1. Tổng quan về tín ngưỡng thờ cá Ông
(Bài trí bàn thờ bên trong lăng Nam Hải, Vĩnh Lương, ảnh: Thanh Loan)
1.1. Nguồn gốc và tên gọi của tín ngưỡng
Tục thờ cá Ông là dạng tín ngưỡng đặc sắc trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân biển đảo từ miền Trung trở vào miền Nam Việt Nam. Người dân vùng biển, nhất là ngư dân luôn kính trọng và biết ơn sinh vật này vì đã giúp đỡ họ ra khơi thuận buồm xuôi gió và đánh bắt được nhiều cá tôm. Trong tâm thức của cư dân miền biển, cá Ông đại diện cho lòng hướng thiện của nhà Phật, chuyên cứu nguy và phù hộ độ trì cho những người có công cuộc mưu sinh gắn liền với biển. Sự tôn kính và quý trọng đó đều có quá trình, ban đầu chỉ là biểu hiện của lòng tốt, sau đó như một vật linh, vị thần hộ mạng. Ngư dân kính trọng cá Ông được thể hiện trước hết qua danh xưng, sau đó là hệ thống cơ sở thờ tự phổ biến với nội hàm phong phú gồm kiến trúc, lễ hội và các nghi thức, nghi lễ chặt chẽ1.
Về tên gọi chính thức được sử dụng rộng rãi và trong hành văn của tín ngưỡng thờ cúng cá Ông là Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa. Ngoài ra, cư dân vùng biển Khánh Hòa còn dùng các tên gọi khác như: Lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Nghinh thủy triều, lễ hội Nghinh Ông Nam Hải...
Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa đáp ứng nhu cầu tâm linh và thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng; bảo lưu và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua các diễn xướng dân gian, tưởng nhớ những người có công khai khẩn vùng đất (Tiền hiền, Hậu hiền). Vì lẽ đó, người dân Khánh Hòa có câu ca: “Tháng hai lạch cúng Đức Ông/ Ai đi đâu đó nhớ mong mà về” như một lời nhắc nhở những người con xa quê hướng về cội nguồn dân tộc. Lễ hội Cầu ngư góp phần phát triển kinh tế thông qua việc thu hút khách du lịch qua các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng ở Khánh Hòa. Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2012.
1.2. Cơ sở thờ tự cá Ông ở Khánh Hòa
Theo tập tục của ngư phủ vùng biển Khánh Hòa, mỗi khi cá Ông “lụy” vào làng vạn, ngư dân phải làm thủ tục chôn cất và xây dựng lăng để thờ tự. Số lần cá Ông lụy lần đầu ở các làng tỉ lệ thuận với số lượng lăng trên địa bàn toàn tỉnh và hiện nay, Khánh Hòa có 50 cơ sở thờ tự Ông Nam Hải nằm rải rác tại các huyện/thị/thành phố ven biển là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm và Cam Ranh3.
Về tên lăng, theo tập quán của ngư dân, nếu lần đầu tiên cá Voi “lụy” vào làng là cá Ông (cá Voi đực) thì đặt tên là lăng Ông, nếu là cá Cô (cá Voi cái) thì đặt tên là lăng Cô, những lần sau đó, cho dù là “Ông” hay “Cô” thì cũng được đưa về an táng và thờ chung trong lăng nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi ban đầu. Tùy theo tính chất của từng địa phương, nơi thờ tự lớn hay nhỏ mà gọi bằng tên khác nhau như miếu, dinh và lăng nhưng vai trò và chức năng của nó hoàn toàn giống nhau. Ngoài ra, người đầu tiên gặp Ông lụy (còn gọi là “được Ông”) phải đảm trách vai trò tối thượng trong việc lo tang chế và cúng giỗ hàng năm tại lăng Ông, đồng thời phải chịu tang ba năm như tang cha mẹ4.
Các cơ sở thờ cúng cá Ông được xây dựng ở những vị trí cao ráo, gần cửa lạch, mặt tiền hướng ra biển. Quy mô lăng thường lớn hơn nhiều so với khu vực Bắc Trung Bộ bởi thiết trí thờ tự bên trong lăng không chỉ thờ Ông Nam Hải mà còn phối thờ Thiên Y A Na, Ngũ Hành, Tiền hiền-Hậu hiền.... Bên cạnh đó, lăng cũng là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội chung của cả cộng đồng cư dân làng biển nên võ ca thường có không gian rộng để đáp ứng nhu cầu diễn xướng, hội hè. Những ngôi làng mới thành lập/mới tách ra lăng Ông thường có quy mô khiêm tốn. Một số làng có lịch sử hình thành lâu đời, lăng Ông phổ biến loại hình kiến trúc đình – lăng kết hợp5 hay còn gọi là đình lăng hợp nhất. Phần lớn các lăng Ông đều có một đặc điểm chung là lăng Ông được xây dựng bên cạnh miếu Bà như lăng Ông Trường Đông, lăng Ông Vĩnh Lương …
Về mặt cấu trúc, tùy theo quy mô lớn nhỏ khác nhau mà lăng có những đơn nguyên kiến trúc hợp thành không giống nhau. Những lăng có quy mô lớn, kết cấu kiến trúc của gian thờ chính thường là một ngôi nhà ba gian, chính giữa là nơi thờ tự Ông Nam Hải và phối thờ các vị thần khác, hai bên tả, hữu là gian thờ Tiền hiền, Hậu hiền; phía sau là bếp nấu đồ cúng và kho là nơi cất giữ vật dụng của lăng; phía trước hoặc hai bên khuôn viên lăng là nơi trữ sẵn cát để chôn cất Ông/Cô khi lụy vào làng vạn. Đối với những lăng Ông có quy mô khiêm tốn, thường chỉ là một căn nhà nhỏ ba gian, chính giữa là nơi thiết trí bài vị và các quách đựng ngọc cốt, hai bên là Tả ban liệt vị và Hữu ban liệt vị, không có nhà võ ca hay sân chầu.
Lúc mới tạo lập, thiết chế thờ tự Ông Nam Hải rất đơn sơ, nhưng qua nhiều lần tu bổ thì trở nên khang trang. Đa số các lăng đều đã qua quá trình tu bổ, một số lăng di dời sang vị trí khác, lăng Ông dù lớn hay nhỏ nhưng vẫn đảm bảo diện tích để có thể tổ chức lễ Nghinh Ông thuận tiện nhất. Trong lăng có ngọc cốt cá Ông và những di vật gắn liền với quá trình tạo dựng lăng như lư đồng, hoành phi, liễn, câu đối, chân đèn…Đa số các lăng Ông ở Khánh Hòa đều có sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng.
2. Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa
(Đội Hò Bá Trạo chuẩn bị hát mừng Ông về dự lễ, Ảnh: Thanh Loan)
- Thời gian tổ chức
Thời gian tổ chức lễ hội chủ yếu vào mùa Xuân, diễn ra trong khoảng thời gian 2 ngày 1 đêm, năm đại lễ thì diễn ra 4-5 ngày. Thông lệ, “tam niên đáo lệ” người dân tổ chức đại lễ một lần. Trong kỳ đại lễ, ngoài nghi lễ Cầu ngư và hát/hò Bá trạo trong lễ hội còn có các trò diễn xướng dân gian khác như: múa lân, múa rồng, hát tuồng/hát bội…
Lễ hội Cầu ngư Khánh Hòa gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi lễ sau:
- Lễ rước sắc: Là lễ mở đầu cho kỳ lễ hội, diễn ra từ chiều hôm trước ngày tổ chức lễ Cầu ngư trên biển. Đa số các sắc phong thần Nam Hải đều lưu giữ tại đình làng hoặc chùa ở trong làng, đến ngày cúng Ban tổ chức rước sắc về lăng cúng. Vì vậy, đối với các đình - lăng hợp nhất, làng không tổ chức rước sắc (vì đình và lăng nằm gần nhau hoặc trong khuôn viên đất thuộc di tích); một số ít lăng là công trình kiến trúc riêng biệt, làng tổ chức rước sắc về lăng vào ngày giỗ Ông, cúng xong hồi sắc về lại đình/chùa của làng.
- Lễ xổ quẻ: Là nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong lễ hội Cầu ngư, được thực hiện ở lăng Ông, miếu Bà và địa điểm diễn ra lễ Cầu ngư trên biển. Đây là một nghi lễ đặc thù của ngư dân phường Vĩnh Trường, thông qua lễ cúng này ngư dân có thể dự đoán một năm mùa màng bội thu hay không như ý muốn.
- Lễ Nghinh Ông Nam Hải: Còn gọi là lễ Nghinh thủy triều vì nó được tiến hành khi nước thủy triều lên. Nghi lễ này chỉ có ở lễ hội miền biển nhằm rước linh hồn Ông Nam Hải về lăng nhân ngày giỗ của Ngài. Do phụ thuộc vào ngày ông “lụy” và con nước thủy triều ở mỗi nơi nên mỗi làng tổ chức lễ Cầu ngư vào những thời gian không giống nhau và không ấn định ngày sẵn như các nghi lễ khác.
