Di tích tọa lạc tại thôn An Định, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (xưa thuộc An Định xã, tổng Thượng, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh).
Qua nghiên cứu các tư liệu lịch sử, đình An Định được khởi dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, để thờ Tần Vương Đại Càn Thái Tử, Sơn Lâm Chúa tướng, Tiền hiền, Hậu hiền… Từ khi xây dựng, Đình đã trải qua nhiều lần tu bổ, ban đầu được làm bằng tre, nứa, mái lá ở khu đất gần thôn Đảnh Thạnh, xã Diên Lộc. Sau đó, vì dịch bệnh dân làng dời về khu đất tục danh gọi là đất Hộ, hay đất Cây Dầu, cách đình hiện nay khoảng 1km về hướng Đông. Năm 1947, giặc Pháp tấn công vào làng, đập phá đình. Năm 1964, các vị hào lão thống nhất dời Đình về vị trí hiện nay. Năm 2009, tu bổ miếu Tiền Hiền. Năm 2014, đại tu bổ di tích.
Nhà Tiền tế đình An Định
Đình An Định tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, khuôn viên rộng 1.196m2, di tích quay hướng bắc, có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, Án phong, Sân đình, Tiền tế và Chính điện, miếu Tiền hiền, miếu Sơn lâm, nhà Tây. Các công trình ở đây được bố trí hài hòa, với lối kiến trúc và hoa văn trang trí mang nét đặc trưng tiêu biểu của đình làng Khánh Hòa.
Hiện nay, đình An Định còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị chứa đựng nội dung lớn về lịch sử, văn hóa qua các thời kỳ: tư liệu Hán Nôm, chiêng, trống, thanh la,lễ phục... Đặc biệt là ba sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng phong cho Tần Vương Đại Càn Thái Tử, theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa thì loại hình sắc phong này hiếm ở Khánh Hòa (hiện có hai sắc phong tại đền thờ Thái Tử, thôn Bình Khánh, xã Diên Hòa).
Tần Vương Đại Càn Thái Tử được thờ trong đình, theo truyền thuyết kể lại như sau:
Thái Tử là con vua Bà Tranh (Chăm Pa xưa), không rõ tên. Năm 1692, Bà Tranh sai Thái Tử từ Phan Rang ra lập thủ phủ tại Đồng Sậy (khu vực xã Diên Tân), khi Thái Tử đem quân chống cự với quân của Chúa Nguyễn do tướng Nguyễn Hữu Cảnh thống lĩnh chiếm phủ Diên Ninh, thì Thái Tử thất trận cố chạy về cố thủ tại thủ phủ Đồng Sậy, khi chạy qua gò Âm Phủ, Thái Tử tuẫn tiết tại cửa Truông Xuân Đài.
Tương truyền khi Thái Tử tuẫn tiết, một giọt máu văng ra chỗ hòn đá, từ đó mọc lên một tượng đá không đầu rất linh thiêng. Dân làng ở đây thấy thế nên thờ phụng tượng đá thiêng (đền thờ Thái Tử, thôn Bình Khánh, xã Diên Hòa).
Hàng năm, vào ngày 16 và 17 tháng Hai (Âm lịch) nhân dân trong làng tổ chức lễ hội cúng Xuân mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương.
Đình An Định là một trong những di tích ở vùng đất Diên Khánh được khởi dựng khoảng đầu thế kỷ XIX để thờ Tần Vương Đại Càn Thái Tử (theo truyền thuyết đây là chồng của Thiên Y Thánh Mẫu). Di tích tồn tại cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Diên Khánh. Ngôi Đình là một minh chứng lịch sử ghi dấu một thời khai phá đất đai của các bậc tiền nhân, trong đó hội tụ hầu như đầy đủ những giá trị mà cha, ông ta đã sáng tạo ra và lưu truyền lại.
Với những giá trị về văn hóa trên, di tích đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1059/QĐ/CT.UBND, ngày 20/4/2018 xếp hạng là di tích cấp tỉnh.
Nguyễn Chí Khải
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: