Đình Trà Long thuộc phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh.
Khoảng cuối thế kỷ XIX, Cam Ranh vẫn còn là vùng đất hoang sơ, rừng nguyên sinh lấn sát bờ biển. Dân cư chủ yếu là cư dân bản địa người Raglai và một bộ phận người Kinh di cư sống rải rác ở Ba Ngòi, Thuỷ Triều… Theo Địa bạ triều Nguyễn còn lưu giữ ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh lập năm Gia Long thứ 10 (1811), Khánh Hoà có 306 quyển, nhưng các bản năm Tự Đức thứ 26 (1873) chỉ còn 275 quyển, như vậy thất lạc 31 quyển. Cho nên tổng số tên làng xã ở Khánh Hoà đầu thế kỷ XIX còn được biết qua địa bạ là 290 làng xã. Trong địa bạ đó hiện không có tên thôn Mộng Đỗ, huyện Vĩnh Xương. Nhưng hiện nay đình Trà Long còn treo tại miếu thờ Tiền Hiền bức hoành sơn son thếp vàng lập năm Khải Định thứ nhất (1916) ghi lại lịch sử hình thành và phát triển thôn Trà Long. Theo đó tên làng đã được đổi nhiều lần và được ghi cụ thể thời điểm đổi tên gọi. Xưa tên làng là Mộng Đỗ, đến đời vua Minh Mạng thứ 5 (1824) đổi thành làng An Đỗ, đời vua Tự Đức năm thứ 15 (1862) đổi là làng Nhược Đỗ và năm Duy Tân thứ 4 (1910) đổi thành làng Trà Long.
Đình Trà Long khởi dựng khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, ở Đồng Lác, là nơi người dân đến khai hoang phát nương làm rẫy. Lúc đó, đình được dựng bằng tranh tre, nứa lá. Sau một thời gian, làng xóm phát triển và dân cư tập trung đông đúc ở khu vực Ba Ngòi, cùng lúc đình bị xuống cấp nên dân làng dời đình về khu đất gần bờ biển (xóm Trà Long cũ – phía nam cầu Trà Long hiện nay). Sau đó, dân làng làm ăn thất bát (đi biển về không, làm nông không mùa) nên đời sống nhân dân ngày càng cơ cực. Vì vậy, các cụ hào lão trong làng cho rằng có thể do phong thuỷ của ngôi đình không tốt: Đình nằm trên gò đất, hướng ra biển, hai bên tả hữu có hai ngòi nước chảy ra biển qua cầu Trà Long và cầu Giữa. Mặt khác, đình nằm xa khu dân cư không tuận tiện cho việc cúng tế, nên đến năm 1960, đình được di chuyển đến địa điểm hiện nay.
Đình Trà Long thờ: Thành hoàng làng, Thiên Y A Na Thánh Mẫu, Tàng Lang Vương, Tiền hiền, ông Hổ, âm hồn… Đình được 7 lần phong sắc, gồm:
- Sắc phong đời vua Tự Đức năm thứ 5 (1852), phong cho Bổn cảnh Thành hoàng;
- Sắc phong đời vua Tự Đức năm thứ 33 (1880), phong cho Bổn cảnh Thành hoàng;
- Sắc phong đời vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1886), phong cho Bổn cảnh Thành hoàng;
- Sắc phong đời vua Duy Tân năm thứ 3 (1909), phong cho Tàng Lang Vương;
- Sắc phong đời vua Khải Định năm thứ 9 (1924), phong cho Bổn cảnh Thành hoàng;
- Sắc phong đời vua Khải Định năm thứ 9 (1924), phong cho Thiên Y A Na.
- Sắc phong đời vua Khải Định năm thứ 9 (1924), phong cho Tàng Lang Vương.
Đình có các công trình kiến trúc chính: Nghi môn, Án phong, Võ ca, Đại đình, miếu Thiên Y A Na, miếu Tiền hiền, miếu ông Hổ, miếu âm hồn, nhà Đông.
Lễ hội cúng Xuân ở đình diễn ra trong dịp tiết Thanh Minh. Ba năm đáo lệ một lần, lễ hội đình làng tổ chức hát bộ. Trong lễ hội có các phần tế lễ:
- Lễ cúng Tiền hiền;
- Lễ cúng Thanh minh;
- Lễ thỉnh sinh;
- Lễ tế thần;
- Lễ tế Thiên Y A Na.
Đình Trà Long là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Lễ hội diễn ra ở đình là dịp bà con tổ chức sinh hoạt văn hoá cộng đồng, tưởng nhớ những vị “Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai canh”, cầu mong Thành Hoàng làng, Thiên Y Thánh Mẫu… phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, con em học hành tấn tới. Thông qua lễ hội tình làng nghĩa xóm được tthắt chặt, những truyền thống văn hoá được lưu truyền, bảo tồn cho các thế hệ mai sau.
Ghi nhận những giá trị của di tích, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 2344/QĐ-UBND ngày 21/11/2005 công nhận đình Trà Long là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Rương gỗ có bánh xe ở đình Trà Long
Nguyễn Thị Hồng Tâm
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: