Hotline: (0258) 3813 758

DI TÍCH CÁCH MẠNG Ở KHÁNH HÒA – VẾT TÍCH QUA THỜI GIAN

26/10/2023 00:00        
Đọc tin

1. Đặt vấn đề

Di sản văn hóa liên quan đến lịch sử đấu tranh cách mạng nói chung và di tích cách mạng nói riêng là những bằng chứng vật thể và phi vật thể phản ánh quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc từ giặc Pháp (1930 – 1945), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954), cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ thống nhất đất nước (1954 – 1975), cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979), chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và công cuộc xây dựng đất nước từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay gần 1 thế kỷ.

Khánh Hòa, nơi nối liền các đường chiến lược có vị trí chiến lược quan trọng của địch và ta trong thế bố trí phòng thủ dọc ven biển miền Trung. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Khánh Hòa là nơi tập trung các cơ quan đầu não của địch ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên; là vị trí đầu cầu của Pháp đánh phá vùng tự do Liên Khu 5, trực tiếp là tỉnh Phú Yên và nhất là chiến sĩ Nha Trang trong cuộc chiến bao vây, tiêu diệt quân Pháp tại Mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa 101 ngày đêm, lập nên những chiến công vang dội, được Bác Hồ gửi điện khen “đã làm gương anh dũng cho toàn quốc”. Ngoài ra, cảng quân sự hải – lục – không quân Cam Ranh thuộc dạng “Bất khả xâm phạm” của Mỹ(1).

Hệ thống di tích cách mạng ở Khánh Hòa phong phú, ghi dấu những chiến công oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Các di tích cách mạng có giá trị to lớn về nhiều mặt, nhắc nhớ về quá khứ hào hùng của cha ông để bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước để thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ, trân trọng và viết tiếp bài ca giữ nước. Hiện nay, di tích lịch sử - văn hóa ở Khánh Hòa nói chung, di tích cách mạng nói riêng luôn được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, tu bổ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống yêu nước, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương thông qua du lịch.

2. Di tích cách mạng ở Khánh Hòa

Dấu mốc bắt đầu giai đoạn lịch sử này gắn với các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nghĩa là sớm hơn sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời điểm và hoạt động của các phong trào yêu nước là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Khánh Hòa tiêu biểu như: phong trào Cần Vương (1885 – 1886), phong trào đấu tranh kháng thuế, đòi dân sinh, dân chủ, phong trào Duy Tân (đầu thế kỷ XX),... Các di tích thời kỳ này phản ánh chuỗi sự kiện liên quan đến sự ra đời và hoạt động của các phong trào yêu nước, gắn với các địa danh lịch sử tiêu biểu như: Đồi Trại Thủy, Hòn Khói, Thành Diên Khánh, căn cứ Xuân Sơn-Cửu Khúc, núi Phổ/Bồ Đà, đèo Dốc Thị, Tu Bông,  đèo Rọ Tượng, đèo Bánh Ít, Thùng Nhà Bùi, bến Cây Gạo, vùng núi Ba Cụm, Hòn Bà, cửa biển Cù Huân... Bên cạnh những di tích liên quan đến sự kiện, còn có các di tích liên quan đến các bậc tiền bối và những nhà lãnh đạo, thời gian tồn tại của các di tích lưu niệm thân thế, sự nghiệp cách nay hơn một thế kỷ(a).

Không gian phân bố di tích cách mạng ở Khánh Hòa dàn trải khắp nơi trong tỉnh, từ miền ngược đến miền xuôi, từ đồng bằng đến ven biển và hải đảo. Di tích cách mạng đa dạng về nguồn gốc, phong phú về nội dung. Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ khái quát những nhóm di tích tiêu biểu: Các di tích gắn với những hoạt động của các tổ chức là tiền thân của Đảng và các tổ chức Đảng gắn với các địa danh: Trường Tiểu học Pháp – Việt Nha Trang (nay là Trường PTTT Nguyễn Văn Trỗi), Trường Pháp – Việt Ninh Hòa, các địa danh ở Ninh Hòa (Hòn Khói, Xuân Hòa, Phước Đa, Mỹ Hiệp), tại Nha Trang (Viện Pastuer, Hạt Lâm nghiệp, Sở Lục lộ, Sở Hỏa xa)(2). Ngay sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thống nhất trong cả nước, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa đã kêu gọi Nhân dân đứng lên chống Pháp từ nông thôn đến thành thị, truyền đơn và cờ búa liềm được treo khắp nơi(b) trong ngày 1-5. Cuộc đấu tranh lớn đầu tiên do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động ở Nam Trung Bộ diễn ra ngày 16/7/1930(c), đã góp phần châm ngòi và ủng hộ các phong trào cách mạng Xô Viết – Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) mà đỉnh cao là tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945.

Các phong trào, cuộc khởi nghĩa đó đã lui vào quá khứ ngót nghét gần một thế kỷ song dấu ấn của nó vẫn còn lưu giữ trong ký ức của các lão thành cách mạng qua tài liệu và được bảo tồn qua các di tích. Nhiều địa điểm, di tích gắn với phong trào Tây Sơn như đồi Trại Thủy, đồn Hòn Khói (Ninh Hòa). Những địa điểm mang đậm dấu ấn của phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa như đồi Trại Thủy, biển Cù Huân, hòn Đá Lố, Đá Thơm (Nha Trang), Thành Diên Khánh (Diên Khánh), núi Bồ/Phổ Đà - Dốc Thị, Tu Bông, căn cứ Xuân Sơn-Cửu Khúc (Vạn Ninh), Hòn Khói, đèo Rọ Tượng, đèo Bánh Ít, Thùng Nhà Bùi, bến Cây Gạo, núi Ông Tây (Ninh Hòa). Di tích gắn với cuộc biểu tình ủng hộ phong trào công – nông Nghệ Tĩnh: Phủ Đường Ninh Hòa, núi Ổ Gà (Ninh Hòa). Di tích gắn với cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám: Sân vận động 19-8, Đình Ngọc Hội (Nha Trang), Đình Phú Cang (Vạn Ninh), Trụ sở UBND cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi (Cam Ranh).

Hình 1. Khu vực Xóm Cỏ - một trong ba khu vực thuộc Căn cứ địa cách mạng Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa).

Nhiều di tích trong tỉnh là nơi đặt thùng phiếu để cử tri đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa I (6/1/1946), đợt này đã bầu ba ông Nguyễn Văn Chi, Tôn Thất Vĩ và Đào Thiện Thi là những đại biểu tỉnh Khánh Hòa khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau bầu cử, niềm tin của Nhân dân đối với cách mạng ngày càng nâng lên, làm tiền đề để các địa phương trong tỉnh hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Đảng và Nhà nước do Bác Hồ soạn thảo và đọc trước quốc dân đồng bào, được bảo tồn và phát huy thông qua các địa chỉ đỏ và các di tích đã xếp hạng hoặc trong Danh mục kiểm kê di tích của tỉnh.

Cùng với Nha Trang - con đường chi viện của các lực lượng miền Bắc, miền Trung vào Nam Bộ; đồng thời, là nơi diễn ra cuộc chiến đấu 101 ngày đêm bao vây, tiêu diệt địch ở Mặt trận Nha Trang (23/10/1945 – 1/2/1946)(4). Nhiệm vụ trong giai đoạn “Tích cực cầm cự, chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”, với phương châm “Kiên trì vận động phương châm công tác vùng sau lưng địch”. Trong thời gian này hình thành các căn cứ cách mạng tại các khu vực núi đồi hiểm trở, nổi bật là các căn cứ cách mạng: Đồng Bò (Nha Trang), Hòn Hèo, Đá Bàn (Ninh Hòa), Hóc Chim (Vạn Ninh), Tô Hạp (Khánh Sơn), Hòn Dù, Hòn Dữ (Khánh Vĩnh). Căn cứ cách mạng là nơi đứng chân của các cơ quan tỉnh, bộ chỉ huy của ta trong chiến tranh, đặc biệt là căn cứ Đá Bàn là trung tâm căn cứ kháng chiến của tỉnh, nơi dự trữ vũ khí của tỉnh trong các cuộc kháng chiến.

Hình 2. Địa điểm căn cứ cách mạng Đá Bàn (địa điểm phía trong đập nước)

Các cơ sở thờ tự trong thời kỳ này ngoài việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân còn là nơi luyện tập võ nghệ của dân quân địa phương, địa điểm họp bàn phương án chống giặc của bộ đội ta, nơi tập kết lương thực-thực phẩm, bệnh viện dã chiến, lớp học bình dân học vụ, nơi sản xuất/tập kết vũ khí...tiêu biểu có các di tích: Đình Xuân Lạc (Nha Trang), Đình Phú Cốc (Diên Khánh), Chùa Phước Huệ (Ninh Hòa), Đình Hiền Lương (Vạn Ninh).v.v.

Trong hoàn cảnh đất nước còn nằm trong tay thực dân, các chiến sĩ cách mạng bị địch giam giữ, tra tấn và bắn chết dã man, hiện nay địa điểm này chỉ còn là phế tích nhưng những ký ức về tinh thần quả cảm của chiến sĩ cộng sản Khánh Hòa còn lưu truyền mãi trong dân gian và tư liệu địa phương khi nhắc đến Nhà lao Ông Cọt (địa điểm này nay là Đài Phát thanh và Tiếp hình thị xã Ninh Hòa)...chúng ta còn thấy sự tàn bạo, dã man của bọn thực dân khi ta chuyển từ khả năng “Cầm cự” (1947) qua thế “Phòng ngự” (1949) rồi nhanh chóng “Phản công” (1950-1951) buộc Pháp phải co cụm. Để chống lại sự tấn công của Việt Minh, thực dân Pháp đã chiếm nhà dân làm đồn như: Đồn Vinh Bình (Cam Tân, Cam Lâm) và xây dựng hệ thống đồn tháp canh, lô cốt phòng thủ kiên cố ở đồng bằng Khánh Hòa gọi là “Phòng tuyến De Lattre De Tassigny (viên tướng chỉ huy chiến trường Đông Dương giai đoạn này)(5)”, như đồn Cầu Đúc (Tu Bông), đồn Thương Chánh (Ninh Hòa), lô cốt Vinh Bình 1 và lô cốt Vinh Bình 2 (Cam Lâm), lô cốt đồn nhà bà Thất (Ninh Hòa), bót Hiền Lương (Vạn Ninh). Lô cốt Pháp là một phần của lịch sử, là bảo tàng sống về phòng thủ của quân sự thế giới trong thế kỷ XX.

Sau khi giành được độc lập, đất nước bị chia cắt hai miền Nam – Bắc. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất giang sơn. Di tích trong giai đoạn này phản ánh bức tranh cách mạng lúc bấy giờ, các trận đánh trong giai đoạn này thể hiện sự trưởng thành về chiến lược và nghệ thuật của cách mạng, tiêu biểu là các hầm bí mật ở các địa phương: Nhà bà Nguyễn Thị Mực và nhà ông Nguyễn Kiến Đường (Ninh Hòa), nhà bà Ngâm, nhà số 29 Nguyễn Trãi (Nha Trang), nhà bà Nguyễn Thị Sang (Vạn Ninh). Các căn cứ cách mạng được hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp tục được sử dụng sang thời kỳ này, bên cạnh đó thời kỳ này còn hình thành nhiều địa điểm trọng yếu là nơi quân ta mai phục chặn đường tiến công của địch như: Căn cứ Hòn Rồng và địa điểm Đồng Bà Thìn (Cam Ranh), sân bay Tà Nỉa (Cam Lâm), sân bay dã chiến Hòn Xã (Khánh Vĩnh), địa điểm Đá Giàng (Ninh Hòa), khu tập trung Gia Lê (Khánh Vĩnh).

Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc ta, có một dạng di tích làm cho bạn bè quốc tế khâm phục và ngưỡng mộ, kẻ thù khiếp sợ, đó là căn cứ cách mạng và hầm bí mật. Ngày nay, hầm bí mật được người dân cải tạo khang trang, có nắp đậy hầm để thuận tiện cho việc sinh hoạt của gia đình, ngày lễ truyền thống và Tết Nguyên đán lãnh đạo các cấp và cơ quan chuyên môn đến thăm hỏi và tặng quà cho gia đình có hầm bí mật nhằm tưởng nhớ nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng; các căn cứ cách mạng được bảo tồn và tuyên truyền giáo dục đến các thế hệ trẻ qua tư liệu lịch sử địa phương, chương trình ngoại khóa của học sinh, sinh viên. Căn cứ cách mạng Đồng Bò trong chiến tranh là nơi họp bàn, phòng thủ và tấn công của quân và dân ta; đối với địch, nơi đây là “Mật khu số 1”, “Mật khu Đá Hang” vì gây ra cho chúng nỗi ám ảnh kinh hoàng, bao phen thất thủ...căn cứ cách mạng Đồng Bò vừa là địa chỉ đỏ trong chương trình “Về nguồn” của lão thành cách mạng, sinh viên, thanh niên và nhân dân địa phương, vừa là địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Nha Trang với thiên nhiên hoang sơ và hồ nước trong xanh được bao quanh bởi những dãy núi tạo thành khu du lịch sinh thái Hồ Kênh Hạ. Di tích quốc gia Địa điểm lưu niệm Tàu C235 (Đường Hồ Chí Minh trên biển) là địa chỉ đỏ cho các hoạt động ý nghĩa như tổ chức lễ báo công, lễ kết nạp đảng và địa điểm tham quan đầy hứa hẹn của du khách gần xa bởi địa hình nơi đây như một Khánh Hòa thu nhỏ, vừa có đồng bằng, vừa có biển và vừa có núi: bãi biển đẹp còn hoang sơ với nhiều hải sản tươi ngon, núi rừng nhiều lâm sản quý, đồng bằng có nghề trồng tỏi và phơi rong biển nổi tiếng khắp vùng.

Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là thời kỳ miền Bắc vừa thực hiện nhiều nhiệm vụ kép, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đánh lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ và làm hậu phương chi viện cho chiến trường miền Nam. Di tích của các trận địa phòng không tên lửa, sân bay dã chiến, địa điểm phòng thủ và tấn công đã lập nhiều chiến công của Tiểu đoàn 407, Tiểu đoàn 460 đặc công tập kích tiêu diệt gần hết Tiểu đoàn biệt động của địch năm 1972, là những dấu tích in đậm dấu ấn một thời để nhớ. Các di tích trong giai đoạn này còn góp thêm mảng màu nhắc nhớ về một thời của các phong trào phụ nữ: “Ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, “Giỏi một nghề, biết nhiều việc”. Các di tích, di vật gắn liền với những con người phụ nữ góp phần làm nên chiến thắng lịch sử sẽ mãi in đậm trong tâm trí của nhiều thế hệ, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân như: Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Trần Thị Tính, Nguyễn Thị Trừ(d),...Tên các vị nữ anh hùng này đã được đặt tên đường/địa danh khắp nơi trong tỉnh, trở thành niềm tự hào của người dân Khánh Hòa cho muôn đời sau.

Hơn 20 năm miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam, nhân dân miền Bắc luôn thực hiện “Một người làm việc bằng hai” để làm tốt nhiệm vụ “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” tất cả vì “Miền Nam ruột thịt”. Thực hiện lời thề “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, cùng với đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ thì đường Hồ Chí Minh trên biển cũng được hình thành, xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng) trên những con tàu không số chở những con người và hàng hóa đặc biệt chi viện cho miền Nam. Tối ngày 29/2/1968 (mùng 1 Tết Mậu Thân) tàu đến vùng biển Đầm Vân, Ninh Vân thì bị địch phát hiện, cán bộ và chiến sĩ trên tàu đã mưu trí, dũng cảm đánh trả và cho nổ tàu phi tang hàng hóa để bảo vệ bí mật của chiến dịch. Tàu C235 và Trung úy-Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng 13 đồng đội đã mãi mãi nằm lại vùng biển Ninh Vân, sự hi sinh của 14 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Tàu C235 đã viết nên bản anh hùng ca bất tử về tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu bảo vệ con tàu và con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ghi nhận và tri ân những đóng góp của cán bộ và chiến sĩ trên chuyến tàu huyền thoại - Tàu C235, Trung úy-Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; tên tuổi của Nguyễn Phan Vinh sẽ sống mãi muôn đời sau thông qua tên con đường mang tên anh ở Nha Trang - đường Phan Vinh, tên một trường THCS ở xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) – Trường Phan Vinh và tên một hòn đảo – Đảo Phan Vinh thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Năm 2014, Địa điểm lưu niệm Tàu C235 được xếp hạng là di tích quốc gia.

Ở Khánh Hòa, mảng di tích nhắc nhớ về những con người làm nên sự kiện cách mạng đó không thật sự tiêu biểu và thường gắn với các di tích lưu niệm sự kiện cách mạng. Tuy nhiên, hơn một thế kỷ Khánh Hòa chịu sự đô hộ của thực dân Pháp, đã có nhiều vị tiền bối dẫn dắt phong trào yêu nước của các văn thân, chí sĩ, trí thức…đã nuôi dưỡng ý chí chống giặc, lòng tự hào và trân trọng trong nhân dân. Trong số các vị tiền bối, nhà lãnh đạo phong trào, có những người ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, có những người bị hành quyết, có những người nấm mộ chỉ có phần đầu hoặc thân. Di tích về thân thế và sự nghiệp của các vị lãnh đạo cao nhất trong phong trào Cần Vương được bảo tồn, tôn tạo tu bổ và phát huy tốt trong cuộc sống hôm nay. Nhiều di tích đã được chính quyền và Nhân dân địa phương thường xuyên chăm sóc, nhang khói, đồng thời là địa điểm nằm trong chương trình học tập ngoại khóa của học sinh như Trung Liệt Điện/đền thờ Trần Qúy Cáp(e), Miếu thờ Trịnh Phong (Diên Khánh), Đền thờ Trần Đường (Vạn Ninh).

Theo Luật Di sản Văn hóa (2001) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (2009) thì di tích lịch sử cách mạng được phân chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất, gọi là di tích lịch sử lưu niệm sự kiện, gồm “Các công trình, địa điểm tiêu biểu gắn với sự kiện lịch sử...của quốc gia hoặc của địa phương”; nhóm thứ hai, gọi là di tích lịch sử lưu niệm danh nhân, gồm “Các công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc địa phương trong các thời kỳ lịch sử”(6). Như vậy, di tích thuộc nhóm thứ nhất là những di tích gắn liền với các hoạt động của các tổ chức chính trị của cách mạng, nơi có phong trào cách mạng rất sớm do Đảng lãnh đạo như Phủ đường Ninh Hòa ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa; các di tích gắn với các hoạt động quân sự như Thành Diên Khánh, các địa điểm trọng yếu như Cây Da-Quán Giếng, di tích Ninh Mã, đèo Cổ Mã, trại tù binh Cam Ranh, các căn cứ cách mạng ở miền núi; trong kháng chiến chống Mỹ có các hầm bí mật, khu tập trung Gia Lê, các địa điểm quân sự diễn ra các trận đánh của Tiểu đoàn 407, 460, 480, đường Hồ Chí Minh trên biển. Nhóm di tích lưu niệm nhân vật lịch sử, nhóm này trong thời kỳ cách mạng không có di tích được xếp hạng nhưng có các di tích gắn với thân thế và sự nghiệp của các vị lãnh đạo phong trào Cần Vương (Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh)(ê), phong trào Duy Tân ở Khánh Hòa (Trần Qúy Cáp).

Trong mỗi nhóm di tích có nhiều chủng loại khác nhau, đơn cử như di tích căn cứ quân sự là nơi bố trí trận địa của ta, nơi đóng quân của địch, nơi diễn ra các trận đánh như Đình Xuân Mỹ (Ninh Thọ, Ninh Hòa), Trường Phủ Diên Khánh (Diên An, Diên Khánh). Ở căn cứ kháng chiến được bố trí theo sơ đồ như: gộp Tỉnh ủy, gộp Bí thư, nhà khách, phòng họp, bệnh viện, hầm trú ẩn, bếp ăn...Di tích hầm bí mật có mô hình khác nhau, có khi là nơi người trú ẩn hoặc vừa là nơi trú ẩn và là nơi cất giấu vũ khí tùy thuộc vào không gian to nhỏ khác nhau, phục vụ cho sự tồn tại lâu dài của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến.

Mỗi di tích cách mạng đều có nguồn gốc và những câu chuyện liên quan làm nên giá trị biểu trưng khác nhau nhưng tất cả đều góp phần tô điểm cho trang sử hào hùng của dân tộc tính từ khi thực dân Pháp xâm lược Khánh Hòa, nhất là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay.

3. Thực trạng di tích cách mạng ở Khánh Hòa

Di tích cách mạng ở Khánh Hòa được hình thành trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề và trải qua quá trình dài cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết và chiến tranh lại không được bảo quản ngay từ đầu. Các di tích gắn với căn cứ kháng chiến thường ở trong rừng sâu, hẻo lánh với những công trình kiến trúc tạm thời, lán trại, hầm hào chủ yếu làm từ là cây, lá đơn giản nên đã hư hỏng hoặc biến đổi. Các di tích là địa điểm, thao trường diễn ra các trận đánh bị biến dạng sau khi cuộc chiến đi qua hầu như không còn gì, đến khi phục hồi, lập hồ sơ xếp hạng di tích gây rất nhiều khó khăn. Các di tích gắn với thân thế và sự nghiệp nhân vật lịch sử mất nhiều thời gian để xác định giá trị nguồn gốc di tích, thậm chí có nhân vật tài liệu để làm di tích là con số không (như cụ Nguyễn Khanh-một trong ba “Khánh Hòa tam kiệt”), thiếu hiện vật liên quan để làm phòng trưng bày truyền thống. Các di tích là nơi diễn ra các hoạt động chính trị, hầu như các hiện vật, hình ảnh không còn, gây khó khăn trong việc phục hồi, tu bổ di tích. Các di tích là lô cốt, đồn, tháp canh của thực dân Pháp thường xây dựng ở khu vực nhà dân hoặc nơi gần dân cư, sau chiến tranh một số bị hư hỏng, số còn lại bị trưng dụng làm nơi sinh hoạt thường nhật của người dân.

Các di tích cách mạng do tính chất là gắn với sự kiện và những người làm nên sự kiện cách mạng, không mang màu sắc tâm linh nên ít thu hút sự quan tâm chiêm bái và đóng góp vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích của cộng đồng như những di tích tôn giáo, tín ngưỡng. Hiện nay, việc đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng hầu như 100% từ nguồn ngân sách nhà nước.

