Với hơn 350 năm hình thành và phát triển, Khánh Hòa là nơi hội tụ, lưu giữ khá đầy đủ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Những giá trị văn hóa mà người dân nơi đây qua bao đời sáng tạo, chắt lọc không chỉ tô đậm bản sắc văn hoá của vùng đất mà từ lâu đã nổi danh với cái tên gọi đầy quyến rũ “xứ Trầm hương”, mà còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Khi vào định cư ở vùng đất mới, người Việt đã mang theo tôn giáo, tín ngưỡng của mình: Phật giáo, Thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ Mẫu… và trong quá trình cộng cư, hoà cư đó người Việt đã nhanh chóng tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hoá người Chăm, trên cơ sở đó “sáng tạo” nên những truyền thuyết để “Việt hoá” tín ngưỡng thờ Bà Mẹ Xứ Sở của người Chăm Po Inư nagar thành Thánh Mẫu Thiên Y A Na bằng những truyền thuyết hết sức dung dị và dân gian.
Tuy là tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc nguyên thuỷ song đạo Mẫu gần như không được thừa nhận, nhất là trong thời kỳ chế độ phong kiến với tư tưởng Nho giáo độc tôn thì thờ Mẫu bị coi là thứ thờ cúng nhảm nhí, bị cấm đoán, nhà nước không thừa nhận . Bởi vậy nó không có điều kiện để phát triển nhưng tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn tồn tại nơi thờ cúng dân dã ở các làng quê thuyền thống, đó là những ngôi miếu, đền, am, phủ. Từ thế kỷ XIX, xã hội phong kiến đi vào con đường suy vong, tín ngưỡng dân gian, trong đó có đạo Mẫu mang truyền thống dân tộc đã trỗi dậy như một phản ứng. Đặc biệt trong thời điểm ấy “vua Đồng Khánh và sau này cả vua Bảo Đại nữa đã thừa nhận đạo Mẫu, coi mình như là đệ tử…”, “làm cho tín ngưỡng này vốn chỉ nương mình sau luỹ tre xanh làng quê, thành một thứ đạo sánh cùng các tôn giáo khác”.
Ở Khánh Hòa, việc thờ Nữ thần, Mẫu thần đã trở thành một tập tục lâu đời và mang tính chất phổ biến. Trong hệ thống các Mẫu thần ở Khánh Hòa thì Thiên Y A Na nổi lên như một hiện tượng khá lý thú. Người Việt vào Khánh Hoà mang theo tôn giáo, tín ngưỡng bản địa, bên cạnh tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng của cư dân nông nghiệp, tín ngưỡng thờ Cá Voi (ông Nam Hải) của cư dân ngư nghiệp thì tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na là tín ngưỡng điển hình và tiêu biểu nhất trong hệ thống tín ngưỡng dân gian của người Việt ở Khánh Hòa, nó có sức mạnh ở hầu khắp mọi tầng lớp cư dân, ngành nghề…. Không chỉ ở các di tích là miếu, đình, am, lăng... mà còn phát triển trong các ngôi chùa thờ Phật, các điện thờ tư gia. Không chỉ dừng ở đó, tín ngưỡng Thiên Y A Na phát triển mạnh mẽ để nhanh chóng trở thành tín ngưỡng chủ đạo của người Việt ở Khánh Hòa.
