Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH VĂN ĐỊNH

25/09/2017 00:00        
Đọc tin

Đình Văn Định tọa lạc tại thôn Văn Định, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa.
Đình được hình thành khoảng đầu thế kỷ XIX, lúc mới thành lập, đình có tên “Đình làng Văn Hòa”; đến đời vua Tự Đức thứ 33 (năm 1880), làng có tên là Văn Định nên tên đình được gọi là “Đình làng Văn Định”; đến đời vua Thành Thái thứ 2 (1890), gọi là làng/đình “Văn Định Hạ” và từ sau năm 1975 đến nay gọi là làng/đình Văn Định.

Đình Văn Định thờ Thành Hoàng làng, Tiền hiền, Hậu hiền, Thổ công…
Đại đình được xây dựng theo kiểu chữ nhất (-); hiên Đại đình là Tiền tế và được nối liền với Chính điện; mặt trước hệ mái đắp nổi dòng chữ (亭定 文) “Văn Định Đình”, phía trên trang trí hình “Lưỡng long chầu nhật”. Trong Chính điện treo bức hoành phi viết bằng chữ Hán Nôm: “申 天 自 福” (Phước Tự Thiên Thân, nghĩa là: phước tự trời ban); chính giữa có ba ban thờ: ban thờ Thần ở giữa, hai bên là ban thờ Tiền hiền và Thổ công.
Hai bên Đại đình là nhà Đông và nhà Tây, có kết cấu kiến trúc đơn giản, mái lợp bằng ngói tây. Nhà Tây thờ các vị Tiên Linh và 12 bài vị thờ các vị Cao Tổ ở trong làng.

Mặt bằng tổng thể đình Văn Định

 

Ngày nay, đình Văn Định còn lưu giữ được các di vật, cổ vật: Hoành phi, trống, chiêng và 05 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban cho Thành Hoàng, gồm: Sắc phong Tự Đức năm thứ 5 (1852), Sắc phong Tự Đức năm thứ 33 (1880), Sắc phong Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), Sắc phong Duy Tân năm thứ 3 (1909), Sắc phong Khải Định năm thứ 5 (1924).
Đình đã trải qua nhiều lần tu bổ: Năm 1960, sửa chữa lại phần mái; năm 1969, tu sửa, tôn tạo; năm 1972, xây dựng lại bằng gạch, xi măng; năm 1991, tôn tạo, quét sơn, gắn hình linh vật trên hệ mái; năm 2004, tu sửa nhà Tây; năm 2006, tu sửa nhà Đông.
Hàng năm, đình Văn Định tổ chức lễ hội vào mùa Xuân trong hai ngày 15, 16/2 (Âm lịch).
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tại đình diễn ra một số sự kiện lịch sử của địa phương: đình làng Văn Định là điểm xây dựng hầm bí mật để hoạt động cách mạng, che dấu cán bộ cách mạng, lưu chuyển truyền đơn, truyền tin, cất dấu lương thực, thuốc men, vũ khí cho chiến khu Hòn Hèo.

Ghi nhận những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di tích, ngày 05/12/2013, đình Văn Định được Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích cấp tỉnh, tại quyết định số: 3098/QĐ-CT.UBND.

                                                                        Bá Trung Toản

 

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH BÍCH ĐẦM
Bích Đầm đổi tên là Biển Hải, sau năm 1954 làng đổi tên là ấp Bích Đầm, tới năm 1975 đổi tên là khóm Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, quận 2, thị xã Nha Trang. Hiện nay, là tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH PHƯỚC THẠNH
Theo khẩu truyền đình Phước Thạnh có từ trước khi khởi nghĩa Tây Sơn (1771 – 1795) , khoảng niên đại vào giữa thế kỷ XVIII. Ngày đó, đình được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá để thờ bà Mẹ xứ  sở -Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và thờ Bổn cảnh Thành Hoàng. Xưa kia, khu vực này thuộc thôn Dinh Thành, nay thuộc tổ 13, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH SƠN THẠNH
Đình làng Sơn Thạnh còn có tên gọi khác là đình Lễ Thạnh. Do trước kia Đình Sơn Thạnh thuộc làng Lễ Thạnh; năm 1969, dân làng Lễ Thạnh dời lên thôn Cẩm Sơn, hai thôn Cẩm Sơn và Lễ Thạnh đổi tên thành thôn Sơn Thạnh và đình Lễ Thạnh đổi tên thành Đình Sơn Thạnh từ đó đến nay.
ĐÌNH VĨNH XUÂN
Đình Vĩnh Xuân trước đây là miếu thờ Thiên Y A Na, tồn tại lâu đời trên mảnh đất Vĩnh Xuân, Vĩnh Thái, đã trải qua nhiều thăng trầm cùng cuộc sống của người dân làng Vĩnh Xuân. Xưa kia, nơi đây chỉ là một gò đất cao, có vài nóc nhà tranh tre và người dân địa phương đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ bằng tranh tre, nứa lá để thờ Thiên Y A Na, thổ địa với mong muốn phù hộ cho dân làng làm ăn sinh sống.
ĐÌNH CHẤP LỄ
Đình Chấp Lễ được xây dựng trong khu đất cao ráo, thoáng đảng, có tổng diện tích 1.140 m2. Mặt tiền của đình Chấp Lễ quay về hướng Đông. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Án phong, miếu Sơn Lâm, miếu Ngũ hành, Chính điện, nhà đông, miếu Thiên Y, miếu Nghĩa từ.