Hotline: (0258) 3813 758

TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU VÀ NỮ THẦN TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA BIỂN Ở VÙNG VEN BIỂN NHA TRANG - KHÁNH HÒA

07/09/2022 00:00        
Đọc tin

1. Đặt vấn đề

Môi trường tự nhiên và xã hội đã tạo nên phương thức sống, lối ứng xử và hình thành nên môi trường văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Với địa hình chiếm ưu thế nổi trội về biển đảo, Nha Trang được ví như “chiếc boong tàu của Tổ quốc”, biển đảo đã chi phối mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân ven biển. Tín ngưỡng thờ Mẫu và nữ thần không những tích hợp các giá trị tín ngưỡng tâm linh, chiều sâu tâm thức mà còn ẩn chứa các giá trị văn hóa, ứng xử, cách thích nghi của con người với môi trường sinh thái biển.

Tín ngưỡng thờ cúng nữ thần ở Nha Trang vừa có đặc điểm riêng vừa có những đặc điểm chung của đời sống tâm linh Việt Nam. Nhất là, nó có sự chồng lấn, xen cài giữa các hình thức phối thờ, làm cho chúng ta khó phân biệt, bóc tách rạch ròi các lớp văn hóa tín ngưỡng. Đó cũng là biểu hiện của tính hỗn dung trong quá trình di dân theo suốt chiều dài lịch sử. Quá trình khảo sát 29 cơ sở thờ tự tại các làng ven biển Nha Trang, trong đó có 13 cơ sở thờ Mẫu/nữ thần, cho thấy có sự phân bố không đồng đều các vị thần linh (Mẫu, nữ thần) trên từng địa bàn phường, xã. Trong khi cư dân phường Vĩnh Trường tôn thờ Bà Ngũ Hành, thì cư dân xã Vĩnh Lương lại thần tượng hóa Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Cư dân các phường Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước, Xương Huân thì bên cạnh việc xem Bà Thiên Y A Na là vị thần bảo hộ, họ còn tôn thờ Bà Ngũ hành. Còn Bà Hậu Thổ, được cư dân phường Vĩnh Hải và xã Vĩnh Lương thờ phụng như vị thần cai quản đất đai toàn cõi. Cách gọi phổ biến của người dân Nha Trang đối với đối tượng thờ mang giới tính nữ là Bà, vì theo quan điểm của họ, Bà vừa tôn kính vừa gần gũi, Bà ở đây còn mang nghĩa là Mẹ của muôn dân.

2. Các Mẫu/ nữ thần thờ phụng tại các làng ven biển Nha Trang

Hiện nay, ở 9 làng ven biển Nha Trang có 29 cơ sở thờ tự1 trong đó có 13 cơ sở thờ Mẫu/ nữ thần phân bố ở các xã/ phường. Tín ngưỡng thờ Mẫu/ nữ thần ở ven biển Nha Trang thể hiện như sau:

2.1. Tín ngưỡng Thiên Y Thánh Mẫu

Bà Thiên Y là một dạng khác của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Tại miền Bắc Việt Nam, thờ Mẫu thuộc hệ thống tín ngưỡng thờ Tam phủ - Tứ phủ (Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải/Thủy, Mẫu Thượng Ngàn). Trong quá trình di cư vào Nam, người Việt ở Khánh Hoà đã tiếp thu tín ngưỡng thờ Mẹ Xứ sở (Pô Inư Nưgar) của người Chăm và đã Việt hóa thành tín ngưỡng thờ Mẫu của mình với thần hiệu là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi. Về sau, vị nữ thần này được triều đình nhà Nguyễn phong tặng sắc phong là Thượng đẳng thần. Thiên Y A Na được người dân ven biển Nha Trang xem như vị Bồ Tát, chuyên cứu nhân độ thế cho muôn dân. Vì lẽ đó, người Việt gọi Bà với những danh xưng đầy uy quyền và tôn kính như: Bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Đảo.

(Miếu Thiên Y, Xương Huân - Ảnh: Thanh Loan)

Thiên Y A Na Thánh Mẫu chiếm vị trí chủ đạo trong hệ thống thờ Mẫu/Nữ thần ở Khánh Hòa. Hiện nay, trên toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở thờ tự Thiên Y A Na, trong đó có 19 địa điểm tiêu biểu thu hút lượng lớn người dân và du khách đến tham quan. Di tích thờ Thiên Y A Na phân bố ở hầu hết khắp nơi: từ miền núi đến đồng bằng, vùng ven biển; từ thành thị đến nông thôn; từ nơi vùng sông nước đến vùng biển cả; từ tộc người Chăm đến người Việt, trong đó Tháp Bà là trung tâm của tín ngưỡng này. Địa điểm thờ phụng Thiên Y A Na thường tọa lạc trên những đồi cao hoặc được xây dựng trong các khuôn viên rộng rãi, nhiều cây cối xum xuê, hay ở những địa điểm nhìn ra sông, biển. Hầu hết các làng ở Khánh Hòa đều thờ Mẫu Thiên Y A Na, vị thần linh này được bố trí thờ tự dưới hai dạng: thờ riêng hoặc phối thờ. Kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc thờ Thiên Y A Na trong các đình, chùa, am, miếu mang đậm dấu ấn người Việt pha Chăm, chủ yếu là lối kiến trúc mang phong cách và niên đại triều nhà Nguyễn, với kiến trúc kiểu chữ nhị, gồm 2 thành phần cấu kiện cơ bản là Tiền tế và Chính điện (có nơi còn thêm hậu chẩm/cung). Tại những nơi thờ phụng, ban thờ Bà thường có tượng thờ hoặc dòng chữ Hán “天 依” (Thiên Y).

(Ban thờ bài trí bên trong Miếu Thiên Y, Xương Huân - Ảnh: Thanh Loan)

Trong dân gian và tài liệu ghi chép, Thiên Y A Na có công đức vô bờ, Bà dạy dân biết cày cấy, dệt vải, bảo vệ người dân khi đi rừng hái củi, lấy trầm cũng như đi biển đánh bắt hải sản. Bà là mẹ lớn của xứ sở người Chăm, có quyền năng phong điều vũ thuận, tạo phúc cho muôn dân. Tuy nhiên, Mẹ Xứ sở của người Chăm không chỉ có uy quyền ở đất liền mà còn lan ra cả biển khơi. Tạ Chí Đại Trường đã nhấn mạnh: “Không thể kể hết uy thế bao trùm của vị thần Chàm chính này đối với người dân đồng bằng miền Trung trên phần đất Đàng Trong cũ, có uy thế từ đất liền ra đến ngoài biển cả”.

Giá trị của tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na chính là sự linh thiêng của Bà trong tâm thức con người, thông qua thực hành nghi lễ, những ý nghĩa của cuộc sống: đức tin, sự bảo trợ cho sức khỏe, sức sống trường tồn và những ước vọng khác.

2.2. Tín ngưỡng Bà Ngũ Hành

Theo quan niệm dân gian, Ngũ Hành là những vị thần liên quan tới mọi mặt của đời sống con người, của nhiều ngành nghề khác nhau, như buôn bán, nông nghiệp, lâm nghiệp, nhất là các làng làm nghề đánh bắt cá ven biển thờ nhiều hơn.

Tại các làng ven biển Nha Trang, Bà Thủy được chú trọng thờ cúng nhất trong năm Bà Ngũ Hành. Theo Ngô Đức Thịnh, Bà Thủy là nữ thần giếng, thần sông rạch, thần cù lao, thần hải đảo, tức vị thần cai quản vùng sông nước. Ban đầu, cư dân thường lập miếu thờ riêng biệt hoặc phối thờ Bà Thủy tại các đình làng, bởi vì dân làm nghề đánh bắt cá, công cuộc mưu sinh của họ luôn gắn liền với con nước, biển cả, nên việc thờ Bà Thủy nhằm mục đích cầu bình an, sức khỏe và may mắn. Về sau, do quá trình đô thị hóa cũng như việc chuyển đổi nghề nghiệp của một số làng, nên người dân thỉnh quý Bà khác trong năm Bà Ngũ hành về thờ chung trong miếu, tuy nhiên Bà Thủy vẫn giữ vai trò chủ đạo và được gọi với cái tên đầy quyền lực “Lệnh Chúa Thủy”.

Như vậy, tín ngưỡng Bà Ngũ Hành đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng ven biển Nha Trang, nhất là cư dân làng biển phường Vĩnh Trường. Tại đây, người dân xem Bà Thủy có vai trò quan trọng như Ông Nam Hải2, được thờ phụng trang nghiêm như cá Ông và nhất thiết là “cúng Ông thì phải kiếng Bà”. Hoạt động cúng kiếng Bà Ngũ Hành được diễn ra theo mô thức dành cho bậc tiền hiền, điều này thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của cư dân ven biển Nha Trang. Qua đây cho thấy sắc thái văn hóa tâm linh gắn liền với môi trường sinh thái được thể hiện rõ rệt. Con người biết thích nghi, tương tác với môi trường tự nhiên, mà sinh ra tín ngưỡng, với mong ước, khát vọng về cuộc sống bình an, khi họ phải đương đầu với những hiểm nguy, bất trắc trước biển khơi.

