Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH - LĂNG CÙ LAO

03/11/2020 00:00        
Đọc tin

Đình – Lăng Cù Lao tọa lạc trên đường Tháp Bà, thuộc Tổ dân phố Hải Phước, phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Theo các cụ hào lão kể lại: trước kia làng có tên là Cù Huân, nằm dọc hai bên bờ sông Cái – Nha Trang. Làng ngày một mở rộng và đông dân cư nên chia Cù Huân thành hai làng là Xương Huân bên kia sông và Cù Huân bên này sông. Sau này, làng Cù Huân lại được đổi thành làng Cù Lao xóm Bóng. Trước năm 1975, Cù Lao là một trong ba thôn của xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa; năm 1976, thuộc phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Đình – lăng Cù Lao thờ Thành Hoàng làng, Ông Nam Hải, Tiền hiền, Hậu hiền, Anh hùng liệt sỹ và Ngũ hành thần nữ.
Đình Cù Lao được xây dựng cách đây hơn 200 năm tại khu Ba Rừng (nay thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang). Đình do ông Lương Văn Tình (là hậu duệ của trạng nguyên Lương Thế Vinh) cùng nhân dân địa phương xây dựng. Sau đó, ngôi đình bị cháy. Và năm 1822 đình được xây dựng lại tại vị trí hiện nay.
Đình – lăng Cù Lao quay hướng Nam, được xây dựng trong khuôn viên rộng 1.222,8 m2 . Đình đã được tu bổ, tôn tạo vào năm 2002, kiến trúc vẫn giữ lại những nét truyền thống của mái đình truyền thống ở Khánh Hòa: đình có cổ lầu, kết cấu bộ khung gỗ, có vì kèo, một số đầu dư, cột đình được chạm trổ hoa văn tứ linh “Long, Lân, Quy, Phượng”…
Từ ngoài nhìn vào di tích có các hạng mục công trình chính: Nghi môn; Án phong; Đại Đình; miếu Tiền hiền; chùa  Oai Linh; Lăng Nam Hải; miếu Ngũ hành.

Nghi môn- Đình Cù Lao

 

Ngày nay, đình – lăng Cù Lao còn gìn giữ được các hoành phi, câu đối, lư hương và 03 sắc phong do các đời vua Duy Tân, Khải Định triều Nguyễn ban, bao gồm:
- Duy Tân năm thứ năm (1911) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
- Khải Định năm thứ hai (1917) phong cho Đông Nam sát hải nhị đại tướng quân.
- Khải Định năm thứ chín (1924) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
Theo truyền thống hàng năm, cứ hai năm dân làng Cù Lao lại tổ chức mở hội một lần và luân phiên tại đình và lăng. Thời gian mở hội kéo dài trong bốn ngày từ 15 đến 18 tháng 6 hoặc tháng 8 âm lịch. Nếu năm nào tổ chức ở lăng Nam Hải thì lễ hội diễn ra vào tháng 6 âm lịch, còn lễ hội tổ chức ở đình thì diễn ra vào tháng 8 âm lịch.
Một số nghi lễ diễn ra trong lễ hội: Rước sắc, nghinh Ông, tế Thần, tế Tiền hiền và anh hùng liệt sỹ, Khai diên - Thứ lễ - Tôn vương, hồi sắc.
Ngoài ra, hàng năm đình – lăng tổ chức Lễ cúng giỗ các ngày:
- Ngày 01/01 âm lịch: khai lễ đầu năm
- Ngày 15/01 âm lịch: Tụng kinh cầu Quốc thái dân an
- Tháng 03 âm lịch: cúng Thanh minh
- Ngày 09/10 âm lịch: cúng giỗ Tiền hiền
- Ngày 24/12 âm lịch: cúng Giáp ấm.
Đến nay, Đình – Lăng được trùng tu ít nhất sáu lần:
- Lần thứ nhất: năm 1924. Đình được xây bằng đá vôi, tường xây bằng đất sét pha cát và nhựa cây bời lời. Mái lợp ngói âm dương.
- Lần thứ hai: không rõ năm nào. Tường xây bằng gạch, nền tráng xi măng. Các cột, vì kèo… làm bằng gỗ.
- Lần thứ ba: năm 1998 xây nghi môn và tường bao. Do mở rộng đường Tháp Bà nên đất đình – lăng bị cắt một phần và phải lùi nghi môn và tường bao phía trước vào.
- Lần thứ tư: tháng 5 năm 2002 (tức tháng Tư năm Nhâm Ngọ) tu bổ, tôn tạo đình.
- Lần thứ năm: năm 2006, tu bổ, tôn tạo Miếu Tiền hiền và Chùa Oai Linh.
- Lần thứ sáu: năm 2011, tu bổ, tôn tạo lăng Ông Nam Hải.

Lăng Ông Nam Hải 

Ngày 10/10/2008, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích đình – lăng Cù Lao là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại quyết định 2510/QĐ-UBND.

Nguyễn Thị Hồng Tâm

Xem ảnh di tích 3D tại đây //khanhhoa360.vn/vi/Tourism/Places/4/djinh-lang-cu-lao.html

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG TÔ HẠP
Tên gọi Tô Hạp ra đời đo lưu vực sông chảy qua địa bàn huyện Khánh Sơn có rất nhiều cây Tô Hạp, là loại cây có mủ dùng làm dược liệu nên người dân địa phương lấy tên loài cây đặt tên địa danh là Tô Hạp. Tô Hạp là thung lũng được bao bọc bởi các dãy núi chính như Đá Bia (YaBi) và Shoung Khong, YaBio… Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Tô Hạp được chọn là căn cứ cách mạng, là đại bản doanh tập trung nhiều cơ quan lớn của Tỉnh ủy Khánh Hòa, các lực lượng vũ trang của khu 5 và tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH - LĂNG TRƯỜNG TÂY
Đình – lăng Trường Tây có đặc điểm riêng không giống như nhiều di tích khác, đó là có hai cổng, thể hiện đặc thù của di tích: cổng Tây là nghi môn của đình và cổng Đông là nghi môn của lăng. Tuy nhiên, Tiền tế và Chính điện được quay hướng Đông, hướng chính của lăng Ông. Đình – lăng được xây dựng .....
ĐÌNH PHƯƠNG SÀI
Đình Phương Sài được xây dựng từ năm nào không ai rõ, nhưng theo các cụ bô lão kể lại khi xây dựng đình chỉ là mái tranh, dựng bằng cột gỗ tròn và quay về hướng Đông Bắc, lấy sông Sài (sông Củi) làm “tiền thủy” và núi Trại Thủy làm “hậu sơn” theo quy luật phong thủy của người xưa.
ĐÌNH XƯƠNG HUÂN
Đình Xương Huân được xây dựng trong khuôn viên khép kín, có tổng diện tích là 16.749 m2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Đình gồm các hạng mục công trình như sau: Nghi môn, Võ ca, Tiền tế, Chính điện, miếu Thiên Y A Na, Hội trường, nhà bia Liệt sỹ của phường.
ĐÌNH VÕ CẠNH
Đình tọa lạc tại thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang. Qua khảo cứu và thông qua lời kể nhân chứng của các bô lão trong làng thì đình Võ Cạnh không rõ xây dựng từ năm nào. Nhưng thông qua dòng lạc khoản ghi trên quá giang của đình, thì đình được di dời và khởi dựng lại ở vị trí hiện nay vào năm Ất Hợi (năm 1815); trên nghi môn của đình ghi “di lập Ất Hợi – 1815”.
LĂNG ÔNG- ĐỀN BÀ CAM XUÂN
Lăng Ông - miếu Bà ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX. Nghề nghiệp chủ yếu của dân làng là đánh bắt thuỷ hải sản nên khi xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo, vị thần họ tôn thờ cũng gắn liền với nghề nghiệp của họ là thần Nam Hải. Làng nào vừa làm nông nghiệp vừa làm ngư nghiệp thường có thêm một vị thần nữa, nên làng Thạch An ngoài vị thần Nam Hải còn thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na,
ĐÌNH DIÊN TOÀN
Đình Diên Toàn thuộc xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Trước đây, đình được gọi theo tên làng là đình Phước Trạch. Sau này, xã Diên Toàn chỉ còn duy nhất đình Phước Trạch tồn tại đến ngày nay và năm 1993, đình bị xuống cấp nên nhân dân trong xã đóng góp trùng tu đình và UBND xã Diên Toàn thể theo nguyện vọng nhân dân đổi tên đình Phước Trạch thành đình Diên Toàn, với ý nghĩa đình của chung xã Diên Toàn.
ĐỀN THỜ THÁI TỬ
Đền thờ Thái Tử là một tiểu đình, mái ngói, cột sàn tứ diện thông phong đứng che một tảng đá trên một đống đá tự nhiên. Xung quanh gồm có từ khí, từ vật là một bàn cờ bằng đá có đủ bộ, con cờ cũng bằng đá, một đôi hài bằng đá và một bộ cối chày đá và nơi đây được truyền tụng là rất linh thiêng.
ĐÌNH VÕ KIỆN
Đình làng Võ Kiện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cũng là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử. Ngôi đình là nơi hội họp của nhân dân, tổ chức huấn luyện lực lượng phòng vệ, nơi diễn ra các cuộc mít tinh của mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở làng xã, huyện lỵ.