Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH PHƯỚC THẠNH

02/07/2018 00:00        
Đọc tin

Theo khẩu truyền đình Phước Thạnh có từ trước khi khởi nghĩa Tây Sơn (1771 – 1795) , khoảng niên đại vào giữa thế kỷ XVIII. Ngày đó, đình được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá để thờ bà Mẹ xứ  sở -Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và thờ Bổn cảnh Thành Hoàng. Xưa kia, khu vực này thuộc thôn Dinh Thành, nay thuộc tổ 13, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1852, dân làng đóng góp công của dựng lại ngôi đình bằng gỗ, mái lợp ngói Âm dương, xây thêm gian thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền.

Năm 1973, là lần trùng tu đình gần đây nhất: lợp lại ngói mới, trùng tu lại Tiền hiền, Hậu hiền, Nghi môn, đình được xây lại bằng gạch đá theo kiểu tường hồi bít đốc.

Đình Phước Thạnh nằm trên khuôn viên tương đối bằng phẳng, ban đầu được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá để thờ Mẹ Thiên Y A Na, Bản Cảnh Thành Hoàng, Quan Thánh Đế Quân, Ngũ Hành thần nữ, phối thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Sau này, dân làng đưa Kiều Khắc Hài là cử nhân khai khoa của tỉnh vào đình thờ cúng.

Đình Phước Thạnh gồm các đơn nguyên kiến trúc: Nghi môn, Đại Đình, nhà Đông, miếu Tiền hiền.

Đình hiện tại có 13 sắc phong và 5 chiếu của các đời vua triều Nguyễn phong cho Bà Thiên Y A Na 5 sắc, phong cho Thành Hoàng 5 sắc, phong cho Quan Công 2 sắc, phong cho cụ Kiều Khắc Hài 1 sắc; Đình còn lưu giữ được 5 chiếu của vua ban cho cụ Kiều Khắc Hài và cha mẹ của cụ.

Một trong những chiếu ban cho cha mẹ của cụ Kiều Khắc Hài có nội dung như sau:

Dịch nghĩa:

Vâng theo mệnh trời, Hoàng đế viết rằng :
Trẫm từ khi lập chính, việc dùng người là do căn cứ vào công trạng mà cất nhắc nên, lại dựa vào tài năng mỗi người để định thứ vị xứng đáng. Kiều Khắc hài ngươi, vốn là người của Hàn lâm viện, đã có nhiều công lao đối với triều đình. Tài học có thể xem xét ở chỗ rộng lớn, khí chất có thể trông coi đại sự, có văn hiến lại biết nhìn xa trông rộng, sớm thích nghi với việc trị quốc. Rằng: Là quan thanh liêm, thận trọng, cần mẫn. Lại răn: Có thể gánh vác được trách nhiệm lớn lao, xứng đáng được nêu gương chốn sân đình. Nay riêng ban ân lớn cho ngươi  nhậm chức Đại phu kiến tường phủ Tri phủ, hãy thành thực dốc lòng mà nhận lấy, nay bố cáo cho khắp thiên hạ cùng biết. Để sự chuộng đức của ngươi, như gió xuân lay động tới khắp cả những miền xa xôi, còn tiếng thơm thì có thể lan  tới cả song cửa của  từng nhà vậy.
Kính thay!
Ngày 28 tháng 4 năm Tự Đức 6 (1853).

Toàn bộ kiến trúc Nghi môn và các trang trí trên hệ mái đình Phước Thạnh được thiết kế bởi các mảnh ghép từ các miếng gốm, sứ nhiều màu sắc với các hoa văn và linh vật biểu trưng văn hóa phương Đông: rồng cuộn, hổ hồi, rùa, hạc,.... Nghi môn đình với hệ trang trí mái đã phản ánh những nét cổ kính, tiêu biểu cho di tích Khánh Hòa và sự bề thế vốn có giúp chúng ta nhận diện di tích có vị trí, ý nghĩa quan trọng đối với người dân địa phương.

Tại vị trí trung tâm của làng, giáp với chợ Thành Diên Khánh, không khó để chúng ta nhận ra một ngôi đình cổ nằm giữa phố phường nên ít nhiều bị ảnh hưởng của đô thị hiện đại. Nhưng đó chỉ là vẻ bên ngoài, còn trong nội thất, nơi đây là địa điểm thờ phụng mang tính điển hình, tuy có phong cách hiện đại nhưng thể hiện rõ kết cấu cổ kính với cách bài trí và kiến trúc vô cùng đặc sắc.

Đình có cấu trúc 3 gian 2 chái theo lối kiến trúc truyền thống Việt, các trụ cột phía ngoài được đắp hình rồng cuộn mang lại nét đẹp cổ kính, trang nghiêm. Chánh điện được bố trí hài hòa, thống nhất với các hoành phi, liễn đối khảm xà cừ, cỗ tam sơn, các ban thờ cổ kính đã tạo nên một không gian thờ trang nghiêm mà ấm cúng. Hệ thống các ban thờ và kiến trúc bằng gỗ trong đình được chạm trổ các hình tứ linh, tứ quý tỉ mỉ, tinh tế đem lại nét đẹp thanh thoát, mềm mại trong di tích. Mỗi ban thờ  trong đình có đối tượng thờ cúng cụ thể, như: Ban thờ Bản cảnh Thành Hoàng, Ban thờ Thiên Y A Na, Ban thờ Quan Thánh,... tất cả được tập trung trong Chính điện.