(Bài trí ban thờ bên trong Miếu Ngũ Hành, Bình Tân - Ảnh: Thanh Loan)

2.3. Tín ngưỡng Thánh Mẫu Hội Đồng Thủy Phủ

Thánh Mẫu Hội Đồng Thủy Phủ là một dạng tín ngưỡng thờ Mẫu, do người Việt ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thờ. Tín ngưỡng này có sự ảnh hưởng của văn hóa Chăm rồi đưa vào Nha Trang theo những đợt di dân khác nhau trong lịch sử. Chính vì nữ thần cai quản hải đảo, cù lao nên người dân biến Thánh Mẫu Hội Đồng Thủy Phủ dưới tên gọi là Bà Chúa Hòn. Đây có thể là một dị bản/biến thể của Thiên Y A Na và hai người con của bà là công chúa Quý, hoàng tử Trí. Tại hòn đảo nhỏ ngay cửa biển thuộc phường Vĩnh Thọ, miếu Bà Hội Đồng Thủy Phủ tọa lạc tại Cù Lao Hạ, cư dân thờ Bà và Cô -Cậu3 (hai người con của bà) dưới hình thức phối thờ/phối tự. Miếu thờ Bà Chúa Hòn là ngôi miếu nhỏ dạng thủ kỳ, gồm hai tầng: tầng trên thờ Bà, tầng dưới ngăn làm hai gian thờ, gian bên phải thờ Sơn Lâm, gian bên trái thờ Cô - Cậu. Những người đánh bắt hải sản và buôn bán trên biển rất tin tưởng vào sự linh thiêng của Bà. Họ cho biết, đã thấy Bà nhiều lần hiển linh, giúp ngư dân an toàn khi gặp nạn trên biển, ngoài ra, Bà còn “che chắn” mỗi khi bão đổ bộ vào Nha Trang. Cư dân ven biển cũng như những người từ vùng biển khác đi ngang qua đều vào miếu thắp nhang để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt nhiều cá tôm và hải trình được bình an.

2.4. Tín ngưỡng Hậu Thổ

Ngạn ngữ có câu “trên có Hoàng Thiên, dưới có Hậu Thổ làm chứng”. Đây là một dạng thờ nữ thần cai quản đất đai, là vị thổ địa của vùng đất. Do đặc điểm địa hình là  “vùng đất nhỏ nhoi, tựa núi, day mặt ra biển, phá rừng bụi, đuổi hùm voi để định chỗ ở”, là xứ sở của núi cao, sông hiểm, cây rừng rậm rạp, nhiều tê tượng hùm beo. Điều này đã buộc người Việt tìm cách thích nghi trên vùng đất mới vốn “đã từng có chủ” qua việc thờ Bà Hậu Thổ (Bà chúa đất) để cầu mong Bà phù hộ cho dân làng luôn bình an, ít ốm đau bệnh tật và thuận lợi trong công việc làm ăn.

Hậu Thổ là vị nữ thần cai quản vùng đất trong bờ (đất liền), không mang sắc thái văn hóa biển. Tuy nhiên, lần tìm những yếu tố tác động, ảnh hưởng, chi phối tới đời sống tâm linh của người dân Nha Trang, như: nguồn gốc dân cư, điều kiện địa lý - địa hình, bối cảnh lịch sử - xã hội…, có thể nhận thấy tính đa dạng, phong phú trong văn hóa tín ngưỡng của họ. Đó là sự hỗn dung các yếu tố văn hóa sản xuất/kinh tế như: nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các hoạt động thương mại, dịch vụ khác. Vì vậy, tín ngưỡng thờ Bà Hậu Thổ ra đời cùng với hệ thống thần linh biển phần nào lý giải cho hiện tượng trên. Đặc biệt là, tín ngưỡng thờ Bà Hậu Thổ của cư dân ven biển (vùng bờ) – không gian chuyển tiếp giữa đất liền/lục địa với biển đảo, nên nó đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân biển ở Nha Trang.

Sẽ là thiếu sót nếu trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu/ nữ thần của cư dân ven biển Nha Trang mà không nhắc đến Phật Bà Nam Hải (Quan Thế Âm Bồ Tát,) vì trong tâm thức của người dân, Phật Bà Nam Hải có vị trí như một vị Thánh Mẫu. Đây là quá trình hỗn dung giữa tôn giáo (Phật giáo) với tín ngưỡng dân gian bản địa và trong tâm thức của cư dân biển Nha Trang, Phật Bà mang chức năng của một vị thần linh biển. Đặc điểm này được thể hiện qua cách đặt tượng Phật Bà đứng phía trước các công trình kiến trúc, mặt Phật Bà hướng ra biển, như quan sát để che chở chúng sinh.

Một điều đáng chú ý, người dân Nha Trang sống  trong sinh cảnh có ưu thế nổi trội về ngư nghiệp, tục thờ cúng cá Ông mang sắc thái văn hóa đặc trưng. Tuy nhiên, đối tượng thờ cúng mà bài viết này đề cập là các nữ thần - tức là những vị thần mang giới tính nữ. Và, theo lẽ tự nhiên, nhiều người nghĩ cá Ông thuộc giới tính “nam” vì dựa vào những danh xưng4. Theo thần thoại của người Chăm, thì cá Ông là nam thần - thần Pô Riyak (thần Sóng Biển). Tuy nhiên, quá trình khảo sát thực tế tại các lăng cá Ông ở Khánh Hòa, chúng tôi ghi nhận được trường hợp cá Ông thuộc giới tính nữ ở di tích lăng Cô Phú Hội5 thuộc xã Vạn Thắng (Vạn Ninh, Khánh Hòa). Tại lăng này, còn lưu giữ một bản sắc phong phong cho Ông Nam Hải với tên gọi là “Nam Hải Đức Ngư thần nương”. Chữ “nương” ở đây được hiểu theo nghĩa là tiếng gọi tôn xưng các Bà, đại từ danh xưng này cho phép ta hiểu được một điều: triều đình phong kiến trung ương đã có sự phân biệt giữa cá Ông (cá voi đực) và cá Bà/ Cô (cá voi cái). Về tên lăng, theo tập quán của ngư dân, nếu lần đầu tiên cá voi “lụy” vào làng là cá Ông (cá voi đực) thì đặt tên là lăng Ông, nếu là cá Cô (cá voi cái) thì đặt tên là lăng Cô. Những lần sau đó, cho dù là “Ông” hay “Cô” thì cũng được đưa về an táng và thờ chung trong lăng nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi ban đầu. Từ quan điểm trên, có ý kiến cho rằng, thuật ngữ “Ông” không chỉ có ý nghĩa phân biệt giới tính, mà nó còn mang nghĩa thứ hai là sự to lớn, vĩ đại. Trong trường hợp này, cá Ông được hiểu theo nghĩa thứ hai, tức là bao gồm cả hai giới tính: Đực – Cái, Nam – Nữ.

Dọc các làng ven biển Nha Trang có 07 lăng Ông, trong đó có 02 lăng là thiết chế thờ tự riêng lẻ, bề thế là lăng Nam Hải (phường Xương Huân) và lăng Ông Nam Hải (xã Vĩnh Lương); 05 lăng còn lại nằm trong khuôn viên của đình làng theo kiểu kiến trúc đình - lăng kết hợp. Các cơ sở thờ cúng cá Ông của cư dân ven biển Nha Trang được xây dựng khang trang, tôn kính, ngoài sự phổ biến về loại hình đình - lăng hợp nhất còn có sự phổ biến trong việc phối thờ Thiên Y A Na, Ngũ Hành trong hệ thống thiết trí thờ tự lăng Ông Nam Hải.

3. Kết luận

Như vậy, tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na, Ngũ Hành, Thánh Mẫu Hội Đồng Thủy Phủ (Bà Chúa Hòn), Phật Bà Nam Hải, cá Ông... đều xuất phát từ môi trường sinh thái tự nhiên và xã hội, ở đây chú ý đến yếu tố sông nước và biển cả. Việc tôn sùng này gắn liền với vai trò của các vị thần linh-chuyên phù hộ độ trì cho ngư dân đánh bắt và chài lưới ở các làng ven biển Nha Trang qua nhiều thế hệ, mà công cuộc mưu sinh của họ thường xuyên lênh đênh trên những con nước ở giữa sông và biển cả vốn nhiều bất trắc, tai ương luôn rình rập. Hoạt động cúng bái vị thần này được diễn ra thường xuyên và đều đặn với qui mô khá lớn, góp phần tạo nên một đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân ven biển Nha Trang. Tín ngưỡng thờ Mẫu và nữ thần của cư dân ven biển Nha Trang đã góp phần vào bức tranh văn hóa và là những di sản quí báu mà các thế hệ cư dân ở đây cần gìn giữ và phát huy.

                                                              

      Trần Thị Thanh Loan

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bài tựa của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, trong Thích Đại Sán, 1963, Hải ngoại kỷ sự, Huế.: UB Phiên dịch sử liệu VN Viện Đại học Huế, tr. 9, 132.

2. Langrand. G., (1945), Vie sociale et religieuse en Annam: Monographie d’un village de la côte Sud-Annam, Lille.: Edition Univers;

3. Nhiều tác giả (1985), vùng đất phía cực đông, Sở Văn hóa và Thông tin Phú Khánh, Tp.HCM;

4. Ngô Đức Thịnh (chủ biên, 2002), Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội;

5. Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Nxb.Văn hóa thông tin, Hà Nội.

6. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên, 2000), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam. Nxb. Thuận Hóa, Huế;

7. Nguyễn Văn Bốn (2010), Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa, Nxb.VH-TT, Khánh Hòa;

8. Phan Thị Yến Tuyết (2010), “Tín ngưỡng thờ Mẫu và nữ thần từ chiều kích văn hóa biển của vùng biển đảo Kiên Hải, Kiên Giang”, Tạp chí Khoa học xã hội, số 5;

9. Tạ Chí Đại Trường, (1989/2014), Thần người và đất Việt, Nxb. Tri thức & Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam;

10. Trung tâm Bảo tồn di tích (2014), Di tích thờ Mẫu ở Khánh Hòa, Nxb. Văn hóa Thông tin;

11. Trần Thị Thanh Loan (2017), “Tục thờ cá Ông ở Khánh Hòa”, Tạp chí Văn hóa và Nguồn lực, số 12 (4)/2017, tr.63.

12. Trần Thị Thanh Loan (2017), Tín ngưỡng dân gian của cộng đồng cư dân ven biển thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

13. Trần Thị Thanh Loan (2019), “Đình làng Khánh Hòa – những gợi mở đối với phát triển du lịch tại địa phương”, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 2 (67) – 2019, tr.49.

14. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa (2022), Thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na ở Khánh Hòa, Nxb. Thanh Hóa.

 

[1] Phường Vĩnh Nguyên: chỉ thống kê các di tích ở ven biển, còn các di tích trên các đảo Trí Nguyên, Bích Đầm, Bãi Trũ, Hòn Một, Vùng Ngán không thống kê ở đây.

2 Bà Thủy là người cai quản nguồn nước và cứu tàu thuyền gặp nạn nên ngư dân ở đây (làng Trường Đông) rất tôn kính và lập miếu thờ như thờ Ông Nam Hải. Trong 05 Bà thì Bà Thủy vẽ lớn hơn và được cưỡi cá chép, còn các Bà khác vẽ nhỏ hơn và không có vật cưỡi (theo lời kể của ông Lương Văn Sáy (sinh năm 1943), cư trú tại tổ dân phố số 2 Trường Đông, phường Vĩnh Trường).

3 Cô Bơ thủy phủ hách danh công chúa và Cậu Bơ hoàng.

4 Cá Ông, Ông Nam Hải, Nam Hải Đại Tướng Quân, Ông Chuông, Ông Lộng (cá voi nhỏ, gần bờ), Ông Khơi (cá voi lớn, ngoài khơi), Ông Cậu, Ông Lớn, Ông Lược, Ông Thông, Ông Màng, Ông Mun, Ông Đăng, Ông Kềm...

5 Được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2013.

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 2
 

Tin khác

breaker
DI TÍCH CÁCH MẠNG Ở KHÁNH HÒA – VẾT TÍCH QUA THỜI GIAN
Di sản cách mạng nói chung và di tích cách mạng nói riêng là những bằng chứng vật thể và phi vật thể phản ánh quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước ta từ tay Pháp (1930 – 1945), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954), cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ thống nhất đất nước (1954 – 1975), cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979), chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và công cuộc xây dựng đất nước từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay gần 1 thế kỷ.
ĐÌNH LÀNG KHÁNH HÒA – NHỮNG GỢI MỞ ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Trong những năm gần đây, du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững cần có sự tương tác giữa di sản với các yếu tố đặc sắc khác của địa phương cũng như kết nối các di sản vùng ngoại vi và các vùng trung tâm du lịch lớn. Đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhất là ngành có liên quan nhiều đến hoạt động du lịch như bảo tàng, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử. Để thực hiện nhiệm vụ đó, trước hết phải có nhận thức đúng và đầy đủ về vị trí, vai trò của ngành đối với hoạt động du lịch của địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.
TỤC THỜ CÁ ÔNG CỦA CƯ DÂN KHÁNH HÒA
Tục thờ cá Ông là dạng tín ngưỡng đặc sắc trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân biển đảo từ miền Trung trở vào miền Nam Việt Nam. Người dân vùng biển, nhất là ngư dân luôn kính trọng và biết ơn sinh vật này vì đã giúp đỡ họ ra khơi thuận buồm xuôi gió và đánh bắt được nhiều cá tôm. Trong tâm thức của cư dân miền biển, cá Ông đại diện cho lòng hướng thiện của nhà Phật, chuyên cứu nguy và phù hộ độ trì cho những người có công cuộc mưu sinh gắn liền với biển. Sự tôn kính và quý trọng đó đều có quá trình, ban đầu chỉ là biểu hiện của lòng tốt, sau đó như một vật linh, vị thần hộ mạng. Ngư dân kính trọng cá Ông được thể hiện trước hết qua danh xưng, sau đó là hệ thống cơ sở thờ tự phổ biến với nội hàm phong phú gồm kiến trúc, lễ hội và các nghi thức, nghi lễ chặt chẽ
ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG, NGHỆ THUẬT CỦA HÒ BÁ TRẠO Ở KHÁNH HÒA
Là một trò diễn dân gian vùng Nam Trung bộ nên Hò Bá trạo (1) ở Khánh Hòa cũng hội đủ những đặc điểm của loại hình sân khấu dân gian với các hình thức diễn xướng tổng hợp như: múa, hát, nói…Hò Bá trạo ở Khánh Hòa có độ dài dao động từ 45 đến 60 phút và có nội dung, cấu trúc hết sức chặt chẽ.
Giản giới tục thờ Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa
Trong tín ngưỡng thờ nữ thần, mẫu thần ở Việt Nam nói chung thì Ngũ Hành thần nữ mà dân gian thường gọi là mẹ Ngũ hành hay bà Ngũ hành được thờ tự phổ biến ở các làng xã đặc biệt là tại các tỉnh ở Nam Trung bộ và Nam bộ. Đối với vùng đất Khánh Hòa, tục thờ này vẫn đang được bảo lưu và thực hành rộng rãi. Vậy tục thờ Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa biểu hiện cụ thể ra sao? Các triều đại quy định điển lễ và ban tặng sắc phong đối với Ngũ Hành thần nữ như thế nào?... đó là những vấn đề cần tìm hiểu mà bài viết này mong muốn đề cập ngõ hầu góp phần nhỏ vào công tác nghiên cứu tục thờ nữ thần nói riêng và tín ngưỡng thờ mẫu nói chung.
TÍN NGƯỠNG THỜ THIÊN Y A NA Ở KHÁNH HÒA
Khi vào định cư ở vùng đất mới, người Việt đã mang theo tôn giáo, tín ngưỡng của mình: Phật giáo, Thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ Mẫu… và trong quá trình cộng cư, hoà cư đó người Việt đã nhanh chóng tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hoá người Chăm, trên cơ sở đó “sáng tạo” nên những truyền thuyết để “Việt hoá” tín ngưỡng thờ Bà Mẹ Xứ Sở của người Chăm Po Inư nagar thành Thánh Mẫu Thiên Y A Na bằng những truyền thuyết hết sức dung dị và dân gian.
Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyện thơ và bài vãn ở Khánh Hòa
Ở Khánh Hòa, qua khảo sát điền dã đã sưu tầm được một số bài thơ trường thiên kể chuyện về Thiên Y Thánh Mẫu rất đậm phong vị văn học dân gian của vùng đất Khánh Hòa mà nhân dân thường gọi là “bài Vãn”. Nhạc sĩ Hình Phước Liên đã có bài viết nghiên cứu về "Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyện thơ và bài vãn ở Khánh Hòa" nêu rõ những đặc trưng nội dung, nghệ thuật của truyện thơ, bài vãn ở Khánh Hòa.