Đình Đại Tập tọa lạc tại thôn Đại Tập, xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
* Đặc điểm của di tích:
Căn cứ trên đạo sắc phong sớm nhất mà đình Đại Tập được vua Tự Đức ban tặng cho đình vào năm 1852, ta có thể đoán định đình Đại Tập có niên đại vào cuối thế kỷ XVIII. Năm 1810, đình có tên là An Tập. Đến năm 1817, đình được đổi tên thành Đại Tập. Tên gọi “Đại Tập” xuất phát từ việc lấy tên thôn để đặt cho đình. “Đại Tập” mang ý nghĩa là sự tập hợp lớn.
Hiện tại, đình Đại Tập hiện còn bảo lưu được 05 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng. Điều đáng tiếc là hiện nay cả 05 đạo sắc phong đều đã bị rách nát gần hết, không còn đầy đủ về nội dung nên không thể phiên dịch được.
- Sắc phong ngày 29 tháng 11 Tự Đức năm thứ 05 (1852).
- Sắc phong ngày 24 tháng 11 Tự Đức năm thứ 33 (1880).
- Sắc phong ngày 01 tháng 7 Đồng Khánh năm thứ 02 (1887).
- Sắc phong ngày 11 tháng 8 Duy Tân năm thứ 03 (1909).
- Sắc phong ngày 25 tháng 7 Khải Định năm thứ 09 (1924).
Từ khi khởi dựng tới nay, đình Đại Tập đã trải qua ba lần trùng tu, tôn tạo vào các năm: 1920, 1956, 1990.
Đình Đại Tập thờ các vị sau: Bản Cảnh Thành Hoàng, Thổ Công, Tiền hiền, Âm linh.
* Bố cục kiến trúc di tích:
Đình Đại Tập ở cuối thôn, tọa lạc trong khu đất có tổng diện tích 2.564,99m2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, Án phong, Chính điện, miếu Thành hoàng (còn gọi là miếu Bà), miếu Âm linh (còn gọi là miếu Cô hồn), nhà Đông.
Kết cấu khung gỗ của Chính điện gồm 4 cột cái và 8 cột quân. Vì nóc kết cấu theo kiểu vì kèo. Các cột cái ở Chính điện được sơn màu đỏ và trang trí hình rồng cuốn tròn theo thân cột rất sinh động.
Kết cấu khung gỗ theo kiểu vì kèo ở Chính điện tại đình Đại Tập
Hệ mái Chính điện có kết cấu 2 tầng 8 mái (mỗi tầng 4 mái gồm 2 mái trước, sau và 2 mái hồi hai bên), lợp ngói tây. Bờ nóc đắp “Lưỡng long chầu nguyệt”, các đầu đao gắn hình Lân và vân mây. Trên Cổ lầu trang trí rùa và chim phượng. Phần tường phía ngoài của 2 đầu kìm đắp dơi mang ý nghĩa cầu phúc.
Theo thông lệ, hàng năm vào ngày 15, 16/02 Âm lịch dân làng tổ chức lễ hội cúng Xuân cầu "Quốc thái dân an" tại đình Đại Tập. Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày 01 đêm.
* Sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích:
Đình Đại Tập cũng là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương:
- Từ năm 1945 đến năm 1954: Đình Đại Tập là nơi cán bộ cách mạng tập hợp nhân dân tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình Đại Tập cũng là nơi tập hợp nhân dân để mở lớp bình dân học vụ, nơi tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng.
Ngày 14/10/2010, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2631/QĐ-UBND xếp hạng Đình Đại Tập là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Bên trong Chính điện đình Đại Tập
Trần Thị Thanh Loan
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: