Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH PHƯỚC ĐA

03/07/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Phước Đa tọa lạc tại tổ dân phố 15, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Tên gọi của ngôi đình được đặt theo tên làng Phước Đa. Sở dĩ có tên gọi Phước Đa vì dân làng mong muốn thần linh sẽ phù hộ nhiều phước đức cho dân làng.

Căn cứ vào sắc phong sớm nhất mà vua Tự Đức năm thứ 05 phong tặng cho Thành Hoàng làng được thờ phụng tại đình Phước Đa vào năm 1852 (Nhâm Tý), ta có thể xác định niên đại tương đối của đình Phước Đa là vào nửa đầu thế kỷ XIX, bởi vì theo lẽ tự nhiên đình phải được xây dựng và trải qua thời gian sau đó mới được triều đình phong kiến ban tặng sắc phong. Theo hồi cố của hào lão địa phương, người có công lớn trong việc quy dân, lập làng và khởi tạo đình làng Phước Đa là cụ Thượng Thư Nguyễn Xuân Thục[1].

Sau khi thôn Phước Đa[2] được thành lập một thời gian thì đình Phước Đa cũng được hình thành. Từ thuở ban sơ, đình làng Phước Đa chỉ là một ngôi nhà đơn giản được làm bằng tranh tre nứa lá thuộc thôn Phước Đa 2 nhằm đáp ứng ba nhu cầu chính, đó là hành chính (hội họp, giải quyết các việc của làng...), văn hóa (nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí...) và nhất là nơi sinh hoạt tín ngưỡng (thờ cúng các vị thần có công với làng, với nước...).

Hiện nay, đình Phước Đa còn lưu giữ được 05 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng:
- Sắc phong ngày 29 tháng 11 Tự Đức năm thứ 05 (1852);
- Sắc phong ngày 24 tháng 11 Tự Đức năm thứ 33 (1880);
- Sắc phong ngày 01 tháng 7 Đồng Khánh năm thứ 02 (1886);
- Sắc phong ngày 11 tháng 8 Duy Tân năm thứ 03 (1909);
- Sắc phong ngày 25 tháng 7 Khải Định năm thứ 09 (1924).

Đình Phước Đa được dựng lên để thờ Bản Cảnh Thành Hoàng, Tiền hiền, Thổ công, Ngũ hành, Thiên Y A Na, Sơn Lâm chúa tướng.

Đình Phước Đa tọa lạc trong khu đất có tổng diện tích 2.574,6m2, mặt tiền của đình quay về hướng Nam. Từ ngoài vào trong, đình Phước Đa có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, Án phong, miếu Ngũ hành, miếu Sơn Lâm, Chính điện, nhà Đông, nhà Tây, miếu Tiền hiền.

Chính điện đình Phước Đa

 

Về kiến trúc: Điểm nổi bật của di tích là hệ thống kết cấu khung gỗ cổ truyền còn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn và đầy đủ theo nguyên tắc truyền thống. Toàn bộ kết cấu khung gỗ của Chính điện gồm có 32 cây cột, chia làm 6 hàng chân cột, bộ khung gỗ có chức năng đỡ hệ mái bên trên và góp phần tạo nên sự vững chắc cho công trình. Vì nóc được kết cấu theo kiểu vì kèo. Điểm nhấn trong trang trí ở Chính điện là các bức tranh vẽ trên tường đa dạng về màu sắc và phong phú về đề tài, gồm có: phong cảnh thiên nhiên (chim, hoa lá…), cảnh sinh hoạt, cảnh làng quê, chim phượng, rồng, lân…Đây là những bức tranh có giá trị về mặt nghệ thuật và cách bài trí, sắp xếp hài hòa, thẩm mỹ được thể hiện trên phần nối tiếp giữa tường bao và hệ mái...tất cả điều đó càng làm tăng thêm sự uy nghiêm, thành kính và gần gũi hơn với người dân trong làng.

Từ khi khởi dựng tới nay, đình Phước Đa đã trải qua ba lần đại tu bổ: 1941, 1974 và 2016.

Hàng năm, nhân dân tổ dân phố 15, phường Ninh Hiệp tổ chức lễ Xuân kỳ vào dịp Rằm tháng Hai và lễ Thu tế vào tháng Tám. Ngoài ra, đình còn tổ chức viá Bà Thiên Y A Na Thánh mẫu (18/3 Âm lịch) và cúng các ngày Rằm, Tết Nguyên đán…

Trong các thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, đình Phước Đa là địa điểm diễn ra một số sự kiện lịch sử tiêu biểu như sau:
- Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tại đình Phước Đa, đội Thanh niên tự vệ làng Phước Đa đã được thành lập dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Xuân Long (Mười Long). Tại đây, đội Thanh niên tự vệ được luyện tập các chiến thuật, chiến lược như đánh giáp/xáp lá cà, đánh du kích và các hình thức chiến đấu khác như: trinh sát, phục kích, diệt ác trừ gian…
- Tháng 9/1945, đình làng Phước Đa đón nhận đoàn quân Nam tiến về đóng quân và tập luyện 1 tháng để chuẩn bị chặn đánh thực dân Pháp ở Nha Trang. Mọi công tác hậu cần trong thời gian này đều do dân làng đảm trách, mọi người ai cũng hăng hái làm việc với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Ngày 19/3/2008, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 704/QĐ-UBND xếp hạng Đình Phước Đa là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Trần Thị Thanh Loan

[1] Về thân thế và sự nghiệp của cụ Nguyễn Xuân Thục xin xem chi tiết ở di tích lưu niệm Thượng thư Nguyễn Xuân Thục.
[2] Trước năm 1975, làng Phước Đa chia làm 4 thôn: Phước Đa 1, Phước Đa 2, Phước Đa 3, Phước Đa 4. Tháng 10/1978, thị trấn Ninh Hòa được thành lập, làng Phước Đa được phân chia lại như sau: Các thôn Phước Đa 1, 2, 4 thuộc địa phận thị trấn Ninh Hòa; thôn Phước Đa 3 thuộc địa phận xã Ninh Đa.

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH PHÚ THỌ
Đình Phú Thọ tọa lạc tại tổ dân phố Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Từ trung tâm thành phố Nha Trang theo quốc lộ 1A, đi về phía Bắc ....
ĐÌNH ĐIỀM TỊNH
Đình Điềm Tịnh ra đời, tồn tại gắn liền với những lần thay đổi mảnh đất và con người làng Điềm Tịnh ngày nay. Thuở mới lập, làng có tên là Xuân An xã; đến triều vua Thiệu Trị, làng đổi tên là làng Điềm An; sau đó, làng lại tiếp tục đổi thành làng An Thạch Đông; sau một thời gian đổi thành làng Điềm Tĩnh; đến triều vua Tự Đức, làng có tên gọi là làng Điềm Tịnh[1].
ĐÌNH TRÀ LONG
Đình Trà Long khởi dựng khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, ở Đồng Lác, là nơi người dân đến khai hoang phát nương làm rẫy. Lúc đó, đình được dựng bằng tranh tre, nứa lá. Sau một thời gian, làng xóm phát triển và dân cư tập trung đông đúc ở khu vực Ba Ngòi, cùng lúc đình bị xuống cấp nên dân làng dời đình về khu đất gần bờ biển (xóm Trà Long cũ – phía nam cầu Trà Long hiện nay).
TRỤ SỞ UỶ BAN NHÂN DÂN CÁCH MẠNG LÂM THỜI HUYỆN BA NGÒI
Di tích Trụ sở UBND Cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi ngày nay thuộc tổ dân phố Xóm Cồn, phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Công trình kiến trúc này đã được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ XX và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử cách mạng đấu tranh dành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Trải qua thời gian, cùng với sự bào mòn của thiên nhiên và ảnh hưởng trong quá trình sử dụng nên di tích chỉ còn công trình kiến trúc tương đối nguyên vẹn.
ĐÌNH PHONG THẠNH
Trong những cuộc di dân vào vùng đất Khánh Hòa, có một nhóm người gốc Bình Định đã định cư ở Suối Ré - tức làng Phong Thạnh ngày nay. Các vị tiền nhân đến khai hoang lập ấp, sinh sống ở đây đã xây dựng đình từ khi nào không ai trong làng còn nhớ rõ. Căn cứ vào sắc phong còn lưu giữ ở đình lâu đời nhất là sắc đời vua Thiệu Trị năm thứ 3 (năm 1843), có thể đoán định đình được xây dựng ....
ĐÌNH SƠN THẠNH
Đình làng Sơn Thạnh còn có tên gọi khác là đình Lễ Thạnh. Do trước kia Đình Sơn Thạnh thuộc làng Lễ Thạnh; năm 1969, dân làng Lễ Thạnh dời lên thôn Cẩm Sơn, hai thôn Cẩm Sơn và Lễ Thạnh đổi tên thành thôn Sơn Thạnh và đình Lễ Thạnh đổi tên thành Đình Sơn Thạnh từ đó đến nay.
ĐÌNH BÍCH ĐẦM
Bích Đầm đổi tên là Biển Hải, sau năm 1954 làng đổi tên là ấp Bích Đầm, tới năm 1975 đổi tên là khóm Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, quận 2, thị xã Nha Trang. Hiện nay, là tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH PHƯỚC THẠNH
Theo khẩu truyền đình Phước Thạnh có từ trước khi khởi nghĩa Tây Sơn (1771 – 1795) , khoảng niên đại vào giữa thế kỷ XVIII. Ngày đó, đình được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá để thờ bà Mẹ xứ  sở -Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và thờ Bổn cảnh Thành Hoàng. Xưa kia, khu vực này thuộc thôn Dinh Thành, nay thuộc tổ 13, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH VĨNH XUÂN
Đình Vĩnh Xuân trước đây là miếu thờ Thiên Y A Na, tồn tại lâu đời trên mảnh đất Vĩnh Xuân, Vĩnh Thái, đã trải qua nhiều thăng trầm cùng cuộc sống của người dân làng Vĩnh Xuân. Xưa kia, nơi đây chỉ là một gò đất cao, có vài nóc nhà tranh tre và người dân địa phương đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ bằng tranh tre, nứa lá để thờ Thiên Y A Na, thổ địa với mong muốn phù hộ cho dân làng làm ăn sinh sống.