- Lễ Tỉnh sanh (còn gọi là lễ Thỉnh sanh): Ở các đình làng nông nghiệp, lễ thường được thực hiện vào lúc 0 giờ đêm sau lễ Túc yết. Đa số các lăng miền biển, lễ Tỉnh sanh được tiến hành sau lễ nghinh Ông ngoài biển về, tức là khoảng 8h30 - 9h. Mục đích của lễ Tỉnh sanh là nhằm trình tấu với thần linh con heo còn tinh nguyên, khoẻ mạnh. Heo được cột bốn chân đặt trên một chiếc ghế dài trước bàn thờ hương án ngoại (gọi là bàn La liệt), đầu quay vào trong thực hiện nghi thức “ế mao huyết”. Ngày nay, lễ Tỉnh sanh ở làng biển không thực hiện ở bàn La liệt nhằm hạn chế cho nhiều người thấy sự đau thương của con vật, heo được cột bốn chân ở dưới bếp, sau khi Chánh tế van vái ở ban thờ Ông Nam Hải xong thì cầm cây nhang xuống “điểm chỉ” vào yết hầu của con vật, sau đó ban hậu cần sẽ tiến hành giết heo.
- Lễ tế Ông Nam Hải: Lễ này được tiến hành vào lúc 10h sáng của ngày thứ nhất. Ngư dân tin đó là giờ linh, là thời khắc tốt nhất để bày tỏ tấm lòng của mình với Ông Nam Hải. Trong lúc lễ tế Ông diễn ra ở điện thờ thì bên ngoài Võ ca đoàn Bá trạo vẫn tiếp tục biểu diễn. Lễ diễn ra trong vòng 1 giờ với nhiều nghi thức cầu kỳ. Khi thầy lễ hô to “lễ tất” cũng là lúc đoàn bá trạo biểu diễn đoạn múa kết hạ ban.
- Hát Thứ lễ: Tức hát cúng lăng, hát cúng Thần do các đoàn hát bội đảm trách. Các vở tuồng Thứ lễ cúng cá Ông đều có liên quan đến truyền tích, giai thoại của Quan Công với các vở tuồng như Tam Anh chiến Lữ Bố, Trương Cổ Thành, Quan Công phục Huê Dung đạo… Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết sở dĩ người dân làng biển chọn vở Quan Công phục Huê Dung đạo để hát cúng Ông bởi vì đây là vở tuồng duy nhất trong các vở tuồng Ông không có cảnh giết chóc trên sân khấu, đồng thời tính cách, khí tiết trọng nghĩa của Quan Công rất đáng trân trọng.
- Lễ Tôn vương: Thông thường khi đến ngày thứ hai thì người ta làm lễ Tôn vương. Đây là nghi lễ diễn ra dưới dạng hoạt cảnh múa dân gian với các điệu múa Tứ linh, múa Chúc rượu, múa Xổ liễn. Lễ này mang ý nghĩa là phần thắng luôn nghiêng về chính nghĩa, và hầu hết các gánh hát khi đến lễ này thì hát tuồng San Hậu. Vì vậy, vở tuồng này bao giờ cũng được xây dựng theo công thức truyền thống “Vua băng, minh tiến bà thứ lên chùa, chém nịnh, định đô, Tôn vương, tức vị”. Ở lễ Tôn vương quy định đối tượng và hạn chế số người tham dự đặc biệt là những người có tang chế, phụ nữ có thai… không được phép dự.
- Lễ Tống na: Là nghi lễ cúng cô hồn. Trong lễ vật cúng, không thể thiếu lễ vật như hình nhân, 1 chiếc tàu nhỏ làm bằng nan, giấy mã... Sau khi lễ tất, các phẩm vật cúng trên hương án đều được chất hết lên thuyền nan. Thuyền được khiêng ra bờ biển, chuyển lên một chiếc ghe đã chờ sẵn, tiến ra khơi rồi hạ thủy dưới dạng “tống ôn tống phong”, với mục đích đưa những cô hồn, ma quỷ ra xa khỏi làng. Lễ Tống na được tổ chức trong lễ cúng Cầu an và nhất là trong lễ cúng Ông Nam Hải có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là sự chia sẻ giữa người sống và người chết, đồng thời cầu mong cho những oan hồn trên biển đừng quấy nhiễu ngư dân để họ yên ổn làm ăn.
3. Ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng cá Ông trong đời sống cư dân Khánh Hòa
Đầu tiên, trong tâm thức của người Việt luôn quan niệm “đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, quy luật âm dương chuyển hóa, thiên nhân hợp nhất nên “có thờ mới thiêng, có kiêng mới lành”. Thêm vào đó, người ta vẫn tin rằng nhân sinh thành bại và những đoạn khúc quan trọng của một đời người đều không nằm ở sự kiểm soát của con người mà do thần thánh soi xét. Môi trường biển giàu tài nguyên nhưng cũng lắm tai ương, giữa thế giới mênh mông bất định của biển cả, con người trở nên nhỏ bé lạc lỏng và dường như bất lực, khi ấy họ tìm đến tín ngưỡng. Ở khía cạnh nào đó, tín ngưỡng sẽ lý giải tốt những điều bí ẩn của thế giới nhất là những đoạn khúc xảy ra trong đời sống thường nhật và liên quan đến cuộc đời của một con người. Thế giới muôn màu muôn vẻ, nhận thức của con người phong phú nên dẫn đến tính đa dạng trong thực hành tín ngưỡng. Từ đầu nhà Nguyễn, các đối tượng thờ cúng thần linh biển đã từng bước cụ thể hóa. Hệ thống thần linh miền biển Khánh Hòa vô cùng phong phú, đa dạng, song toàn bộ tầm ảnh hưởng quan trọng của đời sống tín ngưỡng hướng ra biển được thể hiện ở sự sùng bái cá Ông, tín ngưỡng biển đặc biệt và khá phổ biến trên khắp bờ biển miền Trung.
Thứ hai, trong cuộc sống với đầy rẫy sự cạnh tranh và khốc liệt, con người luôn phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập, nhất là trong môi trường biển đảo thì sự bất trắc đó càng tăng lên gấp bội. Theo thang nhu cầu của Abraham Maslow, trong năm bậc thang nhu cầu của con người thì nhu cầu an toàn (safety) đứng vị trí thứ hai và có giá trị then chốt. Bên cạnh đó, B.Malinowski khi nghiên cứu về việc đánh bắt của người dân trên hòn đảo Trobriand đã chứng minh rằng dù khoa học có tiến bộ đến đâu cũng không thể thay thế được ma thuật và khi đối mặt với hiểm nguy nơi biển cả mênh mông, con người hướng đến sự trợ giúp của đối tượng siêu nhiên, vì thế ở đâu có bất trắc ở đó có bùa chú, cúng kiếng7. Lễ hội Cầu ngư ban đầu là hình thức Bái vật giáo, theo thời gian trở thành tín ngưỡng đa nguyên với sự kết hợp của nhiều tôn giáo khác như Phật giáo, Nho giáo. Đây là tín ngưỡng đặc trưng của cư dân miền biển mà đối tượng thờ cúng bao gồm cả nhiên thần, nhân thần, thủy thần và thổ thần, trong đó thủy thần giữ vai trò chủ đạo. Sự xuất hiện hệ thống thần Biển không chỉ là quá trình tôn vinh, huyền thoại hóa những xung lực văn hóa nội tại, tự thân mà còn là kết quả của quá trình thâm nhập và hội giao văn hóa với các quốc gia cũng vốn có truyền thống khai thác biển, sống trên biển.
Thứ ba, tín ngưỡng thờ cúng cá Ông là tín ngưỡng nghề nghiệp của những người có cuộc sống gắn liền với biển, không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của ngư dân là cầu mong sự bình an, tôm cá đầy thuyền sau mỗi chuyến vươn khơi và hạnh phúc trong cuộc sống mà còn là dịp để ngư dân bày tỏ tình cảm của mình đối với đến với các vị thần linh và là cơ hội để ngư dân vui chơi, trao đổi kinh nghiệm làm ăn sau những ngày lao động vất vả. Mục đích chính của lễ hội là thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với thần linh, với Ông và cao hơn hết là lòng biết ơn với Ông Bà tổ tiên, Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ và Hậu công lao. Cái đẹp của tục thờ cúng cá Ông là hình tượng siêu nhiên của đối tượng được hưởng lễ, hình tượng ấy dù thật hay hư cấu cũng đều bắt nguồn từ ý thức của cộng đồng và gắn bó với họ trong quá khứ cũng như hiện tại. Lễ hội phản ánh quá trình làm ăn của trong một năm, bởi lẽ năm nào ngư dân được mùa thì họ tổ chức lễ hội càng lớn, các hoạt động diễn ra trong lễ hội phong phú, đa dạng hơn và ngược lại.
Lễ hội Cầu ngư là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong làng vạn. Thông qua lễ hội, tính cố kết cộng đồng của ngư dân thể hiện rõ nhất, mọi người cùng nhau hướng về vị thần đang thờ cúng và vui chơi củng cố tình đoàn kết giữa con người với con người, giữa cá nhân với các thành viên trong làng. Đến với lễ hội, người ta không phân biệt địa vị sang hèn mà mọi thành viên tham dự đều bình đẳng như nhau. Nếu trong cuộc sống thường nhật, những bộn bề lo toan của cơm áo gạo tiền làm cho con người không tránh khỏi những xích mích thì khi đến với lễ hội những mâu thuẫn đó dường như không còn tồn tại. Đứng trước ban thờ thần, ai cũng xả hết tham-sân-si để thành tâm thắp nén nhang thể hiện lòng thành kính đối với vị thần nhằm mong sao cho gia đình được bình an, mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc trong công việc và cuộc sống. Từ đây, mối quan hệ giữa người với người ngày càng xích lại gần nhau hơn, yêu thương, giúp đỡ nhau hơn và cao hơn hết là tình yêu quê hương, đất nước.
Cuối cùng, giá trị nhân văn của tín ngưỡng thờ cúng cá Ông là thể hiện thế ứng xử của con người trước biển. Cá Ông là vị thần tượng trưng cho sức mạnh, phù hộ, độ trì cho con người trong lúc gặp gian nguy trên biển, vì lẽ đó, cùng với khả năng tái sinh, cá Ông đã trở thành biểu tượng cho công đức sinh thành của con người. Tín ngưỡng thờ vật linh này cùng với những kiêng kỵ của nó phần nào đã hạn chế bớt tình trạng giảm sút số lượng của loài cá này. Sự thờ cúng cá Ông cũng như các vị thủy thần khác góp phần cân bằng môi trường sinh thái biển, hạn chế nạn đánh bắt một cách tận diệt, làm hủy hoại môi trường. Sự tôn trọng đó bắt nguồn từ sự sợ hãi những thế lực bí ẩn từ biển, qua đó giữ gìn được không gian thiêng và xây dựng ý thức tôn trọng, gìn giữ biển.
4. Tạm kết
Công cuộc chinh phục và chiếm lĩnh biển khơi của ngư dân miền biển Khánh Hòa trước hết là vì cuộc sống mưu sinh, đồng thời tham gia tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân không chỉ mong ước tôm cá đầy thuyền, bình an trở về đất liền mà còn khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền đối với vùng biển, vùng lãnh hải của quốc gia. Thông qua tín ngưỡng thờ cúng cá Ông và lễ hội Cầu ngư, người dân gửi gắm khát vọng về mùa màng bội thu, thuyền ra khơi vào lộng bình an, tôm cá đầy khoang, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Điều quan trọng mà lễ hội muốn hướng đến đó là tạo động lực, niềm tin và tiếp thêm sức mạnh để những người có sinh kế gắn liền với biển tiếp tục vươn khơi bám biển, những nhà văn hóa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển đảo của quê hương, đất nước./.
TRẦN THỊ THANH LOAN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Văn Hoa (2014), Đặc trưng văn hóa biển đảo Khánh Hòa, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.23.
2. Trích nhật ký điền dã tháng 9/2017.
3. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa (2018), Tài liệu tham khảo Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa, Nxb. Thanh Niên
4. Ông Nguyễn Văn Nhì (sinh năm 1937) ở Vĩnh Lương, Nha Trang cho biết: “người nào gặp Ông lụy đầu tiên phải đưa vào lăng làm thủ tục chôn cất, cúng kính và để tang đỏ trong 3 năm” (trích nhật ký điền dã, tháng 9/2017).
5. Nguyễn Tứ Hải (1999), “Lễ cầu ngư ở Khánh Hòa”, Sở Văn hóa Thông tin Khánh Hòa -Nguyễn Văn Khánh (chủ biên), Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr.165-169.
6. Trần Thị Thanh Loan (2017), “Tục thờ cá Ông ở Khánh Hòa”, Tạp chí Văn hóa và Nguồn lực, số 12 (4).
7. Trần Thị Thanh Loan (2019), “Đình làng Khánh Hòa – những gợi mở đối với phát triển du lịch tại địa phương”, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 2 (67) – 2019.
8. Bronislaw Malinowski, “Ma thuật, khoa học và tôn giáo”. In trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Những vấn đề nhân học tôn giáo, Tạp chí Xưa và Nay-Nxb. Đà Nẵng, tr. 159.