Đình Phú Thọ tọa lạc tại tổ dân phố Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Từ trung tâm thành phố Nha Trang theo quốc lộ 1A, đi về phía Bắc khoảng 37km tới ngã ba, rẽ phải đi theo đường tỉnh lộ 1 khoảng 8km tới UBND phường Ninh Diêm, rẽ phải khoảng 800m tới di tích.
Chính điện đình Phú Thọ có một bức Hoành phi viết chữ Hán Nôm (亭 富 壽) - Đình Phú Thọ và dòng lạc khoản: (成 泰 庚 午) - Thành Thái Canh Ngọ. Theo niên biểu Việt Nam nhận thấy Thành Thái năm Canh Ngọ không có mà ứng với đời vua Thành Thái chỉ có năm Giáp Ngọ (1894), do đó phải chăng người đời sau sơn sửa lại Hoành phi ghi lại nhầm là năm Canh Ngọ. Căn cứ vào bức hoành phi ở Chính điện, có thể đoán định đình được tạo dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX.
Bức Hoành phi viết chữ Hán Nôm treo tại Đình Phú Thọ
Đình Phú Thọ thờ Thành Hoàng và phối thờ Tiền hiền, Sơn Lâm Chúa Tướng, Ngũ Hành Thần Nữ , Thủy Tinh Thần Nữ...
Đình có mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, Án phong, Võ ca, Đại đình, nhà Đông, nhà Tây, nhà Tiền hiền, nhà kho.
Từ lúc khởi dựng cho đến nay đình đã trải qua những trùng tu, tôn tạo: Năm 1942, nhân dân xây dựng lại ngôi đình bằng đá vôi, mái lợp ngói âm dương; năm 1965, do chiến tranh nên đình bị sụp đổ và năm 1967, đình được xây dựng lại; năm 1978, xây dựng Võ ca, nhà Đông, nhà Tây.
Điểm nổi bật của ngôi đình là hệ thống kết cấu khung gỗ còn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn, các trang trí sắc sảo, tinh tế, cảnh quan thiên nhiên hài hòa với kết cấu kiến trúc. Chính điện đình Phú Thọ được hình thành nên từ hai bộ vì và bốn cột cái ở gian giữa. Vì nóc kết cấu theo kiểu vì kèo; hai kẻ dài gác chéo nhau theo chiều dốc mặt mái, ăn mộng với nhau ở đỉnh vì, rồi chạy dài xuống bức tường. Liên kết hai bộ vì là các xà dọc tạo nên một kết cấu khung gỗ vững chắc. Kiến trúc được hình thành nên từ sự liên kết của bộ khung gỗ, trong kết cấu khung gỗ, bộ vì là yếu tố cơ bản, nó vừa là kết cấu chịu lực, nâng đỡ mái lại vừa là hệ thống cấu thành không gian của ngôi nhà.
Ngoài trang trí đắp nổi trên hệ mái, đình còn được trang trí các hoa văn chạm khắc trên đầu dư hình đầu rồng. Những điêu khắc trang trí này đã làm mềm đi những nét thô cứng của kết cấu bộ khung vốn là những thanh, cột gỗ dài trơn và thẳng, khiến ngôi đình trở nên sinh động, cuốn hút hơn.
Đình được xây dựng theo kiểu chữ “Nhất” ( - ), gồm hai mái lợp ngói tây, trên bờ nóc trang trí hoa văn “Lưỡng Long chầu Nhật” và hình tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Mặt trước Chính điện viết chữ Hán: (亭 富 壽 - Đình Phú Thọ), trên các cột viết câu đối bằng chữ Hán Nôm với chữ đầu ghép từ tên đình.
- Cặp câu đối thứ nhất:
Phiên âm:
Phú sơn tú dục vật phụ dân khương anh linh địa,
Thọ thanh hải yến ba bình lan tịnh độ chu thiên.
Dịch nghĩa:
Phú - núi non chung đúc, người thịnh vật giàu anh linh địa,
Thọ - biển trong phò trợ, sóng yên gió lặng độ muôn dân.
- Cặp câu đối thứ hai:
Phiên âm:
Phú tất cung dư vật phụ khang dân thiên cổ thạnh,
Thọ chi vi quý phong thuần tục mỹ vạn gia chiêm.
Dịch nghĩa:
Giàu tất có dư, nhân vật tốt tươi ngời thiên cổ,
Thọ quý hóa vậy, thuần phong mỹ tục khắp muôn nhà.
Bên phải Chính điện là nhà Tiền hiền, có kết cấu kiến trúc giống Chính điện nhưng thấp hơn, gồm bốn cột gỗ, mái lợp ngói tây; bên trong có ba ban thờ: ở giữa là ban thờ Tiền hiền, hai bên là ban thờ Sơn Lâm Chúa Tướng và ban thờ Ngũ Hành Thần Nữ cùng Thủy Tinh Thần Nữ.
Hàng năm, đình Phú Thọ được tổ chức lễ hội vào hai ngày 16/6 và 17/6 (Âm lịch).
Đình Phú Thọ được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2986/QĐ-CT.UBND, ngày 07/11/2014, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.
Bá Trung Toản