Một thực tế nữa trong việc bảo tồn và phát huy di tích cách mạng là đất nước đổi mới, phát triển, nhiều di tích cũng bị quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa lấn át, xóa sổ, di dời phải đưa ra khỏi danh mục di tích. Di tích chùa Ông từng là nơi đặt trụ sở của phòng tuyến đường sắt - chợ Mới - Ngọc Hội, nơi quân và dân ta nổ súng phát lệnh đầu tiên bao vây và tấn công quân Pháp trong cuộc chiến 101 ngày đêm ở Mặt trận Nha Trang nay tỉnh đã di dời đến địa điểm khác để xây dựng nơi này vòng xoay đường sắt - đường bộ. Một số di tích là địa điểm tấn công của quân ta gần như bị xóa sổ do sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Các hầm bí mật nằm trong nhà dân, một số hầm được người dân cải tạo lại để tiện cho sinh hoạt gia đình, có hầm bị lấp để làm không gian sinh hoạt của gia đình (Hầm bí mật 29B Nguyễn Trãi, Nha Trang).

Di tích cách mạng do đặc điểm là những di tích gắn với giai đoạn của lịch sử hiện đại nên việc bảo tồn và phát huy bên cạnh yếu tố gốc còn dựng bia, phục hồi tượng, phù điêu tái hiện lại không gian xưa, trưng bày các hình ảnh, hiện vật để làm tăng giá trị của các sự kiện. Năm 2010, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành sưu tầm, phục chế, phục dựng, tái hiện lại hình ảnh và các hiện vật trưng bày tại Phủ đường Ninh Hòa để Nhân dân và du khách có thể hình dung một cách đầy đủ và trọn vẹn hơn một kiến trúc mang tính công sở ở huyện Ninh Hòa xưa kia. Đối với di tích lưu niệm danh nhân, nhằm tưởng nhớ công ơn những người có công với dân với nước, chính quyền và Nhân dân xây dựng đền để nhang khói và thờ phụng cho muôn đời sau, song song với việc bảo tồn các yếu tố gốc còn có bài vị, tượng bán thân được thờ bên trong di tích. Tượng bán thân và di ảnh Bác Hồ được thờ hầu hết  các di tích cách mạng như đình làng, chùa, miếu. Một số địa phương làm Nhà tưởng niệm Bác Hồ (Nha Trang(f), Ninh Hòa). Tượng đài sự kiện và nhân vật liên quan đến cách mạng của tỉnh ở các địa phương: Tượng Bác Hồ tại Vịnh Cam Ranh - nơi Bác Hồ đã có cuộc hội kiến với Cao ủy Pháp Đô đốc Đắc-giăng-li-ơ (D’Argenlieu) để bàn việc thi hành Tạm ước 14-9; tượng đài 16/7 (Ninh Hòa)- biểu tượng nhắc nhớ về cuộc biểu tình có quy mô lớn đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ giành thắng lợi từ khi có Đảng; tượng đài 64 chiến sĩ tạo thành vòng tròn bất tử tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (Cam Lâm), tượng đài 23/10 (Nha Trang).

Xác định rõ việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhằm thực hiện mục tiêu lớn về văn hóa đã được nêu rõ trong Nghị quyết TW 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trên cơ sở đó, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 04 quyết định công nhận di tích trong 04 đợt, gồm các năm: 1995, 1997, 1998, 1999. Sau ngày Luật Di sản văn hóa ra đời, tỉnh đã tiến hành lập hồ sơ xếp hạng di tích theo quy định của Luật và hướng dẫn của Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010, Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011. Tại Quyết định 1303/QĐ-UBND ngày 13/6/2023 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến 31/12/2022 có tổng số 230 di tích, trong đó, có 09 di tích lịch sử quốc gia, 60 di tích lịch sử cấp tỉnh, 25 di tích lịch sử nằm trong danh mục di tích của tỉnh chưa được xếp hạng.

Ngày nay, di tích cách mạng ở Khánh Hòa đã và đang được chính quyền các cấp, ngành đẩy mạnh hơn trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống đến Nhân dân. Bên cạnh việc lập hồ sơ xếp hạng di tích, địa danh và giá trị di tích còn được ghi nhận vào lịch sử địa phương, tích hợp, lồng ghép vào môn học xã hội (lịch sử, công dân, địa lý...) hoặc trong hoạt động dã ngoại, tham quan, tìm hiểu, học tập ngoại khóa của học sinh và du khách gần xa, đồng thời là điểm đến trong chương trình “Về nguồn” của sinh viên và lão thành cách mạng. Nhiều di tích cách mạng là địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống và tham quan của học sinh, sinh viên và du khách như: di tích địa điểm lưu niệm Tàu C235, khu tưởng niệm Gạc Ma, căn cứ cách mạng Đồng Bò...

Đất nước ta ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, cuộc sống của người dân được nâng lên thì hoạt động tìm về cội nguồn, về quá khứ hào hùng của cha ông tại các di tích lịch sử cách mạng ngày càng được chú trọng, bởi ý nghĩa tâm linh phù hợp với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, ngoài ra thông qua những vết tích còn sót lại sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu sự hi sinh của cha ông, suy ngẫm về thời chiến tranh và từ đó làm những điều tích cực cho đất nước. Tuy nhiên, muốn phát huy giá trị di tích cách mạng, việc trước tiên là “Cần phải nâng cao toàn diện các mặt kinh tế - xã hội ở địa phương có di tích(7); Bên cạnh đó, việc sưu tầm những câu chuyện gắn với hiện vật liên quan đến di tích cộng với khả năng truyền tải thông tin truyền cảm của thuyết minh viên thì cần phát triển loại hình du lịch tích hợp, điều đó cần có sự hợp tác của các nhà: Nhà quản lý di tích, công ty lữ hành du lịch, chính quyền địa phương và cộng đồng sở tại để làm nên các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa (gắn với cộng đồng, dân tộc tại chỗ), du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm,...(8).

Tóm lại, di tích cách mạng là bằng chứng xác thực nhất phản ánh một giai đoạn chuyển đổi quan trọng của đất nước, từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ cộng hòa, dân tộc ta từ thân phận nô lệ thành người tự do, nước ta từ một nước nghèo nàn lạc hậu không có tên trên bản đồ thế giới ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế và khu vực. Ngày nay, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đang nỗ lực xây dựng nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Các di tích cách mạng ở Khánh Hòa được bảo tồn và phát huy phù hợp với truyền thống và hiện đại sẽ là bằng chứng thuyết phục nhất chuyển tải đến hậu thế về những sự kiện và con người làm nên bước chuyển đổi quan trọng của tỉnh góp phần khẳng định vị thế của Xứ Trầm hương hôm nay.

* CHÚ THÍCH VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chú thích:
(a): Di tích quốc gia Miếu Trịnh Phong (Diên Khánh) xây dựng năm 1886.
(b): Tháp Bà, miếu Sinh Trung (Nha Trang), cây Dầu Đôi (Diên Khánh)....[Nguồn: UBND tỉnh Khánh Hòa (2003), Sđd, tr.145].
(c): Ngày 16/7 được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa lấy làm “Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa”.
(d): Cô giáo tiểu học Nguyễn Thị Ngọc Oanh đã rút chốt lựu đạn giết địch khi chúng xông vào phòng của mình để bảo vệ hầm bí mật che giấu chiến sĩ cách mạng; cô thôn nữ Nguyễn Thị Trừ ném lựu đạn vào bọn địch đi cướp bóc giữa chợ, bị bắt, bị tra tấn vẫn dong mình trên đường thị trấn Ninh Hòa kêu gọi đồng bào đấu tranh chống giặc; chị Trần Thị Tính khi bị địch phục kích đã bắn đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ cán bộ và đồng đội.
(e): Thờ 3 ông: Trần Qúy Cáp, Trịnh Phong, Nguyễn Khanh.
(ê): Cụ Nguyễn Khanh thờ chung trong đền Trần Qúy Cáp.
(f): Nhà tưởng niệm Bác Hồ Khu tưởng niệm Bác Hồ của gia đình cụ Bùi Xuân Phước (Phước Đồng, Nha Trang) có diện tích khoảng 2000m2, gồm các công trình: đền thờ Bác Hồ, phòng đọc Hồ Chí Minh, tượng đài chiến sĩ công binh Khu 5, hồ sen, các công trình gia tộc… với hơn 100 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về Bác do cụ Phước sưu tầm, phục chế từ hiện vật gốc và được các cơ quan, tổ chức trong cả nước trao tặng [https://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201606/dua-khu-tuong-niem-bac-ho-thanh-dia-diem-giao-duc-truyen-thong-2438076/].
- Tài liệu tham khảo:
(1), (2), (4): UBND tỉnh Khánh Hòa (2003), Địa chí Khánh Hòa, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.144, 158,161.
(3): Ban chấp hành Đảng bộ huyện Vạn Ninh (2008), Lịch sử Đảng bộ đảng Cộng sản Việt Nam huyện Vạn Ninh (1930-1975), Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vạn Ninh, tr.43.
(5): https://www.nguoiduatin.vn/lo-cot-phap-o-ha-noi-a423908.html
>(6): Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,tr. 15.
(7): Trần Kháng, Đặc điểm của di tích lịch sử - Cách mạng Việt Nam (Giai đoạn cận hiện đại), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Số 24, 1996, tr.66.
(8): Lâm Nhân (2017), Di tích cách mạng kháng chiến ở Việt Nam trong phát triển du lịch, Nxb. ĐHQG TP.HCM, tr.177.

Trần Thị Thanh Loan

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH LÀNG KHÁNH HÒA – NHỮNG GỢI MỞ ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Trong những năm gần đây, du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững cần có sự tương tác giữa di sản với các yếu tố đặc sắc khác của địa phương cũng như kết nối các di sản vùng ngoại vi và các vùng trung tâm du lịch lớn. Đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhất là ngành có liên quan nhiều đến hoạt động du lịch như bảo tàng, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử. Để thực hiện nhiệm vụ đó, trước hết phải có nhận thức đúng và đầy đủ về vị trí, vai trò của ngành đối với hoạt động du lịch của địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.
TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU VÀ NỮ THẦN TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA BIỂN Ở VÙNG VEN BIỂN NHA TRANG - KHÁNH HÒA
Môi trường tự nhiên và xã hội đã tạo nên phương thức sống, lối ứng xử và hình thành nên môi trường văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Với địa hình chiếm ưu thế nổi trội về biển đảo, Nha Trang được ví như “chiếc boong tàu của Tổ quốc”, biển đảo đã chi phối mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân ven biển. Tín ngưỡng thờ Mẫu và nữ thần không những tích hợp các giá trị tín ngưỡng tâm linh, chiều sâu tâm thức mà còn ẩn chứa các giá trị văn hóa, ứng xử, cách thích nghi của con người với môi trường sinh thái biển.
TỤC THỜ CÁ ÔNG CỦA CƯ DÂN KHÁNH HÒA
Tục thờ cá Ông là dạng tín ngưỡng đặc sắc trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân biển đảo từ miền Trung trở vào miền Nam Việt Nam. Người dân vùng biển, nhất là ngư dân luôn kính trọng và biết ơn sinh vật này vì đã giúp đỡ họ ra khơi thuận buồm xuôi gió và đánh bắt được nhiều cá tôm. Trong tâm thức của cư dân miền biển, cá Ông đại diện cho lòng hướng thiện của nhà Phật, chuyên cứu nguy và phù hộ độ trì cho những người có công cuộc mưu sinh gắn liền với biển. Sự tôn kính và quý trọng đó đều có quá trình, ban đầu chỉ là biểu hiện của lòng tốt, sau đó như một vật linh, vị thần hộ mạng. Ngư dân kính trọng cá Ông được thể hiện trước hết qua danh xưng, sau đó là hệ thống cơ sở thờ tự phổ biến với nội hàm phong phú gồm kiến trúc, lễ hội và các nghi thức, nghi lễ chặt chẽ
ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG, NGHỆ THUẬT CỦA HÒ BÁ TRẠO Ở KHÁNH HÒA
Là một trò diễn dân gian vùng Nam Trung bộ nên Hò Bá trạo (1) ở Khánh Hòa cũng hội đủ những đặc điểm của loại hình sân khấu dân gian với các hình thức diễn xướng tổng hợp như: múa, hát, nói…Hò Bá trạo ở Khánh Hòa có độ dài dao động từ 45 đến 60 phút và có nội dung, cấu trúc hết sức chặt chẽ.
Giản giới tục thờ Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa
Trong tín ngưỡng thờ nữ thần, mẫu thần ở Việt Nam nói chung thì Ngũ Hành thần nữ mà dân gian thường gọi là mẹ Ngũ hành hay bà Ngũ hành được thờ tự phổ biến ở các làng xã đặc biệt là tại các tỉnh ở Nam Trung bộ và Nam bộ. Đối với vùng đất Khánh Hòa, tục thờ này vẫn đang được bảo lưu và thực hành rộng rãi. Vậy tục thờ Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa biểu hiện cụ thể ra sao? Các triều đại quy định điển lễ và ban tặng sắc phong đối với Ngũ Hành thần nữ như thế nào?... đó là những vấn đề cần tìm hiểu mà bài viết này mong muốn đề cập ngõ hầu góp phần nhỏ vào công tác nghiên cứu tục thờ nữ thần nói riêng và tín ngưỡng thờ mẫu nói chung.
TÍN NGƯỠNG THỜ THIÊN Y A NA Ở KHÁNH HÒA
Khi vào định cư ở vùng đất mới, người Việt đã mang theo tôn giáo, tín ngưỡng của mình: Phật giáo, Thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ Mẫu… và trong quá trình cộng cư, hoà cư đó người Việt đã nhanh chóng tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hoá người Chăm, trên cơ sở đó “sáng tạo” nên những truyền thuyết để “Việt hoá” tín ngưỡng thờ Bà Mẹ Xứ Sở của người Chăm Po Inư nagar thành Thánh Mẫu Thiên Y A Na bằng những truyền thuyết hết sức dung dị và dân gian.