ linh thể hiện dưới dạng “Lưỡng long tranh châu”, hay hình ảnh “Bát tiên”, “Tứ quý”: Tùng, trúc, cúc, mai.
ĐÌNH XUÂN HÒA
Đình Xuân Hòa quay về hướng Nam. Toàn bộ kiến trúc đình nằm trên mặt bằng rộng 2.352m2, bao gồm các công trình kiến trúc như sau: Nghi môn, Án phong, cột cờ, miếu Sơn Lâm chúa tướng, miếu Thủy Đức Thanh Quang, Võ ca, Chính điện, miếu Âm linh, miếu Thánh Nương (còn gọi là miếu Bà), miếu Tiền hiền, nhà bếp, nhà ăn.
THÁC TÀ GỤ
Thác Tà Gụ thuộc thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, là huyện miền núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa. Danh lam thắng cảnh Thác Tà Gụ còn có tên gọi khác: Thác Ta Gu, thác Ru Gou, thác Ru Gu. Theo tiếng Raglai, chữ Ta có nghĩa là đá, chữ Gu có nghĩa là đứng, hai chữ đó có nghĩa là đá đứng, nhưng phiên âm ra mọi người quen đọc là Tà Gụ và tên gọi này đã trở nên phổ biến hiện nay.