Sự tích về Thiên Y A Na được lưu truyền qua các tài liệu thành văn (các bài cúng, văn bản), bia ký, và đặc biệt là qua rất nhiều truyện kể dân gian mà cốt lõi dựa trên truyền thuyết về Nữ thần Xứ Sở Pô Inư Nagar của người Chăm trên dải đất miền Trung và Nam Trung Bộ. Từ Đà Nẵng đến Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, so với các tỉnh khác trong khu vực, tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na ở Khánh Hòa là đậm đặc hơn cả. Tại đây, còn lưu lại một cách rõ nét nhất những dấu tích về Bà, như: đền thờ (Tháp Bà) Po Nagar của người Chăm đã được bàn giao lại cho người Việt trông coi vào thế kỷ XVIII; Am Chúa (Đại An Tiên miếu) của người Việt (nơi bà giáng trần và sinh sống, khai hóa văn minh); Suối Đổ (xã Diên Toàn – nơi Bà thường vân du dạo chơi với tiếng sấm dền và hào quang chói sáng); Miếu Bà Thiên Y, Miếu Cổ Chi (xã Diên Điền); đình Phước Thạnh, miếu Cây Ké, miếu Cổ Chi, miếu Tam Tòa (thị trấn Diên Khánh), đình Phương Sài, đình Vĩnh Điềm (Nha Trang), bia miếu Đá Đen, miếu Hội Đồng (Ninh Hoà), miếu Bà Thiên Y (Cam Lâm), Miếu Bà Vạn Thắng (Vạn Ninh)
Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa; danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên toàn tỉnh Khánh Hòa gắn với những câu chuyện ly kỳ, những truyền thuyết mang đậm tính dân gian của người Việt về những hiển linh của Bà giúp cứu nhân độ thế. Bà hiện diện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi ngành nghề trong cuộc sống của người dân nơi đây. Tín ngưỡng thờ Bà đã ăn sâu trong tiềm thức, Bà được thờ ở hầu hết các đình, chùa, am, miếu, lăng, điện trong toàn tỉnh Khánh Hòa với danh xưng Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi. Có nơi thờ Bà là vị thần chủ của ngôi đền, miếu, am, đình nhưng cũng có những địa điểm phối thờ Bà ở vị trí sau vị thần chủ. Riêng ở chùa có phối thờ Bà thì người ta cúng Bà theo một lễ riêng vào tháng 3 âm lịch hàng năm, và trong văn tế Thiên Y A Na là vị thần chủ.
Bà trở thành vị Thánh Mẫu tối thượng trong tín ngưỡng thờ Mẫu thần ở miền Trung, được các triều vua Nguyễn chính thức thừa nhận. Ở Khánh Hòa, Thiên Y A Na được thờ làm Thành hoàng – vị phúc thần của làng, xã người Việt. Tín ngưỡng thờ Bà đã nhập và nhập rất mạnh, rất sâu vào nhiều mặt đời sống của người dân Khánh Hòa, khiến cho diện mạo văn hóa Khánh Hòa có một nét rất riêng – đó là tín ngưỡng Thiên Y A Na.
Việc thờ phụng Bà đã kết tinh vào văn học, văn nghệ dân gian, vào đời sống tín ngưỡng người dân sâu sắc và rộng rãi. Không chỉ trong những di tích mang tính chất cộng đồng thờ Bà, mà ngay ở cả những am, điện thờ tư nhân, Thiên Y A Na luôn ngự trị ở vị trí trung tâm và trang trọng nhất trong thần điện. Trong tâm thức của họ, Bà đã học và sử dụng được rất nhiều phép thần thông biến hóa. Và, trong quá trình học đó Bà đã “tu” thành Bồ Tát, nên họ coi Bà như một vị Bồ Tát. Chính vì vậy mà trong Kinh Văn Đức Thiên Y A Na có câu “Nam mô Thiên Y A Na Bồ Tát Đại Từ Tôn”.
Tín ngưỡng Thiên Y A Na là tín ngưỡng chủ đạo trong đời sống tâm linh của người dân Khánh Hòa. Bà hiện diện ở khắp chốn, từ làng quê đến thành thị, từ miền rừng núi đến miền biển khơi, hải đảo; từ người giàu đến người nghèo khó. Bà trở thành vị phúc thần của người Việt ở Khánh Hòa.
Bà được biết đến là người dạy dân khai khẩn đất đai, trồng trọt, dạy dân dệt vải, quay tơ, đem lại trật tự xã hội và mở mang dân trí cho con người. Cùng với đó, Bà đã khai hóa mảnh đất này. Rồi thì, Bà dạy dân cày cấy, đánh bắt hải sản, tìm trầm hương,…Tất cả những điều này đã khẳng định Thiên Y A Na luôn có một vị trí nhất định trong lòng dân chúng. Ai cầu gì ứng nấy nên trong tâm thức mỗi người dân Bà đều có vị trí riêng.
Đối với những người chuyên làm nghề nông: Khi người Việt di cư và hòa cư tại mảnh đất mới, trong quá trình khai khẩn đất hoang, tụ cư thành từng chòm xóm nhỏ, rất cần đến sự đoàn kết để có thể chống thú dữ, tìm kế sinh nhai, tương trợ nhau để giúp ổn định cuộc sống. Do vậy, họ có tinh thần đoàn kết cao. Những cư dân này sống tụ cư và quần cư trên mảnh đất mới. Và, tất nhiên, họ không quên mang theo tín ngưỡng vùng quê gốc của mình, và, trong mỗi làng, người dân cũng xây dựng ngôi đình như các lớp cha anh họ đã làm nơi đất tổ. Việc thờ Bổn/Bản cảnh Thành hoàng (Thành hoàng làng) tại Khánh Hòa, bên cạnh những nét chung vốn có, đã có những nét mới do sự tiếp biến văn hóa, do điều kiện kinh tế… Kết quả là, đã sản sinh ra những vị Thành hoàng làng khác hơn so với ở các vùng quê cũ. Tại Khánh Hòa, Thành Hoàng ít có thần tích, thần phả. Căn cứ vào kết quả của các cuộc điền dã, nghiên cứu của các nhà khoa học, phần lớn các di tích ở địa phương đều được sắc phong cho vị thần Bản cảnh Thành hoàng, nhưng không nói họ tên và nguồn gốc vị thần. Các sắc phong tập trung phong cho các vị thần, như: Bản Cảnh Thành hoàng, Cao Các đại vương, Thần Bạch Mã Thái Giám, Tứ vị Nam Hải, Thiên Y A Na, Ngũ Hành thần nữ, Đệ Bát tiên nương, …. Hơn thế nữa, các nhà nghiên cứu đã cho biết, “Loại thần Bản /Bổn cảnh thành hoàng ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ chỉ xuất hiện từ sau năm 1839 (Minh Mạng thứ 20), khi nhà vua chuẩn y lời tâu của Bộ Lễ xin hạ lệnh cho các địa phương lập thêm thần vị Bổn cảnh”.
Thiên Y A Na vốn là nữ thần Mẹ Xứ Sở của người Chăm nhưng lại được thờ làm Thành hoàng hay phối thờ trong các đình làng của người Việt. Như vậy là, cùng với việc người Việt thờ Bà một cách trân trọng và thành kính như ở Tháp Bà Nha Trang, việc Bà được phối hưởng cùng với những vị thần linh từ quê gốc của người Việt trong ngôi đình làng vốn là chốn linh thiêng, là ngôi nhà công cộng, là biểu tượng quyền uy triều đình Trung ương ở cơ sở. Qua đó ta thấy sự tin tưởng, chấp nhận và hòa hợp thần thánh cố hữu của người Việt với thần thánh của cư dân bản địa nhằm mục đích tối thượng là cầu sự phù hộ độ trì của thần thánh.
“Khi đến sinh sống ở Khánh Hòa, người Việt đã chấp nhận và thờ phụng nữ thần xứ sở của người Chăm như vị thần chủ của địa phương. Rồi dần dần, vị thần địa phương có nguồn gốc Chămpa này đã trở thành Bổn cảnh thành hoàng của các làng quê ở Khánh Hòa và được dân làng đưa vào phối thờ và phối hưởng trong các kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của mình’.
Đời sống tâm linh của ngư dân vùng biển Khánh Hòa vốn rất gần gũi với các nhóm cư dân biển của các tỉnh miền Trung Việt Nam nhất là với các tỉnh Nam Trung Bộ như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Đó là tục thờ cúng và lập lăng thờ Ông (Cá Voi). Việc thờ phụng thần biển cả Cá Ông (Nam Hải đại vương, Nam Hải đại tướng quân) có vị trí đặc biệt quan trọng, vì thần là vị thần hàng đầu cai quản biển cả và là đại diện cho lòng tốt, cái thiện, sự cứu giúp con người. Đối với những người làm nghề biển, trước những hiểm họa của tự nhiên như sóng gió, bão lụt, biển động… khiến cho công việc làm ăn hoặc liên quan đến sinh mệnh, thì việc kính sợ những đấng siêu nhiên, cầu viện đến các vị thần linh là điều thường gặp.
Riêng với cư dân đi biển ở Khánh Hòa như các cư dân ở Cam Ranh, Cam Lâm, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, thì Bà Thiên Y A Na có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của họ. Do có lòng tin tuyệt đối với Bà, nên tại các làng chài, vạn lạch, nơi đâu cũng có miếu thờ Bà, tuy nhiên việc đưa Bà vào phối thờ trong các đình làng, lăng ông Nam Hải là phổ biến hơn cả. Khi tiến hành cúng tế đình, lăng bao giờ cũng kèm theo việc cúng tế Bà một cách trang trọng. Sự linh hiển của Bà cùng những công trạng giúp dân của Bà được người dân Khánh Hòa rất tin tưởng và sùng kính. Trong một năm tại Am Chúa thường diễn ra 3 lần lễ Mộc dục (tắm tượng). Đó là các ngày 19 tháng 2; ngày 8 tháng 8; ngày 8 tháng 12; và tại Tháp Bà (20 tháng 3; 20 tháng 7; 20tháng 12) ngư phủ khắp nơi về hai địa điểm trên xin nước tắm Mẫu để về tắm gội và đổ lên những tấm lưới hoặc thuyền để lấy may mắn cho cuộc ra khơi sắp tới. Thậm chí, trong lúc dăng lưới đánh cá, lưới đăng bị mắc kẹt, họ cũng đều cầu xin đến Bà và luôn được linh ứng.
Đối với cư dân tìm trầm hương, thì lại có những kiêng kỵ và niềm tin riêng của mình đối với Thiên Y A Na. Tỉnh Khánh Hòa xưa nay đã nổi tiếng với câu thơ:
Khánh Hòa là xứ Trầm hương
Non xanh biển rộng người thương đi về
Vậy thì tại sao Khánh Hòa lại được mệnh danh là xứ Trầm Hương? Khánh Hòa là một tỉnh có diện tích rừng khá lớn (chiếm 9/11 diện tích toàn tỉnh). Rừng Khánh Hòa có nhiều lâm thổ sản quý, đặc biệt là trầm hương và kỳ nam được sinh ra từ cây dó – một loại cây có rất nhiều trong vùng. Kỳ nam và trầm hương của vùng từ xưa đến nay đã khẳng định được giá trị vô cùng quý hiếm của nó. Khánh Hòa là vùng đất của người Chăm trước kia. Trầm hương của Chămpa cũng được cổ sử Trung Quốc như Lương thư (quyển 54), Liệt truyện (quyển 48) nhắc đến trong danh mục các sản vật của quốc gia Tây Quốc Di, mà quốc gia này sau đó trở thành bộ phận của Chiêm Thành và cũng chính là vùng đất Khánh Hòa ngày nay. Theo Lê Quang Nghiêm,“Kỳ Nam: của tỉnh Khánh Hòa, vị thuốc quý hạng nhất, chất lượng cao hơn Kỳ Nam của vài tỉnh Trung Bộ Việt Nam, của Ấn Độ, Cao Miên và các tỉnh miền Nam Trung Quốc.”
Trong các bài cúng mà các ông thầy người Chăm thường tụng trong các dịp lễ cúng thần hiện nay, thì Po Nagar còn là Thần Mẹ của cây trầm hương. Và, trong truyền thuyết của người Việt, Thiên Y A Na đã nhập thân vào cây trầm để trôi sang Bắc Hải, rồi từ cây trầm lại hiện thân ra và cuối cùng thì Bà cùng hai con của mình nhập vào cây trầm để về quê hương, xứ sở…
Đặc biệt, người ta tin trầm hương là của bà Thiên Y A Na, Bà cho ai thì được, không cho thì dù người đó có đứng bên cây trầm cũng không tìm thấy. Do vậy, người đi tìm trầm, trước khi đi, phải dâng lễ cầu khấn Bà. Tại Hòn Bà (Cam Lâm) -phía Tây Nam thị xã Ninh Hòa – một danh thắng nổi tiếng có nhiều trầm hương của Khánh Hòa có miếu thờ Bà Thiên Y; dân đi tìm trầm, trước khi đi, đều phải đến miếu dâng lễ và xin Bà ban phước gặp được trầm. Ngay như ở Vạn Thắng – Vạn Ninh, địa điểm được cho là có số dân sống bằng nghề trầm tương đối lớn thì niềm tin với Bà càng mạnh mẽ hơn. Họ vẫn thường tới lui miếu thờ Thiên Y để nhang khói, cầu cúng và các đoàn múa Bóng hàng năm về múa hát dâng Mẫu vào dịp lễ hội rất đông.
Không chỉ dừng ở các ngành nghề trên, một khảo sát tại Am Chúa và Tháp Bà cho biết những thông tin và nhiều câu chuyện rất lý thú. Người đến cúng (cúng xin và cúng tạ) không chỉ ở phạm vi trong tỉnh mà trải dọc theo chiều dài đất nước, từ Bắc tới Trung và Nam, thành phần được hỏi cho biết họ làm rất nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng do có sự linh ứng nên người ta tìm về với Bà ngày càng đông.
Tuy đến sống và khai thác vùng đất mới được gần bốn thế kỷ, nhưng người Khánh Hòa đã tạo lập cho mình những truyền thống văn hóa Việt mang sắc thái riêng của vùng đất “xứ Trầm hương”. Trong văn hóa của người Khánh Hoà, đã có sự kết hợp giao thoa của những truyền thống văn hóa người Việt và người Chăm. Trong nếp sống, trong phong tục tập quán, trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Khánh Hòa, bên cạnh những truyền thống của người Việt như Phật giáo, thờ Mẫu, các tập tục cưới xin, hội hè…, còn có những truyền thống mới hình thành trên cơ sở tiếp nhận và Việt hóa những yếu tố văn hóa của người Chăm. Không còn nghi ngờ gì nữa, có thể nhận thấy, một trong những thành tựu văn hóa nổi bật và tiêu biểu nhất của người Việt ở Khánh Hòa trong việc tiếp nhận và Việt hóa những truyền thống văn hóa của người Chăm chính là quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na. Và, Khánh Hoà có hai trung tâm gắn với sự phát tích và phát triển của tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na đó là di tích Tháp Bà (người Chăm) và Am Chúa (người Việt) để từ đó cho ra đời một hệ thống các di tích thờ Thiên Y gắn liền với các hoạt động tín ngưỡng dân gian vô cùng phong phú, đặc sắc, tạo nên một hệ giá trị văn hóa rất riêng của người Việt trên vùng đất này.
Nguyễn Thị Thúy Hằng
Ngô Đức Thịnh - Đạo Mẫu ở Việt Nam, tr. 88
Ngô Đức Thịnh - Đạo Mẫu ở Việt Nam, tr. 88
Nguyễn Công Bằng, Tìm hiểu giá trị lịch sử và văn hoá Khánh Hoà, tr.143
Căn cứ theo sắc phong triều Nguyễn phong tặng Bà tại các di tích.
Vua Minh Mệnh, Đồng Khánh, Bảo Đại, sđd
Tìm hiểu giá trị lịch sử và văn hóa Khánh Hòa, tr.150.
Văn hoá phi vật thể Khánh Hoà, tr.162
Ngô Văn Doanh, Tháp Bà Ponagar – Hành trình một nữ thần, tr.192
Khánh Hòa - diện mạo văn hóa một vùng đất, tập 4, tr.46