Đình Đại Cát tọa lạc tại thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
* Nguồn gốc di tích
Theo tư liệu ghi chép, thôn Đại Cát vào năm 1810 có tên là Đại An xã, tổng Thượng, huyện Tân Định. Năm 1943, Đại An xã đổi thành xã Đại Cát, tổng Thân Thượng, phủ Ninh Hòa. Đến năm 1945, xã Đại Cát đổi thành thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa[1].
Hiện tại, cơ sở để xác định niên đại của di tích không còn, tuy nhiên, căn cứ vào năm thành lập làng, ta có thể đoán định được đình xây dựng sớm nhất cũng vào thế kỷ XVIII. Lúc mới xây dựng đình ở vị trí cách vị trí ngày nay khoảng 500m về hướng Tây, vì địa điểm này sát bìa rừng núi hoang vu, thú dữ thường xuyên đe dọa nên dân làng thống nhất dời đình về gần khu dân cư để thuận tiện cho việc sinh hoạt, thờ cúng cũng như bảo quản, giữ gìn di tích.
* Đặc điểm di tích
Sau khi thành lập một thời gian, đình Đại Cát được các vua triều Nguyễn ban tặng 02 đạo sắc phong của triều vua Khải Định năm thứ 9 (1924) ban tặng cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương và Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi nhưng bị thất lạc trong chiến tranh. Dựa vào những cứ liệu hiện còn, năm 2012, Ban quản lý di tích đã họp bàn với dân làng phục chế 02 sắc phong trên và tổ chức lễ rước sắc trang trọng từ UBND xã Ninh Phụng về đình.
Từ khi xây dựng đến nay, đình Đại Cát qua 2 lần tu bổ: 1959 và 1988.
Đình Đại Cát thờ Bản cảnh Thành hoàng, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương, Thần Nông Diệu Đế, Tiền hiền, Sơn Lâm, Ngũ hành, Âm hồn, Mục đồng, Mục tượng, Anh hùng liệt sỹ.
* Kiến trúc di tích
Đình Đại Cát được xây dựng trong khuôn viên có tổng diện tích 6.410m2, xung quanh trồng cây cổ thụ và các loại cây ăn trái, cây cảnh. Từ ngoài vào trong, đình Đại Cát gồm các hạng mục công trình sau: Nghi môn, Án phong, sân đình, Chính điện, nhà Đông, nhà Tây, nhà bếp và nhà hậu.
Điểm nhấn trong kiến trúc đình Đại Cát là ở bộ khung gỗ và trang trí trên trên tường và hệ mái. Đỡ vì kèo ở Chính điện là 04 cột cái, thân cột trang trí hình rồng; vì nóc kết cấu theo kiểu vì kèo; các đầu dư được chạm trổ tinh vi, sắc sảo. Trang trí trên tường là các bức tranh đa dạng về màu sắc, phong phú đề tài như: Phong cảnh thiên nhiên, “Bát Tiên quá hải”, cảnh sinh hoạt, tứ linh…được bài trí một cách hài hòa, có, giá trị nghệ thuật cao và giàu tính thẩm mỹ.
Giống như đại đa số các đình làng ở Khánh Hòa, đình Đại Cát tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm vào dịp “Xuân Thu nhị kỳ”. Lễ Xuân kỳ cúng vào ngày 16/02 Âm lịch, lễ Thu tế là vào ngày 24/7 Âm lịch.
Để khẳng định những giá trị tiêu biểu, nổi bật về lịch sử, văn hóa và nhất là kiến trúc nghệ thuật, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Trầm Hương, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2998/QĐ-UBND ngày 20/11/2009, xếp hạng đình Đại Cát là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Trần Thị Thanh Loan
[1] Nguyễn Đình Đầu 1997: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa. - T.p Hồ Chí Minh: NXB thành phố Hồ Chí Minh.
- Thôn Đại Cát (xã Ninh Phụng), 2006, Quy ước làng văn hóa Đại Cát, Thôn Đại Cát (xã Ninh Phụng), trang 1.
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: