Hotline: (0258) 3813 758

LƯỢC KHẢO VỀ TƯ LIỆU HÁN NÔM TẠI DI TÍCH THÁP BÀ PONAGAR

02/10/2019 00:00        
Đọc tin

Với địa thế nằm trên gò đất cao, bằng phẳng, bốn đền tháp hiện còn của khu di tích Tháp Bà Po Nagar có lối kiến trúc độc đáo, được xây dựng cách nay hơn 1.000 năm, đã lắng đọng bởi nhiều lớp “trầm tích” văn hóa, đến nay khu di tích này vẫn đang thách thức sự tìm tòi nghiên cứu của giới học giả. Có lẽ chính những điều này đã làm di tích Tháp Bà trở thành có một không hai ở Khánh Hòa và trong khu vực. Sở dĩ nói như vậy là vì, tại đây, ngoài những giá trị văn hóa vật thể đó là các công trình đền tháp nguy nga, những văn bia bằng chữ Chăm cổ còn rõ nét nơi các tháp; ngoài những giá trị văn hóa phi vật thể đó là tín ngưỡng và tập tục thờ cúng mẫu thần của cả hai dân tộc Chăm – Việt hiện còn thực hành, thì cũng tại di tích này còn khá nguyên vẹn và đầy đủ một loại hình di sản tư liệu mà căn cứ vào ngữ liệu và những thông điệp của các văn bản này mang lại, thực sự là những tài sản quý báu trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng ở Tháp Bà Nha Trang nói riêng và truyền thống văn hóa của vùng đất nói chung, đó chính là tư liệu Hán Nôm tại di tích.

Tư liệu Hán Nôm tại di tích Tháp Bà là các văn tự chữ Hán, chữ Nôm được định bản ở các thể loại sắc phong, văn bia, hoành phi, câu đối, bài vị, văn tế  hiện còn tại di tích.

1. Sắc phong

Di tích Tháp Bà còn lưu giữ 14 đạo sắc phong triều Nguyễn có niên đại từ đời vua Minh Mệnh đến đời vua Khải Định, phong cho 02 vị thần là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi (天 依 阿 那 演 玉 妃) và Thanh Linh Thuần Đức linh thần (清 靈 純 德 靈 神). Trong đó, thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi hay còn được định danh là Thiên Y Thánh Mẫu là vị phúc thần của cư dân người Việt ở Khánh Hòa và vùng phụ cận, có sự tích công trạng rõ ràng, được triều đại nhà Nguyễn ban tặng sắc phong và liệt vào điển lễ tế tự. Còn Thanh Linh Thuần Đức linh thần có thể là một vị thủy thần trong hàng nhiên thần[1] bởi tuy không có sự tích công trạng cụ thể nhưng căn cứ vào ý nghĩa của thần hiệu và mỹ tự[2] được phong cho vị thần này cho phép ta đoán định về điều đó[3]. Nội dung các đạo sắc cho biết tên thần, tên địa danh, lý do phong tặng, mỹ tự vua ban và thứ hạng cấp bậc của các vị thần. Số lượng 14 đạo sắc phong và niên đại phong tặng cho các vị thần được chúng tôi tổng hợp qua bảng số liệu dưới đây:

stt Triều đại, niên đại ban tặng sắc phong Thần được ban tặng

sắc phong
Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thanh Linh Thuần Đức linh thần
1 Minh Mệnh tam niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhật -

Ngày 24 tháng 9 năm Minh Mệnh 3 (1822)
01 sắc 01 sắc
2 Thiệu Trị tam niên, bát nguyệt, thập tam nhật -

Ngày 13 tháng 8 năm Thiệu Trị 3 (1843)
01 sắc 01 sắc
3 Thiệu Trị tam niên, cửu nguyệt, nhị thập nhất nhật -

Ngày 21 tháng 9 năm Thiệu trị 3 (1843)
0 01 sắc
4 Tự Đức tam niên, thập nhất nguyệt, sơ bát nhật -

Ngày mùng 8 tháng 11 năm Tự Đức 3 (1850)
01 sắc 01 sắc
5 Tự Đức tam thập tam niên, thập nhất nguyệt, nhị thập tứ nhật -

Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức 33 (1880)
01 sắc 01 sắc
6 Đồng Khánh nhị niên, thất nguyệt, thập nhất nhật -

Ngày 11 tháng 7 năm Đồng Khánh 2 (1887)
0 01 sắc
7 Duy Tân tam niên, bát nguyệt, thập nhất nhật -

Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân 3 (1909)
01 sắc 01 sắc
8 Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật -

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924)
01 sắc 01 sắc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sắc phong thần Thiên Y A Na, niên đại Minh Mệnh 1822

 

 

2. Văn bia

Khu di tích Tháp Bà hiện còn 02 văn bia viết bằng chữ Hán. Bia thứ nhất do Hữu Hiệp biện Đại học sĩ lãnh Lễ bộ Thượng thư Phan Thanh Giản[4] phụng soạn vào ngày 12 tháng 5 năm Tự Đức thứ 9 (năm 1856) có tiêu đề Thiên Y tiên nữ truyện ký - 天 依 僊 女 傳 記 ghi chép rõ sự tích từ tiên nữ rồi trở thành Thánh Mẫu Thiên Y. Bia cao 1,38m, rộng 0,88m, dày 0,15m; diềm bia rộng 0,13m, đục chạm trang trí các đề tài: vân mây, cúc dây, bình hoa, ngũ quả, cá chép hóa rồng; đế bia cao 0,21m rộng 0,58m, dài 1,07m, đục chạm mặt hổ phù, được thiết kế cùng mô tuýp đế bia ở Miếu Bà (miếu Đá Đen, xã Ninh Ích, Ninh Hòa). Mặt bia khắc 24 hàng chữ Hán theo chiều dọc, chữ khắc chân phương rõ nét, nội dung văn bia như một câu chuyện cổ tích biên chép về truyện thánh mẫu Thiên Y.

Bia thứ hai dựng vào năm Tự Đức 24 (1871), không có tiêu đề, phía dưới đồng khắc tên tập thể tám vị quan chức đầu tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận như: Lãnh Bình Thuận Bố chánh sứ Trần Điển, Thuận Khánh tuần vũ Nguyễn Uy, Lãnh Bình Thuận Án sát Tôn Thất Vân, Hàn lâm viện Thị độc Học sĩ sung Điển nông xứ Phan Trung… khi du lãm nơi Tháp Bà nhân đọc văn bia của Phan Thanh Giản, lại thấy cảnh trí sơn thủy hữu tình nơi non nước Nha Trang mà cao hứng đề vịnh. Bia cao 1,36m, rộng 0,7m, dày 0,11m, diềm bia rộng 0,08m. Đế bia cao 0,17m, rộng 0,34m, dài 0,88m. Trán bia khắc hình lưỡng long triều nguyệt, lòng bia khắc 16 dòng chữ Hán theo chiều dọc, có chữ có dấu hiệu mòn mờ theo thời gian. Nội dung văn bia mô tả khí thiêng sông núi ở Nha Trang, biển Cù Huân, núi Cù Lao, khẳng định địa thế tươi đẹp có thần tiên ở đó. Phần cuối văn bia sơ bàn về việc Phan Thanh Giản ghi chép sự tích Thánh Phi :

Núi Cù Lao mạch từ núi Đại An mà ra, tuy tọa lạc nơi miền sông nước, thế mà cái tươi đẹp cất nhắc lên ở các núi, trong việc nhóm họp ấy lại được cái khí của núi là điều riêng lạ. Bên ngoài thì cỏ lau che lấp, bên trong sâu xa thì gồm đủ thăm thẳm u trầm, sương móc cỏ cây. Rõ là thiên nhiên tột bậc có thần ở vậy. Cho nên nói rằng: núi không phải tại cao, có tiên thì nổi danh” (Trích nội dung văn bia).

3. Hoành phi

Hiện tại khu di tích Tháp Bà còn 06 bức hoành phi treo tại tháp Đông Bắc, tháp Nam và tháp Đông Nam. Các bức hoành phi ban đầu được sơn son thếp vàng nhưng vì khói nhang lâu năm đã làm các bức hoành này nhuốm màu đen mà phải quan sát kỹ mới có thể thấy được.

3.1. Hoành phi tại tháp Đông Bắc.

- Hoành phi chính giữa từ ngoài nhìn vào, treo trên ngạch cửa hậu cung đề bốn chữ Hán: 天 依 古 塔 THIÊN Y CỔ THÁP nghĩa là Tháp cổ thờ Thiên Y [thánh mẫu]. Dòng lạc khoản đề Tân Mão niên Trọng hạ tạo, tức là bức hoành này được làm vào tháng 5, năm Tân Mão (không rõ năm dương lịch).

Hoành phi Thiên Y Cổ Tháp tại tháp Ponagar

 

- Hoành phi thứ hai ở phía bên phải từ ngoài nhìn vào, khắc bốn chữ Hán lớn rất đẹp: 洪 仁 普 濟  - HỒNG NHÂN PHỔ TẾ, nghĩa là: bà là người có lòng nhân từ rộng lớn, cứu giúp rộng khắp.

- Hoành phi thứ ba ở phía bên trái từ ngoài nhìn vào, khắc bốn chữ Hán lớn 護 國 庇 民 – HỘ QUỐC TÍ DÂN nghĩa là: bà là người giúp nước, trợ dân.

Hai bức hoành thứ hai và thứ ba, đều do Trung tâm Bảo tồn di tích cung tiến vào năm 2013, nội dung được lấy từ các chữ trong hệ thống mỹ tự mà các vị vua triều Nguyễn đã phong tặng cho bà.

- Hoành phi thứ tư treo trên ngạch cửa ở trong lòng tháp Đông Bắc nhìn từ trong ra, rất khó phát hiện vì ánh sáng tối và bị nhuốm một màu đen do khói nhang bao phủ. Bức này chữ khắc tách nét nên nét mảnh rất khó đọc, tuy nhiên quan sát kỹ vẫn thấy rõ nội dung bốn chữ là: 臨 上 質 傍 - LÂM THƯỢNG CHẤT BÀNG, đại ý: Mẫu lúc nào cũng như đang ở trên cao chứng giám, ở bên phải, bên trái ta vậy. Dòng lạc khoản hiện đã bị mờ.

3.2. Hoành phi tại tháp Nam

Tháp Nam hiện còn 01 bức hoành phi treo trên ngạch cửa bước vào trong lòng tháp. Hoành phi có nội dung: 顯 靈- HIỂN LINH tạm hiểu là [Ông] hiển rõ linh ứng. Căn cứ vào nội dung dòng lạc khoản ta biết được người tiến cúng bức hoành này là ông Hoàng Quang Hạc, chức Hộ trưởng thôn Hà Thủy, cúng vào ngày lành tháng 6 năm Canh Thân (không rõ năm dương lịch).

3.3. Hoành phi tại tháp Đông Nam

Tháp Đông Nam hiện còn 01 bức hoành treo phía trên cửa từ trong nhìn ra, có nội dung: 萬 古 英 風 - VẠN CỔ ANH PHONG, nghĩa là đây là chốn anh phong muôn thuở. Căn cứ vào dòng lạc khoản ta biết rõ bức hoành được tạo tác và cúng tiến vào năm Canh Dần (không rõ năm dương lịch), người cúng là ông Trương Bình giữ chức Tự thừa[5].

4. Câu đối

Không rõ trước kia số lượng câu đối tại di tích Tháp Bà, song hiện chỉ còn một đôi duy nhất tại tháp Đông Bắc được treo hai bên cửa dưới bức hoành Thiên Y cổ tháp. Nội dung đôi câu đối như khắc họa sự linh thiêng biến hóa của Thánh Mẫu ở ruộng dưa (núi Đại An) và quá trình nhập gỗ kỳ mầu nhiệm vượt sóng lớn qua biển bắc.

琦  筏  駕  長  濤  英  靈  莫  測
瓜  山  彰  異  跡  變  化  無  邊

Phiên âm:
Kỳ phiệt giá trường đào anh linh mạc trắc,
Qua sơn chương dị tích biến hóa vô biên.    

Tạm dịch:
Bè (gỗ) Kỳ vượt sóng lớn anh linh khôn xét,
Núi Dưa[6] ngời tích lạ biến hóa vô biên.

Căn cứ vào nội dung dòng lạc khoản ta biết rõ người tiến cúng đôi câu đối này là Y sĩ Lê Lâm Hiên ở Quảng Trị, vào ngày lành, tháng tư năm Tân Mão (không rõ năm dương lịch).

5. Bài vị

Trước tượng bà ở tháp chính hiện còn một bài vị gỗ khắc chữ Hán với nội dung:

天 依 阿 那 演 玉 妃 上 等 神

THIÊN Y A NA DIỄN NGỌC PHI THƯỢNG ĐẲNG THẦN

Ý nghĩa: Thánh mẫu Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi được tôn phong hàng thần Thượng đẳng[7].

6. Văn tế

Hiện ở Tháp Bà còn lưu truyền một bản văn tế được soạn bằng Hán văn và được tuyên đọc trong khi tế Bà mỗi khi có lễ hội diễn ra. Không rõ niên đại soạn văn tế cụ thể năm nào, song qua nội dung ta biết được hệ thống các thần linh được thờ tự trong bản cảnh nơi làng xã và sự tán thán công đức và linh thiêng của Thánh Mẫu Thiên Y. Ngoài ra, trong dân gian hiện còn lưu truyền các bản kinh văn, văn cúng Thiên Y Thánh Mẫu được diễn xuôi theo thể lục bát viết bằng tiếng Việt.

Tạm kết:
Các tư liệu Hán Nôm sắc phong, văn bia, hoành phi, câu đối, văn tế, bài vị hiện còn ở di tích Tháp Bà có niên đại hàng trăm năm, có giá trị về mọi phương diện:

 - Về hình thức biểu hiện, tư liệu Hán Nôm được định bản ở các thể loại như: văn bản hành chính (đó là những đạo sắc phong); những câu đối, văn bia, hoành phi; thần tích (đó là các văn bia).

- Về giá trị nội dung: nội dung chủ đạo đó là sự ghi nhận của triều đình và tôn phong của nhân dân đối với Thiên Y Thánh Mẫu. Cũng qua nội dung các tư liệu này, chúng ta còn hiểu thêm về tên người, tên đất, tên địa danh và tín ngưỡng thờ tự Thiên Y Thánh Mẫu…qua các đời ở Khánh Hòa.

- Về chất liệu biểu hiện: trên giấy sắc hay còn gọi là giấy long đằng (đối với tư liệu sắc phong); trên đá với đủ đá xanh, đá sa thạch (đối với văn bia); trên gỗ (đối với hoành phi, câu đối, bài vị).

Tư liệu Hán Nôm tại Tháp Bà tuy không nhiều nhưng chủ yếu lại là những tư liệu gốc có tính chất độc bản rất có giá trị. Việc bảo quản, giữ gìn cũng như dịch thuật, giới thiệu nguồn tư liệu này, trong chừng mực nhất định có ý nghĩa góp phần nhỏ vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản phục vụ tuyên truyền, quảng bá và phát triển du lịch tỉnh nhà./.

Đỗ Văn Khoái

Tài liệu tham khảo:
1.Các tư liệu gốc: sắc phong, văn bia, hoành phi, câu đối, bài vị tại di tích Tháp Bà Po Nagar Nha Trang.
2.Bản dịch tư liệu Hán Nôm tại di tích Tháp Bà.

Chú thích:
[1] Nhiên thần: tức các thần trong thiên nhiên như thần đất, thần sấm, thần cây, thần lửa, thần sông và các thần khác…được nhân dân thờ cúng, tôn phong, liệt vào điển lễ.
[2] Mỹ tự: là những từ ngữ có ý nghĩa cao đẹp, dùng để phong tặng cho các vị thần thường thấy trong văn bản sắc phong. Tùy từng loại thần và công trạng cụ thể mà nhà vua ban tặng cho các mỹ tự phù hợp.
[3] Thanh linh thuần đức linh thần 清 靈 純 德 靈 神 có nghĩa là vị linh thần có tên hiệu Thanh linh (thanh khiết, linh ứng) Thuần đức (vị thần đức thuần thực). Mỹ tự vua ban cho Thanh linh thuần đức tại sắc phong qua các đời thường có bộ thủy (水) liên quan đến sông nước như: Hoằng từ Tuấn trạch Minh ứng Chiêu cách Lệ anh Hoằng hiệp 弘 慈浚 澤 明 應 昭 格 麗 英 浤 洽.  Cũng có một số nhà nghiên còn cứu đoán định đó chính là Thái tử tức chồng của bà Thiên Y A Na theo sự tích.
[4] Phan Thanh Giản (chữ Hán: 潘清簡; 1796 - 1867), tự Tĩnh Bá, Đạm Như 淡如, hiệu Ước Phu, Lương Khê; là một danh sĩ, một đại thần triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
[5] Tự thừa: chức quan giữ việc trông coi đền miếu.
[6] Qua sơn: núi dưa, chỉ núi Đại An, tương truyền nơi bà giáng thế, nay thuộc khu di tích Am Chúa, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
[7] Đối với các thần, theo điển lễ thường có ba hạng để phong tặng là: Thượng đẳng, Trung đẳng và Hạ đẳng. Bà được xếp vào hàng thần bậc Thượng, thứ hạng cao nhất.

 

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
Giản giới tục thờ Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa
Trong tín ngưỡng thờ nữ thần, mẫu thần ở Việt Nam nói chung thì Ngũ Hành thần nữ mà dân gian thường gọi là mẹ Ngũ hành hay bà Ngũ hành được thờ tự phổ biến ở các làng xã đặc biệt là tại các tỉnh ở Nam Trung bộ và Nam bộ. Đối với vùng đất Khánh Hòa, tục thờ này vẫn đang được bảo lưu và thực hành rộng rãi. Vậy tục thờ Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa biểu hiện cụ thể ra sao? Các triều đại quy định điển lễ và ban tặng sắc phong đối với Ngũ Hành thần nữ như thế nào?... đó là những vấn đề cần tìm hiểu mà bài viết này mong muốn đề cập ngõ hầu góp phần nhỏ vào công tác nghiên cứu tục thờ nữ thần nói riêng và tín ngưỡng thờ mẫu nói chung.
TÍN NGƯỠNG THỜ THIÊN Y A NA Ở KHÁNH HÒA
Khi vào định cư ở vùng đất mới, người Việt đã mang theo tôn giáo, tín ngưỡng của mình: Phật giáo, Thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ Mẫu… và trong quá trình cộng cư, hoà cư đó người Việt đã nhanh chóng tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hoá người Chăm, trên cơ sở đó “sáng tạo” nên những truyền thuyết để “Việt hoá” tín ngưỡng thờ Bà Mẹ Xứ Sở của người Chăm Po Inư nagar thành Thánh Mẫu Thiên Y A Na bằng những truyền thuyết hết sức dung dị và dân gian.
Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyện thơ và bài vãn ở Khánh Hòa
Ở Khánh Hòa, qua khảo sát điền dã đã sưu tầm được một số bài thơ trường thiên kể chuyện về Thiên Y Thánh Mẫu rất đậm phong vị văn học dân gian của vùng đất Khánh Hòa mà nhân dân thường gọi là “bài Vãn”. Nhạc sĩ Hình Phước Liên đã có bài viết nghiên cứu về "Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyện thơ và bài vãn ở Khánh Hòa" nêu rõ những đặc trưng nội dung, nghệ thuật của truyện thơ, bài vãn ở Khánh Hòa.
NGHI THỨC TRÌNH DIỄN DÂNG BÔNG, MÚA BÓNG TẠI LỄ HỘI AM CHÚA
Lễ hội Am Chúa là một trong hai lễ hội lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa, phần lễ là chính, nhưng cũng chính là phần hồn, đưa lại cho người xem nhiều say mê, suy nghĩ, đồng thời thu hút người xem bởi trong “lễ” chứa “hội”. Ở lễ hội Am Chúa, có các trình diễn nghệ thuật dân gian hết sức tiêu biểu, đặc sắc. Trước kia, trong những năm chiến tranh, lễ hội bị mai một; đến năm 1987 lễ hội Am Chúa được phục hồi và trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân Diên Khánh, Khánh Hòa nói chung.
ĐÔI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT MÚA BÓNG Ở KHÁNH HÒA
Ai về xóm Bóng quê nhà Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn không? Thế thường tre lụn còn măng Lẽ đâu tham đó bỏ đăng cho đành...
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA
Hệ thống di tích là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc, trong mỗi di tích chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là cuốn sử sống động gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương. Vì vậy, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh.
SẮC PHONG TRIỀU NGUYỄN VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC PHONG SẮC TỈNH KHÁNH HÒA
Năm Quý Tỵ (1653) chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cử cai cơ Hùng Lộc làm trấn thủ và thiết lập hệ thống hành chính trên vùng đất Khánh Hòa. Cũng từ đó, các chúa Nguyễn thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ đối với người Việt khi vào vùng đất mới khẩn hoang, lập ấp. Công cuộc di dân từ các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… ngày một mạnh mẽ.
TÍN NGƯỠNG THỜ THẦN NAM HẢI Ở KHÁNH HÒA QUA KHẢO SÁT TƯ LIỆU HÁN NÔM
Trong tín ngưỡng thờ cúng bách thần của người Việt, thì tín ngưỡng thờ thủy thần trong đó thần Nam Hải/Ông Nam Hải/Cá Ông (tức cá Voi) được người dân thờ tự phổ biến ở những vùng có ngư dân làm nghề biển. Đối với cư dân vùng biển khu vực miền Trung và Nam Trung bộ, tín ngưỡng thờ cúng thần Nam Hải vẫn được bảo lưu và thực hành trong đó có địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
VĂN BIA ĐÌNH NGỌC HỘI
Tại nhà thờ Hậu hiền đình Ngọc Hội hiện nay, còn lưu giữ được một bia đá khắc dựng vào năm Canh Thân, niên hiệu Tự Đức năm thứ 13, tức năm 1860. Bia có tiêu đề: 玉 瓚 村 碑 記 Ngọc Toản thôn bi ký – Bia ghi chép thôn Ngọc Toản.
CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CAM LÂM
Cam Lâm là huyện mới thành lập theo Nghị định số 65/2007/NĐ-CP ngày 11/4/2007 của Chính phủ, huyện gồm có 13 xã và một thị trấn, diện tích tự nhiện 550,26km2, dân số trên 100 ngàn người. Cam Lâm có biển, đồng bằng và rừng, núi, đầm, phía đông giáp Biển Đông (bãi Dài dài hơn 13km); phía tây giáp các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; phía nam giáp thành phố Cam Ranh; phía bắc giáp huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang.