Hotline: (0258) 3813 758

ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG, NGHỆ THUẬT CỦA HÒ BÁ TRẠO Ở KHÁNH HÒA

06/07/2022 00:00        
Đọc tin

(Hò Bá Trạo tại Đình Bích Đầm, Nha Trang - Ảnh: Tư liệu TTBTDT)

Mở đầu

Là một trò diễn dân gian vùng Nam Trung bộ nên Hò Bá trạo (1) ở Khánh Hòa cũng hội đủ những đặc điểm của loại hình sân khấu dân gian với các hình thức diễn xướng tổng hợp như: múa, hát, nói…Hò Bá trạo ở Khánh Hòa có độ dài dao động từ 45 đến 60 phút và có nội dung, cấu trúc hết sức chặt chẽ.

Ngày nay nếu xem một buổi trình diễn hoàn chỉnh của đội Hò Bá trạo chắc hẵn sẽ có người cho rằng đấy là một hoạt cảnh sân khấu được dàn dựng công phu. Song thực chất, lúc đầu nó chỉ là những điệu hò dân gian được sử dụng trong lao động và sinh hoạt thường ngày của người dân xứ biển nhớ quê cha, đất tổ từ thời mở cõi. Trong quá trình cộng cư cùng sự tiếp biến với văn hóa Chăm, nó đã được chuyển hóa dần để hình thành nên trò diễn gồm các động tác múa chèo thuyền và những điệu hò biển khỏe khắn để phục vụ cho nghi thức tế Ông Nam Hải – tín ngưỡng dân gian thờ Cá Voi  mà cả hai tộc người Việt – Chăm đều có. Về sau, trò diễn lại được bổ sung thêm các trình thức sân khấu, đưa thêm các làn điệu dân ca địa phương rồi lập thành kịch bản mà dân địa phương gọi là “bổn tuồng Bá trạo”. Các bổn tuồng ấy được nhân dân địa phương gìn giữ như bảo vật và truyền thừa từ đời này sang đời khác.

Do xuất phát từ mục đích hát tế Ông Nam Hải, nên cho dù theo thời gian Hò Bá trạo đã được chuyên nghiệp hóa từng phần thì nó vẫn giữ nguyên phong vị dân gian vốn có như từ thưở sơ khai. Ở Khánh Hòa, Hò Bá trạo chỉ được diễn trong Lễ hội Cầu ngư và điều đó đã tạo nên nét độc đáo riêng có của Lễ hội này, góp phần làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa của một vùng đất.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa ngày càng được tổ chức chu đáo hơn và phát huy được hiệu quả xã hội trong đời sống đương đại. Trò diễn Hò Bá trạo nhờ thế mà cũng được các nơi quan tâm thích đáng.

I. Tục thờ Ông Nam Hải và Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa

Lễ hội Cầu ngư bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải - là tập tục lâu đời của cư dân vùng biển từ Quảng Bình trở vào mà đậm đặc nhất là vùng Nam Trung bộ. Ông Nam Hải, thực ra là cá Voi - loài cá có thân hình to lớn, nhưng bản tính lại hiền hoà, thường cứu giúp những ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển nên được ngư dân các tỉnh phía Nam gọi cá “Đức Ông’’, “Cá Ông” hay “Ông Nam Hải”. Khi Cá Voi chết, trôi dạt vào bờ thuộc địa phận của làng biển nào, thì làng biển ấy phải tổ chức lễ tang và lập Lăng thờ phụng và cúng tế rất nghiêm cẩn. Lễ tế Ông Nam Hải ngày nay thường được gọi là Lễ hội Cầu ngư.

Hiện nay ở Khánh Hòa 50 nơi thờ Ông Nam Hải được phân bố như sau: Huyện Vạn Ninh: 13; thị xã Ninh Hòa: 15; thành phố Nha Trang: 11; thành phố Cam Ranh: 08; huyện Cam Lâm: 03. Trong đó có nơi như phường Vĩnh Nguyên – thành Phố Nha Trang có đến 06 nơi thờ Ông Nam Hải. Ở Khánh Hòa việc thờ tự Ông Nam Hải chủ yếu tại Lăng, nhưng cũng có một số được được phối thờ trong Đình làng như: Thôn Trường Tây, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, thôn Bá Hà 1, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, thôn Đông Hà, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa; một số nơi như thôn Trường Đông, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, thôn Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, khóm Cù lao, phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang...lại xây dựng Lăng Ông và Đình làng trong cùng một khuông viên và tổ chức lễ theo lối Đình Lăng kết hợp. Ngày nay, xu hướng kết hợp này đang được các làng biển ngày càng ủng hộ và có thể trở thành xu hướng của tương lai.

1. Những truyền thuyết về tục thờ Cá Voi:

Tục thờ Cá Ông ra đời từ bao giờ và đâu là nơi phát tich đến nay vẫn chưa thể khẳng định chính xác được. Để giải thích cho tục thờ này có nhiều truyền thuyết, trong đó một số truyện thuyết, chuyện kể vẫn còn được lưu truyền cho đến hôm nay.

- Trong thần thoại Chăm kể lại: Sau thời gian rèn luyện phép thuật, vì nôn nóng trở về xứ sở, Cha-Aih-Va đã cãi lời thầy tự ý biến thành cá Voi, ra sông lớn mà đi nên sau đó đã bị trừng phạt. Cha-Aih-Va đổi tên và tự xưng là Po Riyah (thần Sóng Biển), cũng có lúc hoá thân thành thiên nga, trở thành ân nhân của những người bị đắm thuyền.

- Truyền thuyết Phật giáo kể rằng: Ngày xưa, Đức Phật Bà Nam Hải Quan Âm khi đi tuần du Nam Hải, Ngài rất đau xót khi thấy mỗi mùa biển động, bão tố, nhiều thuyền nhân và ngư dân bị đắm thuyền và chết trôi trên biển cả. Để cứu giúp sanh linh, Ngài liền lấy chiếc áo cà sa đang mặc xé ra làm ngàn mảnh nhỏ ném xuống biển khơi, rồi hoá phép thành loài cá Voi có thân hình to lớn, lại ban cho cả “Phép thâu đường”để bơi thật nhanh nhằm kịp đến cứu giúp ngưòi bị nạn. Từ đó, loài cá Voi luôn là trợ thủ đắc lực trong việc cứu giúp người bị nạn trên biển. Do vậy, người dân miền biển các tỉnh phía Nam nước ta xem loài cá Voi là vị thần linh của biển khơi.

-  Thôn Quảng Hội , xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà lại có truyền thuyết liên quan đến Quan Công và ông Nam Hải. Truyền thuyết kể rằng, một con phượng hoàng đẻ ra hai trứng, một trứng rớt xuống biển Đông hoá thành ông Nam Hải (cá Voi), trứng kia rơi trên đất liền được một vị hoà thượng ấp trong đại hồng chung, sau 100 ngày nở ra Quan Thánh...

- Truyền thuyết cũng kể, trên đường bôn tẩu đến nước Xiêm để tránh cuộc truy đuổi của Nhà Tây Sơn, khi đến Vịnh Xiêm La thì gặp giông tố, lúc thuyền của Chúa Nguyễn Phúc Ánh sắp bị lật đã được Cá Voi nâng đỡ và đưa vào  đảo Thổ Châu. Năm 1802, sau khi lên ngôi Nguyễn Ánh (Vua Gia Long) đã ban chiếu sắc phong Cá Voi là Nam Hải Đại Tướng Quân để tỏ lòng tri ân. Các vua chúa triều Nguyễn đã liên tiếp ban những sắc phong cao quý cho Cá Voi này và sắc phong cao nhất cho Ngài là: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần. Chính quyền phong kiến còn quy định: Làng nào bắt gặp cá voi chết thì Lý trưởng phải báo cho phủ, huyện để quan khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ bảy vòng và cho khâm liệm, cấp đất xây lăng và ruộng hương hỏa để thờ cúng. Sau 3 năm thì cải táng, lấy xương xếp vào quách, khạp, đưa vào lăng, đình, vạn, đền, miếu… của địa phương để thờ. Mỗi lăng đều có người trông coi hương khói và một hội đồng quản lý lăng.

...

Từ tập tục trên, ở Khánh Hòa người thấy xác cá Voi đầu tiên đều báo cho làng biết để kéo cá vào bờ tổ chức lễ tống táng. Bấy giờ họ trở thành người con trai trưởng của cá Voi và phải chịu tang 3 năm chứ không chỉ chịu tang 100 ngày như các tỉnh trong vùng. Sau khi mãn tang, hàng năm cứ vào ngày Ông lụy (tức là ngày cá Voi chết), bà con ngư dân long trọng tổ chức Lễ Tế Ông Nam Hải – nay gọi là Lễ hội Cầu ngư với đầy đủ các nghi thức. Ngưòi dân miền biển tin rằng, tổ chức tế lễ càng chu đáo bao nhiêu, nghi thức càng đầy đủ bao nhiêu, thì ân đức của Ngài sẽ ban lại cho ngư dân được mùa tôm, cá, đời sống no ấm, sung túc bấy nhiêu. Vì là ngày giỗ Ông lụy nên việc tổ chức Lễ hội ở mỗi làng có một ngày khác nhau.

2. Tiến trình Lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa

Nếu lễ hội ở vùng đồng bằng Khánh Hòa thiên về sự trang nghiêm, thành kính thì Lễ hộ Cầu ngư lại thiên về sự tưng bừng, náo nức và tràn trề sức sống như những đợt sóng triều; nếu không gian các lễ hội truyền thống khác ở Khánh Hòa thường chỉ khoanh lại trong một phạm vi nơi thờ tự thì không gian Lễ hội Cầu ngư lại được mở rộng ra toàn làng và ngoài biển khơi mà Lăng Ông chỉ là tâm điểm.

Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa được tổ chức trong 3 ngày với nhiều nghi thức như trong Lễ Cúng Đình gồm:

- Lễ Rước sắc: Ở Khánh Hòa, các sắc phong của Đình, Lăng thường được cất giữ tại Chùa làng, Nhà Tiền hiền hoặc giao cho một hào lão có uy tín trong làng gìn giữ gọi là ‘Thủ sắc’, khi có lễ hội thì mới rước sắc về Đình, Lăng để tổ chức bái tế. Do vậy, Lễ Rước sắc được xem như nghi thức mở đầu của lễ tế Khánh Hòa.

Lễ gồm ba nghi thức:

+ Thỉnh sắc: Ban Tế lễ thay mặt dân làng dâng hương xin với Thành hoàng và các vị Tiền Hậu hiền được thỉnh sắc về địa điểm bái tế.

+ Rước sắc: Được thực hiện theo hình thức đám rước long trọng với Trống chiêng, cờ xí, Rồng Lân, dàn nhạc lễ kiệu sắc phong với tàn lọng, quạt che và đoàn người tham dự đám rước gồm: ban tế lễ, hào lão và ngư dân…

+ Khai sắc: Khi đám rước về đến Lăng, Ban Tế lễ đưa kiệu sắc vào chánh điện, đọc lời khấn, dâng 3 tuần hương, 3 tuần rượu để xin phép được mở sắc ra đọc trước sự chứng kiến của quan viên, hào lão trong làng và mở đầu cho Lễ Tế .

- Tỉnh sanh: Diễn ra trước khi vào Tế chánh. Ở Khánh Hòa khi tế các nhiên thần hoặc thiên thần thì trong lễ vật phải đủ tam sanh, trong đó nhất định phải có heo sống nguyên con. Lễ Tỉnh sanh thực chất là nghi thức lễ xin với Thần linh được giết vật hiến tế. Con heo được chọn làm vật hiến tế phải là heo toàn sinh, toàn sắc (nghĩa là loại heo chỉ có một màu và để nguyên con không được chặt xẻ).

- Nghinh thủy triều (Nghinh Ông): Lễ Nghinh thủy triều được tổ chức theo hình thức tế lễ và đám rước trên biển, còn trò diễn Hò Bá trạo là nghi thức phải có của Khánh Hòa trong nghi thức này. Tại đây đội Bá trạo phải chèo hầu suốt buổi lễ. Đặc biệt khi đoàn thuyền tế lễ quay đầu về bến thì đội Bá trạo phải hát lớp Phụng nghinh hồi đìnhchèo hầu cho đến khi thuyền cập bến. Vì vậy mà nghi thức Nghinh Ông còn được gọi là Phụng nghinh hồi đình.

 Đến nay, cư dân vùng biển Khánh Hòa vẫn xem ngày này là một ngày lễ trọng và họ tổ chức thật long trọng, thành kính để cầu cho quốc thái dân an, làm ăn tấn tới và thật sự là Ngày Hội theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Tế Chánh: Tế Chánh bao giờ cũng là giờ phút thiêng liêng nhất, là nghi thức lễ quan trọng nhất trong lễ tế truyền thống. Lễ vật của Tế Chánh luôn đầy đủ nhất gồm: Hương đăng, trà quả, gà luộc, bộ tam sênh (gồm miếng thịt ba chỉ, trứng vịt và con của biển, tất cả đều luộc chín), hai đĩa xôi trắng lớn, một con heo tươi cùng bộ đồ lòng (là con heo được chọn làm vật hiến tế trong Lễ Tỉnh sanh) và đặc biệt là tô huyết có lông cũng được mang lên đặt ở vị trí trung tâm bàn lễ vật.

Chủ trì Lễ Tế Chánh là Ban Tế lễ gồm: Chánh tế, 02 Bồi tế và Ban Chấp sự gồm từ 10 đến 12 người đảm trách các phần việc trong tế lễ như: Đông xướng – người xướng lễ; chinh cổ - người đánh chiêng và người đánh trống; 4 Lễ sinh có nhiệm vụ mang trà, rượu đến cho Chánh tế dâng lên Ông; các Thị lập – những người đứng hầu từng hương án trong điện thờ; đội Nhạc lễ.

Cuộc tế lễ diễn ra rất trang nghiêm, thành kính trong vòng 40 – 45 phút với 3 lần dâng hương, rượu với rất nhiều lễ tiết đã được lập thành và truyền thừa từ hàng trăm năm qua và không bao giờ được sai sót.

Sau Tế Chánh, nếu có tổ chức Hát Bội thì Chánh tế sẽ phải thực hiện nghi thức cúng Xây chầu – Khai diên – để kính cáo với Thần linh xin phép cho đoàn hát được hát hầu. Đoàn hát cùng thực hành nghi thức Đại bái để kính cáo với Thần linh và chúc phúc cho làng rồi mới bắt đầu hát Thứ lễ.

- Thứ lễ và Tôn Vương: Thứ lễ là nghi thức tiếp theo sau Tế Chánh được tiến hành bằng hình thức hát cúng thần. Thứ lễ là nghi thức không phải lúc nào cũng có trong Lễ hội Cầu ngư. Thông thường cứ 3 năm một lần, vào ngày lễ tế các làng lại mời đoàn hát bội biểu diễn trước là để tạ ơn Ông, sau là để giúp vui cho dân làng sau một năm dài làm ăn vất vả. Và chỉ năm nào làng mời đoàn hát bộ về hát cúng thì lúc đó mới tổ chức Thứ lễ và Tôn vương.

Sân khấu Thứ lễ được đặt tại Võ ca (hoặc sân Đình, Lăng) và hướng vào án thờ  mà diễn. Khán giả đứng và ngồi xem cả ba mặt. Sau khi xong Thứ lễ thì đoàn hát sẽ thực hiện nghi thức Tôn vương – thực chất là một hoạt cảnh ca múa dân gian có độ dài chừng 15 phút với các điệu múa dân gian như: Múa Lân, Múa Long Hổ Hội, Múa Chúc rượu, múa Xổ liễn, múa Dâng bông v.v…để cầu cho Quốc thái - Dân an, Mưa thuận - Gió hòa.

Sau khi Tôn vương xong, mọi người dân được vào Đình, Lăng thắp hương cho Ông; các sinh tư, lễ phẩm được đưa xuống nhà trò để làm cỗ đãi khách, sau đó cửa Đình, Lăng được đóng lại để chuyển sang phần hát trường của đoàn hát và các hoạt động hội khác.

- Tống na: Là nghi thức cúng cô hồn được tổ chức bên ngoài án phong của Lăng. Vật tế gồm: hương đăng, trà quả, rượu nước, xôi chè, gà, heo… và nhất định phải có vài tô cháo lú cùng mô hình chiếc thuyền đánh cá dài chừng 01 mét. Tất cả lễ vật được bày biện trên một chiếc chiếu đôi trải trên đất bên ngoài án phong của Lăng. Sau khi cúng xong, ban Tế lễ sẽ đặt một ít vật tế lên chiếc thuyền mô hình rồi cho người chèo thuyền ra biển để thả chiếc thuyền và và lễ vật vừa cúng nhằm cầu xin các vong hồn trên biển cùng hưởng chút lòng thành của dân làng và phù hộ độ trì cho sóng yên biển lặng. Tống na là nghi thức cuối cùng của Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa và luôn được thực hiện với tấm lòng trân trọng nhất.

II. Nội dung và nghệ thuật của Hò Bá trạo ở Khánh Hòa

1. Khái quát về Hò Bá trạo ở Khánh Hòa:

Hò Bá trạo là một trò diễn dân gian vùng Nam Trung bộ mang tính tổng thể nguyên hợp đậm nét. Với hình thức biểu diễn tổng hợp mang tính chất sân khấu dân gian như múa, hát, nói... Là trò diễn nhưng lại được xem là một nghi lễ bắt buộc chỉ riêng có trong Lễ hội Cầu ngư ở Nam Trung bộ và Khánh Hòa.

Theo cổ lệ, mỗi làng có Lăng Ông đều thành lập đội Hò Bá trạo để phục vụ cho lễ hội làng mình. Trước ngày lễ hội, làng chọn từ 15 đến 19 thanh niên khỏe mạnh để tập trò Hò Bá trạo. Trong thời gian luyện tập ấy họ phải ăn chay nằm đất, tránh sát sinh và không được quan hệ với phụ nữ nhằm giữ cho thân tâm trong sáng để phụng sự Đức Ông. Về sau cổ lệ này được gia giảm, đồng thời do nhu cầu nâng cao chất lượng phục vụ lễ hội mà đã hình thành nên các đội Hò Bá trạo bán chuyên và chuyên nghiệp. Từ đó các làng biển mất dần các đội Hò Bá trạo hoặc chỉ còn giữ lại những trạo phu còn các vai chủ chốt như Tông Lái, Tổng Mũi, Tổng Thương thì phải nhờ những người chuyên nghiệp thủ diễn. Hiện nay ở Khánh Hòa có một số đội Hò Bá trạo hoạt động bán chuyên, tiêu biểu như: đội Bá trạo của ông Nguyễn Văn Hảo thôn Trường Đông, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang; đội của ông Nguyễn Sỹ Huynh, thôn Trường Tây, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang; đội của ông Lê Sỹ Hùng, thôn Quảng Hội, xã Vạn Thắng huyện Vạn Ninh…

Do mục đích của trò diễn Hò Bá trạo là nhằm tế Ông Nam Hải nên cho dù theo thời gian trò diễn đã được chuyên nghiệp hóa từng phần, được bổ sung nhiều mặt nhưng nó vẫn giữ được phong vị, tính chất như thời kỳ đầu và chỉ được dùng riêng trong Lễ hội Cầu ngư hay những ngày tế lễ có liên quan đến Ông Nam Hải của cư dân miền biển Nam Trung bộ và Khánh Hòa, góp phần tạo nên bản sắc cho một vùng đất.

