Hotline: (0258) 3813 758

CHÙA PHƯỚC HUỆ

03/07/2018 00:00        
Đọc tin

Chùa Phước Huệ tọa lạc tại thôn Thạnh Mỹ, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
* Đặc điểm di tích
Theo cuốn Khánh Hòa diện mạo văn hóa một vùng đất (tập 3)  thì chùa Phước Huệ có niên đại xây dựng cuối thế kỷ XVIII trong thời kỳ Nguyễn Ánh và Tây Sơn giao tranh.
Chùa Phước Huệ tọa lạc trên một khu đất rộng có diện tích 3.152m2, xung quanh là ruộng lúa. Từ ngoài nhìn vào có các hạng mục công trình sau: Tam quan, sân chùa, Phật điện, nhà đông, nhà tây, miếu Âm hồn.
Chùa Phước Huệ thờ Thích Ca Mâu Ni, Quan Âm Bồ Tát, Bồ Đề Đạt Ma, Di lặc, các vị Tổ của chùa…

Bài trí bàn thờ bên trong phật điện

 

Trải qua thời gian cùng với sự khắc nghiệt của khí hậu và chiến tranh, chùa Phước Huệ đã trải qua nhiều lần tu bổ vào các năm : 1946, 1996, 1998, 1999, 2005, 2012.
Hàng năm, chùa Phước Huệ tổ chức các ngày lễ hội của Phật giáo, với hai lễ lớn là lễ Phật Đản (15/4 âm lịch) và lễ Vu Lan (15/7 âm lịch).
* Sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chùa Phước Huệ là cơ sở liên lạc, che dấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, in truyền đơn tài liệu, cất giấu vũ khí...của quân và dân huyện Ninh Hòa nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước. Các sự kiện cụ thể như sau:
- Năm 1946, hòa chung không khí sục sôi cùng cả nước chống thực dân Pháp, thầy trò chùa Phước Huệ đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, âm thầm hoạt động, liên lạc với Việt Minh trong vùng Nam Ninh Hòa. Nhằm xóa đi địa điểm trọng yếu của cách mạng, thực dân Pháp và tay sai đã đốt phá ngôi chùa. Các sư chùa Phước Huệ đã vận động Phật tử xa gần đóng góp tiền của, công sức dựng tạm lại chùa để làm nơi sinh hoạt tôn giáo, đồng thời gây dựng lại cơ sở cách mạng của ta.
- Ngày 12/5/1946, Trung đoàn 1 đoàn quân Nam tiến Vệ quốc quân (thuộc đơn vị Võ Quốc Thụ), đã chọn chùa Phước Huệ làm điểm xuất phát để đánh Pháp tại trận Cầu Cá (Thạnh Mỹ). Trong trận chiến đó, ta đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, gây hoang mang và giảm sức chiến đấu của kẻ thù trong nhiều tháng liền.
- Chùa Phước Huệ còn được ví là thao trường của nhiều chiến sĩ và cán bộ trong vùng, bao lớp thanh niên địa phương đã được bồi dưỡng tư tưởng đường lối cách mạng của Đảng, nhiều cán bộ và chiến sĩ đã trưởng thành từ cơ sở cách mạng này.
- Tháng 3/1948, đồng chí Sàng (không rõ họ) cư trú thôn Hòa Thuận (xã Ninh Bình) và đồng chí Nguyễn Bửu (tự là Phúc) cư trú thôn Thạnh Mỹ (xã Ninh Quang) hoạt động tại vùng căn cứ địa cách mạng Đá Bàn và vùng Nam Ninh Hòa về chùa Phước Huệ để nhận lương thực tiếp tế. Sau khi nhận lương thực quay trở về căn cứ thì bị giặc Pháp phục kích, đồng chí Sàng hy sinh, đồng chí Bửu do thông thạo lối xóm nên thoát khỏi vòng vây của địch. Thầy trò chùa Phước Huệ vận động bà con trong thôn người thước vải, người chiếc chiếu...lo an táng thi hài người chiến sỹ cách mạng vừa mới hy sinh và lập bài vị thờ chung với các liệt sỹ trước đó.
- Từ năm 1954, thầy trò chùa Phước Huệ tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, âm thầm móc nối đường dây liên lạc trong vùng. Trong thời gian này, chùa Phước Huệ tiếp tục là nơi nuôi giấu, tiếp tế lương thực cho cán bộ, đồng thời cũng là nơi vận động nhiều tầng lớp thanh niên tham gia cách mạng.
Bằng tấm lòng yêu nước, thương dân và sớm giác ngộ cách mạng, trụ trì chùa Phước Huệ Thích Bảo Hiển đã sống “tốt đời đẹp đạo”. Thầy được dân làng gọi bằng cái tên mộc mạc chân chất  là thầy Chùa Đen, sau khi viên tịch thầy được dân làng an táng tại chùa đồng thời lập bài vị và dành một gian thờ riêng cho thầy.
Ghi nhận những đóng góp đối với đạo, với đời và với cách mạng của thầy Thích Bảo Hiển, Nhà nước đã phong tặng cho thầy Huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhì; gia đình có công với cách mạng, Huân chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân. Với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thầy là một nhà sư có nhiều đóng góp vào sự nghiệp chấn hưng Phật giáo địa phương. Năm 1992, Thầy được Trung ương giáo hội tấn phong Thượng tọa.
Ngày 10/10/2008, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 2502/QĐ-UBND xếp hạng chùa Phước Huệ là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Trần Thị Thanh Loan 

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH PHÚ THỌ
Đình Phú Thọ tọa lạc tại tổ dân phố Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Từ trung tâm thành phố Nha Trang theo quốc lộ 1A, đi về phía Bắc ....
ĐÌNH ĐIỀM TỊNH
Đình Điềm Tịnh ra đời, tồn tại gắn liền với những lần thay đổi mảnh đất và con người làng Điềm Tịnh ngày nay. Thuở mới lập, làng có tên là Xuân An xã; đến triều vua Thiệu Trị, làng đổi tên là làng Điềm An; sau đó, làng lại tiếp tục đổi thành làng An Thạch Đông; sau một thời gian đổi thành làng Điềm Tĩnh; đến triều vua Tự Đức, làng có tên gọi là làng Điềm Tịnh[1].
ĐÌNH TRÀ LONG
Đình Trà Long khởi dựng khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, ở Đồng Lác, là nơi người dân đến khai hoang phát nương làm rẫy. Lúc đó, đình được dựng bằng tranh tre, nứa lá. Sau một thời gian, làng xóm phát triển và dân cư tập trung đông đúc ở khu vực Ba Ngòi, cùng lúc đình bị xuống cấp nên dân làng dời đình về khu đất gần bờ biển (xóm Trà Long cũ – phía nam cầu Trà Long hiện nay).
TRỤ SỞ UỶ BAN NHÂN DÂN CÁCH MẠNG LÂM THỜI HUYỆN BA NGÒI
Di tích Trụ sở UBND Cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi ngày nay thuộc tổ dân phố Xóm Cồn, phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Công trình kiến trúc này đã được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ XX và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử cách mạng đấu tranh dành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Trải qua thời gian, cùng với sự bào mòn của thiên nhiên và ảnh hưởng trong quá trình sử dụng nên di tích chỉ còn công trình kiến trúc tương đối nguyên vẹn.
ĐÌNH PHONG THẠNH
Trong những cuộc di dân vào vùng đất Khánh Hòa, có một nhóm người gốc Bình Định đã định cư ở Suối Ré - tức làng Phong Thạnh ngày nay. Các vị tiền nhân đến khai hoang lập ấp, sinh sống ở đây đã xây dựng đình từ khi nào không ai trong làng còn nhớ rõ. Căn cứ vào sắc phong còn lưu giữ ở đình lâu đời nhất là sắc đời vua Thiệu Trị năm thứ 3 (năm 1843), có thể đoán định đình được xây dựng ....
ĐÌNH SƠN THẠNH
Đình làng Sơn Thạnh còn có tên gọi khác là đình Lễ Thạnh. Do trước kia Đình Sơn Thạnh thuộc làng Lễ Thạnh; năm 1969, dân làng Lễ Thạnh dời lên thôn Cẩm Sơn, hai thôn Cẩm Sơn và Lễ Thạnh đổi tên thành thôn Sơn Thạnh và đình Lễ Thạnh đổi tên thành Đình Sơn Thạnh từ đó đến nay.
ĐÌNH BÍCH ĐẦM
Bích Đầm đổi tên là Biển Hải, sau năm 1954 làng đổi tên là ấp Bích Đầm, tới năm 1975 đổi tên là khóm Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, quận 2, thị xã Nha Trang. Hiện nay, là tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH PHƯỚC THẠNH
Theo khẩu truyền đình Phước Thạnh có từ trước khi khởi nghĩa Tây Sơn (1771 – 1795) , khoảng niên đại vào giữa thế kỷ XVIII. Ngày đó, đình được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá để thờ bà Mẹ xứ  sở -Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và thờ Bổn cảnh Thành Hoàng. Xưa kia, khu vực này thuộc thôn Dinh Thành, nay thuộc tổ 13, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH VĨNH XUÂN
Đình Vĩnh Xuân trước đây là miếu thờ Thiên Y A Na, tồn tại lâu đời trên mảnh đất Vĩnh Xuân, Vĩnh Thái, đã trải qua nhiều thăng trầm cùng cuộc sống của người dân làng Vĩnh Xuân. Xưa kia, nơi đây chỉ là một gò đất cao, có vài nóc nhà tranh tre và người dân địa phương đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ bằng tranh tre, nứa lá để thờ Thiên Y A Na, thổ địa với mong muốn phù hộ cho dân làng làm ăn sinh sống.