Đình Phước Lý tọa lạc tại thôn Phước Lý, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Căn cứ trên sắc phong sớm nhất của vua Thành Thái năm thứ 02 (1890), sắc phong cho Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, đình Phước Lý được xây dựng khoảng giữa thế kỷ XIX.
Đình Phước Lý thờ Thành Hoàng và phối thờ Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, Sơn Lâm Chúa Tướng, Ngũ Phương Tài Thần, Thần Nông Viêm Đế, Tiền hiền...
Đình Phước Lý quay theo hướng Tây, nằm trong khuôn viên có diện tích 870.0m2. Bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, cột cờ, Án phong, miếu Sơn Lâm Chúa Tướng, miếu Ngũ Phương Tài Thần, Đại đình, nhà Đông, nhà Tây, nhà Trù.
Mặt bằng tổng thể đình Phước Lý
Đại đình gồm Chính điện và Tiền tế. Mặt trước Chính điện là Tiền tế, được trang trí hoa văn cuốn thư viết chữ Hán Nôm: (亭 福 履 - Đình Phước Lý); trên các cột viết câu đối bằng chữ Hán Nôm, trong đó có cặp câu đối chữ đầu được ghép thành tên đình:
Phiên âm:
Phước tiến kì tường phú thọ khương ninh bằng thắng cục,
Lý tuy dĩ lộc sĩ nông công cổ ngưỡng thành danh.
Dịch nghĩa:
Phước tiến điềm lành, phú thọ khương ninh nhờ thắng cục,
Lý (lộc) nối tiếp lộc, sĩ nông công cổ ngưởng thành danh.
Từ khi khởi dựng tới nay, đình Phước Lý đã trải qua những lần trùng tu, tôn tạo như sau: Cuối thế kỷ XIX, ngôi đình được xây dựng lại bằng gạch, mái lợp ngói âm dương; năm 1972, thay ngói âm dương bằng ngói tây; năm 2000, xây dựng Nghi môn.
Hiện tại, đình Phước Lý còn lưu giữ 03 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng:
- Sắc vua Thành Thái năm thứ 02 (1890) phong cho Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi.
- Sắc vua Duy Tân năm thứ 05 (1911) phong cho Thành Hoàng.
- Sắc vua Khải Định năm thứ 09 (1924) phong cho Thành Hoàng.
Hàng năm, đình Phước Lý tổ chức lễ hội trong hai ngày 16, 17/02 (Âm lịch); trong đó, có lễ rước sắc từ chùa về đình và hồi sắc về cất giữ ở chùa.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, đình là nơi diễn ra một số sự kiện lịch sử của địa phương, là địa điểm họat động cách mạng của Ủy ban Việt Minh, nơi tập hợp một số thanh niên thành lập đội Tự vệ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Đặc biệt, đình còn lưu giữ chiếc mõ được dùng làm hiệu lệnh trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 ở địa phương.
Căn cứ những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa và kiến trúc, đình Phước Lý được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh tại quyết định số 2630/QĐ-CT.UBND, ngày 14/10/2010.
Bá Trung Toản