Hotline: (0258) 3813 758

Giản giới tục thờ Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa

28/06/2022 00:00        
Đọc tin

 

(Miếu thờ Hỏa tinh thần nữ, trong khuôn viên đình Mỹ Trạch - Ninh Hòa, Ảnh: Đỗ Văn Khoái)

Trong tín ngưỡng thờ nữ thần, mẫu thần ở Việt Nam nói chung thì Ngũ Hành thần nữ mà dân gian thường gọi là mẹ Ngũ hành hay bà Ngũ hành được thờ tự phổ biến ở các làng xã đặc biệt là tại các tỉnh ở Nam Trung bộ và Nam bộ. Đối với vùng đất Khánh Hòa, tục thờ này vẫn đang được bảo lưu và thực hành rộng rãi. Vậy tục thờ Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa biểu hiện cụ thể ra sao? Các triều đại quy định điển lễ và ban tặng sắc phong đối với Ngũ Hành thần nữ như thế nào?... đó là những vấn đề cần tìm hiểu mà bài viết này mong muốn đề cập ngõ hầu góp phần nhỏ vào công tác nghiên cứu tục thờ nữ thần nói riêng và tín ngưỡng thờ mẫu nói chung.

Trước hết cần tìm hiểu một cách giản lược về khái niệm về Ngũ hành 五 行. Ngũ hành theo quan niệm triết học của người Trung Quốc cổ đại để chỉ năm hành (đi, sự vận động) cơ bản của vũ trụ bao gồm hành Thủy 水 (biểu trưng cho yếu tố nước, chất lỏng), hành Hỏa 火 (biểu trưng cho yếu tố lửa), hành Mộc 木 (biểu trưng cho yếu tố cây, gỗ), hành Kim 金 (biểu trưng cho yếu tố kim loại), hành Thổ 土 (biểu trưng cho yếu tố đất đai, thổ nhưỡng). Các hành này tương sinh tương khắc, chế hóa lẫn nhau tuân theo những quy luật nhất định. Cũng từ quy luật lý thuyết đó, Ngũ hành có ứng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như trong Y học, ẩm thực, âm nhạc, phương vị, màu sắc, thiên văn, thời gian…

Xuất phát từ Trung Quốc, dần dần thuyết Ngũ hành được tín ngưỡng hóa, thành sự thờ phụng trong quan niệm “vạn vật hữu linh” rất phổ biến ở nhiều dân tộc Á Đông cho đến ngày nay trong đó có Việt Nam. Đặc biệt nước ta có truyền thống từ một nước nông nghiệp trồng lúa nước nên tín ngưỡng thờ các nhiên thần tức các thần trong tự nhiên như thần đất, thần nước, thần cây, thần lửa, và các thần có nguồn gốc từ động vật như chim, thú…. rất được coi trọng.

Xu hướng nữ hóa các vị thần đặc biệt là các nhiên thần như trường hợp năm bà ngũ hành (Ngũ hành thần nữ), các thần có nguồn gốc từ động vật như loài chim (Phấn Nhĩ Quỷ Vương thần nữ)1….cho thấy sự phong phú và đa dạng trong tín ngưỡng thờ nữ thần ở Khánh Hòa ngoài các nữ thần có nguồn gốc từ thiên thần (Thiên Y A Na) và các nhân thần là những thần có nguồn gốc từ con người cụ thể.

(Tượng năm bà Ngũ hành, tại miếu Ngũ hành - Am Chúa, Diên Khánh, Ảnh: Đỗ Văn Khoái)

Di tích để thờ bà Ngũ hành thường mang tên Miếu Ngũ hành, Miếu Bà Ngũ hành hoặc có nơi gọi giản lược là Miếu Bà. Cũng nhiều trường hợp miếu thờ bà Ngũ hành mang tên miếu cùng với địa danh nơi đó, nhưng qua tìm hiểu cấu trúc thờ tự và thần chủ được thờ thì biết đó là miếu thờ bà Ngũ hành. Ở Khánh Hòa có nhiều miếu thờ Ngũ hành và dạng thức thờ tự. Nhiều nơi ở địa bàn Diên Khánh, Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Lâm, Cam Ranh có miếu thờ riêng như các ngôi miếu của các vị thần khác thường thấy. Có khi bà Ngũ Hành được phối thờ trang trọng trong các am thờ nhỏ hoặc các ban thờ riêng ở các miếu thờ hoặc các di tích như đình, chùa, lăng… do sự bài trí của người dân địa phương trong từng di tích cụ thể.

Trong các ban thờ Ngũ hành một số nơi như di tích Am Chúa, di tích Miếu Bà Đại Điền Đông (Diên Khánh) có bài trí tượng năm bà rất đẹp với những màu sắc trang phục riêng cho từng bà. Căn cứ vào phương vị và màu sắc trong thuyết Ngũ hành thì trang phục áo bào màu vàng là bà Thổ, màu đỏ là bà Hỏa, màu xanh là bà Mộc, màu đen là bà Thủy, màu trắng là của bà Kim, trong đó tượng bà Thổ thường được đặt ở chính giữa năm bà vì mệnh thổ ở Trung ương, cũng như vậy tùy vào mệnh của mỗi bà Ngũ hành ứng với mỗi phương mà xếp đặt vị trí tượng cho tương ứng như: mệnh Kim ở phương Tây, mệnh mộc ở phương Đông, mệnh Thủy phương Bắc, mệnh Hỏa phương Nam. Đặc biệt trong một số di tích như am thờ Ngũ hành trong khuôn viên Miếu Bà Đại Điền Đông (Diên Khánh) vừa có tượng năm bà lại vừa có bài vị chữ Hán đề tự hiệu đích danh năm bà. Các miếu hoặc ban thờ không có tượng thì thường có bài vị bằng gỗ khắc chữ Hán đề danh hiệu của năm bà hoặc cũng có thể được viết bằng mực tàu lên trên tường nơi thờ bà Ngũ hành với tự hiệu Ngũ hành thần nữ; Ngũ hành chi vị hoặc Ngũ hành….

Khảo sát các tư liệu Sắc phong, bài vị, văn tế tại các di tích thì tên gọi chung của năm bà thường là Ngũ hành thần nữ 五 行 神 女, Ngũ hành nương nương 五 行 娘 娘, có di tích trên sắc phong đề là Ngũ hành tiên nương 五 行 僊 娘. Tên hiệu cụ thể của từng bà cũng không đồng nhất ở các di tích. Có khi là Kim đức thánh phi 金 德 聖 妃, Mộc đức thánh phi 木 德 聖 妃 , Thủy đức thánh phi 水德 聖 妃 , Hỏa đức thánh phi 火 德 聖 妃 , Thổ đức thánh phi 土 德 聖 妃, cũng có lúc là Hỏa tinh thần nữ 火 晶 神 女 , Thủy tinh thần nữ 水 晶 神 女  như ở sắc phong miếu Tam Tòa (Diên Khánh), lại có trường hợp là Chủ thiết/Chúa sắt thần nữ 主 鐵 神 女 tại Miếu Hội Đồng2 (Diên Khánh).

(Sắc phong Ngũ hành thần nữ, Miếu ấp Bạch Qua - Diên Khánh, Ảnh: Đỗ Văn Khoái)

Điều đặc biệt là Ngũ hành thần nữ đã được triều Nguyễn liệt vào tự điển và ban tặng sắc phong, đây là minh chứng quan trọng thể hiện tính chính thống quan phương của triều đình cho phép xã dân được thờ tự và công nhận bà Ngũ hành xếp vào hàng thần như những vị thần khác trong bách thần theo quan niệm của người xưa.

Sắc phong cho bà Ngũ hành cũng tồn tại hai dạng là phong chung và phong riêng tùy thuộc vào việc thờ ở mỗi làng xã. Qua việc thờ tự ở các di tích cho thấy, thường các di tích thờ cả năm bà Ngũ hành, có di tích thờ một bà trong năm bà như Miếu Bà Hỏa thờ bà Hỏa (Vĩnh Ngọc, Nha Trang), Đình Khánh Thành (Cam Lâm) có sắc thờ Kim tinh thần nữ. Cũng có di tích thờ hai bà trong năm bà như trường hợp Miếu Tam Tòa (Diên Khánh) có sắc phong thờ bà Thủy tinh thần nữHỏa tinh thần nữ.

Như vậy rõ ràng việc tôn thờ một, hai hoặc năm bà trong Ngũ hành biểu tượng cho những yếu tố vật chất là đất đai, nước, kim loại, cây gỗ, củi lửa được người xưa tiếp nhận phụ thuộc vào đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán sinh hoạt của người dân trong từng vùng. Theo đó, nơi nào vượng hành gì thì thường thờ vị thần của hành đó. Ví như vùng gần sông suối thường thờ bà Thủy, nơi nào nhiều đất đai vườn ruộng thường thờ bà Thổ, nơi nào có khí hậu khô nóng thờ bà Hỏa, miền rừng núi thờ bà Mộc hay mẫu Thượng Ngàn…

Các sắc phong chung cho Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa có niên đại muộn hơn các vị thần khác. Sắc phong chung cho Ngũ hành được tìm thấy sớm nhất vào năm Duy Tân thứ 5 (1911), hiện có ở nhiều di tích, như miếu Ấp Bạch Qua  (Diên Khánh), đình Phong Ấp (Ninh Hòa). Sắc phong riêng cho từng vị trong năm vị thì Chủ thiết/Chúa sắt thần nữ (tức là bà Kim) có sắc phong sớm nhất là vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) tại Miếu Hội Đồng (Diên Khánh), còn lại đa số các sắc phong chung cho Ngũ hành thần nữ có niên đại vào năm Khải Định thứ 2 (1917) và năm Khải Định thứ 9 (1924).

Mỹ tựđược phong qua các đời đối với Ngũ hành thần nữ là Tán hóa Mặc vận Thuận thành Hòa nhu Tư nguyên Trang huy Dực bảo trung hưng 贊 化 默 運 順 成 和 柔 資 元莊 徽 翊 保 中 興, và thứ hạng thần cao nhất được phong là thượng đẳng thần上 等 神  (xếp vào hàng thần bậc thượng)4

Đối với các di tích có sắc phong riêng cho từng vị trong năm vị thì mỹ tự được phong của mỗi bà cũng có nét riêng và thứ hạng thì chỉ lên đến hàng thần bậc trung (trung đẳng thần) trong ba hạng Thượng – Trung – Hạ. Như ở Đình Khánh Thành (Cam Lâm), sắc phong cho Kim tinh thần nữ vào năm Khải Định thứ 2 (1917) phong mỹ tự và thứ hạng là Trinh uyển Dực bảo trung hưng Hạ đẳng thần貞 婉 翊 保 中 興 下 等 神, năm Khải Định thứ 9 (1924) phong thêm mỹ tự Trai tĩnh 齋 靜 và xếp hạng là trung đẳng thần 中 等 神.

(Khám thờ Ngũ Hành và bài vị, miếu Cổ Chi - Diên Khánh, ảnh: Đỗ Văn Khoái)

Nghi thức cúng tế Ngũ hành thần nữ cũng có nét tương đồng như các vị nữ thần hay mẫu thần khác trong vùng, tùy theo truyền thống phong tục mỗi địa phương mà quy định ngày vía và lễ phẩm phù hợp. Thường người dân hay tổ chức lễ vía bà vào tháng ba theo quan niệm cổ truyền tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ. Trong các văn cúng cầu an, cúng xuân cúng thu tại các di tích, thường thấy danh hiệu của bà Ngũ hành xuất hiện cùng với nhiều tên các vị thần khác trong thôn xã. Nhân dân các nơi tôn thờ Ngũ hành thần nữ và coi bà như thần mẹ có nhiệm vụ chở che và phò giúp họ trong lao động sản xuất được mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Đó cũng là nét đẹp tâm linh trong văn hóa tín ngưỡng thờ nữ thần, mẫu thần vốn đã trở thành mỹ tục của một vùng đất có bề dày truyền thống./.

 

Đỗ Văn Khoái

Tư liệu tham khảo:

1. Hồ sơ khoa học di tích: Đình Mỹ Trạch, Đình Phong Ấp (Ninh Hòa).

2. Hồ sơ khoa học di tích: Miếu Tam Tòa, Miếu Bà Đại Điền Đông, Am Chúa (Diên Khánh).

3. Sắc phong các di tích: Miếu Hội Đồng (Diên Khánh), Đình Khánh Thành (Cam Lâm), Miếu Tam Tòa, Miếu Ấp Bạch Qua (Diên Khánh)…


 
1. Ở Đình Hội Xương (Diên Khánh) hiện có miếu riêng thờ bà Phấn Nhĩ Quỷ Vương và có sắc phong cho bà. Thần hiệu của bà qua tư liệu sắc phong tại miếu là Phấn Nhĩ Quỷ Vương thần n  奮 耳 鬼 王 神 女.
2. Miếu Hội Đồng: Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tập III, phần viết về tỉnh Khánh Hòa, mục Đền Miếu có ghi: Miếu Hội Đồng ở xã Phú Lộc, huyện Phước Điền thờ các vị thần trong bản cảnh, dựng từ năm Gia Long thứ 15, lợp bằng tranh; năm Tự Đức thứ 2 tu bổ lợp ngói. Hiện miếu không còn nhưng còn lưu giữ được 34 đạo sắc phong phong cho 11 vị thần trong bản cảnh trong đó có 03 sắc phong cho Chủ thiết/chúa sắt thần n 主 鐵 神 女 .
3. Mỹ tự: là những từ có ý nghĩa cao đẹp dùng để phong cho các vị thần, thường thấy trong sắc phong. Tùy thuộc vào công trạng, đức nghiệp của từng vị thần mà triều đình ban cho mỹ tự phù hợp. Ví dụ như mý tự phong cho Kim tinh thần nữ là Trinh uyển (chính đính, nhún thuận) Trai tĩnh (trai giới, trong sạch) Dực bảo trung hưng (có công giúp nước trong sự nghiệp trung hưng). Mỹ tự phong cho thần Thành hoàng ở Khánh Hòa thường là Quảng hậu (sâu dày) Chính trực (ngay thẳng) Hựu thiện (phò thiện) Đôn ngưng (lắng đọng).
4. Tư liệu: sắc phong  Ngũ hành thần nữ tại Miếu Ấp Bạch Qua (Diên Khánh), Đình Phong Ấp (Ninh Hòa).
Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 4
 

Tin khác

breaker
DI TÍCH CÁCH MẠNG Ở KHÁNH HÒA – VẾT TÍCH QUA THỜI GIAN
Di sản cách mạng nói chung và di tích cách mạng nói riêng là những bằng chứng vật thể và phi vật thể phản ánh quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước ta từ tay Pháp (1930 – 1945), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954), cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ thống nhất đất nước (1954 – 1975), cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979), chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và công cuộc xây dựng đất nước từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay gần 1 thế kỷ.
ĐÌNH LÀNG KHÁNH HÒA – NHỮNG GỢI MỞ ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Trong những năm gần đây, du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững cần có sự tương tác giữa di sản với các yếu tố đặc sắc khác của địa phương cũng như kết nối các di sản vùng ngoại vi và các vùng trung tâm du lịch lớn. Đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhất là ngành có liên quan nhiều đến hoạt động du lịch như bảo tàng, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử. Để thực hiện nhiệm vụ đó, trước hết phải có nhận thức đúng và đầy đủ về vị trí, vai trò của ngành đối với hoạt động du lịch của địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.
TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU VÀ NỮ THẦN TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA BIỂN Ở VÙNG VEN BIỂN NHA TRANG - KHÁNH HÒA
Môi trường tự nhiên và xã hội đã tạo nên phương thức sống, lối ứng xử và hình thành nên môi trường văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Với địa hình chiếm ưu thế nổi trội về biển đảo, Nha Trang được ví như “chiếc boong tàu của Tổ quốc”, biển đảo đã chi phối mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân ven biển. Tín ngưỡng thờ Mẫu và nữ thần không những tích hợp các giá trị tín ngưỡng tâm linh, chiều sâu tâm thức mà còn ẩn chứa các giá trị văn hóa, ứng xử, cách thích nghi của con người với môi trường sinh thái biển.
TỤC THỜ CÁ ÔNG CỦA CƯ DÂN KHÁNH HÒA
Tục thờ cá Ông là dạng tín ngưỡng đặc sắc trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân biển đảo từ miền Trung trở vào miền Nam Việt Nam. Người dân vùng biển, nhất là ngư dân luôn kính trọng và biết ơn sinh vật này vì đã giúp đỡ họ ra khơi thuận buồm xuôi gió và đánh bắt được nhiều cá tôm. Trong tâm thức của cư dân miền biển, cá Ông đại diện cho lòng hướng thiện của nhà Phật, chuyên cứu nguy và phù hộ độ trì cho những người có công cuộc mưu sinh gắn liền với biển. Sự tôn kính và quý trọng đó đều có quá trình, ban đầu chỉ là biểu hiện của lòng tốt, sau đó như một vật linh, vị thần hộ mạng. Ngư dân kính trọng cá Ông được thể hiện trước hết qua danh xưng, sau đó là hệ thống cơ sở thờ tự phổ biến với nội hàm phong phú gồm kiến trúc, lễ hội và các nghi thức, nghi lễ chặt chẽ
ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG, NGHỆ THUẬT CỦA HÒ BÁ TRẠO Ở KHÁNH HÒA
Là một trò diễn dân gian vùng Nam Trung bộ nên Hò Bá trạo (1) ở Khánh Hòa cũng hội đủ những đặc điểm của loại hình sân khấu dân gian với các hình thức diễn xướng tổng hợp như: múa, hát, nói…Hò Bá trạo ở Khánh Hòa có độ dài dao động từ 45 đến 60 phút và có nội dung, cấu trúc hết sức chặt chẽ.
TÍN NGƯỠNG THỜ THIÊN Y A NA Ở KHÁNH HÒA
Khi vào định cư ở vùng đất mới, người Việt đã mang theo tôn giáo, tín ngưỡng của mình: Phật giáo, Thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ Mẫu… và trong quá trình cộng cư, hoà cư đó người Việt đã nhanh chóng tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hoá người Chăm, trên cơ sở đó “sáng tạo” nên những truyền thuyết để “Việt hoá” tín ngưỡng thờ Bà Mẹ Xứ Sở của người Chăm Po Inư nagar thành Thánh Mẫu Thiên Y A Na bằng những truyền thuyết hết sức dung dị và dân gian.
Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyện thơ và bài vãn ở Khánh Hòa
Ở Khánh Hòa, qua khảo sát điền dã đã sưu tầm được một số bài thơ trường thiên kể chuyện về Thiên Y Thánh Mẫu rất đậm phong vị văn học dân gian của vùng đất Khánh Hòa mà nhân dân thường gọi là “bài Vãn”. Nhạc sĩ Hình Phước Liên đã có bài viết nghiên cứu về "Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyện thơ và bài vãn ở Khánh Hòa" nêu rõ những đặc trưng nội dung, nghệ thuật của truyện thơ, bài vãn ở Khánh Hòa.
NGHI THỨC TRÌNH DIỄN DÂNG BÔNG, MÚA BÓNG TẠI LỄ HỘI AM CHÚA
Lễ hội Am Chúa là một trong hai lễ hội lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa, phần lễ là chính, nhưng cũng chính là phần hồn, đưa lại cho người xem nhiều say mê, suy nghĩ, đồng thời thu hút người xem bởi trong “lễ” chứa “hội”. Ở lễ hội Am Chúa, có các trình diễn nghệ thuật dân gian hết sức tiêu biểu, đặc sắc. Trước kia, trong những năm chiến tranh, lễ hội bị mai một; đến năm 1987 lễ hội Am Chúa được phục hồi và trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân Diên Khánh, Khánh Hòa nói chung.
ĐÔI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT MÚA BÓNG Ở KHÁNH HÒA
Ai về xóm Bóng quê nhà Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn không? Thế thường tre lụn còn măng Lẽ đâu tham đó bỏ đăng cho đành...
LƯỢC KHẢO VỀ TƯ LIỆU HÁN NÔM TẠI DI TÍCH THÁP BÀ PONAGAR
Tư liệu Hán Nôm tại di tích Tháp Bà là các văn tự chữ Hán, chữ Nôm được định bản ở các thể loại sắc phong, văn bia, hoành phi, câu đối, bài vị, văn tế hiện còn tại di tích.