Hotline: (0258) 3813 758

SẮC PHONG TRIỀU NGUYỄN VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC PHONG SẮC TỈNH KHÁNH HÒA

17/12/2018 00:00        
Đọc tin

Năm Quý Tỵ (1653) chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cử cai cơ Hùng Lộc làm trấn thủ và thiết lập hệ thống hành chính trên vùng đất Khánh Hòa. Cũng từ đó, các chúa Nguyễn thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ đối với người Việt khi vào vùng đất mới khẩn hoang, lập ấp. Công cuộc di dân từ các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… ngày một mạnh mẽ.

Khi dần ổn định cuộc sống, nhiều xóm làng có dân cư phát triển, nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh, hướng về cội nguồn của người Việt được khơi dậy, cùng với nó thì những thiết chế văn hóa tâm linh đã được ra đời: đình, chùa, miếu, lăng tẩm…vv.

Qua khảo sát ở hầu hết các di tích trong toàn tỉnh, theo tài liệu của Trung tâm Bảo tồn di tích đợt tổng kiểm kê năm 2003, trên toàn tỉnh có hơn 700 sắc phong của các đời vua: Thiệu Trị, Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định ban tặng cho các vị thần. (nhân thần và nhiên thần).

*./ Ban tặng cho thần:

1.Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi:

Đây là vị nữ thần của người Chăm, có tên là Yang Pô Inư Nagara, khi người Việt di cư và hòa cư đã Việt hóa nữ thần của người Chăm thành nữ thần của người Việt với tên gọi là Thiên Y A Na, trở thành biểu tượng tín ngưỡng không thể thiếu đối với người Việt tại Khánh Hòa. Triều Nguyễn phong tặng cho Bà là Thượng đẳng thần, ngoài ra Bà còn có các tên gọi khác như: Bà Chúa Ngọc, bà Chúa Tiên, Chúa Nguột... Hầu hết tại các di tích: đình, lăng... có ban thờ hoặc miếu Bà, những di tích là Miếu thì có sắc phong cho Bà nên nhân dân ở hầu khắp các nơi trong tỉnh đều thờ cúng và tổ chức lễ hội hàng năm tại các di tích.

Tại các di tích lớn thờ Thiên Y A Na như: Tháp Bà, Am Chúa, chùa Suối Đổ thì đều có múa Bóng và hát dâng Bông lên Mẫu vào những ngày lễ hội trong năm, lệ cũ thậm chí cả ngày 01 và rằm hàng tháng. Ngôi đền tháp Ponaga với hơn 10 thế kỷ, bên trong đặt tượng thờ Bà. Mẫu Thiên Y A có nhiều sự tích nhưng sự tích được coi là có căn cứ đáng tin cậy nhất được ghi chép lại bằng bia ký của học sĩ Phan Thanh Giản vào thế kỷ XIX tại Tháp Bà. Dưới triều Nguyễn, Bà được  phong Thượng đẳng thần với các mỹ tự: Hồng Nhân Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi.

2.Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương:

Tín ngưỡng thờ Tứ vị Thánh Nương thể hiện nét văn hóa vùng – miền của cư dân ven biển. Khánh Hòa có đường bờ biển tương đối dài, người dân làm nghề ngư nghiệp chiếm số đông, vì vậy ở Khánh Hòa có một số lễ hội tiêu biểu của ngư dân như lễ hội Cầu Ngư là một lễ hội văn hóa điển hình thờ cúng Cá Voi, (còn gọi là ông Nam Hải). Đây là 04 vị Thánh cai quản vùng biển Nam, nhiều lần hiển hiện linh ứng được triều Nguyễn rất tôn sùng, sắc phong là Thượng đẳng thần với các  mỹ tự: Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng.

3.Thần Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân.

Thực chất của lễ hội Cầu Ngư là thờ cúng Cá Voi, cá Voi ở biển Nam thường rất hiền lành, hay giúp người bị nạn trên biển, vì thế ngư dân rất tín, gọi Cá Voi là Ông, khi Ông lụy (chết) thường dạt vào các lạch, báo cho dân làng biết đến đưa ông vào bờ và đem chôn cất. Người đầu tiên nhìn thấy Ông lụy được để tang 03 năm (như nghi thức người thân mất), sau 03 năm bốc cốt và cho vào đình, lăng của làng, xã để thờ. Dưới triều Nguyễn, Nam Hải Ngọc Lân được tôn thần với các  mỹ tự: Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng.

4.Thần Thái Giám Bạch Mã:

 Thần được hiểu như con vật cỡi của Thành hoàng (thần Bản/bổn cảnh Thành hoàng); được tạo thành từ tâm thức lưỡng tính biểu thị sự vẹn toàn. Triều Nguyễn phong là Thượng đẳng thần với các mỹ tự: Dương Uy Ngự Vũ Bảo Chướng Kiện Thuận Hòa Nhu Hàm Quang.

5.Thần Bản Cảnh Thành Hoàng:

Mỗi làng đều có Thành hoàng làng, việc phong tặng sắc phong cho các làng thờ 01 vị thần của làng mình được triều Nguyễn đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, tư liệu Khánh Hòa hiện nay không nhiều để nghiên cứu được các sự tích, điển tích thờ các vị Thành hoàng làng, đồng thời các vị ấy cũng không được nêu tên cụ thể trong các văn bản giấy tờ sắc phong hay tư liệu để lại. Triều Nguyễn phong tặng cho Thành hoàng làng phần lớn chỉ là tôn thần, tuy nhiên cũng có những sắc phong cho Thành hoàng làng là Trung đẳng thần khi được tặng thêm mỹ tự: Tĩnh Hậu.
Các mỹ tự dùng phong tặng cho thần Bản cảnh Thành hoàng: Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Tĩnh Hậu Trung đẳng thần.

6.Ngũ Hành thần nữ:

Người Khánh Hòa ngoài việc thờ Mẫu thiên Y A Na thì còn thờ một số nữ thần, trong đó tục thờ bà Ngũ Hành cũng khá phổ biến. Theo quan điểm triết học phương Đông thì đó là 05 Bà tương đương với 05 mệnh: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ hoặc tương đương với ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung phương). Bà Ngũ Hành có miếu riêng để thờ, sắc phong triều Nguyễn ban tặng tại đình An Ninh, miếu Bà Tần xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Bà Ngũ Hành có công giữ nước giúp dân nổi tiếng linh ứng được phong là Thượng đẳng thần với các mỹ tự: Tán Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyên Túy Mục Dực Bảo Trung Hưng.


Sắc phong phong tặng Thiên Y A Na và Ngũ Hành thần nữ được bảo lưu tại miếu Cổ Chi



7.Thủy Long thần nữ:

Là 01 vị thần cai quản dưới thủy cung, theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì nữ thần là 01 trong hai đệ tử của bà Thiên Y A Na là thần nước và thần núi, cả 2 đều là Nữ. Tại đình Hiền Lương xã Vạn Lương huyện Vạn Ninh có sắc phong cho thần.
Thần có công bảo vệ đất nước, che chở muôn dân, đáng phong tặng là Trung đẳng thần với các mỹ tự: Uông Nhuần Dực Bảo Trung Hưng.

8.Thủy Tinh thần nữ, Hỏa Tinh thần nữ:

 

Là 02 vị thần Nước và thần Lửa, đều là nữ, ngờ rằng đây cũng là đệ tử của Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Sự tích và nguồn gốc sẽ được tra cứu sau.
Tại Miếu Tam Tòa (thị trấn Diên Khánh, huỵên Diên Khánh) có ba gian thờ, chính giữa là khám thờ Bà Thiên Y A Na, khám Tả thờ bà Ngũ Hành, khám  Hữu thờ Bà Hỏa tinh thần nữ và Thủy tinh thần nữ.
Sắc phong ngày 18 tháng 3 năm Khải Định 2 (1917) phong cho bà Hỏa tinh thần nữ có công giữ nước che dân, nổi tiếng linh ứng phong chức Hạ đẳng thần với các mỹ tự: Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng.
Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924) phong cho Bà Thiên Y A Na và Thủy tinh thần nữ, Hỏa tinh thần nữ.
Thủy tinh thần nữ, Hỏa tinh thần nữ: Nguyên tặng là: Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng tôn thần
Nay tặng thêm: Trai Tịnh Trung Đẳng thần

 

9.Đệ Bát Tiên Nương:

Theo truyền thuyết thì Thiên Y A Na cuối cùng đã bay về trời, vị tiên thứ 8 này là đệ tử trên trời của Bà, những người hầu cận Bà Thiên Y đều là Nữ, sắc phong của triều Nguyễn phong chung cho Bà Thiên Y A Na Thượng đẳng thầnĐệ bát tiên nương Trung đẳng thần càng khẳng định cho lập luận trên là có cơ sở.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đình Lực (Phân Hội văn hóa dân gian Khánh Hòa) thần Đệ bát tiên nương là 01 nữ thần người Chăm, có tài chữa bệnh bằng thuốc nam.
Sắc phong tại đình Phương Sài ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân 3 (1909) sắc chung cho Thiên Y A Na và Đệ bát tiên nương, Đệ Bát Tiên Nương được phong  Trung đẳng thần với các mỹ tự: Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng Khánh Bình Biến Hóa.

10.Phấn Nhĩ Quỷ Vương:

Được sắc phong ở đình Hội Xương (xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa). Bà có miếu riêng thờ, Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924) thần có công lớn bảo vệ đất nước, che chở muôn dân, nhiều lần hiển hiện linh ứng, đáng phong tặng là Trung đẳng thần với các mỹ tự: Tề Tĩnh Dực Bảo Trung Hưng.

 Sắc phong phong tặng nữ thần Phấn Nhĩ Quỷ Vương được bảo lưu tại đình Hội Xương

11.Quan Thánh Đế Quân:

Quan Thánh hay còn có tên gọi là Quan Công hay Quan Vân Trường, sống vào đời nhà Hán(Trung Quốc); Ông hội tụ và ngời sáng bởi năm đạo lý: Trung, Nghĩa, Lý, Trí, Tín được thờ trong các di tích của người Trung Quốc và các di tích người Việt gốc Hoa ở Khánh Hòa, chùa Việt ở Khánh Hòa  thờ Thánh (Quan Thánh) cũng thường có sắc phong. (Hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng).

12.Thần Cao Các:

Cũng như tín ngưỡng người Việt miền Bắc thờ thánh Cao Sơn; người Khánh Hòa thờ thần Cao Các. Triều Nguyễn tấn phong cho vị thần này là Thượng đẳng thần với các mỹ tự: Hoằng Mô Vĩ Lược Đôn Hậu Phù Hựu Trạc Dương Trác Vĩ Cao Các Thượng đẳng thần.

13.Thần Hà Bá:

Tức thần Sông, với quan niệm dân gian rất phổ biến: đất có Thổ công, sông có Hà bá; triều Nguyễn gia ân là Thượng đẳng thần với các mỹ tự: Hoằng Ân Quảng Trạch Hoằng Bác Linh Tịnh Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Hoằng Cáp.

14.Ngài Tàng Lang Vương:

Được sắc phong ở một số di tích, việc tìm tư liệu để tra cứu nguồn gốc và điển tích thờ cúng vị thần này chúng tôi chưa có tư liệu. Triều Nguyễn phong tôn thần, với các cặp mỹ tự: Linh Phò Dực Bảo Trung Hưng Trừng Trạm.

15. Thanh Linh Thuần Đức: được ban tặng ở miếu Hội Đồng (Diên Khánh) (vị thần này chưa có tư liệu tra cứu).

16.Thần Tổ Nghề: (ông tổ của làng nghề).

Ở hầu hết các làng nghề truyền thống đều có tổ nghề, Khánh Hòa có một số làng nghề được phong tặng cho tổ nghề như nghề Gốm Lư Cấm phong “tôn thần” với các cặp mỹ tự: Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Đoan Túc. Ngoài ra còn có sắc phong ban cho nhiều thần chung một sắc như: Bản Cảnh Thành Hoàng, thần Cao Các, thần Bạch Mã, thần Hà Bá, thần Nam Hải.

*./ Ban tặng cho quan:

Thường những người có công lớn hoặc làm quan ở triều đình, những sắc phong và chiếu chỉ này nội dung chủ yếu là ban tặng thêm chức vụ cho cá nhân đó, hoặc di chuyển đến địa điểm khác để nhậm chức. Ví dụ như sắc cho cụ Võ Duy Quyên là thơ lại từ hàng bát phẩm lên chánh bát phẩm (đình Vĩnh Hội, Ngọc Hiệp, Nha Trang); cụ Kiều Khắc Hài – vị cử nhân khai khoa của tỉnh Khánh Hòa; sắc ban vào triều vua Tự Đức 13 (1860) về nhậm chức Cai phủ Phủ Thừa (thiên) (sắc và chế tại đình Phước Thạnh  – thị trấn Diên Khánh); sắc chỉ; chiếu … cho cụ Thượng thư Nguyễn Xuân Thục với 23 sắc chỉ, chiếu vào các triều vua: Gia Long, Minh Mệnh; (xã Ninh...., thị xã Ninh Hòa) điều hành và giao nhận những công việc cụ thể.

Ngoài ra còn có những bản chế được lưu giữ ở một số đình làng nhân dịp mừng thọ Thái Hậu, sắc có nội dung tương đối dài, như vua ra chế tới muôn muôn dân, giảm án cho những tù nhân, giảm thuế cho dân, con của các quan lại được hưởng những vật phẩm ra sao, hoàng tử, thái tôn nhân dịp mừng thọ Thái hậu được hưởng những ân sủng nào.

Ở đây chúng tôi nhận thấy sắc phong ban cho Bản cảnh Thành hoàng chỉ ở mức tôn thần, chỉ có một số rất ít Bản cảnh Thành hoàng mới được phong lên bậc Trung đẳng thần, còn Thượng đẳng thần lại được phong cho các vị thần: Thiên Y A Na, Ngũ Hành thần nữ, thần Cao Các, thần Nam Hải, thần Hà Bá, thần Bạch Mã Thái Giám... Hy vọng trong thời gian tới các nhà nghiên cứu sẽ quan tâm hơn đến khía cạnh lịch sử này nhằm giải mã những tư liệu  hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa của địa danh Khánh Hòa trong lịch sử và đương đại.

                                                                                    Nguyễn Thị Thúy Hằng

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyện thơ và bài vãn ở Khánh Hòa
Ở Khánh Hòa, qua khảo sát điền dã đã sưu tầm được một số bài thơ trường thiên kể chuyện về Thiên Y Thánh Mẫu rất đậm phong vị văn học dân gian của vùng đất Khánh Hòa mà nhân dân thường gọi là “bài Vãn”. Nhạc sĩ Hình Phước Liên đã có bài viết nghiên cứu về "Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyện thơ và bài vãn ở Khánh Hòa" nêu rõ những đặc trưng nội dung, nghệ thuật của truyện thơ, bài vãn ở Khánh Hòa.
NGHI THỨC TRÌNH DIỄN DÂNG BÔNG, MÚA BÓNG TẠI LỄ HỘI AM CHÚA
Lễ hội Am Chúa là một trong hai lễ hội lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa, phần lễ là chính, nhưng cũng chính là phần hồn, đưa lại cho người xem nhiều say mê, suy nghĩ, đồng thời thu hút người xem bởi trong “lễ” chứa “hội”. Ở lễ hội Am Chúa, có các trình diễn nghệ thuật dân gian hết sức tiêu biểu, đặc sắc. Trước kia, trong những năm chiến tranh, lễ hội bị mai một; đến năm 1987 lễ hội Am Chúa được phục hồi và trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân Diên Khánh, Khánh Hòa nói chung.
ĐÔI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT MÚA BÓNG Ở KHÁNH HÒA
Ai về xóm Bóng quê nhà Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn không? Thế thường tre lụn còn măng Lẽ đâu tham đó bỏ đăng cho đành...
LƯỢC KHẢO VỀ TƯ LIỆU HÁN NÔM TẠI DI TÍCH THÁP BÀ PONAGAR
Tư liệu Hán Nôm tại di tích Tháp Bà là các văn tự chữ Hán, chữ Nôm được định bản ở các thể loại sắc phong, văn bia, hoành phi, câu đối, bài vị, văn tế hiện còn tại di tích.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA
Hệ thống di tích là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc, trong mỗi di tích chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là cuốn sử sống động gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương. Vì vậy, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh.
TÍN NGƯỠNG THỜ THẦN NAM HẢI Ở KHÁNH HÒA QUA KHẢO SÁT TƯ LIỆU HÁN NÔM
Trong tín ngưỡng thờ cúng bách thần của người Việt, thì tín ngưỡng thờ thủy thần trong đó thần Nam Hải/Ông Nam Hải/Cá Ông (tức cá Voi) được người dân thờ tự phổ biến ở những vùng có ngư dân làm nghề biển. Đối với cư dân vùng biển khu vực miền Trung và Nam Trung bộ, tín ngưỡng thờ cúng thần Nam Hải vẫn được bảo lưu và thực hành trong đó có địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
VĂN BIA ĐÌNH NGỌC HỘI
Tại nhà thờ Hậu hiền đình Ngọc Hội hiện nay, còn lưu giữ được một bia đá khắc dựng vào năm Canh Thân, niên hiệu Tự Đức năm thứ 13, tức năm 1860. Bia có tiêu đề: 玉 瓚 村 碑 記 Ngọc Toản thôn bi ký – Bia ghi chép thôn Ngọc Toản.
CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CAM LÂM
Cam Lâm là huyện mới thành lập theo Nghị định số 65/2007/NĐ-CP ngày 11/4/2007 của Chính phủ, huyện gồm có 13 xã và một thị trấn, diện tích tự nhiện 550,26km2, dân số trên 100 ngàn người. Cam Lâm có biển, đồng bằng và rừng, núi, đầm, phía đông giáp Biển Đông (bãi Dài dài hơn 13km); phía tây giáp các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; phía nam giáp thành phố Cam Ranh; phía bắc giáp huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang.
NGƯỜI CHĂM VỚI LỄ HỘI THÁP BÀ NHA TRANG
Cùng với Thánh địa Mỹ Sơn ở phía Bắc, Tháp Bà Pô Nagar ở phía Nam trở thành hai thánh đô của vương quốc Chămpa. Kể từ thế kỷ thứ VIII, Pô Nagar trở thành thánh địa của miền Nam Chămpa, từ một đền thờ Shiva, trở thành đền thờ Mẹ xứ sở của vương quốc Chămpa và từ thế kỷ XVII được người Việt sử dụng, gìn giữ di tích như một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh.