Đình – lăng Trường Tây có địa chỉ số 73, đường Trần Phú, thuộc tổ dân phố Tây Hải, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Từ đầu đường Trần Phú đi về cuối đường, đến Cầu Đá (Chụt), gần dốc Biệt thự Cầu Đá, nhìn về bên trái là thấy đình – lăng Trường Tây. Có thể đi đến di tích bằng các phương tiện giao thông đường bộ và đường biển.
Hò bá trạo
Đình làng Trường Tây không giống như những đình làng nông nghiệp khác ở Nha Trang, do người dân trong làng chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nên ngoài việc thờ Thành hoàng họ còn thờ Ông Nam Hải. Vị trí đình - lăng hiện nay vốn là lăng Ông, còn đình Trường Tây ngày ấy nằm cạnh mỏm núi Chụt, góc đường đi về Cửa Bé[1]. Năm 1943, quân đội Nhật trong quá trình xây dựng sân bay Nha Trang đã bắn mìn lấy đá ở hòn Chụt (còn gọi núi Cảnh Long). Sự rung chuyển của đất đá đã làm cho đình Trường Tây vốn xuống cấp đã có nguy cơ sụp đổ. Trước tình hình như vậy, các cụ bô lão trong làng bàn bạc theo hai hướng, một là dời đình về bầu ông Hàn[2], hai là dời về lăng Ông và họ quyết định dời đình về lăng Ông để thuận tiện trong việc thờ cúng. Năm 1958, đình – lăng Trường Tây được xây dựng lại, nằm trong một khuôn viên và không gian thờ tự.
Đình – lăng Trường Tây có đặc điểm riêng không giống như nhiều di tích khác, đó là có hai cổng, thể hiện đặc thù của di tích: cổng Tây là nghi môn của đình và cổng Đông là nghi môn của lăng. Tuy nhiên, Tiền tế và Chính điện được quay hướng Đông, hướng chính của lăng Ông. Đình – lăng được xây dựng trong khuôn viên rộng 602,10 m2, lợp ngói tây, hệ mái có cổ lầu, kết hợp cùng những hoa văn hình rồng, phượng đắp nổi tạo nên những đường nét cổ kính cho di tích.
Từ năm 1958 đến nay đình đã trải qua một số lần trùng tu, tôn tạo:
- Năm 1997, do mở rộng đường Trần Phú, đình – lăng đã bị mất một phần đất nên phải lùi cổng phía Tây vào và xây mới nghi môn, dời nhà Tiền hiền ra vị trí hiện nay.
- Năm 2003, xây lại Võ ca.
- Năm 2006, xây miếu Âm hồn, lập bàn thờ Tả ban và Hữu ban trong nhà Tiền hiền và lợp lại ngói ở Đại đình.
Từ hướng Đông nhìn vào di tích có các hạng mục công trình sau: Nghi môn và tường bao, Án phong, Võ ca, Đại đình (lăng), Tiền hiền, Miếu Âm hồn, Nhà Đông, Nhà Tây.
Đình – lăng Trường Tây thờ Thành hoàng, Ông Nam Hải, Tiền hiền, Hậu hiền và Miếu âm hồn.
Ngày nay, đình – lăng Trường Tây còn giữ được các hoành phi, câu đối, lư hương, các di vật, cổ vật và chín sắc phong do các vua triều Nguyễn ban cho đình và lăng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình – lăng Trường Tây cũng như nhiều đình làng khác ở thành phố Nha Trang là nơi nuôi dấu cán bộ cách mạng, địa điểm liên lạc, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Khu vực xung quanh đình – lăng ngày đó dân cư thưa thớt, chỗ đình – lăng gần như hoang vắng, ít người qua lại. Mặt khác, đây là địa điểm thuận lợi trong việc đi lại giữa đất liền và biển đảo, nên đình – lăng trở thành địa điểm liên lạc bí mật của các chiến sỹ cách mạng và là nơi cất dấu vũ khí, tài liệu.
Nghi môn đình - lăng Trường Tây
Theo truyền thống của người dân sống ven biển làm nghề đánh bắt hải sản, mỗi khi Ông “lụy” dạt vào bờ, họ đem chôn cất theo theo nghi thức riêng rất trang trọng. Sau hai năm họ cải táng và xây lăng thờ Ông. Trường Tây có nhiều lần Ông “lụy”, nhưng chỉ tổ chức giỗ “kỵ” hai lần chính. Trên ban thờ Ông có bộ xương Ông rất lớn, nhưng chỉ có phần thân của Ông (khúc giữa). Theo lời kể của các cụ hào lão, ông “lụy” dạt về ba nơi, khúc đầu ở Phan Rang, khúc giữa ở lăng Trường Tây và khúc đuôi ở lăng Cù Lao (đình – lăng Cù Lao, phường Vĩnh Thọ, tp. Nha Trang).
Hàng năm, đình – lăng Trường Tây tổ chức hai lễ cúng vào mùa Xuân và mùa Thu, như người ta vẫn quen gọi là “Xuân Thu nhị kỳ”. Ngày giỗ “kỵ” ông Nam Hải vào 25 tháng Giêng hàng năm nên Ban quản lý di tích kết hợp cúng Xuân cầu “Quốc thái dân an”, cầu cho ngư dân đi biển được thuận buồm xuôi gió và vụ mùa bội thu. Đình – lăng Trường Tây tổ chức lễ hội lớn nhất vào mùa Thu, hai ngày 16 và 17/ 7 Âm lịch hàng năm. Đây là ngày giỗ “kỵ” Ông Nam Hải và lễ Tế Thần Ân.
Ghi nhận những giá trị lịch sử – văn hóa tiêu biểu của đình – lăng Trường Tây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định số 1519/QĐ-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2007 công nhận đình – lăng Trường Tây là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Thị Hồng Tâm
[1] nay là khu vực đơn vị xăng dầu H180 – Bộ Quốc phòng .
[2] nay là địa điểm chi nhánh Công ty xăng dầu Khánh Hòa.
Xem ảnh di tích 3D tại đây: khanhhoa360.vn/vi/Tourism/Places/Page2
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: