Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH HỘI PHÚ

03/07/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Hội Phú tọa lạc tại thôn Hội Phú Bắc 1, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
* Nguồn gốc của di tích
Làng Hội Phú được thành lập vào cuối thế kỷ XVIII, lúc bấy giờ làng chỉ có 2 thôn là Hội Phú Nam và Hội Phú Bắc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất, để thuận lợi cho việc quản lý nên làng lại chia thành Hội Phú Nam 1, Hội Phú Nam 2, Hội Phú Bắc 1, Hội Phú Bắc 2.

Về niên đại xây dựng đình, căn cứ vào sắc phong sớm nhất mà đình Hội Phú còn lưu giữ vào triều vua Thiệu Trị năm thứ 03 (1843), cho phép ta có thể đoán định niên đại khởi dựng đình vào vào đầu thế kỷ XIX.

Trải qua thời gian, đình Hội Phú đã xuống cấp và được nhân dân tiến hành tu bổ, tôn tạo vào các năm: 1954, 1973, 1977, 2007.

Đình Hội Phú được dựng lên để thờ Thành Hoàng làng, Nghiêm khác, Ôn nhã, Thanh ứng Mẫn thông Hạo sảng Trác vĩ Dực bảo trung hưng Thượng đẳng thần, Tiền hiền, Thần Nông Diệu đế, Thổ địa, Chúa Đông, Chúa Xứ, Ngũ hành thần nữ, Thiên Y A Na, Thái Giám Bạch Mã, âm linh chiến sĩ trận vong…

* Kiến trúc của di tích
Đình Hội Phú nằm có bố cục theo kiểu chữ “Nhất” (一), mặt tiền nhìn về hướng Nam. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể gồm các đơn nguyên kiến trúc: Nghi môn, Án phong, Chính điện, nhà Tiền hiền.

Chính điện của đình Hội Phú

 

Điểm nổi bật trong kiến trúc đình Hội Phú là ở Chính điện với hệ thống cột cái hình vuông, vì nóc kết cấu theo kiểu vì kèo, hệ thống linh vật: Long, lân, quy, phụng, hổ, dơi… được các nghệ nhân khai thác triệt để. Hình ảnh tứ linh thể hiện dưới nhiều hình dạng như “Long vân khánh hội”, “Lưỡng long chầu nhật”…, được trang trí trên mái đình để cầu cho mưa thuận gió hòa đối với nông nghiệp hay hình ảnh “Bát tiên quá hải” nhằm mang lại sự trường thọ, tài-lộc, sức khỏe, tiền bạc và công danh cho dân làng.

Hiện nay, đình Hội Phú hiện còn bảo lưu được 07 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng:
- Sắc phong ngày 13 tháng 8 triều vua Thiệu Trị năm thứ 03 (1843)
- Sắc phong ngày 11 tháng 9 triều vua Thiệu Trị năm thứ 03 (1843)
- Sắc phong ngày 08 tháng 11 triều vua Tự Đức năm thứ 03 (1850)
- Sắc phong ngày 08 tháng 11 triều vua Tự Đức năm thứ 33 (1880)
- Sắc phong ngày 01 tháng 7 triều vua Đồng Khánh  năm thứ 2 (1887)
- Sắc phong ngày 01 tháng 8 triều vua Duy Tân  năm thứ 3 (1909)
- Sắc phong ngày 25 tháng 7 triều vua Khải Định  năm thứ 9 (1924)

Hàng năm, nhân dân trong thôn Hội Phú tổ chức lễ hội vào ngày 19 đến ngày 20 tháng 2 Âm lịch. Vào mỗi dịp lễ hội, đình làng Hội Phú có tổ chức hát bội nhưng không thường xuyên mà tùy thuộc vào mức đóng góp từng năm của dân làng.

Trong thời kỳ chiến tranh, đình Hội Phú là địa điểm của cán bộ hội họp,  nhân dân luyện tập võ thuật để sẵn sàng đánh giặc. Đình Hội Phú là cơ sở cách mạng  nên đã bị thực dân Pháp đốt phá làm đổ sập ngôi đình hoàn toàn vào năm 1947. Để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng chung cho dân làng và cũng nhằm gây dựng lại cơ sở cách mạng nên dân làng đã đóng góp công sức và tiền của xây dựng lại ngôi đình vào năm 1948 tại làng Hội Phú Bắc 1 (địa điểm ngày nay).

Từ những giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của di tích, ngày 30/12/2010 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 3419/QĐ-UBND xếp hạng di tích đình Hội Phú là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

 Trần Thị Thanh Loan

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                   

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH PHÚ THỌ
Đình Phú Thọ tọa lạc tại tổ dân phố Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Từ trung tâm thành phố Nha Trang theo quốc lộ 1A, đi về phía Bắc ....
ĐÌNH ĐIỀM TỊNH
Đình Điềm Tịnh ra đời, tồn tại gắn liền với những lần thay đổi mảnh đất và con người làng Điềm Tịnh ngày nay. Thuở mới lập, làng có tên là Xuân An xã; đến triều vua Thiệu Trị, làng đổi tên là làng Điềm An; sau đó, làng lại tiếp tục đổi thành làng An Thạch Đông; sau một thời gian đổi thành làng Điềm Tĩnh; đến triều vua Tự Đức, làng có tên gọi là làng Điềm Tịnh[1].
ĐÌNH TRÀ LONG
Đình Trà Long khởi dựng khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, ở Đồng Lác, là nơi người dân đến khai hoang phát nương làm rẫy. Lúc đó, đình được dựng bằng tranh tre, nứa lá. Sau một thời gian, làng xóm phát triển và dân cư tập trung đông đúc ở khu vực Ba Ngòi, cùng lúc đình bị xuống cấp nên dân làng dời đình về khu đất gần bờ biển (xóm Trà Long cũ – phía nam cầu Trà Long hiện nay).
TRỤ SỞ UỶ BAN NHÂN DÂN CÁCH MẠNG LÂM THỜI HUYỆN BA NGÒI
Di tích Trụ sở UBND Cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi ngày nay thuộc tổ dân phố Xóm Cồn, phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Công trình kiến trúc này đã được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ XX và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử cách mạng đấu tranh dành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Trải qua thời gian, cùng với sự bào mòn của thiên nhiên và ảnh hưởng trong quá trình sử dụng nên di tích chỉ còn công trình kiến trúc tương đối nguyên vẹn.
ĐÌNH PHONG THẠNH
Trong những cuộc di dân vào vùng đất Khánh Hòa, có một nhóm người gốc Bình Định đã định cư ở Suối Ré - tức làng Phong Thạnh ngày nay. Các vị tiền nhân đến khai hoang lập ấp, sinh sống ở đây đã xây dựng đình từ khi nào không ai trong làng còn nhớ rõ. Căn cứ vào sắc phong còn lưu giữ ở đình lâu đời nhất là sắc đời vua Thiệu Trị năm thứ 3 (năm 1843), có thể đoán định đình được xây dựng ....
ĐÌNH SƠN THẠNH
Đình làng Sơn Thạnh còn có tên gọi khác là đình Lễ Thạnh. Do trước kia Đình Sơn Thạnh thuộc làng Lễ Thạnh; năm 1969, dân làng Lễ Thạnh dời lên thôn Cẩm Sơn, hai thôn Cẩm Sơn và Lễ Thạnh đổi tên thành thôn Sơn Thạnh và đình Lễ Thạnh đổi tên thành Đình Sơn Thạnh từ đó đến nay.
ĐÌNH BÍCH ĐẦM
Bích Đầm đổi tên là Biển Hải, sau năm 1954 làng đổi tên là ấp Bích Đầm, tới năm 1975 đổi tên là khóm Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, quận 2, thị xã Nha Trang. Hiện nay, là tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH PHƯỚC THẠNH
Theo khẩu truyền đình Phước Thạnh có từ trước khi khởi nghĩa Tây Sơn (1771 – 1795) , khoảng niên đại vào giữa thế kỷ XVIII. Ngày đó, đình được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá để thờ bà Mẹ xứ  sở -Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và thờ Bổn cảnh Thành Hoàng. Xưa kia, khu vực này thuộc thôn Dinh Thành, nay thuộc tổ 13, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH VĨNH XUÂN
Đình Vĩnh Xuân trước đây là miếu thờ Thiên Y A Na, tồn tại lâu đời trên mảnh đất Vĩnh Xuân, Vĩnh Thái, đã trải qua nhiều thăng trầm cùng cuộc sống của người dân làng Vĩnh Xuân. Xưa kia, nơi đây chỉ là một gò đất cao, có vài nóc nhà tranh tre và người dân địa phương đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ bằng tranh tre, nứa lá để thờ Thiên Y A Na, thổ địa với mong muốn phù hộ cho dân làng làm ăn sinh sống.