Chính điện đình Phước Thạnh 

 

Đình Phước Thạnh không những mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của địa phương mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng trong thời kỳ kháng chiến của dân tộc.

Sáng ngày 19/8/1945 lực lượng khởi nghĩa ở làng Phước Thạnh tham gia vào đoàn của tổng Ninh Phước tập trung tại đình làng Phước Thạnh. …. Sau khi khởi nghĩa giành thắng lợi, đài phát thanh của tỉnh đặt tại đình Phước Thạnh dùng để tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng đứng lên giết giặc cứu nước…Hàng đêm, bà con nhân dân tụ tập tại đình để nghe đài phát thanh đưa tin tức thế giới, trong nước, trong tỉnh và mặt trận Nha Trang.

Ngày 6/1/1945, tại đình Phước Thạnh diễn ra bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên. Đình Phước Thạnh cũng vinh dự được đón đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến, các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh, Ban chỉ huy mặt trận Nha Trang và nhân dân về đình tham gia bỏ phiếu bầu cử trong ngày 6/1. Tại khu phố Thành, máy bay địch quần đảo gần 2 tiếng đồng hồ, đã ném bom phá và bom xăng làm 1 cụ già và 3 em nhỏ bị chết, 12 người khác bị thương.

Hàng năm, đình Phước Thạnh mở hội vào mùa Xuân, lễ hội được tổ chức vào tháng 02 Âm lịch, các nghi lễ được tiến hành trong lễ hội đều tập trung phản ánh những phong tục, tập quán của địa phương.

Với những giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu, năm 2006, đình Phước Thạnh được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1885/QĐ-UBND xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                                                                             Nguyễn Thị Thúy Hằng

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                     

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH QUẢNG HỘI
Đình Quảng Hội được khởi dựng trước năm 1852, để thờ Bản cảnh Thành Hoàng và các vị thần phù trợ khác. Ban đầu, Đình được xây dựng với kết cấu đơn giản, chủ yếu tận dụng từ các nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương, mái lợp tranh, vách đất.
ĐÌNH ĐẠI ĐIỀN TRUNG
Đình Đại Điền Trung thuộc thôn Đại Điền Trung 2 (Trung 2), xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.Dưới triều Nguyễn, Diên Điền ngày nay là một phần của xã Đại An, phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, đến đời vua Tự Đức (1848 – 1883) dân số xã Đại An tăng lên nên đã được chính quyền địa phương chia thành bốn làng(thôn) thuộc xã Đại Điền: Đại Điền Đông, Đại Điền Tây, Đại Điền Nam, và Đại Điền Trung,
ĐÌNH HỘI ĐIỀN
Đình Hội Điền tọa lạc tại thôn Hội Điền, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tên gọi “Hội Điền” xuất phát từ việc lấy tên thôn để đặt cho đình. “Hội Điền” mang ý nghĩa là nơi tập hợp, hội tụ của những người làm ruộng vườn. Tên gọi này được giữ nguyên từ khi khởi dựng đình cho tới ngày nay.
ĐÌNH SƠN THẠNH
Đình làng Sơn Thạnh còn có tên gọi khác là đình Lễ Thạnh. Do trước kia Đình Sơn Thạnh thuộc làng Lễ Thạnh; năm 1969, dân làng Lễ Thạnh dời lên thôn Cẩm Sơn, hai thôn Cẩm Sơn và Lễ Thạnh đổi tên thành thôn Sơn Thạnh và đình Lễ Thạnh đổi tên thành Đình Sơn Thạnh từ đó đến nay.
ĐÌNH BÍCH ĐẦM
Bích Đầm đổi tên là Biển Hải, sau năm 1954 làng đổi tên là ấp Bích Đầm, tới năm 1975 đổi tên là khóm Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, quận 2, thị xã Nha Trang. Hiện nay, là tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH VĨNH XUÂN
Đình Vĩnh Xuân trước đây là miếu thờ Thiên Y A Na, tồn tại lâu đời trên mảnh đất Vĩnh Xuân, Vĩnh Thái, đã trải qua nhiều thăng trầm cùng cuộc sống của người dân làng Vĩnh Xuân. Xưa kia, nơi đây chỉ là một gò đất cao, có vài nóc nhà tranh tre và người dân địa phương đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ bằng tranh tre, nứa lá để thờ Thiên Y A Na, thổ địa với mong muốn phù hộ cho dân làng làm ăn sinh sống.
ĐÌNH VĂN ĐỊNH
Đình Văn Định tọa lạc tại thôn Văn Định, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa.\r\nĐình được hình thành khoảng đầu thế kỷ XIX, lúc mới thành lập, đình có tên “Đình làng Văn Hòa”; đến đời vua Tự Đức thứ 33 (năm 1880), làng có tên là Văn Định nên tên đình được gọi là “Đình làng Văn Định”; đến đời vua Thành Thái thứ 2 (1890), gọi là làng/đình “Văn Định Hạ” và từ sau năm 1975 đến nay gọi là làng/đình Văn Định.
ĐÌNH CHẤP LỄ
Đình Chấp Lễ được xây dựng trong khu đất cao ráo, thoáng đảng, có tổng diện tích 1.140 m2. Mặt tiền của đình Chấp Lễ quay về hướng Đông. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Án phong, miếu Sơn Lâm, miếu Ngũ hành, Chính điện, nhà đông, miếu Thiên Y, miếu Nghĩa từ.