Hotline: (0258) 3813 758

TRỤ SỞ UỶ BAN NHÂN DÂN CÁCH MẠNG LÂM THỜI HUYỆN BA NGÒI

03/07/2018 00:00        
Đọc tin

Trụ sở Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi thường được gọi là Trụ sở Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Cam Ranh. Ngoài ra, di tích còn có những tên gọi khác:
Nha đại diện hành chính Ba Ngòi (từ năm 1939 – 1945)
Quân trấn Cam Ranh (từ năm 1965 – 1975)
Bảo tàng huyện Cam Ranh (từ năm 1985 – 2000)
Bảo tàng thị xã Cam Ranh (từ năm 2000 đến nay).

Đây là di tích lịch sử gắn liền sự kiện giành chính quyền của Đảng bộ và nhân dân huyện Ba Ngòi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau khi Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, nơi đây trở thành trụ sở đầu tiên của Ủy ban nhân dân (UBND) cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi (từ tháng 8/1945 – 1/1946), nay là thành phố Cam Ranh.

Di tích Trụ sở UBND Cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi ngày nay thuộc tổ dân phố Xóm Cồn, phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

 Trụ sở UBND Cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi


Công trình kiến trúc này đã được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ XX và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Trải qua thời gian, cùng với sự bào mòn của thiên nhiên và ảnh hưởng trong quá trình sử dụng nên di tích chỉ còn công trình kiến trúc tương đối nguyên vẹn.

Giữa năm 1939, Pháp thực hiện một số chủ trương nhằm xây dựng Cam Ranh thành căn cứ hải quân lớn trong kế hoạch “phòng thủ chung” ở Đông Dương. Chúng chuyển Cam Ranh thành đơn vị hành chính tương đương cấp quận, huyện trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, gọi là Nha đại diện hành chính Ba Ngòi. Đến năm 1943, Nha đại diện hành chính đã chuyển về Đá Bạc.

Giữa tháng 6/1945, các tổ chức Thanh niên cứu quốc được sắp xếp lại và cơ sở Việt Minh phát triển nhanh chóng. Ngay tại Nha đại diện hành chính (chánh) Ba Ngòi, cơ sở cách mạng của ta phát triển cả trong công chức người Việt và một số chỉ huy của trung đội lính khố đỏ đóng ở đây. Chính những hoạt động tích cực của các cơ sở cách mạng trong Nha đại diện hành chính đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giành chính quyền ở huyện Ba Ngòi khi thời cơ đến.

Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Nha Trang, Diên Khánh và Vĩnh Xương đã nổ ra và giành thắng lợi. Tám giờ sáng ngày 22/8/1945 cuộc khởi nghĩa đã nổ ra tại thị trấn Đá Bạc (Cam Linh). Nhân dân trên các đảo dùng ghe thuyền giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, khẩu hiệu cùng tiến về Đá Bạc bao vây và chiếm Nha đại diện hành chính. UBND cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi ra mắt quần chúng, tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn và công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Quần chúng nhân dân tiếp tục kéo về các xã, buộc bọn tổng, xã giao nộp ấn tín, hồ sơ. UBND cách mạng lâm thời các xã ra mắt trước quần chúng trong buổi chiều ngày 22/8 và cả ngày 23/8/1945.

Được sự phối hợp của các địa phương trong tỉnh Khánh Hoà, ngày 3/9/1945 tại trụ sở UBND cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi đại diện của ta và Nhật đã ký kết một văn bản và cho phép Nhật được đi lại mua thực phẩm cùng với việc thả một số tù binh Nhật bị ta bắt. Đổi lại Nhật phải giao vũ khí, quân trang quân dụng, lương thực cho ta, đây là tài sản quý đối với cách mạng non trẻ và phần lớn được giao về tỉnh để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu ở Mặt trận Nha Trang. Đồng thời, còn được trang bị thêm cho các đoàn quân Nam tiến vào Nam chuẩn bị đánh Pháp.

Ngày 23/10/1945 cuộc chiến đấu của quân và dân Nha Trang – Khánh Hòa đã diễn ra, mở đầu cho cuộc chiến đấu 101 ngày đêm bao vây quân Pháp trong thành phố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, Cam Ranh – Ba Ngòi trở thành hậu phương trực tiếp của Mặt trận Nha Trang, là nơi cung cấp nhân tài vật lực, nơi cứu chữa thương binh. Đồng thời, chính quyền cách mạng còn chuẩn bị tích cực về mọi mặt để tiến hành cuộc chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp. Từ đây, tỉnh Khánh Hòa trở thành vùng bị địch chiếm sau hơn ba tháng chiến đấu quyết liệt ở Mặt trận Nha Trang khiến giặc Pháp không thực hiện được kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” các tỉnh cực Nam Trung bộ.

Trong những ngày ác liệt này, tại Trụ sở UBND cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi đã tổ chức cho nhân dân bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thắng lợi (6/1/1946), khẳng định sự tin tưởng tuyệt đối của các tầng lớp nhân dân trong huyện đối với chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Ngày 29/1/1946, quân Pháp từ Tháp Chàm – Phan Rang tiến ra, nhiều trận chiến đấu quyết liệt đã diễn ra giữa quân ta và quân Pháp tại Ba Ngòi. Lực lượng của ta phòng thủ tại Trụ sở UBND cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi đã chiến đấu anh dũng, gây cho địch nhiều thiệt hại và một số chiến sỹ của ta đã hy sinh tại đây. Do đã chuẩn bị trước nên khi cuộc chiến đấu có chiều hướng bất lợi, ta đã di chuyển toàn bộ lực lượng lên vùng miền núi, thực hiện du kích chiến tranh, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Hiện nay, thành phố Cam Ranh xây Nhà Truyền thống trong khuôn viên di tích và mở thêm cổng bên phải di tích làm lối vào tham quan nhà truyền thống; Nhà truyền thống trưng bày một số hiện vật giới thiệu về lịch sử Cam Ranh và kết hợp bảo tồn và phát huy giá trị di tích Trụ sở UBND cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi.

Ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hóa của di tích Trụ sở Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh tại quyết định số: 2867/QĐ-UBND ngày 11/11/2009.

                                                                             Nguyễn Thị Hồng Tâm

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
LĂNG ÔNG- ĐỀN BÀ CAM XUÂN
Lăng Ông - miếu Bà ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX. Nghề nghiệp chủ yếu của dân làng là đánh bắt thuỷ hải sản nên khi xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo, vị thần họ tôn thờ cũng gắn liền với nghề nghiệp của họ là thần Nam Hải. Làng nào vừa làm nông nghiệp vừa làm ngư nghiệp thường có thêm một vị thần nữa, nên làng Thạch An ngoài vị thần Nam Hải còn thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
ĐỊA ĐIỂM DI CHỈ KHẢO CỔ HÒA DIÊM
Hoà Diêm là di tích nằm trên cồn cát cao, cuộc sống phụ thuộc vào nguồn nước ngọt cuả con sông Tà Lưa và các bàu nước xung quanh vịnh Cam Ranh. Vì ở sát biển nên thức ăn chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn biển như sò, ốc, hàu, cá… là “Văn hoá cồn sò điệp” tích tụ trong tầng văn hoá dày đặc vỏ nhuyễn thể biển; thêm nữa các vết tích xương, răng động vật từ Biển – Núi là thức ăn chính của cư dân ở đây.
ĐÌNH TRÀ LONG
Đình Trà Long khởi dựng khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, ở Đồng Lác, là nơi người dân đến khai hoang phát nương làm rẫy. Lúc đó, đình được dựng bằng tranh tre, nứa lá. Sau một thời gian, làng xóm phát triển và dân cư tập trung đông đúc ở khu vực Ba Ngòi, cùng lúc đình bị xuống cấp nên dân làng dời đình về khu đất gần bờ biển (xóm Trà Long cũ – phía nam cầu Trà Long hiện nay).
ĐÌNH BÌNH BA
Đình Bình Ba tọa lạc trên một khu đất rộng bằng phẳng của thôn Bình Ba Tây, thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, nằm cách cảng Đá Bạc (Cam Ranh) khoảng 13 hải lý. Đình Bình Ba có niên đại khoảng giữa thế kỷ XIX, trải qua thời gian với những tác động của nhiều nguyên nhân đình bị hư hỏng nặng, năm 1991 trùng tu nhà tiền tế và nghi môn, năm 2009 trùng tu mái hậu điện.
ĐÌNH MỸ THANH
Đình Mỹ Thanh được xây dựng khi nào không ai còn nhớ rõ, nhưng căn cứ vào sắc phong hiện còn lưu giữ ở đình, có thể ít nhất đình ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX. Lúc đầu, đình có tên là An Mỹ và được làm bằng tranh tre nứa lá, thuộc thôn An Mỹ, huyện Vĩnh Xương.
ĐÌNH KHÁNH CAM
Đình Khánh Cam có kết cấu kiến trúc mang đậm nét kiến trúc truyền thống vùng đất Khánh Hòa; hoa văn trang trí chủ yếu bằng các họa tiết vẽ, đắp nổi các linh vật như: tứ linh, tứ quý, cảnh quan thiên nhiên sông nước, núi non sơn thủy hữu tình…
LĂNG NAM HẢI BÌNH BA
Làng Bình Ba nằm dưới chân của 3 ngọn núi chụm lại, là núi Ma Du, Hòn Cò và Mũi Nam. Truyền thuyết của ngư dân nơi đây kể lại rằng: núi Ma Du sở dĩ có tên gọi như vậy là vì xưa kia ở đây có người nấu rượu và ông ta sợ kẻ trộm tới cắp rượu nên đã đặt tên núi là “Ma Du” để hù dọa kẻ trộm khỏi lui tới; núi Hòn Cò là do chim cò thường tới đây ở, nên nhân dân gọi là Hòn Cò; núi Mũi Nam là do nằm về phía Nam của làng