Đình Mỹ Thanh nằm giữa thôn Mỹ Thanh, thuộc xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Đình Mỹ Thanh được xây dựng khi nào không ai còn nhớ rõ, nhưng căn cứ vào sắc phong hiện còn lưu giữ ở đình, có thể ít nhất đình ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX. Lúc đầu, đình có tên là An Mỹ và được làm bằng tranh tre nứa lá, thuộc thôn An Mỹ, huyện Vĩnh Xương. Sau đó, thôn được đổi tên thành thôn Hiệp Mỹ và đầu thế kỷ XX đình đã thuộc thôn Hiệp Mỹ, đạo Ninh Thuận nhưng nhân dân địa phương gọi tục danh là đình Võ Tá. Khoảng những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, dân làng dời đình về gò Cây Trôm và sau đó mấy năm, đình được di dời đến thôn Mỹ Thanh tồn tại từ đó đến nay.
Năm 1971, đình được nhân dân địa phương xây dựng lại bằng gạch ngói vững chắc và sau đó xây dựng thêm miếu Tiền hiền. Năm 1993 tu bổ Đại đình. Năm 2001, dân làng xây dựng miếu Thần nông và Bạch Hổ.
Đình Mỹ Thanh thờ Thành hoàng, Thiên Y A Na Thánh Mẫu, Tiền hiền, Hậu hiền, Thần nông, Sơn Lâm…
Đình Mỹ Thanh quay hướng Tây Nam, nằm trong khuôn viên rộng và rợp bóng mát, với diện tích 3.525,7m2. Di tích có các kiến trúc: Nghi môn, Miếu Sơn Lâm (Bạch hổ) và miếu Thần nông, Án phong, Đại đình, miếu Tiền hiền, Nhà bếp và nhà kho.
Miếu Tiền hiền có cặp câu đối với hai chữ đầu được ghép từ tên đình:
Phiên âm:
Mỹ địa nguy nga vạn cổ công đầu hương lý hảo,
Thanh thiên khoáng diễn thiên niên quang thái đẩu sơn cao.
Dịch nghĩa:
Đất đẹp nguy nga, muôn thuở góp công nên thôn ấp,
Trời trong khoáng đạt, ngàn năm rạng rỡ núi non cao.
Đình còn lưu giữ bảy sắc phong và các câu đối, lư hương, chiêng trống, mõ…trong đó, có quyển vở viết tay bằng chữ Hán Nôm về các văn tế của đình Mỹ Thanh. Các sắc phong do các đời vua triều Nguyễn ban, cho phép nhân dân tiếp tục thờ cúng các vị thần tại đình, miếu gồm:
- Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Thành hoàng;
- Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Thành hoàng;
- Đồng Khánh năm thứ hai (1887) phong cho Thành hoàng;
- Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Thành hoàng;
- Duy Tân năm thứ 5 (1911) phong cho Thiên Y A Na;
- Khải Định năm thứ 9 (1924) gồm hai sắc phong cho Bổn cảnh Thành hoàng và Thiên Y A Na.
Hàng năm, đình Mỹ Thanh tổ chức cúng Xuân vào hai ngày mồng 9 và mồng 10/3 Âm lịch. Theo truyền thống, cứ hai năm đình làng mở hội một lần, kéo dài trong bốn ngày 10, 11 và 12 tháng 3 âm lịch và tổ chức hát bội. Nghi lễ diễn ra trong lễ hội có lễ nghinh cô hồn ở 4 nơi về đình tế lễ: đình Võ Tá (địa điểm đình cũ); miếu Bà (gần đa, nơi giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận); nghĩa địa lô 2; nghĩa trang Dốc Rùa.
Mỹ Thanh là ngôi làng nằm giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận và trong lịch sử đã có lúc thuộc đạo Ninh Thuận (nửa đầu thế kỷ XX). Vì vậy, ngôi đình là chứng tích thể hiện sự thăng trầm của Mỹ Thanh nói riêng và xã Cam Thịnh Đông nói chung trong lịch sử. Đình làng là công trình kiến trúc mang dáng dấp đình làng truyền thống của Khánh Hòa, tuy đơn sơ nhưng ngôi đình thể hiện tính mộc mạc, chân chất của con người nơi đây, không cầu kỳ, phô trương mà bình dị, gần gũi.
Mặt bằng tổng thể của đình
Năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng đình Mỹ Thanh là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Thị Hồng Tâm
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: