Đình Hiền Lương tọa lạc tại thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 60 km về hướng Bắc. (xưa là An Lương Xã, tổng Hạ, huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa).
Di tích được khởi dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII, để thờ Bản cảnh Thành hoàng và phối thờ Nam Hải Cự tộc Ngọc lân, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi ... Đặc biệt, di tích còn liệt thờ Thượng thư Nguyễn Xuân Thục người Khánh Hòa đầu tiên giữ chức Thượng thư, Tổng trấn Trần Đường một trong ba vị “Khánh Hòa tam kiệt” và hai vị quan triều Nguyễn là Trần Văn Nằng, Nguyễn Văn Thuận (hay Thoàn) hai ông người huyện Tân Định[1].
Đình Hiền Lương tọa lạc ở vị trí gần biển chịu ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt cộng thêm sự tàn phá của các cuộc chiến tranh liên miên đã làm hư hại đình nên bà con nhân dân đã nhiều lần đứng ra tu bổ:
Ban đầu đình xây bằng chất liệu đá san hô, vôi vữa trộn mật đường, lợp ngói âm dương. Năm 1889, nhân dân tu bổ nhà Đông, vách xây gạch thẻ, mái lợp ngói âm dương. Năm 1944, dựng thêm Tiền tế, lập miếu nhỏ dưới gốc cây gạo. Tháng 4 năm 2001, đại tu bổ Đình.
Đình Hiền Lương tọa lạc trong một khuôn viên rộng, bằng phẳng, với diện tích 800 m2, quay về hướng Đông Nam, trông ra cửa sông Hiền Lương.
Chính điện đình Hiền Lương
Đình được bố trí các hạng mục công trình như sau: Nghi môn, Cột cờ, Án phong, miếu Sơn Lâm, miếu Hà bá, Tiền tế và Chính điện.
Ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, đình Hiền Lương còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị minh chứng cho quá trình tồn tại của ngôi đình như: bát bửu (16 chiếc), long đình được chạm trổ tinh xảo, chiêng trống, mõ... Đặc biệt, đình Hiền Lương còn lưu giữ ba đạo sắc phong do các vị vua triều Nguyễn ban tặng gồm:
- Sắc Duy Tân năm thứ 05 (1911) phong Thành Hoàng và thần Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân;
- Sắc Duy Tân năm thứ 05 (1911) phong cho Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi;
- Sắc Khải Định năm thứ 02 (1917) phong Thủy Long thần nữ.
Hàng năm, cứ vào ngày 10/3 Âm lịch nhân dân trong làng lại tổ chức lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương. Các giá trị văm hóa phi vật được lưu giữ trong lễ hội như: nghi thức rước sắc thần, nghi thức tế, bản văn tế thần, các bản nhạc lễ và nghệ thuật diễn xướng dân gian hát Bội...
Di tích có liên quan đến nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử của địa phương, như: Tổng trấn Trần Đường sinh năm 1839 người ở xóm Cát Nén (thôn Hiền Lương), ông cùng Trịnh Phong và Nguyễn Khanh theo chiếu Cần Vương đứng lên chống thực dân Pháp. Trần Đường chọn đình làng Hiền Lương là nơi chiêu mộ nghĩa quân và luyện tập, chiến đấu rất nhiều trận oanh liệt như: trận đánh ở đèo Hà Thanh (Ninh Hòa), trận phục kích ở Dốc Thị (Xuân Tự, Vạn Ninh), trận mai phục ở bến Cây Gạo (Phú Sơn, Ninh Trung).
Đình Hiền Lương được xây dựng và tồn tại do nhu cầu của cộng đồng người dân khi đến một vùng đất mới khai hoang, lập ấp. Đây là đặc trưng truyền thống về nghi lễ tín ngưỡng của cư dân Việt ghi dấu một thời khai phá đất đai, tưởng nhớ những người đã có công gây dựng và đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước, tạo nên trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, qua đó gắn bó cùng nhau lao động sản xuất. Đây thực sự là nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ. Không những vậy với vẻ đẹp cổ kính và những nét đặc trưng về nghệ thuật kiến trúc, đình Hiền Lương đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1892/QĐ-UBND, ngày 06/11/2006 xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Một số hình ảnh nét đặc trưng nghệ thuật kiến trúc đình Hiền Lương:
Nguyễn Chí Khải
[1] Vào các kỳ tế lễ tại đình, trong chúc văn đều xướng danh các vị trên.
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: