Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH DIÊN TOÀN

08/10/2019 00:00        
Đọc tin

Đình Diên Toàn thuộc xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Trước đây, đình được gọi theo tên làng là đình Phước Trạch. Sau này, xã Diên Toàn chỉ còn duy nhất đình Phước Trạch tồn tại đến ngày nay và năm 1993, đình bị xuống cấp nên nhân dân trong xã đóng góp trùng tu đình và UBND xã Diên Toàn thể theo nguyện vọng nhân dân đổi tên đình Phước Trạch thành đình Diên Toàn, với ý nghĩa đình của chung xã Diên Toàn.

Theo khế ước đất đai bằng chữ Hán Nôm của dòng họ Võ hiện ông Võ Nhân (ở thôn Phước Trạch, xã Diên Toàn) còn lưu giữ thì dưới thời Tây Sơn năm Thái Đức thứ 13 (1799) lúc đó Diên Toàn là xã Phú Thọ, tổng Trung, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh và văn bản này có ghi nội dung: danh khiển xã tức Võ Văn Hớn có một thửa ruộng năm sào ở xứ Ao Xanh đông cận đập Gò Đình... Như vậy, cuối thế kỷ XVIII đình đã có rồi và tên đình theo tên xã là Phú Thọ.

Khi Gia Long lên ngôi lập nên nhà Nguyễn đã ra chỉ dụ bỏ tất cả những gì của nhà Tây Sơn để lại, kể cả tên làng cũng thay đổi. Căn cứ vào châu bộ năm Gia Long thứ 10 (1811), Diên Toàn lúc đó là Phước Thọ xã.

Đến đời vua Tự Đức năm thứ 5 (1852), đình thuộc xã Phước Trạch, huyện Vĩnh Xương; đến đời Khải Định năm thứ chín (1924) vẫn thuộc xã Phước Trạch, tổng Trung Cát, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa.

Theo lời kể của các cụ hào lão: năm Tự Đức thứ 34 (1881) một trận lũ lụt đã làm trôi đổ đình và mất một số từ khí nên dân làng dời đình về đồng Bồ Đề. Theo tư liệu Hán Nôm hiện gia đình ông Võ Nhân còn lưu giữ có liên quan đến đất đình: ông Lý trưởng Nguyễn Văn Lợi có con rể là Võ Văn Khánh và đã cho vợ chồng con gái, con rể một ít đất đai để làm ăn, sinh sống. Năm Duy Tân thứ 7 (1913) ông Võ Văn Khánh đã phụng cúng một sào về hướng Bắc cho làng. Đến năm Khải Định thứ 3 (1918) hào lý trong làng đã làm tờ trình xin phê diện tích đất đó làm công thổ của đình. Từ đó, đình được dời về đây và không thay đổi vị trí cho đến nay, thuộc thôn Phước Trạch, xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Đến nay, đình được trùng tu và di dời vào các năm:
- Năm 1881, đình bị lũ lụt cuốn trôi nên dời từ Gò Đình về đồng Bồ Đề;
- Năm 1918, dời đình từ đồng Bồ Đề về vị trí hiện nay;
- Năm 1935, trùng tu đình: xây thêm bái đường, Miếu Thiên Y và miếu Tiền hiền, quét vôi.
- Năm 1954, trùng tu nhỏ;
- Năm 1966, tu bổ lợp ngói, quét vôi, làm sân, xây án phong.
- Năm 1992 – 1993: đại trùng tu đình: cột đỡ cổ lầu thay cột gỗ bằng bê tông, thay ngói, xây tam quan, cột cờ, án phong, lát gạch nền.

Đình Diên Toàn được xây dựng trong khuôn viên rộng  3.835 m2, để thờ Thành Hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền, Thiên Y A Na, Tiền bối, Hậu bối, liệt sỹ, âm hồn. Dân làng Phước Trạch tôn phụng Tiền hiền của làng là ông Võ Văn Thái.

 

Di tích có các công trình kiến trúc sau: Nghi môn, Án phong,  Đại đình, miếu Tiền hiền và miếu Thiên Y, nhà Đông, miếu Thanh minh.

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tại đình làng Phước Trạch là địa điểm hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng ở địa phương.

Ngày nay, đình Diên Toàn còn gìn giữ được 08 sắc phong do các đời vua Tự Đức, Duy Tân, Đồng Khánh, Khải Định triều Nguyễn ban tặng, bao gồm:
- Sắc phong đời vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
- Sắc phong đời vua Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
- Sắc phong đời vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
- Sắc phong đời vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
- Bốn sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Bản cảnh Thành Hoàng và Thiên Y A Na Diễn ngọc phi.

Theo truyền thống hàng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 16/2 âm lịch đến 18/2 Âm lịch và cứ ba năm tổ chức hát bội một lần; trong đó, có múa dâng bông và các trò chơi dân gian như: thả bắt vịt dưới nước, kéo co, nhảy bao bố, đập bao bong bóng, thi nấu ăn của các chi hội phụ nữ thôn.

Ngày 11/11/2009, đình Diên Toàn được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                                                                             Nguyễn Thị Hồng Tâm

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH VÕ CẠNH
Đình tọa lạc tại thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang. Qua khảo cứu và thông qua lời kể nhân chứng của các bô lão trong làng thì đình Võ Cạnh không rõ xây dựng từ năm nào. Nhưng thông qua dòng lạc khoản ghi trên quá giang của đình, thì đình được di dời và khởi dựng lại ở vị trí hiện nay vào năm Ất Hợi (năm 1815); trên nghi môn của đình ghi “di lập Ất Hợi – 1815”.
ĐÌNH XƯƠNG HUÂN
Đình Xương Huân được xây dựng trong khuôn viên khép kín, có tổng diện tích là 16.749 m2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Đình gồm các hạng mục công trình như sau: Nghi môn, Võ ca, Tiền tế, Chính điện, miếu Thiên Y A Na, Hội trường, nhà bia Liệt sỹ của phường.
ĐÌNH - LĂNG TRƯỜNG TÂY
Đình – lăng Trường Tây có đặc điểm riêng không giống như nhiều di tích khác, đó là có hai cổng, thể hiện đặc thù của di tích: cổng Tây là nghi môn của đình và cổng Đông là nghi môn của lăng. Tuy nhiên, Tiền tế và Chính điện được quay hướng Đông, hướng chính của lăng Ông. Đình – lăng được xây dựng .....
ĐÌNH PHƯƠNG SÀI
Đình Phương Sài được xây dựng từ năm nào không ai rõ, nhưng theo các cụ bô lão kể lại khi xây dựng đình chỉ là mái tranh, dựng bằng cột gỗ tròn và quay về hướng Đông Bắc, lấy sông Sài (sông Củi) làm “tiền thủy” và núi Trại Thủy làm “hậu sơn” theo quy luật phong thủy của người xưa.
LĂNG ÔNG- ĐỀN BÀ CAM XUÂN
Lăng Ông - miếu Bà ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX. Nghề nghiệp chủ yếu của dân làng là đánh bắt thuỷ hải sản nên khi xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo, vị thần họ tôn thờ cũng gắn liền với nghề nghiệp của họ là thần Nam Hải. Làng nào vừa làm nông nghiệp vừa làm ngư nghiệp thường có thêm một vị thần nữa, nên làng Thạch An ngoài vị thần Nam Hải còn thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na,
ĐỀN THỜ THÁI TỬ
Đền thờ Thái Tử là một tiểu đình, mái ngói, cột sàn tứ diện thông phong đứng che một tảng đá trên một đống đá tự nhiên. Xung quanh gồm có từ khí, từ vật là một bàn cờ bằng đá có đủ bộ, con cờ cũng bằng đá, một đôi hài bằng đá và một bộ cối chày đá và nơi đây được truyền tụng là rất linh thiêng.
ĐÌNH VÕ KIỆN
Đình làng Võ Kiện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cũng là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử. Ngôi đình là nơi hội họp của nhân dân, tổ chức huấn luyện lực lượng phòng vệ, nơi diễn ra các cuộc mít tinh của mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở làng xã, huyện lỵ.
ĐÌNH AN ĐỊNH
Di tích tọa lạc tại thôn An Định, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (xưa thuộc An Định xã, tổng Thượng, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh).
MIẾU QUAN THÁNH HẢI NAM
Miếu Quan Thánh Hải Nam tọa lạc tại số 78 đường Trần Qúy Cáp thuộc tổ dân phố 2, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Người Hoa có nguồn gốc ở các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam di cư đến các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ của Việt Nam để sinh sống và trở thành một tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã hơn 300 năm.