2. Đặc điểm nội dung của Hò Bá trạo ở Khánh Hòa

Qua khảo sát các bổn tuồng Hò Bá trạo đang tồn tại ở Khánh Hòa có thể thấy, tuy các bổn tuồng có sự khác nhau về ngôn ngữ văn học, làn điệu ca hát và dộ dài ngắn... nhưng nội dung đều tập trung ca ngợi công đức Ông Nam Hải và ước mong cuộc sống an hòa, cầu cho được mùa tôm cá.

2.1. Hò Bá trạo - Khúc tụng ca công đức Ông Nam Hải

Có thể nói nội dung bao trùm và rõ nét nhất trong các bổn tuồng Hò Bá trạo ở Khánh Hòa là ngợi ca công đức của Ông Nam Hải với lòng sùng kính lẫn đau xót khi Ông lỵ (lụy). Điều ấy thật dễ hiểu bởi Hò Bá trạo trước hết một trò diễn nhằm dâng cúng Ông Nam Hải trong Lễ hội Cầu ngư. Ở Khánh Hòa theo lệ cũ, đội Bá trạo sẽ diễn hai lần với hai cách khác nhau trong Lễ hội Cầu ngư. Lần thứ nhất: được diễn trước khi tiến hành tế lễ trong nghi thức Nghinh Ông trên biển; sau khi kết thúc nghi thức Nghinh Ông đoàn thuyền sẽ rước hồn Ông về chuẩn bị nhập Lăng, trên đường về, đội Bá trạo sẽ hát hầu Ông cho đến khi thuyền cập bến. Đoạn hát này gọi là Phụng nghinh hồ đình mà cánh Bá trạo vẫn gọi là Lớp quay thuyền. Thông thường, lớp diễn này là một bài Vãn dài trên dưới trăm câu lục bát được hát lên bằng những điệu Hò đặc trưng của vùng biển Khánh Hòa. Đây là một điểm riêng có của Hò Bá trạo ở Khánh Hòa mà không có trong các bổn tuồng của các tỉnh trong vùng Nam Trung bộ. Nội dung lớp diễn này ngợi ca công đức và bày tỏ lòng thương xót của lạch làng đối với Ông.

“Bạn ta ơi hỡi bạn ta

Chèo sang mái một rẽ ra hai hàng

Lạch làng xin kỉnh đôi bài

Xa gần đâu cũng nơi nơi kính thành

Thương người biển ái sa cơ

Nhứt nhơn trí thế đã đành cứu dân

Thuyền bè gặp lúc hiểm nguy

Nhờ ơn Ông độ ra tay phò trì

Nhân sanh kiến nghĩa đương vi

Hữu công tắc tự lễ nghi kính thành

Xuân thiên chứng có khanh khanh

Xa nghe mấy tiếng hòa bình khắp nơi…”

Hoặc cụ thể hơn:

Tiếng đồn khắp hết sơn khê

Ngũ hồ tứ hải Thủy tề một thân

Sắc phong Chúa Tể Hải Thần

Long Vương Đông Hải xa gần đều hay

Xem qua dị thủy gió day

Ba đào sóng động ra tay phò trì

Trời xuôi gặp lúc hiểm nguy

Bồng lai tiên cảnh hồn quy thiên đình

Lạch làng tạc tượng vẽ hình

Phụng thờ miếu võ hiển linh đời đời…”

Và vì lòng sùng kính nên tất cả mọi người đều xem việc thờ phụng Ông là trách nhiệm, là phần phúc của mọi người:

“Chữ rằng thành tất hữu thần

Trũ, câu, mành, giã xoay vần ấm no

Lạch làng đồng lực đồng lo

Ăn chay nằm đất khẩn cho mùa màng

Phong hòa vũ thuận bình an

Hà thanh hải yến nhất đàng khương ninh

Đưa ngài về đến bổn dinh

Án tiền an vị ngoài đình chèo ca…”

(Trích Hò Bá trạo, phườngVĩnh Trường, Nha Trang)

Sau khi ghe cặp bến, đoàn người sẽ rước Long đình và linh vị của Ông nhập Lăng, đến đây đội Bá trạo mới diễn vẹn nguyên trò diễn Hò Bá trạo (lần thư 2) để dâng lên Ông tấm lòng tri ân, thương xót của dân làng:

“Ngó vô trong lăng đèn nhang rực rỡ

Trực nhìn ngoài biển sóng xôn xao

Nay nghinh Ông đã tới lăng trào

Cây bá trạo chèo hầu lấy thảo

Lấy thảo hai hàng nước mắt

Phải chi ông còn biển Bắc lộng khơi…”

Hoặc diễn tả sự đau lòng khi chứng kiến giờ phút Ông lỵ:

“…Đoạn thảm đưa sầu miếu võ

Cúi lạy Ngài phù hộ thôn hương

Ai xui chài lão ra chài

Ra chài lại gặp đem về cất lên

Cất lên an táng mộ tiền

Giữa trời sương tuyết chịu miền nắng mưa…”

(Trích Hò Bá trạo, phường Xương Huân, Nha Trang)

Lời lẽ thật thà, dân dã càng làm sâu thêm sự thương xót của dân làng. Bới lẽ hơn ai hết, những người đi biển ở Khánh Hòa luôn mang trong tâm niềm sùng kính và biết ơn Ông vô hạn. Tình cảm đó được truyền thừa từ đời này sang đời khác, không cần biện giải. Do vậy khi gặp lúc Ông lỵ thì họ đều để tang đến ba năm như thụ tang phụ mẫu. Và việc chịu tang ba năm ấy cũng là một điểm đặc biệt của tục thờ Ông Nam Hải ở Khánh Hòa.

Một điểm độc đáo khác có thể tìm thấy trong Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa là sự phối thờ, phối tế, đặc biệt là với Thiên Y Thánh Mẫu. Ngay trong nội dung Hò Bá trạo ở Khánh Hòa cũng đề cập nhiều đến hình tường của Bà:

“Nay rước Bà về chốn miễu môn

Truyền Bá trạo chèo hầu cho cẩn thận

Cẩn thận rước Bà tới trước

Chốn ba đào nhờ đức thần linh

Rước Bà xa giá hồi dinh

Lạch làng trông đợi dân tình vẻ vang…”

Trong Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa nhiều nơi cũng đồng thời cúng Thiên Y Thánh Mẫu. Vì vây, hát cúng Ông Nam Hải song vẫn không quên cung kính trước Bà, ấy cũng là điều lý thú đặt ra cho ta bao điều suy nghĩ:

“Bà bay khắp hết bốn phương

Coi trong bổn trạch đầm trường ấm no

Ai bay giống dạng Bà bay     

Quần hồng áo trăng phía tây bay về…”

(Trích Hò Bá trạo, phường Xương Huân, Nha Trang)

Hiện tượng phối thờ, phối tế và hình tượng Thiên Y Thánh Mẫu trong trò diễn Hò Bá trạo ở Khánh Hòa phần nào đó đã góp thêm tiếng nói đồng tình về luận điểm tục thờ Ông Nam Hải ở các tỉnh phía Nam vốn có nguồn gốc từ tập tục của người Chăm thời cổ. Cho nên, nếu muốn tìm hiểu cặn kẽ tục thờ Ông Nam Hải ở Khánh Hòa thì không thể tách rời khỏi tục thờ Thiên Y Thánh Mẫu – tín ngưỡng gốc của người dân Khánh Hòa. Bởi vậy, trong Hò Bá trạo người dân biển tụng ca Bà cũng đồng nghĩa với tụng ca biển trời Khánh Hòa mà trong đó Ông Nam Hải cũng là một thực thể, cho dù là một “thực thể hiển linh”.

2.2. Hò Bá trạo – Khúc tráng ca của người dân biển

Mỗi lễ hội truyền thống ở Việt Nam ta đều gắn liền với một thần tích, một tục thờ và đa phần vị Thần chủ - đối tượng thờ cúng là các bậc thiên thần, nhân thần hoặc nhiên thần. Lễ hội Cầu ngư là một trong số rất ít các lễ hội truyền thống ở Việt Nam ta gắn liền với việc thờ cúng một nhiên thần được cư dân vùng biển phía Nam sùng kinh- Cá Voi.

Nghề đánh bắt hải sản ở nước ta vốn có từ lâu đời. Song song  với việc mở cõi về phái Nam là việc di cư, định cư và mở rộng ngư trường đánh bắt của nghề biển. Địa lý nước ta cho thấy, càng đi về phương Nam thì ngư trường càng phong phú. Vùng đất Khánh Hòa là vùng biển có nhiều đầm, vịnh, bãi triều nên điều kiện phát triển nghề đánh bắt hải sản càng có nhiều cơ hội.

Đi với biển có nghĩa là đi vào sóng gió, người xưa lại không có dụng cụ, phương tiện dự báo thời tiết nên sự nguy hiểm trên biển là điều khó lòng lường trước được. Vì thế mà người ta phải tin vào vận mệnh hơn là tin vào bản thân mình; yếu tố thần linh phù trợ đã trở thành niềm tin của ngư dân khi ra khơi vào lộng. Trong thực tế, Cá Voi đã từng cứu sống nhiều người gặp nạn trên biển, đồng thời theo kinh nghiệm của ngư dân Khánh Hòa thì sự xuất hiện của Cá Voi còn là điềm báo cho ngư dân biết nơi ấy đang có nhiều đàn có nổi. Cho nên, ngư dân đã xem Cá Voi là Thần Ngư thì cũng là điều đễ hiểu.

Tin tưởng vào sự độ trì của Ông Nam Hải nên họ cầu cúng, song không phải vì thế mà họ ỷ lại và phó thác tất cả cho vận mệnh đẩy đưa mà trái lại, niềm tin ấy đã biến thành ý chí để họ có thêm sức mạnh đối mặt với sóng cả, bão giông. Có thẻ nói, Hò Bá trạo không chỉ là bản tụng ca về Ông Nam Hải mà nó còn là khúc tráng ca lẫm liệt, hào sảng của người dân biển Khánh Hòa. Với hình tượng con thuyền lướt sóng ra khơi và những động tác chèo thuyền khỏe khoắn, những điệu hò lao động mạnh mẽ trong trích đoạn Hò Bá trạo dưới đã nói lên điều đó:

Tổng Lái: Bớ Bá trạo!

Bá trạo: Dạ!

Tổng Lái: (Kể)

Trời quang mây tạnh, gió mát trăng thanh

Day chèo quế lướt nhanh, nơi giang biên trực khứ!

Bá trạo: Dạ! (Vào bài Hò Bá trạo)

“Phiêu phiêu hề nhất trạo ba

Khinh khinh hề tại lãng ba

Thừa phong hành phất phất (Hố khoan hò khoan!)

Quơi… Trạo nhập giáng ca

Quơi… Trạo nhập giáng ca. (2)

Tổng Lái: (Nam Xuân)

“Giang ba phong cảnh dịu hiền

Thủy thanh, vân bạch, nhạn điều cánh tung…”

Trong khi Tổng Lái hát Nam Xuân thì đội Bá trạo lay nhẹ tay chèo để lấy đà chèo sang điệu hò khác…Và bây giờ cả phường Trạo lại rập ràng tay chèo theo điệu “Hò Hỡi lơ”:

Kể: Lướt sóng trùng khơi… (Xô) Là hò hỡi lơ!

Kể: Theo luồng các bạc. (Xô) Là hò hỡi lơ!

Kể: Vui đời biển hát… (Xô) Là hò hỡi lơ!

Kể: Mênh mông hải hồ. (Xô) Hỡi lơ Là hò hỡi lơ!

(Trích Hò Bá trạo của thôn Lương Hải, xã Vạn Lương (nay là thị trấn Vạn Giã), huyện Vạn Ninh).

Lời ca hào sảng cộng với động tác chèo thuyền của đội Bá trạo lúc nhịp nhàng, lúc mạnh mẽ tạo cho người xem như chứng kiến cảnh con thuyền đang lướt sóng ra khơi chẳng ngại ngùng giông bão. Tính chất tráng ca càng bộc lộ rõ ở đoạn kết của trò diễn khi cả đội Bá trạo phải đồng tâm hiệp lực đưa con thuyền về bến an toàn trong cơn giông bão. Đây cũng chính là đoạn cao trào của trò diễn. Và cho dù trong cảnh đối đầu với sự sống chết người ngư phủ vẫn hết sức lạc quan:

Tổng Thương: (Kể)

“Chèo thuyền ngang qua biển,

Sóng dợn lớn tày  non.

Âu là nó phủ quần áo ướt hết chẳng còn.

 Anh em xê ra cho ta tát nước…”

Nam Xuân:

Tát nước qua miền giông gió

Người ở đời có khó mới khôn

Khó mới khôn, khôn rồi hết khó

Í , ai từng miệng có ngậm than.

Người đời ai khỏi gian nan

Gian nan có lúc, thanh nhàn có khi…”

Cái triết lý rất đổi bình thường này được bắt gặp ở hầu hết các bổn tuồng Hò Bá trạo ở Khánh Hòa và hầu như đều xuất hiện ở đoạn kết, càng tăng thêm tính chất bi tráng của thân phận và cuộc đời của những người bám biển.

2.3. Hò Bá trạo – Niềm tin và ước vọng của người dân biển

Là trò diễn dân gian, nhưng Hò Bá trạo đã sớm trở thành một nghi thức đặc thù  trong Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa. Vì vậy nội dung chủ yếu là ca ngợi công đức của Ông Nam Hải và cầu mong được sự phù trì, tế độ của Ông đối với những người dân biển; đồng thời cũng qua đó mà xây dựng, củng cố niềm tin và bày tỏ ước mơ của mình:

“Nay bổn vạn ngư dân tề tựu

Một lòng thành khởi lễ cầu ngư

Cầu cho no ấm mọi người

An cư lạc nghiệp đẹp tươi mọi nhà.”

Cũng thông qua Hò Bá trạo ngư dân Khánh Hòa như muốn bày tỏ triết lý sống của mình: “Khó mới khôn, khôn rồi hết khó” và để tự khẳng định:

“Lên yên dù phải lâm nguy

Nếu mà khổ trước ắt thì sướng sau

Bóng trăng vừa xế qua đầu

Bóng trăng dội nước nắng lâu mấy hồi.”

(Trích Hò Bá trạo, phường Vĩnh Trường, Nha Trang)

 

Chính nhờ vào niềm tin vào một ngày mai tươi sáng mà người dân biển đã có thêm sức mạnh để vượt lên những gian lao, nguy hiểm bằng sự lạc quan hiếm thấy:

“Thuyền tung lướt sóng ra khơi

Vững tay chèo quế ngại gì bão giông.”

Niềm tin và ước vọng ấy đã được khắc họa rõ nét ở lớp diễn đầy ngẫu hứng Tổng Thương xem giông  trong Hò Bá trạo. Ở lớp này “tính thiêng” của Lễ hội Cầu ngư đã được mở rộng ra và quyện lấy “cái đời thường” để tạo nên niềm tin cho cộng đồng làng biển; niềm tin ấy sẽ biến thành ý chí vượt thắng gian lao và hóa thành tình yêu son sắt với quê hương, đất nước.

 Bằng cách diễn hài hước đầy chất dân dã, vai Tổng Thương đã tại nên không khí “hội” ngay trong lễ tế. Đây cũng chính là nét độc đáo của trò diễn Hò Bá trạo và toát lên bản chất của người dân biển Khánh Hòa với ước vọng muốn hòa nhập cái thiêng liêng vào trong thực tại đời thường; nhờ vậy mà niềm tin mới càng thêm sâu sắc, ước mơ mới càng ít hão huyền.

Tổng Thương: (Nói)

Thôi thì chi nữa là: Mau mau sửa bộ thi hành

Chong chóng dỡ khoang tát nước…

Lý tát nước:

Ơ…ơ…ơ…

Tay cầm gàu nước (ra mà) tát ra

Chúc cho Phước Thọ (a í a)

Vinh quang (a quang) trùng trùng. (2 lần)

(Nói): Tát nước xong rồi, tôi ngâm lếu láo đôi câu cho vui nào…

Ngâm Xuân:

Chòm mây phú quý khi tan hợp

Ngọn sóng văn minh lúc bọt bòng;

Ai biết ngọn nguồn sông mấy lạch

Đào nguyên muốn hỏi có ngư ông.

(Nói):Ngâm thơ chửa đặng hết bài, phút thấy mây đen mù mịt.

Bớ…Giông…Bớ chú Tổng …Giông, giông…

(Nhạc làm giông gió, đoàn Bá trạo chèo nghiêng ngã.)

3. Đặc điểm nghệ thuật của Hò Bá trạo ở Khánh Hòa

3.1. Cấu trúc của Hò Bá trạo

Qua khảo sát các văn bản cho thấy, tuy các bổn tuồng Hò Bá trạo ở Khánh Hòa có sự khác nhau về ngôn ngữ văn học, làn điệu ca hát,độ dài ngắn… nhưng đều có chung cấu trúc như sau:

- Lớp I - Giáo đầu: Do Tổng Lái đảm trách. Là lớp giới thiệu lý do diễn ra Hò Bá trạo. Tùy mục đích của cuộc tế lễ mà phần nội dung của lớp giáo đầu có thể thay đổi khác nhau. Như đã biết, Lễ hội Cầu ngư thực chất là ngày giỗ Ông Nam Hải và Hò Bá trạo cũng chỉ được diễn trong các dịp như: lập Lăng Ông, thỉnh ngọc cốt, tu sửa Lăng và ngày giỗ hàng năm. Do vậy tùy theo mục đích mà lớp Giáo đầu sẽ có thay đổi. Thường thì sau phần xưng tên của Tổng Lái hoặc Tổng Mũi là đến phần lý do:

Tổng Mũi:

“Đình tiền đăng chúc huy hoàng

Truyền Bá trạo nghiêm trang, xếp chèo vào làm lễ

Nhớ linh xưa ngày trước

 Quản thánh lộng khơi tế độ

Nay Ngài về tới chốn miếu môn

 Thưở lỵ mình cảm động càn khôn

Lìa giấc ngọ vào nơi bãi hạc

Tiết xuân vừa mãn hạn thu qua

Nghinh hài cốt về nơi lăng tự…”

Qua đoạn giáo đầu trên ta biết Lễ hội cầu ngư này cũng đồng thời là dịp dân làng thỉnh ngọc cốt Ông Nam Hải nhập lăng thờ tự.

Song thường khi tế lễ định kỳ thì phần giáo đầu cũng gọn gàng, trực tiếp hơn:

Tổng Lái: (Bạch)

Kim thu đang tiết giới,

 Đầm lạch đáo lệ kỳ

Truyền Bá trạo đăng chúc tinh quy

Tựu án sở lễ hầu tôn vị.”

 Lớp giáo đầu thường được nối sau đoạn múa xếp chữ chúc phúc và lạy Ông Nam Hải, thời lượng chừng 5 phút. Nếu tính thời gian đội Bá trạo nhập Lăng đến hết đoạn giáo đầu thì có khi dài đén 15 phút.

- Lớp II – Ra khơi: Là lớp chủ yếu và quan trọng nhất của trò diễn Hò Bá trạo. Nói quan trọng nhất không chỉ vì đây là lớp có dài nhất (gần một nửa trò diễn) mà còn vì ở lớp này các trình thức biểu diễn dân gian được phát huy nhiều nhất và qua đó bộc lộ toàn bộ chủ đề tư tưởng, nội dung của trò diễn.

Trong lớp này sử dụng khá nhiều trình thức sân khấu, các cách hát được lấy từ nghệ thuật Hát Bội được đan xen với các làn điệu dân ca đặc trưng trong đó bài Hò Bá trạo nối sang điệu hát Nam được sử dụng nhiều lần. Nhà nghiên cứu Mịch Quang đã viết: “...Từ xưa điệu hát Nam chỉ sử dụng cho lúc sắp sửa ra đi và trên đường đi. Hát Nam không bao giờ được sử dụng cho đối thoại, chủ yếu là độc thoại mà là độc thoại trên đường đi, chứ tuyệt đối không phải là độc thoại trường dạ...” Và ông đã nhấn mạnh chức năng của hát Nam là ‘ biểu hiện tâm sự nhân vật trên đường đi’. Sự kết hợp đó nhằm diễn tả quá trình con thuyền đang vượt sóng ra khơi và tình cảm của ngư dân đối với biển trời và khát khao của họ.

Tổng Mũi: (Truyền)

Đệ nhứt khứ hành thuyền, đệ nhất hồi tấn trạo!

Bá trạo: Thừa phụng mạng. (Vào Bài)

Phiêu phiêu nhứt trạo ba/ Khinh khinh trục lãng qua

Thừa phong hành phất phất/ Quơi trạo nhập miễu môn

Tổng Thương: (Hát Nam)

Miễu môn phăng phăng lướt tới

Cất mái chèo phơi phới thuyền lan…”

Hoặc:

Bá trạo:

Phiêu phiêu kỷ trạo ba/ khing khinh trục lưỡng ban

Lưỡng ban hề chỉnh túc/ Quơi trạo nhập lãng xa…

Tổng Lái: (Hát Nam)

Lãng xa qua miền lăng võ

Nguyện thánh thần phò hộ đinh ninh…”

Như vậy, có thể xem điệu Hò Bá trạo và hát Nam là xương sống của lớp diễn này. Và phải chăng vì sự quan trọng ấy mà người ta lấy tên điệu hò này để làm tên chung cho trò diễn (!?)

- Lớp III – Tổng Thương xem giông: Là lớp mô tả cảnh con thuyền đang tạm nghỉ trên biển. Khi tất cả mọi người đều ngủ chỉ còn mỗi mình Tổng Thương lo canh chừng thuyền, tát nước và theo dõi biến động của thời tiết. Lớp diễn được kết thúc khi Tổng Thương phát hiện cơn giông đang bất ngờ ập đến và đánh thức mọi người dậy để ứng phó với cơn giông.

Nếu lớp Ra khơi là bộ khung tạo nên hình vóc của trò diễn Hò Bá trạo thì lớp Tổng Thương xem giông chính là da thịt để tạo nên sức sống cho trò diễn này. Và nếu lớp Ra khơi khắc họa sự hoành tráng của biển khơi và niềm tin của người dân biển đối với Ông Nam Hải, thì lớp này lại đậm chất trữ tình và dí dỏm nhằm khắc họa cuộc sống, tâm hồn của người dân biển với đầy đủ các tính chất lãng mạn, hài hước, lạc quan một cách rất dân dã, đời thường.

Đây là lớp độc diễn của nhân vật Tổng Thương, đồng thời theo truyền thống, người thủ vai Tổng Thương được ngẫu hứng tối đa nên đòi hỏi người diễn phải có bản lĩnh, thông minh và phải tinh nghề để gây cười cho khán giả. Vì vậy, lớp diễn luôn được người xem chờ đợi nhất. “Cái đời thường” nằm ngay trong không khí thiêng liêng của phần lễ, càng làm cho sự giao hòa giữa thần linh và con

người thêm gắn bó, tính nhân văn vì vậy càng cao.

- Lớp IV – Về bến: Mô tả cảnh đoàn ngư dân đang chống chọi với cơn giông để đưa con thuyền về bến an toàn. Đây là lớp có sử dụng nhiều điệu hò đặc hữu của trò diễn Hò Bá trạo như: Hò Mái dặm, Hò Mái ngơi, Hò Nhại, Hò Bá trạo...tạo nên lớp diễn sôi động và mạnh mẽ như tinh thần vượt thắng gian nguy của người dân biển.

Trong nhiều bổn tuồng ở Khánh Hòa lớp này thường là một bài Vãn ca thể thơ lục bát và dài đến trăm câu, nội dung tập trung kể công đức của Ông Nam Hải và như lời cầu khẩn Ông hày giúp ngư dân vượt qua giông bão. Đoạn này cũng chính là đoạn đội Bá Trạo phải hát khi quay thuyền về trong Lễ Nghinh Ông. Vì vậy, nó còn gọi là Lớp Quay thuyền. Và đấy cũng là một đặc điểm riêng có của Hò Bá trạo ở Khánh Hòa

Cuối cùng là lời chúc phúc của đội Bá trạo đối với lạch làng:

Tổng Lái:

“Hầu Thần rồi ân tạ án tiền

Truyền Bá trạo lui thuyền, xếp mái.”

Bá trạo: (Đồng chúc)

“Chúng tôi đồng kính chúc:

Chúc tôn hương Thọ tỷ Nam San

Cầu vạn lạch Phước như Đông Hải,”

Hò Bá trạo là một trò diễn dân gian có từ lâu đời của cư dân Nam Trung bộ. Ở Khánh Hòa, trò diễn này thường được xây dựng theo cấu trúc mở - một hình thức cấu trúc độc đáo của dân tộc ta. Với cấu trúc ấy cho phép người nghệ sĩ dân gian được tự do sáng tạo trên mô hình rất thoáng mà không bị chệch đường. Có thể thấy tất cả các bổn tuồng Hò Bá trạo ở Khánh Hòa đều khác nhau, song khi đọc lên, hát lên và nhất là khi diễn lên trong Lễ hội Cầu ngư thì không có gì lẫn lộn được. Hò Bá trạo vẫn là Hò Bá trạo dù ngôn từ, cách hát mỗi nơi mỗi khác.

3.2. Hình tượng nhân vật của Hò Bá trạo

Như đã đề cập ở phần trên, các bổn tuồng Hò Bá trạo tuy có sự “đại đồng tiểu dị”, song đều thống nhất với nhau về chủ đề, cấu trúc và nhân vật trong trò diễn.

Theo truyền thống ở Khánh Hòa, trò diễn Hò Bá trạo bao gồm các nhân vật: Tổng Lái, Tổng Mũi, Tổng Thương và đoàn Trạo phu từ 10 đến 16 người. Tất cả các nhân vật này đều là đàn ông, trai tráng trong làng. Ngày xưa, những người được chọn vào đội Bá trạo diễn hầu Ông đêù phải đảm bảo một số tiêu chí nhất định như: khỏe mạnh, không khuyết tật, không phải là người đang thọ tang và phải có đạo đức tốt. Đến ngày diễn hầu Ông đội Bá trạo phải ăn chay nằm đất để giữ cho lòng thanh, thân sạch. Ngày nay, tuy cổ lệ có gia giảm đi nhiều nhưng các thành viên đội Bá trạo vẫn phải là người khỏe mạnh và được chọn lựa kỹ càng trong số dân làng để luyện tập chứ không phải bất kỳ ai muốn tham gia cũng được.

Trong đội Bá trạo mỗi nhân vật đều có cách ăn mặc, hóa trang, đạo cụ riêng nhằm khắc họa tính cách, vai trò của nhân vật đó trong trò diễn. Nhạc cụ ban đầu của Hò Bá trạo là cặp sanh gỗ do Tổng Mũi đảm trách để giữ nhịp và cầm trịch cho cả đội Bá trạo ca diễn. Tưởng cũng nên nói thêm, Tổng Mũi bao giờ cũng đứng quay lưng về mũi thuyền để đói diện với đội Bá trạo. Tư thế này chính là tư thế đi giật lùi của người trưởng nhóm âm công khi điều hành đội âm công di quan người chết về nơi an táng.

Ngày nay, khi xem trò diễn Hò Bá trạo ta thấy trang phục các nhân vật đủ màu sắc khác nhau và có cả ban nhạc, trống phách…đệm cho trò diễn như trên khấu Hát bội, Bài chòi. Thế nhưng, các nhân vật vẫn giữ được hình tượng như thưở ban đầu của nó. Xin được mô tả các nhân vật để cùng tham khảo:

- Tổng Lái: Là nhân vật chủ thuyền, được hóa trang thành một lão ngư và đảm trách ở vị trí người cầm lái. Tổng Lái mặc áo dài đen hoặc xanh quần trắng, đầu chit khăn đỏ hoặc trắng, thắt lưng loại vải cùng màu với khăn bịt đầu; tay cầm mái chèo dài chừng 2,4m và là người lĩnh xướng điều hành cả đội chèo. Đây là nhân vật trung tâm nên phải biết ca, biết diễn.

- Tổng Mũi: Đứng ở vị trí đầu thuyền, tay cầm cặp sanh để gõ nhịp cho cả đoàn cùng ca diễn, nên còn gọi là Tổng Sanh. Được hóa trang thành một trung niên khẻo mạnh, có râu ngắn, áo chẻn lững, quần trắng bó xà cạp, đầu bịt khăn đỏ và thắt lưng cùng màu với khăn bịt đầu. (Ngày nay, một số đội đã cho nhân vật này hóa trang, ăn mặc như kép hát bội như muốn tăng thêm sự quan trọng của nhân vật này). Cũng như Tổng Lái, nhân vật Tổng Mũi thường hát lĩnh xướng nên nhất thiết phải là người vững vàng về nghề ca diễn vì ngoài việc đảm trách vai diễn của mình, Tổng Mũi còn là người giữ nhịp điều hành cho cả trò diễn.

- Tổng Thương: Là nhân vật mang tính chất hài, đứng ở vị trị giữa khoang nên cò gọi là Tổng Khoang. (Người dân biển Khánh Hòa đọc chữ “Khoang” thành “Phan”, vì vậy nhân vật này cúng có tên là Tổng Phan – Phan Công)  Tổng Thương trong trò diễn Hò Bá trạo là người lo việc giữ thuyền, tát nước, nấu bếp nên có nơi gọi là Tổng Khậu. Về mặt hóa trang, Tổng Thương mặc áo ngắn xắn tay, màu đen xắn gối; tay cầm chiếc gậy có hình con cá, mặt vẽ ria chuột nên còn có tên là Tổng Chuột. Lắm tên gọi như vậy đủ thấy đây là nhân vật được nhân dân yêu thích.

Có thể nói, Tổng Thương là nhân vật đa dạng nhất, sinh động nhất của trò diễn Hò Bá trạo ở Khánh Hòa, mà trước hết đấy là nhân vật hề dân gian của vùng Nam Trung bộ. Bằng cách diễn ngẫu hứng và hài hước nhân vật này luôn được khán giả chờ đợi nhất, yêu quý nhất. Nhân vật Tổng Thương lạc quan, chân thực, chịu khó và thủy chung là hình tượng của người dân biển đích thực đã tạo nên cái khoảnh khắc đời thường sinh động, lung linh ngay trong giờ phút thiêng liêng của cuộc lễ. Cũng do tính cách phức tạp của vai diễn nên từ ngày xưa vai diễn Tổng Thương thường do các nghệ nhân có tài đảm trách.

- Trạo phu: Có từ 10 đến 16 người, tay cầm mái chèo ngắn 1,2m. Các trạo phu đều mặc áo chẻn màu xanh (hoặc đen), quần trắng, tay áo và ống quần đều bó xà cạp; đầu đội nón chóp như kiểu lính thú thời xưa. Tất cả sắp xếp thành hai hàng dọc tạo thành mô hình con tàu đang lướt sóng ra khơi, đồng thời cũng tượng trưng cho những người hầu của Ông Nam Hải.

Trạo phu chủ yếu giữ đội hình tạo nên hình tượng con thuyền đang lướt sóng bằng động tác chèo thuyền và giữ phần “Xô” trong các điệu Hò lao động được sử dụng trong trò diễn Hò Bá trạo.

Với bảng phân vai trên, Hò Bá trạo thật sự là một trò diễn mang tính chuyên môn khá cao, nhưng vẫn giữ được cái hồn hậu vốn có của một loại hình nghệ thuật dân dã.

Ngày nay, ở đâu đó chúng ta bắt gặp trong trò diễn Hò Bá trạo có thêm hoặc bớt nhân vật (ví dụ: vừa có vai Tổng Thương lại có vai Tổng Chuột hoặc bị khuyết vai Tổng Lái) thì ta có thể xem đấy như sự phá cách của đội Bá trạo hoặc do thiếu người đản trách vai diễn mà phải “ngộ biến tùng quyền”. Bởi lẽ, thông qua hình tượng con thuyền và các nhân vật, triết lý Âm Dương đã biểu hiện rất rõ trong trò diễn này. Thêm hay bớt thì còn đâu cái nội hàm của trò diễn: Nhất sinh Nhị/ Nhị sinh Tam/ Tam sinh vạn vật. (2)

3.3. Các trình thức diễn xướng của Hò Bá trạo ở Khánh Hòa

3.3.1. Nghệ thuật múa trong Hò Bá trạo

Nói đến trò diễn Hò Bá trạo mà không đề cập đến nghệ thuật múa thì quả là một thiếu sót. Bởi lẽ, trong toàn bộ trò diễn có ít nhất hai phần ba thời gian có sự tham gia của múa.Và ngay cả hình tượng chủ đạo của trò diễn là con thuyền lướt sóng cũng được khắc họa bằng những động tác chèo thuyền, gác mái…Chính vì lẽ đó mà ở Khánh Hòa còn gọi trò diễn này là “Chèo Bá trạo”. Tên gọi này cũng rất có lý, nó nhằm xác định vai trò vũ đạo trong trò diễn – “Phi chèo bất thành Bá trạo”. Trong thực tế nhiều nơi ở tỉnh Khánh Hòa đã không còn bảo lưu được nguyên vẹn trò diễn Hò Bá trạo, nhưng đến kỳ tế lễ dân làng vẫn tổ chức đội Bá trạo dù chỉ “chèo hầu lấy thảo” với Đức Ông.

Khảo sát tổng quát, có thể thấy vũ đạo của trò diễn Hò Bá trạo chủ yếu là hệ thống động tác chèo thuyền do các Trạo phu đảm trách. Tuy vậy, nó không hề bị lặp lại một cách nhàm chán. Động tác chèo thuyền có lúc thong thả với tư thế đứng, khi lại được thể hiện mạnh mẽ ở tư thế quỳ và quyết liệt ở tư thế bán trụ. Ngoài ra những động tác xoay chèo, day chèo, đảo chèo…cũng làm cho động tác chèo thuyền thêm sinh động. Ở trò diễn Hò Bá trạo của thôn Trường Đông (Cửa Bé), phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang còn có động tác chèo ngược ở lớp thuyền dừng nghỉ ở cuối lớp 2 trên nền điệu Hò Mái ngơi rất độc đáo.

Động tác tay là thế, nhưng phong phú hơn vẫn là những bước chân. Lúc nhảy nhịp một để diễn tả nhịp đi của con thuyền, khi lại kết với tay chèo qua động tác quỳ để tạo cảm giác đội Bá trạo đang cố giữ tay chèo trước cơn sóng dữ. Cao điểm và đẹp nhất là những động tác “bê” của vũ đạo Hát bội cũng được áp dụng để mô tả sự xáo động trong đội ngũ bạn chèo, tạo cảm giác căng thẳng cho người xem. Cả động tác tay và chân ấy đã tạo nên hình tượng con thuyền thật sống động. Nếu lượt bỏ đi phần lời ca thì phần vũ đạo của “Chèo Bá trạo” cũng có thể làm cho người xem hiểu được đầy đủ ý nghĩa của trò diễn. Có lẽ vì vậy mà ở nhiều Lễ hội Cầu ngư khi diễn Hò Bá trạo người ta đã lược nhiều phần hát và chú trọng tối đa phần vũ đạo. (Lễ hội Cầu ngư ở các thôn, khóm thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là một điển hình).

Về tổ chức đội hình: Đội hình chủ yếu của trò diễn Hò Bá trạo ở Khánh Hòa là ba hàng dọc, gồm: hai nhóm Trạo phu cố định hai bên, hàng giữa gồm ba vị Tổng có thể di động trong một phạm vi nhất định. Sau đây, là mô tả đoạn mở đầu khi đội Bá trạo nhập lăng hát hầu Ông Nam Hải. (Ghi tại Lễ hội Cầu ngư thôn Trường Tây, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang).

Đội Bá trạo theo đoàn rước lễ Nghinh Ông về đến cổng Lăng thì dừng lại xếp thành hai hàng, các nhân vật Tổng Mũi, Tổng Thương, Tổng Lái tách hàng đứng vào vị trí của mình tạo nên ba hàng dọc; hai bên các Trạo phu đứng với tư thế dừng chèo tạm nghỉ. Hồi lâu, bên trong võ ca có tiếng trống chầu, rồi trống chiến nổi lên thì cả đội Bá trạo lúp xúp chạy vào đến trước chánh điện. Tổng Lái, Tổng Thương, Tổng Mũi bước ra khỏi hàng để dàn thành hàng ngang, tay nâng đạo cụ ngang mày và khấu đầu lạy Ông ba lạy; Trạo phu cũng đồng loạt lặp lại động tác trên và cũng lạy ba lạy.

Tiếng trống lại giục liên hồi, cả đội Bá trạo chạy vòng quanh võ ca rồi xếp thành hai vòng tròn nhỏ đối xứng nhau, sau đó chuyển sang xếp hình vuông và dùng các mái chèo xếp thành hai chữ “Cầu ngư” (求魚) rồi chuyển sang động tác chèo thuyền theo nhịp trống. Động tác chèo này lặp đi lắp lại chừng ba phút thì tiếng trống lại đổ liên hồi, đội Bá trạo lại chạy vòng tròn quanh võ ca xếp thành hai vòng tròn nhỏ đối xứng nhau lần nữa, sau đó chuyển sang xếp hình vuông và dùng các mái chèo xếp thành bốn chữ “Thiên hạ thái bình” (天下太平 ). Sau lần xếp chữ này cả đội Bá trạo lại xếp thành ba hàng dọc như lúc đứng trước cổng lăng và bắt đầu diễn Hò Bá trạo hầu Ông.

Có thể nói rằng, khi không có lời hát thì âm nhạc cho múa của Bá trạo chính là tiếng trống chầu và cặp sanh của Tổng Mũi; lúc lời hát cất lên thì các điệu hò, câu hát của các nhân vật và diễn biến của trò diễn lại trở thành linh hồn cho những động tác chèo thuyền của đám Trạo phu. Và đến lúc ấy thì không thể nào tách bạch được phần hát ca hay múa là chủ đạo, bởi vì lúc này tính tổng thể nguyên hợp của nghệ thuật dân gian trong Hò Bá trạo đã bộc lộ đến hồi cao nhất.

3.3.2. Hệ thống làn điệu, bài bản trong Hò Bá trạo

Từ tên gọi chúng ta có thể hình dung ra ngay vai trò chủ đạo của ca hát trong trò diễn Hò Bá trạo. Thật vậy, Hò Bá trạo ở Khánh Hòa trước tiên là tổng hòa của ca hát dân gian. Nói tổng hòa là bởi vì nó không thuần chất như các loại hình ca hát dân gian khác, mà ở đây các nghệ nhân Hò Bá trạo đã sử dụng khá nhiều làn điệu ở các thể loại, như: Hò, Lý, Ru, Vè, Ngâm và cả các làn điệu của nghệ thuật Hát bội, như: Nam Xuân, Nam Ai, Bạch, Thán, Xướng…cũng được sử dụng nhằm tạo nên một hiệu quả tổng hợp cho người xem. Ý đồ ấy đã được các nghệ nhân Hò Bá trạo sử dụng thành công và ngày càng nhuần nhuyễn.

Qua khảo sát cho thấy hầu hết các làn điệu, bài bản trong trò diễn Hò Bá trạo ở Khánh Hòa đến nay vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Có lẽ vì đây là loại hình hát tế lễ nên người dân không tiện sử dụng ở những môi trường sinh hoạt đời thường và điều quan trọng hơn là cho đến nay nó vẫn chưa được các nhà nghiên cứu chuyên môn để tâm đến.

Khảo sát 05 bổn tuồng Hò Bá trạo đang được sử dụng ở Khánh Hòa chúng

tôi xin giới thiệu một số làn điệu, bài bản dân ca được sử dụng trong Hò Bá trạo như sau:

- Hò Bá trạo: Là điệu hò quan trọng được lặp đi lặp lại nhiều lần trong trò diễn. Điệu hò này được nối sang điệu hát Nam để diễn tả nhịp đi của con thuyền ra khơi; sự kết hợp này là điểm độc đáo trong cách sử dụng làn điệu của người xưa. Điệu Hò Bá trạo ở Khánh Hòa được tìm thấy trong lớp 22 của trò diễn “Đàn xà Trảm mộc” và đây là điệu hò chỉ có trong một số bổn tuồng Hò Bá trạo ở Khánh Hòa mà không có ở câc nơi khác.

Tổng Mũi: (Bắt Ban)

“Phiêu phiêu hề nhất trạo ba

Trạo phu: (Vào bài)

Khinh khinh hề trục lãng qua

Thừa phong  hành phất phất

Hố khoan hò khoan…Quơi ư à…

Trạo hướng Châu Sa (2 lần).”

Tổng Lái: (Hát Nam Xuân)

“Châu Sa trải qua Bãi Hạc

Găp thanh trời gió mát đón đưa

Thú vui non nước thừa ưa

Gành Ghê rạng rỡ sớm trưa thanh nhàn.”

- Hò nhại: Trong các bổn tuồng Hò Bá trạo ở làng Trường Đông, phường Vĩnh Trường và ở làng Trường Tây, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang ta đều thấy có điệu Hò nhại do Tổng Mũi hát trong lớp Phụng nghinh hồi đình. Đây là điệu hò có cấu trúc theo tính chất mô hình trên cơ sở lời thơ lục bát. Nhân vật Tổng Mũi đảm trách phần lĩnh xướng câu lục bát và Trạo phu sẽ nhại lại (tức hát lặp lại) câu tám. Giai điệu Hò nhại được xây dựng trên cơ sở thang âm điệu Nam hơi Oán – một đặc sản của dân ca phía Nam. Hò nhại thường dùng để hát kể công đức Ông Nam Hải, phảng phất Hò đưa linh nhưng không u ám và hát ở tốc độ vừa phải:

1. Tổng Mũi: (Hát)

“Tháng hai ngày cũng mười hai

Phật trời xui khiến nào ai tỏ tường

Trạo phu: (Nhại}

Phật trời xui khiến nào ai tỏ tường.”

2. Tổng Mũi: (Hát)

“Mới hay hiển hách anh linh

Sống năng tế độ thác vì cứu dân

Trạo phu: (Nhại)

Sống năng tế độ thác vì cứu dân.”

- Hò Mái dặm: Được xây dựng trên thang âm điệu Nam hơi Oán. Điệu Hò Mái dặm có nhịp vừa phải và khỏe khoắn, chia thành hai vế, vế kể dành cho Tổng Mũi hoặc Tổng Lái, về xô do Bạn chèo đảm trách. Đây cũng là làn điệu có cấu trúc theo mô hình và mỗi chu kỳ gồm 2 khổ thơ lục bát (tức 4 câu) được hát theo lối trống mái như sau:

Chu kỳ 1:

Tổng Lái: Bạn ta (mà) ơi hỡi bạn ta

Bạn chèo: Là hụ hò khoan!

Tổng Lái: Chèo sang mái một…

Bạn chèo: Là hụ hò khoan!

Tổng Lái: …rẽ ra hai hàng.

Bạn chèo: Là hụ hò khoan!

Tổng Lái: Lạch làng (mà) xin kỉnh đôi bài

Bạn chèo: Là hụ hò khoan!

Tổng Lái: Xa gần đều cũng…

Bạn chèo: Là ha…ơ…ha… ơ hụ hò khoan!

Tổng Lái: …nơi nơi kỉnh thành.

Chu kỳ 2:

Tổng Lái: Ớ…Thương người (mà) bể ái sa cơ

Bạn chèo: Là hụ hò khoan!

Nối giữa các chu kỳ là câu đưa hơi (ơ…ơ…), với câú trúc mô hình này cho phép bài Hò mái dặm có thể kéo dài tùy theo nội dung lời hát và do vậy rất phù hợp với lối hát kể chuyện. Trong các bổn tuồng Hò Bá Trạo ở Khánh Hòa làn điệu này được dùng trong lớp Phụng nghinh hồi đình để kể lể công đức Ông Nam Hải.

- Hò Mái ngơi: Điệu hò này là câu hát của Tổng Thương và bạn chèo trong lớp Phụng nghinh hồi đình trong bổn tuồng của đội Hò Bá trạo thôn Trường Đông (Cửa bé), phường Vĩnh trường, thành phố Nha Trang mà các bổn tuồng khác ở Khánh Hòa không có. Hò Mái ngơi có nhịp điệu thong thả và giai điệu được xây dựng trên thang âm điệu Nam hơi Oán nên điệu hò tuy trong sáng nhưng vẫn thoáng buồn man mác. Cấu trúc cũng theo lối mô hình. Mỗi chu kỳ gồm một khổ thơ lục bát và phân làm hai lớp trống mái với các vế kể và xô như sau:

Chu kỳ 1:

Tổng Thương: Ớ…Linh đinh (mà) nước chảy giữa dòng

Bạn chèo: Là hò hố phai!

Tổng Thương: Nguyện cùng Trời Phật…

Bạn chèo: Là hò hố phai!

Tổng Thương: … qua miền bồng lai.

Bạn chèo: Ớ …Thùng hố thùng a… Hố phai!

Chu kỳ 2:

Tổng Thương: Ớ… Non cao (mà) thăm thẳm rộng dài

Bạn chèo: Là hò hố phai!

Tổng Thương: Rồng mây ôm ấp…

Bạn chèo: Là hò hố phai!

Tổng Thương: …cá nhàn đua bơi.

Bạn chèo: Ớ …Thùng hố thùng a… Hố phai!

Và cứ thế chu kỳ này dứt, lại kế tiếp chu kỳ sau một cách nhịp nhàng, sinh động.

- Vè Tên cá: Trong dân ca, thông thường vè là những câu thơ 4, 5 chữ được một người hoặc nhóm người đọc lên theo một tiết tấu nhất định và ít có tính giai điệu. Nhưng bài Vè Tên cá lại cấu trúc như điệu Hò lao động, nghĩa là có vế kể, vế xô đan xen nhau, có giai điệu tương đối rõ nét và cũng theo chu kỳ, nhưng mỗi chu kỳ có thể là 8 hay 10 câu thơ 4 chữ chứ không cố định. Bài Vè Tên cá vì vậy cũng là một điệu hò đặc trưng của người xứ biển.

Nghe vẻ nghe ve…(Hụ hò khoan!)/ …nghe vè tôi hát…(Hụ hò khoan!)

Hết tiền hết bạc…(Hụ hò khoan!)/ …là con cá cờ (Hụ hò khoan!)

Đúng lại mà chờ…(Hụ hò khoan!)/…là con cá đợi (Hụ hò khoan!)

Phương xa ông tới…(Hụ hò khoan!)/ …là con cá dài (Hụ hò khoan!)

Vác cuốc đào khoai…(Hụ hò khoan!)/ …là con đỏ củ (Hụ hò khoan!)

Tòng tam tòng ngũ…(Hụ hò khoan!)/… là cái con cá sòng (Hụ hò khoan!)

 Bụng ở không xong …(Hụ hò khoan!)/ …là con cá nóc (Hụ hò khoan!)

Đêm khuya trằn trọc …(Hụ hò khoan!)/ …là con hoàng xa (Hụ hò khoan!)

Mắng mẹ chửi cha…(Hụ hò khoan!)/ …đó là thằng cá dại (Hụ hò khoan!)

 (Hụ hò khoan a…ớ Hụ hò khoan!)

Ngoài ra, trong trò diễn Hò Bá Trạo ở Khánh Hòa còn có điệu Hò Lấy neo, Hò Đưa Ông, Hò Hỡi lơ, Hò Đẩy thuyền, Lý Tát nước, Hát Đò đưa…mà trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin phép không đi sâu hơn.

Những điệu Hò mà chúng tôi vừa nêu trên đây đều có chung đặc điểm là cấu trúc theo lối mô hình, đặc biệt đều được xây dựng trên thang âm điệu Nam hơi Oán – một đặc trưng âm nhạc riêng có của miền đất phương Nam. Do tính chất của thang âm, điệu thức nên những điệu hò trong Hò Bá trạo ở Khánh Hòa dù có khỏe khoắn vẫn giữ được sự mềm mại, tình cảm chứ không mạnh mẽ như các bài Hò Giựt chì, Hò Giã vôi, Hò Hụi…của miền Trung. Điều ấy càng cho thấy khuynh hướng nghiêng về phương Nam của dân ca Khánh Hòa.

Mặt khác, Hò lao động thường có nội dung chủ yếu là tâm tình, đối đáp được hát lên trong lúc làm việc, nhưng những điệu Hò trong trò diễn Hò Bá trạo ở Khánh Hòa lại được dùng để kể chuyện. Vì vậy cũng có thể xem những điệu “Hò kể chuyện” này như là một “đặc sản” góp phần tạo nên những nét riêng của trò diễn Hò Bá trạo và dân ca Khánh Hòa trong tổng thể chung của dân ca vùng Nam Trung bộ.

4. Kết luận:

Hò Bá trạo không phải là trò diễn riêng có của Khánh Hòa mà là trò diễn dâng Ông Nam Hải của cư dân vùng biển Nam Trung bộ. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại hình văn học dân gian khác, trò diễn này ở Khánh Hòa cũng có những đặc điểm riêng. Đối chiếu với những bổn tuồng Hò Bá trạo ở Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên mà chúng tôi có dịp tiếp cận cho phép đưa ra một vài nhận xét như sau:

- Hò Bá trạo là trò diễn dân gian có cấu trúc mở và nhờ đó mà đã tạo được

nhiều điều kiện cho các nghệ nhân dân gian ở Khánh Hòa được rộng đường sáng tạo mà không bị chệch hướng.

- Chịu sự ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Thiên Y Thánh Mẫu nên trong nội dung của các bổn tuồng Hò Bá trạo ở Khánh Hòa có ca ngợi công đức của Bà. Không như ở Quảng Nam, một số bổn tuồng Hò Bá trạo thường dùng câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật”.

- Hò Bá trạo ở Khánh Hòa tuy có sử dụng một số làn điệu của nghệ thuật Hát bội nhưng không đậm đặc như các tỉnh khác; đồng thời sử dụng nhiều các điệu hò biển đặc trưng của vùng Nam Trung bộ nên phong cách dân gian còn rất đậm nét. Đặc biệt, việc sử dụng Vãn ca ở lớp diễn Về bến có thể xem là một đặc điểm riêng có của Hò Bá trạo ở Khánh Hòa.

- Trữ lượng các làn điệu, bài bản dân ca được lưu giữ trong các bổn tuồng ở Khánh Hòa là rất phong phú và độc đáo, cần được nghiên cứu nhiều hơn và khai thác để phục vụ đời sống hiện tại.

HÌNH PHƯỚC LIÊN

 

Chú thích:

(1) Hò Bá trạo (百棹) có nơi gọi là Hò Bả trạo (把棹). Thực ra chỉ là cách gọi, Bá trạo có nghĩa là trăm tay chèo, còn Bả trạo có nghĩa là nắm tay chèo. Ở Khánh Hòa bà con ngư dân thường gọi là Hò Bá trạo.

(2) Điệu Hò Bá trạo này cũng được dùng trong trò diễn Đàn Xà  - Trảm mộc, do cụ Lê Huấn ngụ tại khóm Lương Hải, thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương (nay là khóm Lương Hải, thị trấn Vạn Giã) hát.

Tài liệu tham khảo:

1. Cao Xuân Dục: Đại Nam nhất thống chí. Nxb Khoa học Xã hội, H.1970

2. Lê Quang Nghiêm: Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hòa, Nxb Saigon – 1970;

3. Quách Tấn: Xứ trầm hương. Nxb Thông tin (tb), H.1992;

4. Lăng Ông Nam Hải ở Bình Thạnh. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận – 1995;

5. Mịch Quang: Âm nhạc và sân khấu kịch dân tộc. Nxb Sân khấu, H. 1995;

6. Ngô Văn Doanh: Tín ngưỡng Pô-Nagar trong đời sống văn hóa Khánh Hòa. Tạp chí VHNT số 02/1997, tr 17;

7. Trần Quốc Vượng: Khánh Hòa – một cái nhìn địa văn hóa. Tạp chí VHNT số 04/1997;

8. Lê Đình Chi: Lễ hội Tháp bà Nha Trang. Nxb Văn hóa Dân tộc, H. 1998;

9. Nguyễn Đình Tư: Non nước Khánh Hòa. Nxb Thanh niên (tb), H. 2004;

10. Nguyễn Thanh Lợi: Tục thờ cá voi ở ven biển Nam Trung bộ. Vae.Org.vn;

11. Các bổn tuồng Hò Bá trạo của phường Vĩnh Trường, phường Vĩnh Nguyên, phường Xương Huân, thành phố Nha Trang; khóm Lương Hải, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh.

12. Các bổn tuồng Hát Bả trạo của Phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; thôn Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn và các Video biểu diễn của các Câu lạc bộ Bả trạo tỉnh Quảng Nam…

13. Một số tư liệu chưa công bố của các tác giả Hình Phước Liên, Nguyễn Tứ Hải, Lê Đình Chi, Hình Phước Long; các tư liệu khác của Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa từ năm 1992 đến nay.

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
DI TÍCH CÁCH MẠNG Ở KHÁNH HÒA – VẾT TÍCH QUA THỜI GIAN
Di sản cách mạng nói chung và di tích cách mạng nói riêng là những bằng chứng vật thể và phi vật thể phản ánh quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước ta từ tay Pháp (1930 – 1945), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954), cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ thống nhất đất nước (1954 – 1975), cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979), chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và công cuộc xây dựng đất nước từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay gần 1 thế kỷ.
ĐÌNH LÀNG KHÁNH HÒA – NHỮNG GỢI MỞ ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Trong những năm gần đây, du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững cần có sự tương tác giữa di sản với các yếu tố đặc sắc khác của địa phương cũng như kết nối các di sản vùng ngoại vi và các vùng trung tâm du lịch lớn. Đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhất là ngành có liên quan nhiều đến hoạt động du lịch như bảo tàng, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử. Để thực hiện nhiệm vụ đó, trước hết phải có nhận thức đúng và đầy đủ về vị trí, vai trò của ngành đối với hoạt động du lịch của địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.
TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU VÀ NỮ THẦN TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA BIỂN Ở VÙNG VEN BIỂN NHA TRANG - KHÁNH HÒA
Môi trường tự nhiên và xã hội đã tạo nên phương thức sống, lối ứng xử và hình thành nên môi trường văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Với địa hình chiếm ưu thế nổi trội về biển đảo, Nha Trang được ví như “chiếc boong tàu của Tổ quốc”, biển đảo đã chi phối mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân ven biển. Tín ngưỡng thờ Mẫu và nữ thần không những tích hợp các giá trị tín ngưỡng tâm linh, chiều sâu tâm thức mà còn ẩn chứa các giá trị văn hóa, ứng xử, cách thích nghi của con người với môi trường sinh thái biển.
TỤC THỜ CÁ ÔNG CỦA CƯ DÂN KHÁNH HÒA
Tục thờ cá Ông là dạng tín ngưỡng đặc sắc trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân biển đảo từ miền Trung trở vào miền Nam Việt Nam. Người dân vùng biển, nhất là ngư dân luôn kính trọng và biết ơn sinh vật này vì đã giúp đỡ họ ra khơi thuận buồm xuôi gió và đánh bắt được nhiều cá tôm. Trong tâm thức của cư dân miền biển, cá Ông đại diện cho lòng hướng thiện của nhà Phật, chuyên cứu nguy và phù hộ độ trì cho những người có công cuộc mưu sinh gắn liền với biển. Sự tôn kính và quý trọng đó đều có quá trình, ban đầu chỉ là biểu hiện của lòng tốt, sau đó như một vật linh, vị thần hộ mạng. Ngư dân kính trọng cá Ông được thể hiện trước hết qua danh xưng, sau đó là hệ thống cơ sở thờ tự phổ biến với nội hàm phong phú gồm kiến trúc, lễ hội và các nghi thức, nghi lễ chặt chẽ
Giản giới tục thờ Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa
Trong tín ngưỡng thờ nữ thần, mẫu thần ở Việt Nam nói chung thì Ngũ Hành thần nữ mà dân gian thường gọi là mẹ Ngũ hành hay bà Ngũ hành được thờ tự phổ biến ở các làng xã đặc biệt là tại các tỉnh ở Nam Trung bộ và Nam bộ. Đối với vùng đất Khánh Hòa, tục thờ này vẫn đang được bảo lưu và thực hành rộng rãi. Vậy tục thờ Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa biểu hiện cụ thể ra sao? Các triều đại quy định điển lễ và ban tặng sắc phong đối với Ngũ Hành thần nữ như thế nào?... đó là những vấn đề cần tìm hiểu mà bài viết này mong muốn đề cập ngõ hầu góp phần nhỏ vào công tác nghiên cứu tục thờ nữ thần nói riêng và tín ngưỡng thờ mẫu nói chung.
TÍN NGƯỠNG THỜ THIÊN Y A NA Ở KHÁNH HÒA
Khi vào định cư ở vùng đất mới, người Việt đã mang theo tôn giáo, tín ngưỡng của mình: Phật giáo, Thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ Mẫu… và trong quá trình cộng cư, hoà cư đó người Việt đã nhanh chóng tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hoá người Chăm, trên cơ sở đó “sáng tạo” nên những truyền thuyết để “Việt hoá” tín ngưỡng thờ Bà Mẹ Xứ Sở của người Chăm Po Inư nagar thành Thánh Mẫu Thiên Y A Na bằng những truyền thuyết hết sức dung dị và dân gian.
Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyện thơ và bài vãn ở Khánh Hòa
Ở Khánh Hòa, qua khảo sát điền dã đã sưu tầm được một số bài thơ trường thiên kể chuyện về Thiên Y Thánh Mẫu rất đậm phong vị văn học dân gian của vùng đất Khánh Hòa mà nhân dân thường gọi là “bài Vãn”. Nhạc sĩ Hình Phước Liên đã có bài viết nghiên cứu về "Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyện thơ và bài vãn ở Khánh Hòa" nêu rõ những đặc trưng nội dung, nghệ thuật của truyện thơ, bài vãn ở Khánh Hòa.
NGHI THỨC TRÌNH DIỄN DÂNG BÔNG, MÚA BÓNG TẠI LỄ HỘI AM CHÚA
Lễ hội Am Chúa là một trong hai lễ hội lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa, phần lễ là chính, nhưng cũng chính là phần hồn, đưa lại cho người xem nhiều say mê, suy nghĩ, đồng thời thu hút người xem bởi trong “lễ” chứa “hội”. Ở lễ hội Am Chúa, có các trình diễn nghệ thuật dân gian hết sức tiêu biểu, đặc sắc. Trước kia, trong những năm chiến tranh, lễ hội bị mai một; đến năm 1987 lễ hội Am Chúa được phục hồi và trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân Diên Khánh, Khánh Hòa nói chung.
ĐÔI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT MÚA BÓNG Ở KHÁNH HÒA
Ai về xóm Bóng quê nhà Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn không? Thế thường tre lụn còn măng Lẽ đâu tham đó bỏ đăng cho đành...