Hotline: (0258) 3813 758

VĂN BIA ĐÌNH NGỌC HỘI

06/08/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Ngọc Hội tọa lạc tại tổ 12, Khóm Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Xưa kia, thôn Ngọc Hội thuộc địa phận thôn Ngọc Toản – một trong những địa danh xuất hiện sớm nhất trong địa dư chí của tỉnh Khánh Hòa[1]. Tại nhà thờ Hậu hiền đình Ngọc Hội hiện nay, còn lưu giữ được một bia đá khắc dựng vào năm Canh Thân, niên hiệu Tự Đức năm thứ 13, tức năm 1860. Bia có tiêu đề: 玉 瓚 村 碑 記 Ngọc Toản thôn bi ký – Bia ghi chép thôn Ngọc Toản. Tác giả của văn bia này là vị Cử nhân khoa Nhâm Tý quê ở Thanh Hóa thừa lệnh soạn khi đương là giáo thọ phủ Diên Khánh, có tên hiệu là Lãng sĩ Khương Thọ phủ. Văn bia này được Đỗ Cấn trai, (tức Đỗ Thúc Tĩnh), quê ở La Khê, tỉnh Quảng Nam, khi đó ông giữ chức Hồng lô tự khanh, lãnh Bố chánh sứ tỉnh Khánh Hòa hiệu chính.

 

Về đặc điểm lịch sử và nội dung của văn bia này đã được các nhà nghiên cứu giới thiệu tại nhiều bài viết, chuyên luận, tiêu biểu phải kể đến là tác giả Nguyễn Đình Lực với loạt bài: Đình Ngọc Hội, Tạp chí Nha Trang, năm 1998; Bia ghi chép về thôn Ngọc Toản, Tạp chí Văn hóa Thể thao và Du lịch, số 6/2008; Chuyện hai người phụ nữ ở thôn Ngọc Toản, Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số 6/2012. Trong các bài viết nêu trên, tác giả đã dày công nghiên cứu nội dung văn bia trên nhiều bình diện và đã chỉ ra được các thông tin quan trọng cho việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa, nhân vật ở địa phương nơi di tích tồn tại. Có lẽ, do đối tượng nghiên cứu của từng bài viết là các vấn đề cụ thể, nên các bài viết này đều không đính kèm toàn văn nội dung văn bia.

Trong công trình Từ một tấm bia cổ ở đình Ngọc Hội, của tác giả Nguyễn Đình Lực, in trong Văn nghệ dân gian Khánh Hòa – Tuyển tập 2005-2010, Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa (VHNTKH), xuất bản năm 2010, tác giả đã giới thiệu nội dung phiên âm, dịch nghĩa văn bia. Tuy nhiên, sau khi khảo cứu nội dung văn bia, đối chiếu với nguyên bản chữ Hán của văn bia trên thực địa, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều chi tiết cần phải được bổ khuyết và hiệu chỉnh lại nhằm đạt đến nội dung tin cậy.

Cũng trong Văn nghệ dân gian Khánh Hòa – Tuyển tập 2005-2010, Hội VHNTKH, xuất bản năm 2010, tác giả Trần Việt Kỉnh trong bài “Nghề gốm cổ truyền Lư Cấm” khi nói về Lịch sử hình thành thôn Lư Cấm, có viết: “Hiện nay tại ngôi đình của làng Ngọc Hội còn lưu giữ một bia đá bằng sa thạch trắng ghi lại công đức của họ Nguyễn ngày xưa đã có đóng góp nhiều công lao trong việc giúp quân Tây Sơn lan vào đến Khánh Hòa. (Nội dung tấm bia bằng chữ Hán này đã được Hội Bảo vệ văn hóa cổ truyền thành phố Nha Trang dịch ra Việt Ngữ và lưu truyền tại tư gia ông Nguyễn Phương Nam – là con cháu cao đời của dòng họ Nguyễn)”[2]. Qua nghiên cứu cho thấy văn bia duy nhất hiện còn tại Đình Ngọc Hội có nội dung cơ bản như sau:

- Nội dung chính của văn bia đã ca ngợi bà Nguyễn Thị Hiếu – là bậc nghĩa phụ, không những là người giữ khuôn phép nhà, dạy con nhân nghĩa, hòa mục họ tộc, người trong làng gọi bà là người nhân từ đức độ, thích làm việc thiện mà còn cùng chồng là ông Nguyễn Văn Đâu đã lạc quyên công đức cho địa phương Ngọc Toản trong các việc: mua đất cúng thần đình, tu tạo đình chùa, sắm từ khí, xây cầu, mở chợ, phú cấp cho người nghèo…

Nhận thấy đây là một trong những văn bia tiêu biểu của vùng đất Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung, để góp phần hiểu đúng về nội dung của văn bia vốn cổ về thời gian, quý về giá trị, và rất hiếm ở Khánh Hòa, cũng như mong muốn giải đáp những điều còn tồn nghi, chúng tôi xin được phiên dịch và giới thiệu toàn văn nội dung văn bia.

Phiên âm:

Hoàng triều Tự Đức vạn vạn niên chi thập tam, dư hàm mệnh tư đạc vu Diên Khánh phủ, công hạ hậu vu Phiên đài Đỗ đại nhân, đại nhân vị viết: Ngô hạt Vĩnh Xương huyện chi Ngọc Toản thôn hữu lạc quyên nghĩa phụ, hương nhân đức chi, trưng văn ư ngô dĩ kỷ kỳ sự.

Tử kỳ đại ngô ngôn, nhân thụ dĩ thôn chi kết bằng. Dư trùng khiển kỳ mệnh tụ nhi quy. Thị chi nghị nhiên viết: Hữu thử hảo tâm chi phụ cánh hữu thử nghĩa cử chi dân, đương thụ chi phong thanh dĩ vi thế tục tỉnh chi. Thả quân tử lạc đạo nhân chi thiện. Dư tuy bất mẫn ký văn mệnh kỳ khả dĩ vu ngôn hồ. Dư văn: nghĩa phụ Nguyễn Thị Hiếu y thôn, tiền hương vọng Nguyễn Văn Đâu lương phối, kim Bá hộ Nguyễn Văn Khuê mẫu dã. Trì gia tối tử nhơn tộc mục lân nhân xứng kỳ từ huệ hiếu thiện, nhất niệm xuất vu hằng tâm tiết thứ trợ biện hương sự như: mãi tư thổ nhị khoảnh dĩ cúng thần đình, cập đồng khí tư từ cơ chỉ. Dữ phu mãi từ khí, tu Phật tự, trúc kiều lộ, lập tân thị, chẩn bần dân sở chi tiền chí thất bách quan, m ngũ thập phương. Vưu khả gia giả, xuất tiền nhất thiên quan, hiệp trợ bản thôn tu tạo đình vũ, cập kiến Tiền hiền tự sở tằng bất cận phí. Ý! thế nhân chi đa tài giả bất thiểu, nhi hiếu nghĩa giả liêu liêu thị phụ chi sở quyên, tuy vô kỷ bất diệc du ư phú nhi lận giả chi khả bỉ da. Dư sơ phó lị, tự vị đắc kỳ tường, nhi kiến chư thôn chi kết bằng sở vân tán thành hương thôn mỹ sự, công trạng bất năng tận thuật, tắc hiếu nghĩa phiến tâm nhân giai tín chi, thành túc diễm đàm hĩ. Phu phụ chi quyên ti, bản phi yếu dự vu nhân dân chi ký sự, diệc phi mị ngôn vu phụ. Duy phụ năng hữu hảo tâm, dân hựu hữu thử nghĩa cử, tắc kỳ văn lưu vi vận sự. Bất duy hậu nhân chi hiếu nghĩa giả khuyến, thả sử nhân giai tri phụ chi vi thiện, tất báo ích dụ gia khánh dân chi dĩ thiện tương ma vĩnh diên quốc mạch ư dĩ cộng hưởng hy đại hòa bình chi phúc,ơng ư thị hồ quan cố bất vĩ tai! Thứ nhật, dư huề sở ngôn chính vu Đai nhân đại nhân viết: đắc chi, mệnh dĩ thụ chư thôn nhân, thôn nhân hân nhiên bái thụ toại lặc vu trinh mân dĩ thọ kỳ truyền vân.

Hoàng triều Tự Đức Canh Thân mạnh đông thượng hoán.

Nhâm Tý khoa Cử nhân hiện thọ Diên Khánh phủ giáo thụ Thanh Hóa Lãng sĩ Khương Thọ phủ thừa soạn.

Mậu Thân khoa Đồng Tam giáp Tiến sĩ xuất thân hiện thọ Hồng Lô tự  khanh lãnh Khánh Hòa tỉnh Bố chánh sứ Quảng Nam La Khê xã Đỗ Cấn Trai hiệu chính.

 Dịch nghĩa:

BIA GHI CHÉP THÔN NGỌC TOẢN

Hoàng triều Tự Đức năm thứ 13 (1860), ta vâng mệnh làm tư đạc[3] tại phủ Diên Khánh, lúc thư nhàn đến chỗ Phiên đài Đỗ đại nhân[4], Đỗ đại nhân nói rằng: “Thôn Ngọc Toản, huyện Vĩnh Xương thuộc Hạt ta có bậc nghĩa phụ đã lạc quyên công đức, người trong thôn đã coi bà như bậc nhân đức, (họ) trình bày với tôi để ghi chép sự việc.

Ngài hãy thay mặt tôi, nhân đó đến thôn để lấy bằng chứng”. Ta vâng mệnh xủ tay ra về, ngẫm nghĩ việc đó, quả quyết rằng: “có người nghĩa phụ hảo tâm như vậy, dân càng có những người nghĩa cử như thế, cho nên phải vun trồng phong khí để làm thức tỉnh thế tục, vả lại đó cũng là việc tốt của bậc quân tử vui với đạo vậy”. Ta tuy không được nhanh nhẹn, nhưng đã nhận lệnh đó, lẽ nào chỉ nói không thôi. Ta nghe được rằng: nghĩa phụ Nguyễn Thị Hiếu người trong thôn đó, trước kia kết lương duyên cùng ông Nguyễn Văn Đâu, nay là mẹ của Bá hộ Nguyễn Văn Khuê, giữ khuôn phép nhà, dạy con nhân nghĩa, hòa mục họ tộc, người trong làng gọi bà là người nhân từ đức độ, thích làm việc thiện, một lòng hằng tâm trợ giúp các công việc trong thôn như: mua hai khoảnh đất tư để cúng thần đình, và các từ khí, xây dựng nền móng. Cùng với chồng mua đồ thờ tự, sửa chùa thờ Phật, làm cầu đường, lập chợ mới, phú cấp cho dân nghèo, các khoản tiền chi ra lên đến bảy trăm quan tiền, năm mươi phương[5] gạo. Hơn nữa, còn xuất một ngàn quan tiền trợ giúp bổn thôn tu sửa đình miếu, đến việc xây dựng nhà thờ Tiền hiền mà không mảy may do dự về kinh phí. Ôi! Người đời nhiều của cải không hiếm mà người hiếu nghĩa thầm lặng lạc quyên như nghĩa phụ dẫu không nhiều song cũng chẳng hơn những người giàu có mà keo kiệt đó sao?

Ta ban đầu đến đây, dường như chưa được tường tận về việc đó, mà thấy các bằng chứng ở trong thôn, những lời tán thành công trạng và các việc tốt [của bà] trong thôn dẫu không thể thuật lại hết được thì tấm lòng đó của bậc hiếu nghĩa mọi người đều tin, thực đủ để khen ngợi vậy. Việc vợ chồng quyên góp tiền của vốn chẳng phải cốt để lại danh tiếng và khen ngợi trong nhân dân, cũng chẳng phải cần dùng lời lẽ hay đẹp để ca ngợi bà, mà ở chỗ, có những người hảo tâm với dân lại có nghĩa cử như vậy, thì phải làm bài văn mà truyền lại phúc lành. Không những người hiếu nghĩa đời sau khuyên bảo nhau mà còn khiến mọi người đều biết được những việc thiện mà nghĩa phụ đã làm, dân chúng lấy điều thiện để mà học tập lẫn nhau, [ngõ hầu] khiến vận nước được lâu bền cùng mọi người chung hưởng thời đại hòa bình, thịnh vượng, xem xét như vậy chẳng phải hay sao? Ngày hôm sau, đem những lời nghe được thưa với đại nhân, đại nhân nói rằng: được, bèn lệnh trao cho người ở trong thôn, người trong thôn vui mừng bái nhận, bèn khắc vào bia đá để lưu truyền muôn đời.

Hoàng triều năm Canh Thân (1860), niên hiệu Tự Đức, thượng tuần tháng mười.

Cử nhân khoa Nhâm Tý, hiện làm Giáo thọ phủ Diên Khánh, Thanh Hóa Lãng sĩ Khương Thọ phủ Vâng soạn[6].

Đỗ Cấn Trai[7], quê ở La Khê, tỉnh Quảng Nam, Đồng tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thân, hiện giữ chức Hồng lô tự khanh, lãnh Bố chánh sứ tỉnh Khánh Hòa, hiệu chính[8]./.

Đỗ Văn Khoái

[1] Về thôn Ngọc Toản: theo “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn tỉnh Khánh Hòa”, Nguyễn Đình Đầu, thì thôn Ngọc Toản trước đó có tên là Lâm Toản, thuộc xứ Gò Gốm, Gò Dê, Gò Gạch, Cây Me, Biên sơn, có địa giới bao trùm từ Tháp Bà, Vĩnh Hội, Phú Nông, bến đò Phú Kiểng (xã Vĩnh Ngọc), bến Nước Vàng (thôn Xuân Lạc), Gò Dê (khóm Ngọc Thảo), Cồn Chuối, Cồn Lác, Cồn Sành…phía đông giáp sông, phía Nam giáp thôn Hoa Nông và sông, phía bắc giáp Hội An và núi. Thời Gia Long diện tích thôn Lâm Toản là 63 mẫu. Sau đó Lâm Toản được đổi thành Ngọc Toản. Qua các đợt chia tách, ngày nay các địa danh Ngọc Hội, Lư Cấm, Vĩnh Hội, Ngọc Tháo, Ngọc Sơn đều thuộc thôn Ngọc Toản ngày trước. Nguồn: Bia ghi chép về thôn Ngọc Toản”, Nguyễn Đình Lực, Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số 6/2008, trang 18.
[2] Xem thêm bài Nghề gốm cổ truyền Lư Cấm, Trần Việt Kỉnh, Văn nghệ dân gian Khánh Hòa, Tuyển tập 2005-2010, trang 428.
[3] Tư đạc: người chủ trì về việc giáo hóa gọi là tư đạc.
[4] Đỗ đại nhân tức Cụ Đỗ Thúc Tĩnh.
[5] Phương: đơn vị đo lường thời cổ, một phương gạo = 13 thăng hay 30 bát gạt bằng miệng, năm 1804 (theo Thực Lục, III, 241 - Đại Nam Điển Lệ, trang 223).
[6] Tức Khương Bá Diên. Theo “Quốc Triều Hương Khoa lục” của Cao Xuân Dục thì khoa Nhâm Tý (1852), trường thi Thanh Hóa lấy đỗ 12 người và người xếp vị trí thứ 6 là Khương Bá Diên, người xã Mỹ Thượng , huyện Lôi Dương, Thanh Hóa.
[7] Đỗ Cấn Trai: tức Đỗ Thúc Tĩnh. Cấn Trai là tên tự của ông, Ông quê ở xã La Châu, tổng Phước Tường Thượng, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), sinh năm Mậu Dần (1818). Lúc nhỏ có tên là Đỗ Như Chương. Đỗ cử nhân khoa Bính Ngọ (1846), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thân (1848) được bổ làm Tri phủ phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, sau đó ông về quê cư tang mẹ, mãn tang mẹ, ông được bổ làm Tri phủ phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa vào năm 1853. Nguồn: Cụ Đỗ Thúc Tĩnh, một vị quan có tiếng Cần - Cán - Công - Liêm được vua - quan - dân tín nhiệm và ái mộ, Nguyễn Văn Nghệ, http://www.ninhhoatoday.net/stbkky84-2.asp.
[8] Hiệu chính: nghĩa là kiểm tra, chỉnh sửa lại cho đúng.

 

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
NGHI THỨC TRÌNH DIỄN DÂNG BÔNG, MÚA BÓNG TẠI LỄ HỘI AM CHÚA
Lễ hội Am Chúa là một trong hai lễ hội lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa, phần lễ là chính, nhưng cũng chính là phần hồn, đưa lại cho người xem nhiều say mê, suy nghĩ, đồng thời thu hút người xem bởi trong “lễ” chứa “hội”. Ở lễ hội Am Chúa, có các trình diễn nghệ thuật dân gian hết sức tiêu biểu, đặc sắc. Trước kia, trong những năm chiến tranh, lễ hội bị mai một; đến năm 1987 lễ hội Am Chúa được phục hồi và trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân Diên Khánh, Khánh Hòa nói chung.
LƯỢC KHẢO VỀ TƯ LIỆU HÁN NÔM TẠI DI TÍCH THÁP BÀ PONAGAR
Tư liệu Hán Nôm tại di tích Tháp Bà là các văn tự chữ Hán, chữ Nôm được định bản ở các thể loại sắc phong, văn bia, hoành phi, câu đối, bài vị, văn tế hiện còn tại di tích.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA
Hệ thống di tích là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc, trong mỗi di tích chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là cuốn sử sống động gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương. Vì vậy, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh.
SẮC PHONG TRIỀU NGUYỄN VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC PHONG SẮC TỈNH KHÁNH HÒA
Năm Quý Tỵ (1653) chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cử cai cơ Hùng Lộc làm trấn thủ và thiết lập hệ thống hành chính trên vùng đất Khánh Hòa. Cũng từ đó, các chúa Nguyễn thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ đối với người Việt khi vào vùng đất mới khẩn hoang, lập ấp. Công cuộc di dân từ các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… ngày một mạnh mẽ.
TÍN NGƯỠNG THỜ THẦN NAM HẢI Ở KHÁNH HÒA QUA KHẢO SÁT TƯ LIỆU HÁN NÔM
Trong tín ngưỡng thờ cúng bách thần của người Việt, thì tín ngưỡng thờ thủy thần trong đó thần Nam Hải/Ông Nam Hải/Cá Ông (tức cá Voi) được người dân thờ tự phổ biến ở những vùng có ngư dân làm nghề biển. Đối với cư dân vùng biển khu vực miền Trung và Nam Trung bộ, tín ngưỡng thờ cúng thần Nam Hải vẫn được bảo lưu và thực hành trong đó có địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CAM LÂM
Cam Lâm là huyện mới thành lập theo Nghị định số 65/2007/NĐ-CP ngày 11/4/2007 của Chính phủ, huyện gồm có 13 xã và một thị trấn, diện tích tự nhiện 550,26km2, dân số trên 100 ngàn người. Cam Lâm có biển, đồng bằng và rừng, núi, đầm, phía đông giáp Biển Đông (bãi Dài dài hơn 13km); phía tây giáp các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; phía nam giáp thành phố Cam Ranh; phía bắc giáp huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang.
NGƯỜI CHĂM VỚI LỄ HỘI THÁP BÀ NHA TRANG
Cùng với Thánh địa Mỹ Sơn ở phía Bắc, Tháp Bà Pô Nagar ở phía Nam trở thành hai thánh đô của vương quốc Chămpa. Kể từ thế kỷ thứ VIII, Pô Nagar trở thành thánh địa của miền Nam Chămpa, từ một đền thờ Shiva, trở thành đền thờ Mẹ xứ sở của vương quốc Chămpa và từ thế kỷ XVII được người Việt sử dụng, gìn giữ di tích như một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh.