Hotline: (0258) 3813 758

ĐỀN THỜ THÁI TỬ

30/09/2019 00:00        
Đọc tin

Đền thờ Thái Tử còn có tên gọi Dinh Ông, hay Dinh Thái Tử, tọa lạc tại thôn Bình Khánh, xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Theo truyền thuyết, có nhiều ý kiến khác nhau: nơi đây thờ Thái tử là chồng Bà Thiên Y Thánh Mẫu; có ý kiến nơi đây thờ Thái tử con vua Bà Tranh (vua của vương quốc Chăm Pa cũ) ra đây lập phủ và tử trận.

Chính điện đền thờ Thái Tử

 

Đền thờ Thái Tử hiện nay còn lưu giữ 02 đạo sắc phong do Vua Khải Định phong tặng, lệnh cho việc thờ phụng Tần Vương Đại Càn Thái Tử. Việc thờ Tần Vương Đại Càn Thái Tử còn được thờ Tại Đình An Định (xã Diên Phước, huyện Diên Khánh) và dân làng ở đây coi Tần Vương Đại Càn Thái Tử là Thành Hoàng làng. Như vậy, việc thờ Tần Vương Đại Càn Thái Tử không chỉ có ở Đền mà đình làng An Định cũng thờ cúng.

Đền tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, thoai thoải, có không gian rộng lớn. Khi mới kiến tạo, Đền thờ Thái Tử là một tiểu đình, mái ngói, cột sàn tứ diện thông phong đứng che một tảng đá trên một đống đá tự nhiên. Xung quanh gồm có từ khí, từ vật là một bàn cờ bằng đá có đủ bộ, con cờ cũng bằng đá, một đôi hài bằng đá và một bộ cối chày đá và nơi đây được truyền tụng là rất linh thiêng.

Trải qua cùng bao thăng trầm lịch sử, thời kỳ năm 1945 Đền thờ Thái Tử bị giặc Pháp đốt phá. Nhưng sau đó nhân dân trong làng và khách thập phương góp công, của xây dựng lại. Năm 1994, dân làng đại tu bổ.

Đền thờ Thái Tử tọa lạc dưới chân đồi Hòn Ngang cuối Đồng Lớn, Đền quay về hướng tây nam. Di tích gồm Nghi môn, Tiền tế, Chánh điện, Miếu Tiền hiền, Miếu Sơn lâm, nhà phối.

Mặt cắt hồi phải đền thờ Thái Tử

 

Công trình kiến trúc “vách hở” tương đối đặc biệt so với hệ thống kiến trúc di tích trên vùng đất Khánh Hòa thường kín và thể hiện tính thâm u. Tượng thờ mang tính sơ khai nguyên thủy (tảng đá tự nhiên).

Hoa văn trang trí tại bờ nóc, bờ dải và các hệ thống linh vật của di tích mang phong cách tín ngưỡng dân gian của người Việt như: lưỡng long chầu nguyệt, long, lân, quy, phụng, tùng, cúc, trúc, mai, ngựa…

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), nơi đây là trụ sở lưu động của Uỷ Ban kháng chiến xã Khánh Hưng (bao gồm các xã: Diên Lạc, Diên Lộc, Diên Thọ, Diên Phước, Diên Lâm, Diên Bình, Diên Hòa ngày nay).

Trong thời kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi trung chuyển lương thực tiếp tế cho cách mạng.

Lễ hội ở di tích diễn ra chính thức trong hai ngày 23 và 24 tháng 2 Âm lịch. Lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên, các hoạt động văn hóa trong lễ hội diễn ra rất phong phú và đa dạng, gồm cả phần lễ và phần hội, trong lễ hội có cả tộc người Chăm và người Việt cùng tham dự.

Truyền thuyết về nhân vật được thờ trong đền:
- Truyền thuyết thứ nhất, (theo nội dung bia của Phan Thanh Giản dựng năm 1856 tại di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang).
- Truyền thuyết thứ hai, theo các hào lão của làng kể lại: Thái Tử là con vua Bà Tranh (Chăm Pa xưa), dân làng không còn nhớ rõ tên. Năm 1692, Bà Tranh sai Thái Tử từ Phan Rang ra lập thủ phủ tại Đồng Sậy (khu vực xã Diên Tân), khi Thái Tử đem quân chống cự với quân của Chúa Nguyễn do tướng Nguyễn Hữu Cảnh thống lĩnh chiếm phủ Diên Ninh, thì Thái Tử thất trận cố chạy về cố thủ tại thủ phủ Đồng Sậy, khi chạy qua gò Âm Phủ, Thái Tử tuẫn tiết tại cửa Truông Xuân Đài. Tương truyền khi Thái Tử tuẫn tiết, một giọt máu văng ra chỗ đá dựng Đền lúc bấy giờ. Từ đó mọc lên 01 tượng đá không đầu rất linh thiêng. Dân làng ở đây thấy thế nên thờ phụng tượng đá.

Với giá trị tiêu biểu như trên, ngày 30/12/2010 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 3425/QĐ-UBND xếp hạng đền thờ Thái Tử là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                                                                                                            Hoàng Quý

 

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                     

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH XƯƠNG HUÂN
Đình Xương Huân được xây dựng trong khuôn viên khép kín, có tổng diện tích là 16.749 m2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Đình gồm các hạng mục công trình như sau: Nghi môn, Võ ca, Tiền tế, Chính điện, miếu Thiên Y A Na, Hội trường, nhà bia Liệt sỹ của phường.
LĂNG ÔNG- ĐỀN BÀ CAM XUÂN
Lăng Ông - miếu Bà ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX. Nghề nghiệp chủ yếu của dân làng là đánh bắt thuỷ hải sản nên khi xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo, vị thần họ tôn thờ cũng gắn liền với nghề nghiệp của họ là thần Nam Hải. Làng nào vừa làm nông nghiệp vừa làm ngư nghiệp thường có thêm một vị thần nữa, nên làng Thạch An ngoài vị thần Nam Hải còn thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na,
ĐÌNH DIÊN TOÀN
Đình Diên Toàn thuộc xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Trước đây, đình được gọi theo tên làng là đình Phước Trạch. Sau này, xã Diên Toàn chỉ còn duy nhất đình Phước Trạch tồn tại đến ngày nay và năm 1993, đình bị xuống cấp nên nhân dân trong xã đóng góp trùng tu đình và UBND xã Diên Toàn thể theo nguyện vọng nhân dân đổi tên đình Phước Trạch thành đình Diên Toàn, với ý nghĩa đình của chung xã Diên Toàn.
ĐÌNH VÕ KIỆN
Đình làng Võ Kiện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cũng là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử. Ngôi đình là nơi hội họp của nhân dân, tổ chức huấn luyện lực lượng phòng vệ, nơi diễn ra các cuộc mít tinh của mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở làng xã, huyện lỵ.
ĐÌNH AN ĐỊNH
Di tích tọa lạc tại thôn An Định, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (xưa thuộc An Định xã, tổng Thượng, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh).
MIẾU QUAN THÁNH HẢI NAM
Miếu Quan Thánh Hải Nam tọa lạc tại số 78 đường Trần Qúy Cáp thuộc tổ dân phố 2, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Người Hoa có nguồn gốc ở các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam di cư đến các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ của Việt Nam để sinh sống và trở thành một tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã hơn 300 năm.
CHÙA THIÊN BỬU
Chùa tọa lạc tại thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa còn có một số tên gọi khác như: chùa Kỳ Lân, chùa Điềm Tịnh, chùa Thiên Bửu Thượng, Tổ đình Thiên Bửu. Sở dĩ có tên Thiên Bửu Thượng, Thiên Bửu Hạ vì chùa Thiên Bửu ở làng Điềm Tịnh được khai sơn trước nên người dân gọi là Thiên Bửu Thượng, ngôi chùa Thiên Bửu Hạ ở xã Ninh Bình.
ĐÌNH CƯ THẠNH
Đình Cư Thạnh tọa lạc tại thôn Cư Thạnh, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đình Cư Thạnh được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, để thờ Bản Cảnh Thành Hoàng, Phấn Nhĩ Qủy Vương, Thiên Y A Na, Tiền hiền, Sơn Lâm chúa tướng, âm hồn.
TRƯỜNG PHỦ DIÊN KHÁNH
Trường Phủ Diên Khánh tọa lạc tại thôn Phú Ân Nam 1, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Trường Phủ là cơ sở giáo dục của phủ Diên Khánh, đã trải qua nhiều thế hệ thầy cô giáo và học sinh. Lúc bấy giờ có thầy giáo Hoàng Văn Hai là đảng viên đã tuyên truyền, vận động một số trợ giáo tham gia vào Mặt trận Việt Minh.